Dự án “Siêu sân bay” Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng vốn đầu tư gần 20 tỉ USD tại Việt Nam được Chính phủ phê duyệt khởi công từ tháng 1/2021 nhằm hỗ trợ giảm thiểu quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời quy hoạch phát triển toàn diện kinh tế – xã hội Đồng Nai nói riêng và miền Nam Việt Nam nói chung. Bài viết này Sen Vàng sẽ cung cấp tổng quan về tình hình phát triển dự án sân bay Long Thành qua những phân tích dưới đây.
Lý do cần xây dựng sân bay quốc tế Long Thành
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang là sân bay quốc tế duy nhất khai thác đường bay quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam Việt Nam, là khu vực kinh tế nhộn nhịp nhất cả nước. Sân bay với tổng công suất thiết kế khoảng 25 triệu hành khách/năm, tuy nhiên theo số liệu thông kê cho thấy hằng năm sản lượng vận chuyển của sân bay trên cả hai ga quốc nội và ga quốc tế. Dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 50 triệu hành khách, điều này dẫn đến sự quá tải cho sân bay cũng như gây ùn tắc ảnh hưởng đến kinh tế khu vực.
Tỉ lệ hành khách tăng lên theo từng năm (Nguồn: Sen vàng tổng hợp)
Sân bay Tân Sơn Nhất có vị trí trong nội đô đông đúc, gây khó khăn cho việc mở rộng và đảm bảo an toàn bay. Lượng hành khách tăng vượt công suất, đòi hỏi một sân bay lớn hơn để đáp ứng nhu cầu di chuyển và cạnh tranh kinh tế khu vực. Do đó, việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Tổng quan về dự án
1. Thông tin dự án sân bay quốc tế Long Thành
Theo nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được ban hành năm 2015. Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được phê duyệt.
Vị trí sân bay nằm tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP.HCM khoảng 40 km về phía đông bắc.
Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD theo mức giá năm 2014). Trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Nhà nước giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư chính cho dự án. Ngoài ra, dự án sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn, bao gồm: Ngân sách nhà nước; Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); Vốn từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành hàng không; Vốn doanh nghiệp tư nhân; Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Các nguồn vốn hợp pháp khác.
Công suất thiết kế khoảng 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Tổng diện tích đất xây dựng là 5.000 ha, bao gồm: 2.750 ha để xây dựng hạ tầng chính cho cảng hàng không; 1.050 ha dành cho mục đích quốc phòng và 1.200 ha quy hoạch cho các hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và các công trình thương mại khác.
Thời gian khởi công giai đoạn 1 dự kiến vào năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Dự án được chia thành nhiều giai đoạn, với công suất tối đa dự kiến đạt sau năm 2050.
Toàn cảnh dự án sân bay Long Thành (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
2. Vị trí địa lý
Sân bay Long Thành nằm dọc theo cao tốc Long Thành – Dầu Giây, tại nút giao giữa đường DT769 và tuyến cao tốc này, thuộc khu vực quy hoạch của dự án. Với tổng diện tích khoảng 5.000 ha, sân bay này lớn gấp 6 lần so với Sân bay Tân Sơn Nhất. Khu vực dự án bao gồm 6 xã: Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Phước Long và Suối Trầu, trong đó Suối Trầu là trung tâm. Sân bay cách TP. HCM khoảng 40 km về phía đông, cách Biên Hòa 30 km về phía đông nam và cách Bà Rịa – Vũng Tàu 70 km về phía bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông kết nối.
Việc tọa lạc tại vị trí chiến lược như vậy, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của khu vực phía Nam mà còn có khả năng kết nối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và các châu lục khác. Với lợi thế gần các trục giao thông quan trọng, sân bay này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, đồng thời trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Vị trí địa lý phù hợp di chuyển đến các nước trên thế giới. (Nguồn: Sen vàng tổng hợp)
3. Yếu tố xây dựng sân bay tại khu vực Đồng Nai
Vị trí: Khu vực Long Thành có địa hình và địa chất thuận lợi, với mặt bằng tương đối phẳng và không quá phức tạp, rất phù hợp cho việc xây dựng sân bay. Nằm gần các nguồn vật liệu lớn, đảm bảo cung cấp đủ và thuận tiện cho công trình xây dựng. Khí hậu ở đây ổn định, ít gặp thiên tai và bão lũ, với hai mùa gió chủ yếu là Đông Bắc và Tây Nam.
Môi trường xã hội: Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, không tồn tại xung đột tôn giáo hay sắc tộc có thể làm mất an ninh xã hội hoặc gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, giúp bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành hàng không. Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng đánh giá cao tiềm năng khu vực phía nam của Việt Nam trong việc phát triển một cảng hàng không trung chuyển, phục vụ cho các liên minh hàng không.
Quy hoạch sân bay Long Thành
Mục tiêu 2030
1. Quy hoạch kết nối giao thông
Để đảm bảo Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoạt động hiệu quả, Bộ Giao thông Vận tải cùng với TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu,, Bình Dương và Đồng Nai đã thống nhất quy hoạch hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành gồm những mạng lưới tuyến đường chính, bao gồm:
Đường bộ
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây: Gồm 4 làn xe với quãng đường dài 55km, mục đích chính kết nối TP HCM với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Hiện nay, với lưu lượng giao thông ngày càng lớn, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt mở rộng thêm 8 làn xe vào năm 2025 từ nút giao An Phú (quận 2, TP HCM) đến huyện Long Thành (Đồng Nai) dài 24km, kế hoạch lên 10 làn vào năm 2040.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành: Được khởi công từ tháng 7 năm 2014, tuyến đường cao tốc dài 47 km đi qua các tỉnh Long An, TP HCM và Đồng Nai, tổng mức đầu tư lên tới 31.000 tỷ đồng, được tài trợ bởi ADB và Cơ quan phát triển quốc tế Nhật bản (JICA). Tuyến đường này kết nối cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, đặc biệt giảm tải cho cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết: Quy mô gồm 6 làn xe kết nối hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, điểm đầu tại đoạn nối từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh, điểm cuối nối cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuyến đường này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, kết nối với trục cao tốc Bắc – Nam. Tuyến đường này hứa hẹn thu hút thêm các nguồn đầu tư, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng du lịch biển của khu vực Nam Trung Bộ và liên kết chặt chẽ với khu vực kinh tế phía Nam, đặc biệt là sân bay Long Thành.
Cao tốc biên Hòa – Vũng Tàu: Tuyến đường được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, có tổng chiều dài 77,8km. Tuy nhiên, Chính phủ đã quyết định tách đoạn tuyến từ nút giao Vũng Vằn (TP Bà Rại) đến nút giao thông ven biển (TP Vũng tàu) ra khỏi dự án. Tổng chiều dài còn lại là 69km, với sáu làn xe, thời gian thu phí dự kiến là 23 năm. Việc xây dựng Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 51, vốn đang chịu nhiều áp lực.
Cao tốc Dầu Giây – Đà lạt: Tuyến đường dài hơn 200km bắt đầu từ thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đến đầu đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), chia làm ba dự án thành phần gồm dự án Dầu Giây đến Tân Phú dài 60km đi qua ba huyện Định Quán, Thống Nhất và Tân Phú gồm 4 làn xe, thiết kế tốc độ di chuyển từ 80 đến 100km/h. Dự án Tân Phú đi Bảo Lộc dài 67km đi qua các huyện Tân Phú, Đa Huoai, Đạ Terl, Bảo Lâm Và TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) với thiết kế tốc độ tối đa là 80km/h với chiều rộng đường là 17m. Dự án thành phần còn lại từ Bảo Lộc đến Liên Khương dài 73km được thiết kế bốn làn xe với tốc độ tối đa 100km/h. Tuyến được giao thông này sẽ kết nối miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên trở nên thuận lợi hơn, hạn chế mật độ di chuyển cho quốc lộ 20 đồng thời rút ngắn thời gian đi lại giữa hai khu vực.
Kết nối sân bay Long Thành với Quốc lộ 51 và cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây qua đường T1 với tổng chiều dài 3,8km từ điểm đầu cổng phía Tây cổng phía tây sân bay Long Thành kết nối cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, quốc lộ 51 và điểm cuối khớp nối tỉnh lộ 25C và đường T2 với tổng chiều dài 3,5km chạy độc lập, song hành cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Đây là tuyến kết nối đường T1 với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Mạng lưới các tuyến đường cao tốc chính kết nối sân bay Long Thành (Nguồn: Sen vàng tổng hợp)
Ngoài 5 đường cao tốc kết nối chính với sân bay Long Thành, Bộ giao thông Vận tải và Đồng Nai cũng đã quy hoạch nhiều dự án giao thông vệ tinh kết nối sân bay như: Hệ thống đường Vành đai 3, 4; Tỉnh lộ 25C (đường Nguyễn Ái Quốc); Đường Tôn Đức Thắng. Những dự án này sẽ góp phần tăng cường kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế cho khu vực.
Đường sắt:
Đường sắt Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Tuyến đường này sẽ đi ngầm ở khoảng giữa dọc theo đường trục chính của sân bay Long Thành, được bố trí ga S19 nằm trong khoảng giữa cụm nhà ga T1 và T2, ga S20 trong khoảng giữa cụm nhà ga T3 và T4).
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: Tuyến đường sắt đi ngầm ở khoảng giữa dọc theo đường trục chính của sân bay Long Thành, bố trí 1 ga hành khách (ga Long Thành) nằm trong khoảng giữa cụm nhà ga T1 và T2).
Các tuyến đường giao thông khu vực sân bay. (Nguồn: Sen vàng tổng hợp)
2. Quy hoạch sân bay Long thành và các khu vực lân cận
Theo quy hoạch do Viện Nghiên cứu Thiết kế Đô thị Hà Nội đề xuất, khu vực Long Thành sẽ phát triển thành ba khu đô thị chính bao gồm Long Thành, Phước Thái và Bình Sơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Quy hoạch này định hướng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng thời thúc đẩy kinh tế và xã hội cho khu vực, với mục tiêu biến Long Thành trở thành trung tâm đô thị quan trọng, gắn liền với các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành và hệ thống giao thông chiến lược.
Khu đô thị Long Thành sẽ được nâng cấp lên thành thị xã trong giai đoạn 2020-2030, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ cho vùng. Khu đô thị Phước Thái sẽ được định hướng phát triển thành một đô thị chuyên biệt, tập trung phục vụ khu cảng biển thuộc nhóm 5 sông Thị Vải, thúc đẩy hoạt động thương mại và vận tải biển. Trong khi đó, khu đô thị Bình Sơn sẽ phát triển thành khu dân cư liền kề sân bay, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo kế hoạch của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, khu vực xung quanh sân bay Long Thành sẽ được phân chia thành 5 khu vực chức năng dựa trên khoảng cách từ sân bay và mục đích sử dụng, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa giữa các chức năng, từ hỗ trợ sân bay đến dịch vụ, dân cư và du lịch cho khu vực này.
Khu vực 1 bao gồm các cơ sở hỗ trợ như kho trung chuyển, khu công nghiệp, và khu logistics, được quy hoạch nằm cách sân bay Long Thành khoảng 5-7 km. Đây là khu vực quan trọng giúp hỗ trợ hoạt động vận tải và lưu trữ hàng hóa liên quan đến sân bay.
Khu vực 2 sẽ phát triển các khu dân cư hiện hữu, khu đô thị thông minh, khu tái định cư và thành phố sân bay, với diện tích dự kiến khoảng 15.000 ha. Khu vực này sẽ kết nối từ 3 đến 4 đô thị thành một cụm, tạo ra không gian sinh sống và làm việc hiện đại.
Khu vực 3 được quy hoạch cho các dịch vụ thương mại lớn, bao gồm khu giải trí, khu thương mại tự do và các dịch vụ hỗ trợ hàng không, với diện tích ước tính khoảng 5.000 ha, tọa lạc ngay tại cửa ngõ sân bay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế dịch vụ.
Khu vực 4, với diện tích khoảng 2.000 ha, được định hướng cho các hoạt động du lịch, dịch vụ và thể thao, nằm cách sân bay khoảng 10 km. Đây sẽ là khu vực phục vụ cho nhu cầu giải trí và nghỉ dưỡng.
Khu vực 5 sẽ đóng vai trò là vùng đệm cho sân bay, bao gồm các không gian xanh, khu vực cách ly, và các khu vực dành cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng.
Quy hoạch sân bay Long thành và các khu vực lân cận (Nguồn: Sen vàng tổng hợp)
3. Thời gian và lộ trình thực hiện
Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được ký vào năm 2015 đã nêu rõ dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ triển khai theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường băng và một nhà ga hành khách, cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, đạt công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Mục tiêu là hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất vào năm 2025.
Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường băng cấu hình mở cùng một nhà ga hành khách, nhằm nâng công suất lên 50 triệu hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Giai đoạn 3: Hoàn thiện toàn bộ các hạng mục của dự án để đạt mục tiêu phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Đánh giá chung
Tiến độ phát triển dự án hiện nay
Các hạng mục trong dự án thành phần 2 đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Phần thô bê tông cốt thép đã hoàn thành 100%, và đang chuẩn bị triển khai lắp dựng kết cấu thép, vượt kế hoạch dự kiến trước 2 tháng.
Trạm radar sơ cấp/thứ cấp cùng trạm phát sóng vô tuyến đã hoàn tất phần thô của nhà kỹ thuật và trạm nguồn. Hiện nay, công tác xây, trát và hoàn thiện đang được triển khai, đồng thời lắp đặt ống luồn dây PVC cho hệ thống điện và điện nhẹ. Việc thi công đã tiến đến tầng mái của tháp radar, hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc.
Trạm thu sóng vô tuyến và trạm giám sát phụ thuộc cũng đã hoàn thành phần thô của nhà kỹ thuật và trạm nguồn. Công trình hiện đang tiến hành thi công nhà bảo vệ và bể PCCC, xây, trát, và lắp đặt hệ thống điện, cùng với việc gia công và lắp dựng cốt thép sàn tầng trệt của tháp Ăng ten, đạt khoảng 75% tiến độ.
Trạm radar khí tượng đã hoàn tất toàn bộ phần thô của nhà kỹ thuật, trạm nguồn và bê tông cốt thép cho các bể ngầm. Công việc xây, trát và hoàn thiện đang tiếp diễn, cùng với việc lắp đặt hệ thống điện, và gắn bulong cho hệ kết cấu thép của tháp Ăng ten. Hiện dự án đạt khoảng 80% tiến độ.
Đài dẫn đường DVOR/DME đã hoàn thành thi công các bể ngầm, đang lấp đất và đầm chặt. Tiếp theo, công trình đang gia công và lắp dựng ván khuôn, cốt thép cho nhà kỹ thuật, trạm nguồn, phòng thiết bị, và hàng rào, với khoảng 40% khối lượng công việc đã hoàn thành.
Đặc biệt, trong dự án thành phần 3, nhà ga hành khách đã hoàn tất phần móng, vượt tiến độ phần thô 20 ngày và tổng thể 10 ngày. Đường cất hạ cánh đã cơ bản hoàn thiện phần nền móng, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng.
Hiện tại, tại công trường dự án xây dựng sân bay Long Thành, có gần 4.000 kỹ sư, công nhân và chuyên gia cả trong nước lẫn quốc tế, cùng với hơn 2.000 máy móc đang làm việc liên tục để dự án diễn ra một cách thuận lợi nhất.
Nhà ga hành khách được xem là trái tim của sân bay đã thành hình rõ rệt và đang gấp rút hoàn thành các hàng mục dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2026. (Nguồn: Sen vàng tổng hợp)
Đường cất, hạ cánh của sân bay dài 4km cũng đang đăng tốc xây dựng. (Nguồn: Sen vàng tổng hợp)
Tác động của dự án đến phát triển kinh tế – xã hội
Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành được xem là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau cũng như tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động xung quanh khu vực. Sân bay sẽ kích thích sự phát triển của ngành vận tải và logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vận tải hàng không, qua đó thúc đẩy ngành logistics phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, với khả năng kết nối quốc tế, sân bay sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách, thúc đẩy ngành du lịch và các dịch vụ liên quan phát triển.
Ngoài ra, sự hiện diện của sân bay còn tạo cơ hội thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao và các khu công nghiệp, mở ra nhiều cơ hội việc làm và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Kết nối khu vực cũng sẽ được tăng cường, hỗ trợ sự phát triển của các ngành sản xuất, thương mại và dịch vụ trong vùng. Cuối cùng, dự án sân bay sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, khi nhu cầu về đất đai và tài sản xung quanh sân bay tăng cao, kéo theo giá trị bất động sản tăng nhanh.
Triển vọng phát triển
Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất nước ta trong tương lai. Với vai trò là một trong những trung tâm hàng không hàng đầu khu vực, sân bay sẽ thu hút lượng lớn du khách quốc tế và nội địa, từ đó tạo ra nguồn thu ổn định từ các dịch vụ hàng không và các hoạt động thương mại liên quan, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế quan trọng trong khu vực ĐÔng Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung. Sân bay Long Thành dự kiến sẽ đóng góp vào quy mô GDP Việt Nam năm 2030 khoảng 0,98%, tạo ra 200.000 việc làm và có ý nghĩa lan tỏa tới tổng thể kinh tế-xã hội nước ta.
Ngoài ra, sân bay Long Thành sẽ góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại đang ngày càng gia tăng, đặc biệt khi sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải. Với công suất thiết kế lên tới hàng trăm triệu lượt khách mỗi năm, dự án sẽ giúp giảm tải cho hệ thống giao thông hàng không hiện tại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, kết nối quốc tế và trong nước. Nhờ vậy, không chỉ nâng cao trải nghiệm của hành khách, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành hàng không và nền kinh tế quốc gia.
Dự án “siêu sân bay” Quốc tế Long Thành đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế của Việt Nam. Đây không chỉ là một công trình trọng điểm về hàng không, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho nhiều ngành nghề khác. Với mục tiêu trở thành một trung tâm hàng không quốc tế lớn của khu vực, sân bay Long Thành không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng triệu lượt hành khách mỗi năm mà còn góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ hàng không toàn cầu. Tầm nhìn này sẽ không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà còn gia tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững và toàn diện của nền kinh tế quốc gia.
Trên đây là những thông tin tổng quan về “Dự án “Siêu sân bay” Cảng hàng không quốc tế Long Thành – Tầm nhìn và mục tiêu quy hoạch đến năm 2030” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên có thể giúp cho các doanh nghiệp bắt kịp được những xu hướng trong thời đại mới. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về vùng, tỉnh bạn đọc có thể truy cập trang web senvanggroup.com. |
————————–
Dịch vụ tư vấn Báo cáo phát triển bền vững: Xem chi tiết
Xem thêm các dịch vụ / tài liệu khác của Sen Vàng :
————————–
Khóa học Sen Vàng:
Xây dựng tiêu chí lựa chọn Bất động sản
Khóa học R&D – Nghiên cứu và phát triển bất động sản
Hoạch định chiến lược đầu tư bất động sản cá nhân
—————————
Bất động sản Sen Vàng – Đơn vị tư vấn phát triển dự án bất động sản uy tín, chuyên nghiệp Việt Nam
Website: https://senvanggroup.com/
Website: https://senvangdata.com/
Youtube: https://tinyurl.com/vt82l8j
Hotline: 0948 48 48 59
Group cộng đồng Kênh đầu tư Sen Vàng : https://zalo.me/g/olgual210
#senvanggroup #senvangrealestate #kenhdautusenvang #dịch_vụ_tư_vấn_phát_triển_dự_án #thị_trường_bất_động_sản_2023 #phat_triển_dự_án #tư_ vấn_chiến _ lược_kinh_doanh #xây_dựng_kế_hoạch_phát_triển #chiến_lược_tiếp_thị_dự_án
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP