8 TỈNH THÀNH QUY HOẠCH ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ TẠI VIỆT NAM: ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI GIAO THÔNG HIỆN ĐẠI

  • 22 Tháng mười, 2024
  • Quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Việt Nam giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tập trung phát triển một cách toàn diện bên cạnh các loại hình giao thông khác. Đây là một loại hình giao thông giảm phát thải ra môi trường, chở được một lượng khách lớn, giảm ùn tắc, góp phần phát triển kinh tế chung một cách bền vững. Bài viết này Sen Vàng sẽ tổng hợp quá trình quy hoạch của 8 tỉnh thành ở Việt nam giai đoạn 2021-2030.

    Một trong tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam Nhổn – Ga Hà Nội. Nguồn: Sen Vàng tổng hợp

    I. Giới thiệu chung

    1. Tổng quan về sự phát triển hạ tầng giao thông đường sắt đô thị tại Việt Nam

    Đường sắt đô thị là một thuật ngữ bao quát dùng để mô tả nhiều loại hình hệ thống đường sắt phục vụ vận chuyển hành khách trong và xung quanh các đô thị, cũng như khu vực ngoại ô. Các hệ thống này thường được phân chia thành nhiều loại khác nhau, tuy nhiên, một số tuyến hoặc hệ thống đường sắt có thể kết hợp các đặc điểm của nhiều loại hình này. Các loại đường sắt đô thị được biết đến phổ biến nhất là: xe điện mặt đất, đường sắt nhẹ, metro, monorail, đường sắt ngoại ô, cable car. 

    Tại Việt Nam đang được biết đến nhiều nhất là đường sắt đô thị Metro (trên cao và ngầm) đã và đang triển khai nhiều dự án đường sắt đô thị tại các thành phố lớn, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Mục tiêu là xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, hiệu quả, và thân thiện với môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của các đô thị. Điều đó đang đang thể hiện rõ nhất tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, các tuyến đường sắt đô thị đang hoạt động hiệu quả và rất thành công.

    Các loại hình đường sắt đô thị đang có tại Việt Nam. Nguồn: senvangdata.com

    Đây là nền tảng để các tỉnh thành có thể phát triển theo một cách hoàn thiện hơn, đặc biệt là các tỉnh gần các khu công nghiệp, vận tải và xuất khẩu. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước một cách toàn diện và tối ưu thời gian di chuyển hơn.

    2. Ý nghĩa và tầm quan trọng của đường sắt đô thị 

    Giảm ùn tắc giao thông: Đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực lên hạ tầng đường bộ, giảm tình trạng kẹt xe và ùn tắc tại các thành phố lớn bằng cách khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng thay vì xe cá nhân.

    Bảo vệ môi trường: Với khả năng vận chuyển khối lượng lớn hành khách mà không gây ra khí thải như xe máy hoặc ô tô, đường sắt đô thị giúp giảm lượng khí thải CO2, đồng thời tiết kiệm năng lượng và hạn chế tác động xấu đến môi trường.

    Kết nối liên vùng: Đường sắt đô thị không chỉ giúp kết nối các khu vực trong thành phố mà còn tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa các tỉnh thành và khu vực lân cận, thúc đẩy sự phát triển kinh tế liên vùng.

    Phát triển đô thị bền vững: Là một trong những yếu tố quan trọng trong quy hoạch đô thị hiện đại, đường sắt đô thị góp phần phát triển các khu đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo nên môi trường sống tiện nghi, an toàn và thân thiện với môi trường.

    3. Mục tiêu chính của các dự án quy hoạch đường sắt đô thị tại 7 tỉnh thành

    Ngoài Hà Nội và TP.HCM, Nhà nước đang hướng đến tập chung phát triển quy hoạch đường sắt đô thị một cách toàn diện tại các tỉnh thành ven, đặc biệt là các khu công nghiệp và vận tải. Mục tiêu chính quy hoạch các đường sắt đo thị tại các tình thành chính gồm:

    Hải Phòng: Phát triển đường sắt đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông trong nội thành, tăng cường kết nối các khu công nghiệp, cảng biển và các khu vực lân cận, hỗ trợ phát triển kinh tế và logistics.

    Bắc Ninh: Kết nối với Hà Nội và các khu công nghiệp lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công nhân và chuyên gia, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế và đô thị hóa.

    Quảng Ninh: Đường sắt đô thị giúp tăng cường kết nối du lịch giữa các điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long và các khu vực khác, phát triển hạ tầng giao thông bền vững, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

    Thừa Thiên Huế: Mục tiêu là giảm tải cho giao thông nội thành Huế, kết nối các khu vực du lịch và văn hóa, đồng thời bảo tồn và phát triển đô thị theo hướng bền vững, gắn liền với du lịch sinh thái và văn hóa.

    Đà Nẵng: Đường sắt đô thị giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thành, tăng cường kết nối với các khu du lịch, khu công nghiệp, và khu vực ngoại thành, hỗ trợ phát triển đô thị thông minh và du lịch.

    Bà Rịa-Vũng Tàu: Tăng cường kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp lớn trong tỉnh, giúp phát triển kinh tế biển, công nghiệp và du lịch, đồng thời giảm áp lực giao thông đường bộ.

    Cần Thơ: Phát triển đường sắt đô thị nhằm kết nối các khu vực nội thành với các vùng nông thôn và các tỉnh miền Tây, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao hạ tầng giao thông và giảm tải cho giao thông đường bộ trong thành phố.

    II. Danh sách 7 tỉnh thành quy hoạch đường sắt đô thị

    1. Hải Phòng

    Đối với quy hoạch đường sắt đô thị Hải Phòng, 4 tuyến chính được đề xuất nhằm tạo kết nối giữa các khu vực trọng điểm như trung tâm hành chính mới phía Bắc sông Cấm, khu đô thị hiện hữu, trung tâm đô thị mới phía Nam, các khu dịch vụ, cảng biển, khu công nghiệp, sân bay và khu thể thao. Cụ thể:

    Tuyến thẳng M1: Kết nối từ khu đô thị phía Bắc sông Cấm, qua trung tâm đô thị hiện hữu, đến trung tâm phát triển tập trung phía Nam.

    Tuyến vòng M2: Tạo liên kết giữa trung tâm phát triển phía Nam (CBD), Đình Vũ, khu đô thị hiện hữu, khu đô thị mới phía Nam và sân bay Tiên Lãng.

    Tuyến thẳng M3: Chạy theo hướng đông-tây, phía bắc đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, kết nối các khu phát triển phía Tây với khu vực phía Nam và giao với tuyến M1.

    Tuyến thẳng M4: Chạy theo hướng đông-tây, phía nam đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, kết nối khu phát triển phía Tây với khu trung tâm tài chính thương mại (CBD).

    Dự thảo nhấn mạnh ưu tiên xây dựng tuyến M1 trước năm 2030 do tầm quan trọng của tuyến này trong việc kết nối các khu vực phát triển chính như trung tâm hành chính phía Bắc, trung tâm đô thị hiện hữu và khu tài chính thương mại phía Nam. Đặc biệt, tuyến này được đề xuất kết hợp cả đi trên cao và đi ngầm qua sân bay Cát Bi, với tổng chiều dài khoảng 20 km, trong đó có 2 km đi ngầm. Giai đoạn đầu sẽ tập trung xây dựng đoạn từ khu phía Bắc sông Cấm đến ga trung chuyển phía Nam đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, dài khoảng 12 km.

    Sơ đồ quy hoạch đường sắt đô thị Hải Phòng. Nguồn: Sen Vàng tổng hợp

    2. Bắc Ninh

    Dựa trên quyết định 1369/QĐ-TTg và biên bản cuộc họp giữa Sở GTVT và Sở Xây dựng về quy hoạch đường sắt đô thị (ĐSĐT) và ga tại Bắc Ninh, phương án sơ bộ bố trí ga và depot của mạng lưới đường sắt đô thị đã được thống nhất sơ bộ quy hoạch như sau: 

    • Tuyến đường sắt đô thị số 1

    Tuyến đường sắt đô thị bắt đầu từ ga Thị Cầu hiện hữu, đi qua các tuyến đường Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ, sau đó dọc theo ĐT295B và kết thúc tại ga Yên Viên (Hà Nội). Toàn tuyến có chiều dài khoảng 21 km, dự kiến sẽ đi trên cao và bao gồm 13 ga.

    Tuyến đường sắt đô thị số 1 Thị Cầu – Yên Viên. Nguồn: senvangdata.com 

    • Tuyến đường sắt đô thị số 2

    Tuyến đường sắt bắt đầu tại nút giao vòng xuyến giữa đường H và Lạc Long Quân. Đoạn đi trên cao chuyển xuống đi ngầm dọc theo dải cây xanh bên trái đường Lạc Long Quân, kéo dài đến vị trí đảo tròn. Tuyến tiếp tục đi ngầm dưới đường Lạc Long Quân – Kinh Dương Vương, qua khu đô thị Phúc Ninh, vượt QL1A, sau đó nổi lên và chạy dọc theo dải phân cách giữa ĐT.285B theo quy hoạch. Tiếp theo, tuyến chạy dọc ĐT 287 qua các huyện Quế Võ, Tiên Du, Từ Sơn và Yên Phong. Tổng chiều dài tuyến là khoảng 52 km, gồm 37 ga và 2 depot, đặt tại xã Trung Nghĩa (huyện Yên Phong) và xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du).

    Tuyến đường sắt đô thị số 2. Nguồn: senvangdata.com 

    • Tuyến đường sắt đô thị số 3

    Tuyến đường sắt bắt đầu từ nút giao giữa ĐT.287 và QL.38, chạy dọc theo QL.38 qua huyện Tiên Du đến ranh giới huyện Thuận Thành. Tuyến có chiều dài khoảng 13 km, với 7 ga và 1 depot được đặt tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du.

    Tuyến đường sắt đô thị số 3. Nguồn: senvangdata.com 

    3. Quảng Ninh

    Giai đoạn đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ nghiên cứu xây dựng hai tuyến Monorail gồm tuyến Uông Bí – Quảng Yên dài khoảng 15 km và tuyến Uông Bí – Hạ Long – Cẩm Phả dài khoảng 80 km, theo quy hoạch chung. Sau năm 2030, tùy theo nhu cầu thực tế, tuyến Uông Bí – Hạ Long – Cẩm Phả có thể được kéo dài đến Vân Đồn, và tuyến Uông Bí – Quảng Yên sẽ mở rộng sang thành phố Hải Phòng.

    Quy hoạch xây dựng hai tuyến Monorail. (Ảnh minh họa)

    4. Thừa Thiên Huế

    Thừa Thiên Huế cũng định hướng quy hoạch tuyến đường sắt đô thị kết nối giữa các địa phương, đặc biệt là tuyến Huế – Đà Nẵng, nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế toàn diện. Tuyến này sẽ góp phần thúc đẩy các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, giải trí, thương mại, công nghiệp, và logistics. Sau năm 2030, tỉnh dự kiến phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao và tàu điện trên cao, không chỉ tăng cường kết nối giữa Huế và Đà Nẵng mà còn gắn liền với liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

    Sơ đồ quy hoạch đường sắt đô thị Thừa Thiên Huế. (Ảnh minh họa)

    Tuyến đường sắt du lịch Huế – Đà Nẵng được quy hoạch chạy song song với đoạn tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (khổ 1.000 mm), đi qua địa phận Thừa Thiên Huế với tổng chiều dài 100 km.

    Tuyến số 1 dài 15 km, kết nối từ Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài đến trung tâm đô thị hiện hữu, theo trục đường Tố Hữu nối dài.

    Tuyến số 2, với chiều dài 30 km, sẽ kết nối từ ga Huế (nơi có tuyến đường sắt tốc độ cao) đến trung tâm quận Hương Trà và đô thị Phong Điền, theo hướng đường vành đai 2 phía Đông.

    Tuyến số 3, cũng dài 30 km, nối trung tâm quận Hương Trà với khu vực ven biển Thuận An, đi qua trung tâm đô thị hiện hữu theo đường vành đai 2 phía Tây và Tây Nam.

    5. Đà Nẵng

    Theo Quy hoạch phát triển, Thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng một mạng lưới giao thông hiện đại với 2 tuyến đường sắt đô thị MRT, 11 tuyến LRT và 3 tuyến LRT phục vụ du lịch. Đồng thời, thành phố sẽ phát triển hệ thống đường sắt đô thị kết nối với Hội An và thị trấn Lăng Cô, nhằm tăng cường liên kết vùng.

    Theo kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm. Đặc biệt, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 2 tuyến MRT, 11 tuyến LRT và 3 tuyến LRT du lịch, hoặc các phương thức giao thông khác có khả năng vận chuyển tương đương.

    Một số tuyến LRT sẽ được thiết kế mở rộng trên cơ sở sử dụng quỹ đất hiện có từ tuyến đường sắt quốc gia Bắc – Nam (sau khi Ga Đà Nẵng được di dời ra khỏi khu vực trung tâm). Đồng thời, các khu vực dọc theo tuyến LRT sẽ được tái phát triển theo mô hình đô thị TOD (phát triển đô thị gắn liền với giao thông công cộng).

    Ngoài ra, thành phố còn dự kiến xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương) kết nối Đà Nẵng với Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên – Huế), góp phần thúc đẩy sự phát triển và liên kết vùng một cách bền vững.

    Sơ đồ quy hoạch đường sắt đô thị Thừa Thiên Huế. Nguồn: Sen Vàng tổng hợp

    6. Bà Rịa-Vũng Tàu

    Theo Dự thảo quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh dự kiến đầu tư xây dựng ba tuyến đường sắt đô thị, bao gồm hai tuyến monorail và một tuyến metro.

    Tuyến metro số 1 sẽ chạy dọc theo đường ven biển quanh nội thành TP. Vũng Tàu, bắt đầu từ ngã ba Trần Phú – Lê Lợi – Nguyễn An Ninh và đi qua các con đường Nguyễn An Ninh, Thùy Vân, Hạ Long, Quang Trung, tạo thành vòng khép kín dài khoảng 20 km. Tuyến phục vụ nhu cầu di chuyển của du khách tắm biển và dạo chơi ven biển, với địa hình chủ yếu bằng phẳng, ngoại trừ hai đoạn dốc lớn giữa Thùy Vân và Hạ Long. Hai depot sẽ được bố trí tại ngã tư Trần Phú – Lê Lợi – Nguyễn An Ninh (3.700 m²) và ngã tư đường 2/9 (6.000m²), chung với tuyến số 2.

    Tuyến metro số 2 sẽ kết nối nội đô TP. Vũng Tàu với thị trấn Long Hải, bắt đầu từ Vòng Xoay Lê Hồng Phong, đi qua các tuyến đường 3/2 (QL 51C), 2/9 (QL 51B), cầu Cửa Lấp và đường ven biển ĐT 994, kéo dài khoảng 65 km. Tuyến phục vụ chủ yếu khách du lịch giữa TP. Vũng Tàu và Long Hải, với khả năng kéo dài thêm 25 km dọc theo ĐT 994 để kết nối các khu du lịch Phước Hải và Hồ Tràm. Depot sẽ đặt tại ngã tư đường 2/9 (chung với tuyến số 1) và một depot khác tại thị trấn Phước Hải, rộng 4.000m².

    Tuyến số 3 là tuyến metro kết nối Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ và Long Thành, giúp tạo ra một hành lang đô thị động lực phía tây của tỉnh. Tuyến này sẽ kết nối các khu công nghiệp và đô thị lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển vùng và giao thông.

    Trong tương lai, khi các dự án hạ tầng như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, vành đai 4 và tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thiện, có thể xem xét mở rộng dải phân cách QL 51 để phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Trong giai đoạn đầu, tỉnh sẽ đầu tư vào các đoàn tàu khách chất lượng cao trên tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu nhằm thúc đẩy du lịch và phục vụ các khu công nghiệp dọc QL 51, kết nối với sân bay Long Thành và TP.HCM qua đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và đường sắt cao tốc Thủ Thiêm – Nha Trang.

    Sơ đồ định hướng phát triển giao thông Bà Rịa-Vũng Tàu. Nguồn: Sen Vàng tổng hợp

    7. Cần Thơ

    Theo Dự thảo quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố dự kiến triển khai xây dựng ba tuyến đường sắt đô thị.

    Các tuyến này sẽ được thiết kế trên cao và bố trí dọc theo các trục đường chính trong đô thị, nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách kết nối toàn thành phố. Những tuyến đường này có lộ giới từ 37 đến 80 mét, với dải phân cách trung tâm tối thiểu 4 mét, đủ rộng để bố trí hệ thống đường sắt đô thị trên cao.

    Tuyến đường sắt TP.HCM-Cần Thơ, tiền đề phát triển đường sắt đô thị Cần Thơ. Nguồn: Sen Vàng tổng hợp

    Tuyến thứ nhất chạy trên cao dọc theo đường vành đai phía tây của thành phố, kết nối các trung tâm đô thị tại các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt và khu vực đô thị công nghiệp Vĩnh Thạnh, phục vụ nhu cầu vận tải hành khách.

    Tuyến thứ hai chạy trên cao, dọc theo quốc lộ 91, trong đó có đoạn đi trùng với đường vành đai phía tây thành phố. Tuyến này kết nối các trung tâm đô thị tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, và Thốt Nốt, góp phần vào việc vận chuyển hành khách giữa các khu vực đô thị.

    Tuyến thứ ba chạy trên cao và dọc theo quốc lộ 91B, phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách giữa các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, và Ô Môn.

    Theo quy hoạch, ba dự án đường sắt đô thị sẽ được triển khai sau năm 2030. Thành phố cũng sẽ xem xét đầu tư các tuyến xe điện trên mặt đất tùy thuộc vào tốc độ phát triển giao thông đô thị và nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng. Những tuyến này sẽ được quy hoạch dọc theo các đường vành đai và các trục giao thông chính để kết nối các trung tâm đô thị theo phân khu quy hoạch của từng quận.

    8. Quảng Nam

    Vào tháng 4/2023, Đà Nẵng và Quảng Nam đã thống nhất về hướng tuyến đường sắt đô thị dài 100 km, kết nối từ sân bay Đà Nẵng đến cảng hàng không Chu Lai, Quảng Nam. Dự án tàu điện ngầm hiện đại (LRT/MRT) này, nhằm tăng cường sự liên kết giữa TP. Đà Nẵng và Quảng Nam, đang được Sở Giao thông Vận tải hai địa phương phối hợp nghiên cứu và triển khai. Mục tiêu là khởi công vào năm 2025, sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị từ nay đến năm 2024.

    Dự án này được đề xuất bổ sung vào hồ sơ quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, tuyến đường sắt sẽ chạy dọc theo trục đường Trần Đại Nghĩa từ Đà Nẵng, sau đó tiến vào Quảng Nam dọc theo đường ĐT 607 (Trần Thủ Độ) và tuyến quy hoạch phía Đông ven sông Vĩnh Điện, băng qua sông Thu Bồn. Tiếp theo, tuyến sẽ theo đường tránh thị trấn Nam Phước, đường nối quốc lộ 14H với đường Võ Chí Công (tại nút giao Bình Sa), và tiếp tục chạy dọc đường Võ Chí Công đến sân bay Chu Lai. Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng cũng đồng thuận với hướng tuyến này, đồng thời sẽ điều chỉnh nếu cần sau khi nhận được ý kiến từ Sở Xây dựng và các địa phương liên quan.

    Dự án đường sắt đô thị kết nối kết nối từ sân bay Đà Nẵng đến cảng hàng không Chu Lai. Nguồn: Sen Vàng tổng hợp

    III. Kết luận

    Quy hoạch đường sắt đô thị tại 7 tỉnh thành của Việt Nam là bước tiến chiến lược trong việc định hình tương lai giao thông hiện đại và bền vững. Với sự phát triển hạ tầng giao thông công cộng này, các thành phố lớn sẽ giảm tải ùn tắc, nâng cao chất lượng di chuyển, và cải thiện môi trường sống. Đây không chỉ là giải pháp thiết yếu để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và tăng trưởng dân số, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giúp Việt Nam từng bước tiếp cận với mô hình đô thị hiện đại của thế giới.

    Trên đây là những thông tin tổng quan về “8 Tỉnh Thành Quy Hoạch Đường Sắt Đô Thị tại Việt Nam: Định Hình Tương Lai Giao Thông Hiện Đại do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thêm những thông tin về một trong những tiêu chí cần cân nhắc, xem xét trước khi đầu tư. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về tư vấn phát triển dự án, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web https://senvangdata.com.vn/. 

    ————————–

    Dịch vụ tư vấn Báo cáo phát triển bền vững: Xem chi tiết

    Xem thêm các dịch vụ / tài liệu khác của Sen Vàng : 

    Dịch vụ tư vấn  

    Tài liệu

    Báo cáo nghiên cứu thị trường

    ————————–

    Khóa học Sen Vàng: 

    Xây dựng tiêu chí lựa chọn Bất động sản

    Khóa học R&D – Nghiên cứu và phát triển bất động sản

    Hoạch định chiến lược đầu tư bất động sản cá nhân 

    —————————

    Bất động sản Sen Vàng – Đơn vị tư vấn phát triển dự án bất động sản uy tín, chuyên nghiệp Việt Nam

    Website: https://senvanggroup.com/

    Website: https://senvangdata.com/

    Youtube: https://tinyurl.com/vt82l8j

    Hotline: 0948 48 48 59

    Group cộng đồng Kênh đầu tư Sen Vàng : https://zalo.me/g/olgual210

    #senvanggroup #senvangrealestate #kenhdautusenvang  #dịch_vụ_tư_vấn_phát_triển_dự_án #thị_trường_bất_động_sản_2023 #phat_triển_dự_án #tư_ vấn_chiến _ lược_kinh_doanh #xây_dựng_kế_hoạch_phát_triển #chiến_lược_tiếp_thị_dự_án

     

    Thẻ : Quảng Ninh, dự án trọng điểm bà rịa vũng tàu, khóa học bất động sản, quy hoạch dự án trọng điểm thành phố hải phòng, Đường sắt đô thị, hạ tầng giao thông thành phố hải phòng, nghiên cứu bất động sản, bắc ninh, các tuyến đường sắt, Hạ tầng giao thông Thừa Thiên Huế, Hạ tầng giao thông Đà nẵng, Bản đồ quy hoạch tỉnh Đà Nẵng, Bản đồ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, senvanggroup, truyền thông bất động sản, senvangdata, quy hoạch tỉnh bà rịa vũng tàu,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!