Tổng quan về Quy hoạch khu Kinh Tế Cửa Khẩu Việt Nam

  • 20 Tháng mười hai, 2023
  • I, Giới thiệu

    Khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam là một không gian kinh tế xác định, gắn với cửa khẩu quốc tế hay cửa khẩu chính của quốc gia, có dân cư sinh sống và được áp dụng những cơ chế, chính sách phát triển đặc thù, phù hợp với đặc điểm từng địa phương sở tại nhằm mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao nhất dựa trên việc qui hoạch, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững các nguồn lực, do Chính phủ hoặc Thủ tướng quyết định thành lập.

    khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam
    30 khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam

    Cửa khẩu là một trong những khu vực có vai trò quan trọng và mật thiết đối với quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những hiểu biết sâu sắc về vùng kinh tế trọng yếu này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý vị và các bạn không chỉ một số kiến thức tổng quan mà còn là những thông tin vô cùng bổ ích được cập nhật mới nhất về Quy hoạch vùng kinh tế cửa khẩu tại Việt Nam. 

    Cửa khẩu Hữu Nghị - tỉnh Lạng Sơn
    Cửa khẩu Hữu Nghị – tỉnh Lạng Sơn

    Theo Điểm b Khoản 7 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế: Khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế hình thành ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận khu vực biên giới đất liền có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính. Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.

    Hiện nay, có 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được thủ tướng phê duyệt để tập trung ngân sách đầu tư giai đoạn 2021-2025:

    Miền Bắc: khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai), khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, chiếm số lượng lớn nhất.

    Miền Trung gồm 2 khu kinh tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh) và khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị).

    Miền Nam: khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang. 

    II. Các quy định về quy hoạch cửa khẩu

    Nghị định 34/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 112/2014/NĐ-CP, trong đó quy định về quy hoạch cửa khẩu như sau:

    Quy hoạch cửa khẩu, xây dựng, phát triển hệ thống cửa khẩu phải căn cứ tình hình từng tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, từng địa phương, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, được định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch.

    Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia và quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khi cần thiết.

    Bộ Ngoại giao:

    • Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế tổ chức xây dựng, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới, gồm: Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Lào, Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia theo trình tự quy định tại Phụ lục I của Nghị định 112/2014/NĐ-CP;
    • Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nêu tại điểm a khoản 3 Điều 18 Nghị định 112/2014/NĐ-CP và các địa phương liên quan lập, thẩm định quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo trình tự quy định tại Phụ lục I của Nghị định 112/2014/NĐ-CP;
    • Tổ chức công bố, cung cấp thông tin quy hoạch; tổ chức thực hiện, đánh giá và đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định 112/2014/NĐ-CP và quy định có liên quan của Luật Quy hoạch.

    III. Nguyên tắc, thẩm quyền mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới

    • Nguyên tắc mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới.

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 112/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 11 Điều 1 Nghị định 112/2014/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 31/07/2023) cửa khẩu biên giới muốn nâng cấp thì phải tuân thủ nguyên tắc, như sau:

    • Được sự thống nhất của chính quyền cấp tỉnh có cửa khẩu hai bên; sự đồng ý của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước láng giềng hoặc do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định mở theo quy định của Nghị định 112/2014/NĐ-CP 
    • Phù hợp với thỏa thuận song phương về phát triển cửa khẩu giữa Việt Nam và nước láng giềng; nằm trong quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia.

    Trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ quyết định mở, nâng cấp cửa khẩu không nằm trong quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia để đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội hoặc phục vụ yêu cầu cấp thiết khác;

    • Đảm bảo yếu tố chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia và quốc phòng an ninh, đối ngoại;
    • Đảm bảo các tiêu chí chung quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định 112/2014/NĐ-CP.
    • Thẩm quyền mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới.

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 112/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm c khoản 11 Điều 1 Nghị định 34/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 31/07/2023) như sau:

    • Chính phủ quyết định việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và mở lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
    • Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thực hiện việc mở cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan và được sự đồng ý của Chính phủ.

    IV. Vai trò của QH khu kinh tế cửa khẩu.

    • Với kinh tế – xã hội: 

    Tự do mở cửa khẩu và sự linh hoạt trong quy hoạch cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội cả ở trong và ngoài nước. Cửa khẩu không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa và dịch vụ mà còn là điểm nối giữa các quốc gia, tạo nền tảng cho sự hợp tác quốc tế và giao lưu văn hóa.

    Quy hoạch cửa khẩu hỗ trợ tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư. Việc mở cửa khẩu không chỉ giúp nâng cao sản lượng, hiệu suất sản xuất mà còn đa dạng hóa nguyên liệu và và thị trường tiêu thụ mới cho các doanh nghiệp. Đồng thời, sự đa dạng hóa kinh tế trong khu vực cửa khẩu có thể dẫn đến sự phát triển bền vững và ổn định lâu dài cho toàn đất nước. Đối với nước ngoài, họ có thể hưởng lợi từ việc dễ dàng xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực.

    Khu kinh tế cửa khẩu không chỉ tác động đến kinh tế mà còn ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội. Một trong những đóng góp lớn của vùng kinh tế cửa khẩu mà ta dễ dàng nhận thấy là cải thiện chất lượng cuộc sống người dân sinh sống ở khu vực đó đ(bao gồm cả người nước ngoài) bằng cách tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, từ đó gia tăng thu nhập. Sự đa dạng về nguồn nhân lực cũng có thể giúp nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế. Ngoài ra, sự phát triển của các ngành dịch vụ như du lịch và thương mại dịch vụ tại các khu vực cửa khẩu cũng mang lại doanh thu lớn và giao lưu văn hóa cho cộng đồng.

    • Với an ninh quốc phòng 

    Hình thành các khu kinh tế cửa khẩu không chỉ làm tăng cường tiềm năng kinh tế mà còn thu hút sự chú ý của dân cư, tạo nên những khu đô thị biên giới sôi động. Sự hấp dẫn này đưa đến sự di cư đến làm ăn, sinh sống, từ đó hình thành những khu tập trung dân cư mới. Đô thị biên giới, nhờ vào sự phát triển của các khu kinh tế cửa khẩu, đóng góp tích cực vào tiềm lực kinh tế và quốc phòng tại tuyến biên giới.

    Những thay đổi tích cực trong đời sống của nhân dân tại các khu kinh tế cửa khẩu không chỉ đến từ cơ hội làm ăn mà còn do sự đầu tư của chính quyền. Những cải thiện này tạo ra lòng tin mạnh mẽ về sự quan tâm của chính quyền đối với nhân dân và về các chính sách của Đảng và Nhà nước.

    Đồng thời, sự phát triển của các khu kinh tế cửa khẩu cũng mang lại lợi ích cho các lực lượng an ninh, bảo vệ biên giới. Các lực lượng công an, hải quan, và biên phòng tại khu vực này được tăng cường năng lực và trang thiết bị, giúp nâng cao hiệu suất hoạt động. Điều này không chỉ đảm bảo an ninh và chủ quyền quốc gia mà còn góp phần vào công tác quốc phòng, tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức an ninh hiện đại. 

    V. Nội dung quy hoạch của 6 khu kinh tế cửa khẩu lớn 

    • Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn 

    1.1. Giới thiệu khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn:

    Theo Quyết định số 138/2008/QĐ-TTg, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn chiếm một phạm vi không gian rộng lớn, bao gồm nhiều địa phương quan trọng trong tỉnh Lạng Sơn. Khu vực này bao trùm thành phố Lạng Sơn, một phần của huyện Cao Lộc bao gồm thị trấn Cao Lộc và các xã Thụy Hùng, Phú Xá, Hồng Phong, Tân Liên, Song Giáp, cùng một phần xã Bình Trung. Ngoài ra, còn liên kết với một phần huyện Văn Lãng, bao gồm các xã Tân Thanh, Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, một phần huyện Chi Lăng với xã Vân An, và một phần huyện Văn Quan với xã Đồng Giáp.

    Sau khi được thành lập, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trực thuộc sự quản lý của chính quyền tỉnh Lạng Sơn. Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập vào tháng 11 năm 2008, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, phát triển và quản lý hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu trong khu vực.

    Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được quy hoạch thành một nút trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng, thành một động lực kinh tế của tỉnh Lạng Sơn, vùng Đông Bắc Việt Nam, và sau năm 2010 trở thành một cực của Tứ giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh). Hiện chính phủ Việt Nam có kế hoạch xây dựng Khu Hợp tác kinh tế biến giới Đồng Đăng – Bằng Tường như một phân khu chủ đạo trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn tập trung và trở thành cửa khẩu biên giới lớn nhất. 

    1.2. Lịch Sử và Phát Triển:

    Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã trải qua một hành trình lịch sử hình thành và phát triển đầy tích cực, là đóng góp quan trọng vào sự hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Xuất phát từ những nỗ lực chung của hai quốc gia trong thập kỷ trước, khu vực này nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại quốc tế có vị trí chiến lược.

    Trong giai đoạn đầu của sự hình thành, chính quyền Việt Nam đã chủ động đề xuất và triển khai kế hoạch phát triển cho khu kinh tế cửa khẩu này từ những năm 2000. Điều này bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc như đường sắt, đường bộ, cảng biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu.

    Đặc biệt, khu vực này không chỉ đóng góp vào thương mại quốc tế mà còn mang lại những lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế địa phương. Nhiều dự án đầu tư đã được triển khai, từ nhà máy sản xuất đến các dịch vụ hỗ trợ, tạo ra nguồn thu nhập và việc làm cho cộng đồng xung quanh.

    Kể từ khi đi vào hoạt động, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã trở thành điểm nối quan trọng trong hệ thống các cửa khẩu quốc tế, củng cố mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Các thỏa thuận và hiệp định quốc tế đã mở rộng khả năng hợp tác và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực. Tóm lại, lịch sử phát triển của khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn là một hành trình hợp tác và phát triển đồng bộ, tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với cả kinh tế địa phương và quốc gia.

    1.3. Quy mô diện tích

    Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn có phạm vi không gian 394 km², đây là khu kinh tế tổng hợp, đa chức năng, đan xen các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; trong đó lĩnh vực mũi nhọn là phát triển kinh tế cửa khẩu, về cơ bản Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được phân thành hai khu chức năng chính là khu phi thuế quan và khu thuế quan, khu vực chủ đạo là địa bàn thành phố Lạng Sơn và Khu hợp tác kinh tế biên giới.

    1.4. Quy hoạch như thế nào

    KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được hình thành trên phạm vi rộng, đa chức năng, đan xen các yếu tố kinh tế với xã hội, quốc phòng an ninh, với hai khu chức năng chính gồm: Khu phi thuế quan và khu thuế quan, và các khu vực bảo tồn, khu vực cấm, hạn chế phát triển, khu an ninh – quốc phòng. 

    Chi tiết xem tại: Quyết định số 1055/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030

    Sơ đồ định hướng phát triển không gian KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
    Sơ đồ định hướng phát triển không gian KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn

    – Khu phi thuế quan: quy mô diện tích 1.350 ha, bao gồm:

    + Cụm thương mại dịch vụ Tân Thanh: từ cửa khẩu Tân Thanh qua ngã ba Pác Luống, trong đó đất xây dựng là 300 ha;

    + Cụm thương mại dịch vụ từ ngã ba Pác Luống đến khu vực Hang Chui, trong đó đất xây dựng là 200 ha;

    + Cụm thương mại dịch vụ Cốc Nam: từ cửa khẩu Cốc Nam phát triển theo quốc lộ 4 đến khu vực Khơ Đa – Ma Mèo giáp hang Chui, trong đó đất xây dựng là 300 ha.

    – Khu thuế quan: toàn bộ khu vực còn lại của Khu kinh tế, bao gồm:

    + Khu cửa khẩu:

    • Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị: quy mô 70 ha, bao gồm: Quốc Môn, các bến bãi phục vụ xe du lịch, khu cung ứng vận tải đi liền với các công trình dịch vụ, trạm kiểm soát liên hợp, nhà công vụ
    • Cửa khẩu quốc tế ga đường sắt Đồng Đăng: quy mô 20 ha bao gồm: nhà ga đường sắt, điểm đỗ xe công cộng, các khu dịch vụ, trạm kiểm soát
    • Cửa khẩu Bảo Lâm: quy mô 120 ha, bao gồm: hệ thống bến bãi, kho tàng, cung ứng vận tải đi liền với các công trình dịch vụ, kiểm soát liên hợp.

    + Khu công nghiệp – kho tàng:

    • Khu Công nghiệp Hồng Phong, Phú Xá: quy mô 440 ha, bao gồm các loại hình công nghiệp gia công tái chế hàng xuất khẩu, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm …
    • Khu trung chuyển hàng hóa xã Thụy Hùng, Phú Xá: quy mô 160 ha, xây dựng các hệ thống kho bãi, kiểm soát hải quan tại chỗ phục vụ các hệ thống hàng hóa được thông quan thuận tiện
    • Cụm công nghiệp số 2: phía Bắc thành phố Lạng Sơn quy mô 25 ha, bao gồm các loại hình công nghiệp không gây ô nhiễm như: điện tử, viễn thông, công nghệ cao
    • Cụm công nghiệp Hợp Thành: quy mô 125 ha, bố trí các loại hình công nghiệp vật liệu xây dựng, gia công hàng xuất khẩu.

    Trung tâm hành chính, cơ quan, trường chuyên nghiệp, y tế:

    + Trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh: quy hoạch tại khu vực phường Chi Lăng. Đến năm 2015 cải tạo khu đất dọc theo đường Hùng Vương và đường Quang Trung, tổ chức thành tổ hợp các công trình hành chính của tỉnh, gắn kết không gian cảnh quan quảng trường trên đường Hùng Vương với hệ thống công viên cây xanh bên sông Kỳ Cùng. Quy mô khoảng từ 4 – 5 ha, mật độ xây dựng dưới 30% cao từ 5 – 15 tầng

    + Trung tâm thành phố Lạng Sơn hiện nay tại đường Lê Lợi, có quy mô nhỏ. Khi trung tâm khu đô thị mới Tây – Nam Hoàng Đồng được xây dựng, có quỹ đất quy mô 5 – 10 ha mật độ xây dựng dưới 30% cao từ 5 – 15 tầng, sẽ nghiên cứu thành tổ hợp trung tâm hành chính của Thành phố trong tương lai

    + Khu trung tâm hành chính của thị trấn Đồng Đăng: hiện tại có quy mô nhỏ, trung tâm mới dự kiến quy hoạch tại khu vực đồi Bó Thép, quy mô 5 – 6 ha

    + Trụ sở làm việc Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn dự kiến quy hoạch gần trung tâm khu đô thị mới Thụy Hùng, quy mô dự kiến 5 – 10 ha

    + Khu vực các trường chuyên nghiệp: bố trí tại khu vực xã Mai Pha thành phố Lạng Sơn, quy mô 80 ha

    + Hệ thống các cơ sở y tế: cải tạo nâng cấp các bệnh viện đã có, xây dựng mới một số bệnh viện quy mô lớn chuyên khoa và nâng cấp cải tạo các phòng khám tại các trung tâm phường, xã, khu vực đông dân cư. Dự kiến quỹ đất đầu tư bệnh viện Y học dân tộc tại xã Hoàng Đồng, bệnh viện Đa Khoa trung tâm tỉnh xây dựng mới quy mô 700 giường; Trường Cao đẳng y tế, vị trí dự kiến tại khu vực phía Đông bắc cụm công nghiệp 2 xã Hợp Thành có quy mô 40 ÷ 50 ha. Hình thành các bệnh viện tư nhân do các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, mô hình y tế cao cấp phục vụ cho toàn bộ Khu kinh tế, vị trí dự kiến kết hợp với các khu sinh thái.

    – Các khu du lịch, dịch vụ:

    + Khu du lịch, dịch vụ Pác Luống quy mô 160 ha gồm các khu: khu thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khu biệt thự sinh thái.

    + Khu du lịch thương mại và hội chợ quốc tế Đồng Đăng (gắn kết với du lịch lễ hội Đền Mẫu – Đồng Đăng) quy mô 30 ha, gồm khu du lịch tâm linh Đền Mẫu, khu trung tâm thương mại, các khu dịch vụ, khu quản lý điều hành;

    + Khu du lịch dịch vụ hồ Nà Tâm – Phai Luông quy mô 550 ha, gồm sân gôn 18 lỗ, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ vui chơi giải trí đặc biệt, các khu thương mại dịch vụ quốc tế, các khu điều dưỡng chữa bệnh cao cấp;

    + Khu du lịch núi Khau Luộm quy mô 550 ha. Khu lâm viên, leo núi, cắm trại, săn bắn: gồm khu điều hành đón tiếp bến bãi, khu nghỉ ngơi cuối tuần, khu lều nghỉ, vườn dạo, khu cắm trại, các điểm dừng ngắm cảnh với các dịch vụ giải khát, ăn uống nhẹ, …;

    + Khu du lịch sinh thái đèo Giang Văn Vỉ quy mô 400 ha, gồm các khu nghỉ ngơi cuối tuần, khu lều nghỉ, vườn dạo, khu cắm trại, các khu vui chơi giải trí, các điểm dừng ngắm cảnh với các dịch vụ giải khát, ăn uống nhẹ, …

    + Khu du lịch văn hóa, lịch sử: núi Tô Thị, Thành nhà Mạc, động Tam Thanh – Nhị Thanh gắn kết đền Kỳ Cùng, chùa Diên Khánh và các điểm di tích trong thành phố Lạng Sơn quy mô 65 ha, là nơi tổ chức các lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, kết hợp khu trưng bày các sản phẩm dân tộc.

    – Các khu dân cư:

    Dự báo đến năm 2030 quy mô dân số toàn Khu kinh tế khoảng 330.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 245.000 người (bao gồm cả số dân cư và lao động của các khu công nghiệp và du lịch, dịch vụ); dân số nông thôn khoảng 85.000 người. Bao gồm:

    + Đối với dân cư đô thị:

    Ngoài các khu nhà ở thuộc khu Trung tâm (bao gồm cả khu nhà ở cao tầng và thấp tầng) tại thị trấn Đồng Đăng và thành phố Lạng Sơn, sẽ hình thành một số khu đô thị mới với tổng diện tích đất các đơn vị khoảng 550 – 850 ha vào năm 2020 và trên 1.000 – 1.200 ha vào năm 2030, bảo đảm điều kiện sống cho dân cư của trung tâm đô thị mới và số dân tái định cư của các khu công nghiệp sẽ được xây dựng trong tương lai.

    + Đối với dân cư nông thôn:

    Chủ yếu cải tạo, chỉnh trang và sắp xếp lại các khu dân cư hiện có cho phù hợp với quy hoạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm nâng cao điều kiện sống cho nhân dân.

    Đối với các khu vực dân cư nằm trong vùng dự kiến xây dựng công nghiệp và khu phát triển thương mại, dịch vụ di dời và tái định cư tại chỗ theo quy hoạch. Đối với các khu vực dân cư nằm trong vùng dự kiến xây dựng đô thị mới (khu làng xóm đô thị hóa) được từng bước cải tạo chỉnh trang phù hợp với cảnh quan chung.

    Đối với các khu dân cư còn lại giữ nguyên quy mô và mật độ xây dựng như hiện nay. Riêng đối với khu dân cư trong khu vực dự kiến xây dựng Khu phi thuế quan, di dời toàn bộ và tái định cư ngay gần khu vực xây dựng; thực hiện phương án sắp xếp dân cư hợp lý, đúng quy hoạch.

    – Hệ thống công viên cây xanh, thể dục thể thao:

    Nâng cấp, cải tạo các trung tâm công viên cây xanh, thể dục thể thao hiện có, dự kiến đầu tư một Trung tâm thể dục thể thao cấp vùng tại thành phố Lạng Sơn.

    – Các khu chức năng khác:

    + Các khu vực an ninh quốc phòng phải bảo đảm theo yêu cầu về an ninh, quốc phòng, đồng thời gắn kết với các khu vực phát triển kinh tế;

    + Các vùng cây ăn quả, cây lâm nghiệp được quy hoạch gắn kết với các vùng du lịch sinh thái, bảo đảm vừa khai thác vừa giữ gìn môi trường cảnh quan.

    Các dự án ưu tiên đầu tư:

    – Đầu tư xây dựng các khu tái định cư, các khu đô thị mới: khu tái định cư tại chỗ cho khu phi thuế quan (khu Pác Luống), khu đô thị mới Thụy Hùng, Tân Mỹ tại Đồng Đăng. Hoàn thiện các khu đô thị mới Nam Hoàng Đồng, Hoàng Văn Thụ, khu đô thị Nam thành phố Lạng Sơn;

    – Phát triển khu công nghiệp Hồng Phong giai đoạn I là 180 ha, các cụm công nghiệp Hợp Thành, cụm công nghiệp số 2;

    – Khu phi thuế quan giai đoạn I (khu hợp tác kinh tế) tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh đến Hang Chui. Quy mô đất xây dựng 500 ha;

    – Đầu tư cơ sở hạ tầng khu trung chuyển hàng hóa tại xã Thụy Hùng, Phú Xá quy mô 160 ha;

    – Khu thương mại dịch vụ tại cửa khẩu Cốc Nam, Hữu Nghị, Bảo Lâm, tổng quy mô là 150 ha;

    – Các khu trung tâm thương mại dịch vụ mới tại Đồng Đăng và thành phố Lạng Sơn;

    – Phát triển các khu du lịch, dịch vụ: khu du lịch sinh thái Hồ Nà Tâm, khu sinh thái đèo Giang Văn Vỉ, khu thành nhà Mạc – Động Tam – Nhị Thanh …;

    – Các khu trung tâm chức năng, hạ tầng xã hội: trung tâm hành chính, trung tâm y tế, trung tâm giáo dục …;

    – Dự án khu du lịch dịch vụ Hoàng Gia (khu sinh thái hồ Nà Tâm) quy mô 180 ha, khu du lịch sinh thái đèo Giang Văn Vỉ;

    – Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn;

    – Dự án cung cấp nước sông Kỳ Cùng;

    – Dự án thủy điện Khánh Khê;

    – Dự án cải tạo lưới điện, chiếu sáng đô thị;

    – Dự án cải tạo đường Đồng Đăng – Pác Luống và Pác Luống – Tân Thanh;

    – Các dự án nằm trong khu hợp tác kinh tế giai đoạn một, khu xử lý chất thải rắn thành phố Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng.

    • Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) 

    2.1. Giới Thiệu Khu Kinh Tế Cửa Khẩu Móng Cái (Quảng Ninh): 

    định hướng phát triển không gian tỉnh Quảng Ninh tới năm 2030
    Định hướng phát triển không gian tỉnh Quảng Ninh tới năm 2030

    Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là khu vực có quy chế khu kinh tế cửa khẩu đầu tiên ở Việt Nam. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ngày 01/4/2012 về việc thành lập khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, khu này sẽ chính thức được thành lập vào ngày 01/6/2012. Khu này bao trùm thành phố Móng Cái và một phần huyện Hải Hà (gồm các xã: Quảng Phong, Quảng Thành, Quảng Minh, Cái Chiên và thị trấn Quảng Hà) thuộc tỉnh Quảng Ninh. Móng Cái là một trong những cửa khẩu quốc tế quan trọng trong việc giao lưu kinh tế với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực qua biên giới phía Bắc Việt Nam. Ðặc biệt, Móng Cái tiếp giáp với TX. Ðông Hưng là khu kinh tế mở của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Khu kinh tế này đang được xây dựng thành một thành phố lớn, hiện đại, đa chức năng và được xác định là cửa ngõ để Trung Quốc đi vào thị trường Đông Nam Á.

    2.2. Lịch Sử và Phát Triển:

    Cửa khẩu quốc tế Móng Cái là một trong những cửa khẩu biên giới quan trọng có lịch sử hình thành từ sớm. Từ lâu, người dân hai nước Việt – Trung đã đi lại, giao thương thông qua cửa khẩu Móng Cái. Trong lịch sử, cùng với khu vực cảng Vân Đồn, Móng Cái đã từng là một điểm thương mại quan trọng của quốc gia, đặc biệt là trong thời kỳ nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.

    Trong thế kỷ 19, Móng Cái là một trong những cửa khẩu biên giới sầm uất nhất khu vực Đông Dương, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và giao thương của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Móng Cái đã trở thành một trong những khu vực kinh tế khó khăn của đất nước.

    Trong những năm gần đây, với sự phát triển của khu vực kinh tế mở bờ biển phía Bắc và các chính sách hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Quảng Ninh đã trở lại với vị thế của một điểm giao thương quan trọng. Các hoạt động thương mại, du lịch, văn hóa giữa hai nước đang diễn ra sôi nổi. Từ đó đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của khu vực.

    Năm 2012, thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái bao gồm khu vực thành phố Móng Cái, cảng biển Hải Hà và một số đơn vị hành chính thuộc địa phận huyện Hải Hà. Đây cũng là khu kinh tế cửa khẩu đầu tiên ở Việt Nam. Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được đầu tư hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa và cả du lịch, tạo nguồn lực kinh tế mạnh cho khu vực và cho tỉnh Quảng Ninh.

     

    2.3. Quy mô, diện tích: Toàn bộ diện tích trên đất liền là 661,97 km², trên biển là 550 km².

    2.4. Quy hoạch như thế nào: 

    Chi tiết xem tại:  Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040

    Bản đồ định hướng phát triển không gian khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái
    Bản đồ định hướng phát triển không gian khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

    Mô hình cấu trúc gồm 03 hành lang (gồm hành lang đô thị, dịch vụ dọc quốc lộ 18; hành lang du lịch, nông nghiệp và dịch vụ cảng; hành lang sinh thái và biên giới) và 02 vùng phát triển động lực là thành phố Móng Cái và Khu đô thị – công nghiệp cảng biển Hải Hà.

    Cấu trúc phát triển không gian thành 05 khu vực chính: (1) Khu A – Khu trung tâm thành phố Móng Cái; (2) Khu B – Khu vực Hải Hà; (3) Khu C – Trung tâm dịch vụ tích hợp; (4) Khu D – Khu vực du lịch biển đảo phía Nam; (5) Khu E – Dịch vụ thương mại vùng biển và phát triển nông thôn mới.

    • Định hướng phát triển không gian tổng thể: 

    Phát triển theo 02 vùng động lực là thành phố Móng Cái và Khu đô thị – công nghiệp cảng biển Hải Hà, từng bước hình thành không gian khu kinh tế – đô thị đồng bộ thống nhất với các phân vùng chức năng đặc thù của từng khu vực. Khu vực đô thị dịch vụ tập trung phát triển theo hành lang giới hạn giữa quốc lộ 18 và đường ven biển.

    Khu vực ven biển và đảo phát triển các khu đô thị, khu du lịch, khu nông nghiệp công nghệ cao và các dự án sinh thái trên cơ sở bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái; ưu tiên tập trung phát triển các dự án dịch vụ du lịch chất lượng cao.

    Khu vực đồi núi phía Bắc quốc lộ 18 đến biên giới Việt – Trung phát triển theo hướng bảo vệ hệ sinh thái đồi rừng, bảo vệ nguồn nước; chuyển đổi hoạt động trồng rừng sản xuất sang trồng cây lâu năm kết hợp phát triển các trang trại nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch. Khu vực vành đai biên giới phát triển chuỗi dịch vụ, hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại biên giới, du lịch và nâng cao điều kiện sống của người dân.

    Thành phố Móng Cái được phát triển theo cấu trúc vành đai và hướng tâm; gồm trung tâm hiện hữu, vành đai dịch vụ đô thị, vành đai chức năng và vành đai sinh thái. Phát triển các trục hướng tâm gắn với các chức năng chủ đạo của khu kinh tế như: trục thương mại Hải Yên – Bắc Luân 3 với trọng điểm là Khu hợp tác kinh tế; trục dịch vụ du lịch từ trung tâm đến Trà Cổ; trục dịch vụ hỗ trợ từ trung tâm tới cảng Vạn Ninh; trục sản xuất công nghiệp công nghệ cao theo hành lang kết nối với Hải Hà; trục dịch vụ sinh thái nông lâm nghiệp hướng Tây.

    Khu vực Hải Hà phát triển mở rộng về phía Tây gắn với Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và trục kết nối cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; về phía Đông gắn với phát triển đô thị dịch vụ sinh thái. Phát triển theo cấu trúc mạng ô cờ, sắp xếp lại không gian các khu vực hiện trạng để tạo nên không gian đô thị đồng bộ, hiện đại.

    Khu vực Trà Cổ – Bình Ngọc phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch biển gắn với văn hóa và vui chơi giải trí; trong đó ưu tiên bổ sung các khu công viên vui chơi giải trí, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các công trình hạ tầng dịch vụ du lịch. Quá trình phát triển cần bảo vệ các khu vực rừng phòng hộ ven biển, các điểm di tích văn hóa lịch sử, các khu vực rừng ngập mặn, bãi bồi …

    Khu vực các đảo: Vĩnh Trung – Vĩnh Thực, Cái Chiên, Vạn Mặc, Vạn Nước, Thoi Xanh… phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp với cảnh quan địa hình, thảm thực vật, hệ sinh thái ven biển. Phát triển các kiến trúc xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường, được kết nối dễ dàng băng hệ thống giao thông thủy, cáp treo và các khu dịch vụ bến cảng du thuyền.

    • Định hướng phát triển đô thị: 

    Thành phố Móng Cái tiếp tục mở rộng đô thị về phía Nam gắn với khu vực Trà Cổ – Bình Ngọc và về phía Tây (các xã Hải Đông, Hải Tiến, Quảng Nghĩa) gắn với đô thị Hải Hà để tạo nên vùng phát triển đô thị, từng bước đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I. Các khu vực phát triển mở rộng được thực hiện theo hướng hình thành các khu chức năng dịch vụ, sản xuất, du lịch đồng bộ, gắn với các dự án chiến lược.

    Thị trấn Quảng Hà được quy hoạch, đô thị hóa mở rộng ra các xã Quảng Minh, Quảng Thành, Quảng Thịnh, Quảng Long, Quảng Phong để tạo nên vùng lõi của đô thị Hải Hà và tạo thành vùng đô thị hóa gắn với thành phố Móng Cái, từng bước đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I.

    • Định hướng phát triển khu vực nông thôn

    Khu vực các xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Cái Chiên phát triển theo các mô hình đặc thù, kết hợp mở rộng các trung tâm xã để phục vụ dân cư hiện trạng và hình thành các trung tâm dịch vụ công cộng, thương mại, dịch vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

    Từng bước di dời, các điểm dân cư phân tán vào các cụm điểm dân cư tập trung, gắn với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. Dành mặt bằng để thu hút, phát triển các dự án đầu tư về dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, sản xuất công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đầu mối.

    Cải tạo các điểm dân cư hiện trạng, xây dựng các khu dân cư nông thôn mới theo tiêu chuẩn đô thị, kiểm soát đồng bộ về không gian kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình, hạ tầng cơ sở đồng bộ theo chất lượng chung.

    • Định hướng không gian khu vực biên giới, cửa khẩu

    Thực hiện các giải pháp xây dựng để đảm bảo ổn định đường biên giới, tuyến sông, không gian lãnh thổ, cột mốc biên giới. Phát triển các dự án đô thị, khu chức năng, công trình dịch vụ, công trình hạ tầng, điểm dân cư nông thôn dọc biên giới theo định hướng chung để tạo lập hình ảnh cân bằng phát triển giữa hai bên biên giới. Khai thác các vị trí có giá trị về văn hóa – lịch sử, cảnh quan để hình thành các điểm, tuyến, khu dịch vụ du lịch dọc theo biên giới.

    Xây dựng hoàn thiện các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khu vực cửa khẩu, lối mở. Phát triển một số công trình kiến trúc biểu tượng dọc biên giới để tạo hình ảnh cho đô thị và là các điểm dừng chân trên tuyến du lịch dọc đường biên giới.

    • Định hướng phát triển khu du lịch quốc gia Trà Cổ:

    Phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Trà Cổ, Bình Ngọc, đảo Vĩnh Trung – Vĩnh Thực gắn với bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan sinh thái tại khu vực. Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn và các khu vực đồi núi.

    Phát triển dịch vụ du lịch, thương mại cửa khẩu tại khu vực trung tâm của thành phố Móng Cái, khu vực hai bên tuyến đường ven biển. Bảo tồn và phát huy các công trình văn hóa hiện có, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa mới để phục vụ phát triển du lịch – văn hóa.

    Phát triển các khu đô thị gắn với các tổ hợp vui chơi giải trí tại khu vực Hải Hòa, Hải Xuân, Bình Ngọc và đảo Vĩnh Trung – Vĩnh Thực để đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch.

    Hình thành các tuyến du lịch chủ đạo gồm: tuyến Móng Cái – Trà Cổ, tuyến dọc đường ven biển, tuyến đường thủy Bình Ngọc – Vĩnh Thực – Cái Chiên, tuyến dọc biên giới phía Bắc.

    Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao, đa dạng về sản phẩm, đa dạng theo các mùa du lịch với số lượng khoảng 25.000 – 30.000 buồng phòng, đất dịch vụ du lịch khoảng 1.500 – 1.800 ha.

    Khai thác khu vực mặt biển cho các hoạt động kinh tế bao gồm: hành lang cho hoạt động lưu thông đường thủy, khu trú đậu tàu thuyền, bến, cảng; bố trí các vùng mặt nước thuận lợi cho các hoạt động du lịch trên mặt nước như lưu trú nổi, vui chơi giải trí, thể thao trên nước. Khai thác một phần vùng bán ngập nước để nuôi trồng thủy hải sản và mở rộng diện tích trồng rừng ngập mặn. Khi sử dụng khu vực mặt biển tuân thủ các quy định pháp luật về biển, bảo vệ tài nguyên môi trường và bảo vệ vùng ngập nước, hành lang bảo vệ bờ biển.

    • Định hướng phát triển các khu vực:
    • Khu A – Khu trung tâm thành phố Móng Cái (thuộc các đơn vị hành chính: các phường Hòa Lạc, Trần Phú, KaLong, Hải Hòa, Ninh Dương, Hải Yên, Trà Cổ, Bình Ngọc và các xã Hải Xuân, Vạn Ninh – thành phố Móng Cái): Diện tích tự nhiên khoảng: 16.180 ha, gồm đất xây dựng các khu chức năng: khoảng 9.640 ha và đất khác: 6.540 ha; dân số khoảng: 230.000 – 237.000 người (trong đó dân số thường trú khoảng 200.000 – 210.000); phát triển theo cấu trúc vành đai và hướng tâm, trong đó phát triển các khu đô thị, dịch vụ tập trung phía Bắc đường ven biển, khu vực phía Nam phát triển hệ thống cảng biển, hậu cần cảng và các khu công nghiệp chế tạo công nghệ cao trên cơ sở ưu tiên bảo vệ hệ sinh thái ven biển, hệ thống sinh thái đảo kết hợp phát triển dịch vụ du lịch cao cấp. Gồm các khu chức năng:
    • Khu A1 – Khu vực đô thị hiện trạng cải tạo: Diện tích tự nhiên khoảng 2.770 ha; dân số khoảng 112.000 người. Định hướng cải tạo chỉnh trang không gian và cơ sở hạ tầng đô thị đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, gắn với chức năng thương mại cửa khẩu.
    • Khu A2 – Khu đô thị mở rộng: Diện tích tự nhiên khoảng 1.690 ha; dân số khoảng 55.500 người. Phát triển vành đai đô thị mở rộng gắn với các chức năng dịch vụ thương mại, logistics, giáo dục, y tế và thể dục thể thao, công viên cây xanh, gắn với các dự án khu đô thị đồng bộ, hiện đại.
    • Khu A3 – Khu hợp tác kinh tế: Diện tích tự nhiên khoảng 1.960 ha; phát triển các khu chức năng về sản xuất, dịch vụ, du lịch, hỗ trợ gắn với thí điểm các chính sách hợp tác kinh tế qua biên giới, tạo động lực thúc đẩy dịch vụ, thương mại cửa khẩu quốc tế.
    • Khu A4 – Khu đô thị, công nghiệp, logistics, dịch vụ cảng biển: Diện tích tự nhiên khoảng 5.100 ha; dân số khoảng 18.400 người; phát triển khu đô thị công nghiệp thông minh và dự án cảng biển Vạn Ninh.
    • Khu A5 – Khu đô thị dịch vụ thương mại du lịch: Diện tích tự nhiên khoảng 2.210 ha; dân số khoảng 15.000 người; phát triển các dự án khu đô thị dịch vụ hỗ trợ du lịch.
    • Khu A6 – Khu đô thị du lịch biển: Diện tích tự nhiên khoảng 2.450 ha; dân số khoảng 32.000 người. Phát triển các dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, bến thuyền du lịch, gắn với phát huy lợi thế cảnh quan sinh thái biển Trà Cổ, tạo động lực phát triển Khu du lịch quốc gia Trà Cổ.

     

    • Khu B – Khu vực Hải Hà (thuộc các đơn vị hành chính: thị trấn Quảng Hà, xã Quảng Phong, xã Quảng Minh, xã Quảng Thành – huyện Hải Hà): Diện tích đất tự nhiên khoảng: 13.600 ha (trong đó đất xây dựng các khu chức năng: khoảng 10.000 – 10.500 ha và đất khác khoảng: 3.100 – 3.600 ha); dân số khoảng: 150.000 – 160.000 (trong đó dân số thường trú khoảng 130.000 – 140.000 người); phát triển Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, Khu công nghiệp Hải Hà 1; Khu công nghiệp Hải Hà 2 theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường tạo động lực phát triển cho khu kinh tế và huyện Hải Hà. Đô thị Quảng Hà được phát triển mở rộng về phía Tây gắn với bổ trợ hạ tầng xã hội cho khu công nghiệp, về phía Đông để khai thác lợi thế dịch vụ và hành lang kết nối với Móng Cái và phát triển về phía Bắc. Gồm các khu chức năng:
    • Khu B1 – Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà: Diện tích tự nhiên khoảng 4.990 ha. Phát triển công nghiệp gắn với các ngành nghề: dệt may, điện tử, năng lượng và hỗ trợ. Xây dựng hoàn thiện cảng biển Hải Hà thành động lực phát triển của vùng.
    • Khu B2 – Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ: Diện tích tự nhiên khoảng 3.500 ha; dân số khoảng 65.000 người; mở rộng đô thị Quảng Hà thành đô thị dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; phát triển mới Khu công nghiệp Hải Hà 1 tại xã Quảng Phong để thu hút các lĩnh vực công nghiệp y dược, công nghiệp công nghệ cao.
    • Khu B3 – Khu đô thị dịch vụ: Diện tích tự nhiên khoảng 3.410 ha; dân sô khoảng 85.000 người. Phát triển đô thị hóa khu vực các xã Quảng Minh, Quảng Thành thành đô thị dịch vụ chất lượng cao; phát triển mới khu công nghiệp Hải Hà 2 gắn với đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
    • Khu C – Khu đô thị dịch vụ tích hợp (thuộc các đơn vị hành chính: phường Hải Yên, các xã Hải Đông, Hải Tiến, Quảng Nghĩa – thành phố Móng Cái). Gồm các chức năng: Khu công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics và các dịch vụ công cộng chất lượng cao.
    • Diện tích đất tự nhiên khoảng: 6.340 ha (Trong đó đất xây dựng các khu chức năng: khoảng 2.220 ha và đất khác khoảng: 4.120 ha). Dân số khoảng: 48.000 – 50.000 người (trong đó dân số thường trú khoảng 42.000 – 45.000).
    • Phát triển của Khu C theo hướng kết hợp với trung tâm Móng Cái trở thành trục phát triển về dịch vụ logistics, sản xuất công nghệ cao và thu hút các hoạt động sản xuất tiên tiến, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới. Dự trữ quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư chiến lược mới.

     

    • Khu D – Khu du lịch biển đảo (thuộc các đơn vị hành chính: xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực – thành phố Móng Cái và xã Cái Chiên – huyện Hải Hà), gồm các chức năng: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp.
    • Khu D1 – đảo Vĩnh Trung – Vĩnh Thực: Diện tích đất tự nhiên khoảng: 4.630 ha. (Trong đó đất xây dựng các khu chức năng: khoảng 1.350 ha và đất khác khoảng: 3.280 ha). Dân số khoảng: 19.000 – 25.000 người (trong đó dân số thường trú khoảng 11.000 – 15.000 người).
    • Khu D2 – đảo Cái Chiên: Diện tích đất tự nhiên khoảng 2.660 ha, (Trong đó đất xây dựng các khu chức năng: khoảng 410 ha và đất khác khoảng 2.250 ha. Dân số khoảng 8.000 – 15.000 người (trong đó dân số thường trú khoảng 1.000 – 2.000 người).
    • Khu E – Dịch vụ thương mại vùng biển và phát triển nông thôn (thuộc các đơn vị hành chính: các xã Bắc Sơn, Hải Sơn, Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Đông, phường Hải Yên – thành phố Móng Cái và xã Quảng Thành – huyện Hải Hà), gồm các chức năng: thương mại vùng biển, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch sinh thái. Diện tích đất tự nhiên khoảng: 23.060 ha (Trong đó: Đất xây dựng các khu chức năng: khoảng 1.220 ha và đất khác: 21.840 ha. Dân số khoảng: 9.000 – 13.000 người (trong đó dân số thường trú khoảng 5.000 – 7.000 người).
    • Thiết kế đô thị và định hướng kiến trúc cảnh quan:

    Phát triển kiến trúc cảnh quan hiện đại, dựa trên cấu trúc cảnh quan sinh thái tự nhiên, đặc biệt là khai thác cảnh quan ven biển, các đảo; phù hợp với đặc điểm hoạt động của các khu vực đô thị, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Tăng cường hệ thống không gian công cộng, quảng trường, không gian cảnh quan tự nhiên, đặc biệt là các khu vực trung tâm đô thị Móng Cái, Hải Hà, các khu vực ven biển Trà Cổ, Vĩnh Thực, Cái Chiên. Phát triển các tuyến sông Kalong, Lục Lầm, Hà Cối, Tài Chi thành các trục sông cảnh quan đi qua khu vực đô thị.

    Định hướng xây dựng tập trung, cao tầng tại khu vực trung tâm đô thị; xây dựng thấp tầng, mật độ thấp tại các khu vực biển đảo để hài hòa với cảnh quan biển đảo tại khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng các công trình, bố trí tầng cao theo các tuyến địa hình, đảm bảo tôn trọng địa hình tự nhiên, khuyến khích các mô hình nhà ở sinh thái, công trình xanh, thông minh và tiết kiệm năng lượng; đối với khu vực đồi núi khai thác quy mô và khoảng cách hợp lý và làm tăng thêm giá trị địa hình và cảnh quan tự nhiên.

    Kiểm soát chặt chẽ phát triển công trình xây dựng cao tầng, bố trí công trình cao tầng tại khu vực phát triển đô thị mở rộng dọc đường ven biển, tuyến đường vành đai thành phố Móng Cái và khu vực giáp cửa khẩu Bắc Luân 1, Bắc Luân 2, Bắc Luân 3, Hải Yên tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Hạn chế xây dựng công trình kiến trúc lớn, cao tầng trên các khu vực đồi núi, tại các khu vực dân cư hiện trạng cải tạo, hành lang ven biển, có mặt đứng che chắn tầm nhìn, hướng gió giữa khu vực chức năng và không gian biển; khu vực mặt nước khai thác phát triển gắn với bảo tồn sự đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên.

    • Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh)

    3.1. Giới thiệu

    Việc khai sinh Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo vào năm 1998 đã tạo nên một cú hích lớn, không chỉ làm thay đổi diện mạo của cả một huyện miền núi nghèo miền Trung, mà còn dần định hình một trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực.

    Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo nằm ở vị trí đắc địa, trên Quốc lộ 8A qua biên giới Việt – Lào, có vị trí chiến lược trong phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, giữa trung tâm của nhiều mối liên kết giao thông hành lang Đông – Tây, mở ra biển, đóng vai trò quan trọng trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Đây là vùng kinh tế quá cảnh cho 8 tỉnh, 3 nước sử dụng Quốc lộ 8A. Ngoài Quốc lộ 8A đi cửa khẩu Cầu Treo, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo còn kết nối với đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc – Nam, rất thuận lợi cho giao thương hàng hoá và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp chế biến, lắp ráp…

    Đây cũng là vùng có hệ sinh thái đa dạng, cùng nguồn khoáng sản phong phú. Hệ sinh thái rừng tự nhiên chiếm đến 80% diện tích, có mỏ thiếc Sơn Kim với trữ lượng 70.000 tấn, mỏ nước khoáng Sơn Kim nằm trong vùng quy hoạch Khu du lịch Nước Sốt. Với diện tích rừng, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn còn mang đậm nét hoang sơ, khí hậu trong lành, nơi đây rất thuận lợi cho đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, khu vui chơi giải trí…

    3.2. Lịch sử hình thành và phát triển 

    Vào đầu quý 4, năm 2008, Bộ Xây dựng đã thẩm định nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thành trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam, và năm 2012 được coi là “một trong 8 khu kinh tế trọng điểm trên toàn quốc”. 

    3.3 Quy mô, diện tích: 

    Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có tổng diện tích tự nhiên là 56.685 ha, gồm 4 đơn vị hành chính: xã Sơn Kim I, xã Sơn Kim II, xã Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ranh giới được xác định như sau:

    Phía Bắc: giáp xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn.

    Phía Nam: giáp huyện Vũ Quang.

    – Phía Đông: giáp xã Sơn Lĩnh và xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn.

    Phía Tây: giáp tỉnh Bôlykhămxay, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

    3.4 Quy hoạch: 

    • Chi tiết xem tại: Quyết định 2150/QĐ-TTg 2021 điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo đến năm 2045 

    Quy hoạch:

    – Định hướng phát triển không gian:

    + Rà soát và đề xuất về mô hình phát triển, hướng phát triển của khu kinh tế; định hướng và nguyên tắc phát triển đối với các khu vực chức năng, để đảm bảo việc phát triển khu kinh tế được linh hoạt và hiệu quả trong suốt lộ trình thực hiện quy hoạch, hướng tới các mục tiêu và tầm nhìn phát triển đã thống nhất lựa chọn và dành quỹ đất để dự trữ phát triển kinh tế – xã hội huyện Hương Sơn trong thời gian tới.

    + Tổ chức hệ thống không gian mở công cộng và cấu trúc sinh thái làm khung định dạng cho quá trình phát triển không gian xây dựng của khu kinh tế.

    + Tổ chức hệ thống trung tâm phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và chiến lược phát triển không gian, phù hợp với định hướng phát triển các khu dân cư và các khu vực chức năng của khu kinh tế.

    + Xác định các khu vực kiến trúc, cảnh quan, các trục không gian chính, hệ thống quảng trường, khu vực cửa ngõ, công trình điểm nhấn của khu kinh tế.

    + Đề xuất giải pháp tổ chức không gian các khu vực trọng điểm và quy định kiểm soát về kiến trúc, cảnh quan các khu vực đặc trưng trong khu kinh tế.

    – Dự báo quy mô đất xây dựng và định hướng quy hoạch sử dụng đất. Trong đó, cần đảm bảo một số yêu cầu như sau:

    + Ưu tiên sử dụng quỹ đất để phát huy tiềm năng, phát triển các hoạt động kinh tế theo các chiến lược phát triển kinh tế đã được lựa chọn, tạo động lực phát triển.

    + Chú trọng bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái, đảm bảo chất lượng môi trường sống và hiệu quả phát triển của khu kinh tế – đề xuất các chiến lược về môi trường.

    + Các khu đô thị phát triển mới phải có vị trí phù hợp, thuận lợi kết nối với các khu vực khác trong khu kinh tế, tiết kiệm quỹ đất, thuận lợi cho việc cung cấp hạ tầng và giảm chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng.

    + Các khu dân cư hiện hữu được ưu tiên cải tạo nâng cấp, đóng góp tích cực cho quá trình hình thành và phát triển khu kinh tế; kết nối tốt với các không gian phát triển mới.

    + Nội dung quy hoạch sử dụng đất cần bao gồm các quy định theo lộ trình thực hiện quy hoạch để phát huy tốt nhất giá trị quỹ đất của từng khu vực trong suốt quá trình hình thành và phát triển khu kinh tế.

    + Xác định phạm vi, quy mô, các chỉ tiêu sử dụng đất trong khu kinh tế phù hợp với các chiến lược và mục tiêu phát triển, tầm nhìn đã lựa chọn và theo yêu cầu phát triển từng giai đoạn hoặc theo lộ trình phát triển khu kinh tế.

    – Đề xuất lựa chọn các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn hoặc theo lộ trình phát triển khu kinh tế. Tổng hợp các chỉ tiêu quy hoạch thành khung tiêu chí kiểm soát và thúc đẩy phát triển để làm công cụ quản lý phát triển khu kinh tế.

    – Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật:

    + Phân lưu vực tiêu thoát nước chính; hướng thoát nước; vị trí, quy mô các công trình tiêu thoát nước; đề xuất các giải pháp về thoát nước mưa kết hợp các giải pháp tạo hồ điều hoà, nạo vét lòng sông, tạo không gian cây xanh làm hành lang bảo vệ, các giải pháp chống ngập úng, sạt lở… Lưu ý kết hợp các giải pháp thiết kế kỹ thuật với các giải pháp tổ chức không gian mở công cộng để nâng cao giá trị không gian cây xanh mặt nước, nâng cao giá trị quỹ đất và chất lượng môi trường sống, tạo bản sắc cho các không gian xây dựng.

    + Phân loại, phân cấp và tổ chức mạng lưới giao thông đối ngoại và giao thông nội bộ trong khu kinh tế, đảm bảo mối liên hệ với quốc tế và trong nước, giữa các khu chức năng trong khu kinh tế và với các vùng lân cận. Xác định vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông; xác định chỉ giới đường đỏ các trục chính và hệ thống hào, tuynel kỹ thuật; chú trọng tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe kết nối giữa các khu chức năng trong khu kinh tế cũng như với các khu vực lân cận để nâng cao hiệu quả hoạt động, sức hấp dẫn và vai trò của khu kinh tế đối với các khu vực lân cận; nâng cao chất lượng sống và dịch vụ du lịch trong khu kinh tế.

    + Đề xuất các giải pháp cải tạo, chính trị (nếu cần thiết) đối với hệ thống sông, hồ trong khu vực nghiên cứu quy hoạch và xác định cao độ nền đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và phát triển các khu chức năng bền vững. Riêng đối với khu vực dân cư hiện hữu, cần xác định cụ thể các khu vực có cao độ nền chưa hợp lý để có giải pháp khắc phục phù hợp, đảm bảo phòng chống thiên tai. Chú trọng giải pháp và lộ trình hợp lý để kết nối về cao độ nền xây dựng giữa các khu vực hiện hữu và các khu vực phát triển mới, cũng như đảm bảo thoát nước chủ động cho các khu dân cư hiện hữu, khi các khu vực lân cận được xây dựng mới ở cao độ nền cao hơn.

    + Cấp nước: xác định nguồn và tiêu chuẩn cấp nước, dự báo nhu cầu dùng nước. Nghiên cứu xây dựng các giải pháp bảo vệ nguồn và các công trình đầu mối cấp nước.

    + Cấp điện, thông tin liên lạc: xác định chỉ tiêu và tiêu chuẩn thiết kế, dự báo nhu cầu sử dụng. Đề xuất giải pháp hệ thống công trình chính cấp điện và cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc.

    + Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang: xác định chỉ tiêu, dự báo tổng lượng nước thải và chất thải rắn cần được thu gom xử lý,… Đề xuất giải pháp quy hoạch mạng lưới thu gom và bố trí công trình đầu mối cùng công nghệ xử lý kèm theo.

    – Xác định nhu cầu đất nghĩa trang, vị trí và quy mô nghĩa trang.

    + Xác định vị trí, quy mô các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

    – Đánh giá môi trường chiến lược:

    + Xác định các vấn đề môi trường chính, những bất cập trong và ngoài khu vực lập quy hoạch.

    + Hiện trạng các nguồn ô nhiễm có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. 

    + Dự báo diễn biến môi trường trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế.

    + Đề xuất các biện pháp phòng ngừa và thứ tự ưu tiên thực hiện; đề xuất các khu vực cách ly, bảo vệ môi trường.

    + Nội dung đánh giá môi trường chiến lược cần đảm bảo xây dựng được phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.

    – Đề xuất các hạng mục ưu tiên đầu tư, sơ bộ nhu cầu vốn và nguồn lực thực hiện. Các hạng mục ưu tiên đầu tư hàng đầu là các dự án có vai trò động lực, có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy sự phát triển trong khu kinh tế.

    • Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài ( Tây Ninh) 

    4.1. Giới thiệu chung:

    Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia. Cửa khẩu Mộc Bài không chỉ là một cửa ngõ của Tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại với Campuchia mà còn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế hướng ngoại, trở thành trung tâm giao dịch thương mại quốc tế, thực hiện chương trình hợp tác tiểu vùng trong chiến lược phát triển kinh tế ở Nam Việt Nam .

    So với các cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường xuyên Á (con đường bắt đầu từ Myanmar, qua Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và kết thúc ở Quảng Tây -Trung Quốc). Theo con đường này, Mộc Bài chỉ cách TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam 70km và Thủ đô PhnomPenh của Campuchia 170 km. Hiện nay, công trình giao thông này đã được xây dựng hoàn chỉnh giai đoạn 1 đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khi toàn tuyến đường xuyên Á hoàn thành, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung sẽ trở thành giao điểm quan trọng của hệ thống trục giao thông quốc tế và quốc gia ở phía Nam Việt Nam.

    4.2. Lịch sử phát triển

    Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập từ năm 1998 tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, với quy mô trên 21.000ha, được Chính phủ xác định là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

    Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư và du khách.

     

    4.3. Quy mô, diện tích: 

    Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có tổng diện tích tự nhiên 21.283 ha bao gồm các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và các xã Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng Tỉnh Tây Ninh.

    Phạm vi được xác định như sau :

    • Phía Bắc giáp các xã Long Khánh, Long Giang, Long Chữ  thuộc huyện Bến Cầu và một phần sông Vàm Cỏ Đông .
    • Phía Nam giáp Tỉnh Long An.
    • Phía Đông giáp sông Vàm Cỏ Đông.
    • Phía Tây giáp biên giới Campuchia.

     

    4.4. Quy hoạch:
    Chi tiết xem tại: QĐ số 966/QĐ-TTg Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045.

    Tổng quan - Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam
    Quy hoạch sử dụng đất Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
    • Định hướng phát triển không gian khu kinh tế:
    • Đề xuất mô hình phát triển của khu kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tỉnh Tây Ninh; phù hợp với yêu cầu quản lý phát triển các đô thị Trảng Bàng, Bến Cầu và phương án tổ chức các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Mô hình phát triển cần xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như: Giao thông, dịch vụ thương mại, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, nông thôn và quốc phòng – an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
    • Đề xuất định hướng và nguyên tắc quản lý đối với các khu vực chức năng phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, nông thôn, sản xuất nông – lâm nghiệp,… trên nguyên tắc hài hòa về không gian, hợp lý linh hoạt trong liên kết chia sẻ chức năng và thuận lợi trong kiểm soát phát triển; phù hợp với điều kiện tự nhiên và khả năng kết nối hạ tầng kết hợp các yếu tố đặc thù của khu vực. Tập trung đề xuất định hướng với các khu vực chủ yếu sau đây:

    + Khu vực phát triển công nghiệp: Bố trí không gian xây dựng hợp lý, hiệu quả trên cơ sở điều kiện hiện trạng, kết nối thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung và phù hợp với định hướng phát triển ngành lĩnh vực liên quan. 

    + Khu vực phát triển đô thị – dịch vụ và dân cư nông thôn: Tổ chức không gian phù hợp với định hướng phát triển chung của các đô thị Trảng Bàng, Bến Cầu; đáp ứng nhu cầu nhà ở khi có dịch chuyển lao động về Khu kinh tế; làm cơ sở xây dựng, phát triển đô thị theo chương trình phát triển đô thị của quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Tây Ninh để thống nhất trong quản lý, thực hiện.

    + Khu vực phát triển du lịch nhằm khai thác đặc trưng văn hóa của cửa khẩu và cảnh quan, sinh thái sông Vàm Cỏ Đông, định hướng phát triển các khu du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí mang tầm quốc gia, quốc tế.

    + Khu vực phát triển nông – lâm nghiệp: Nghiên cứu phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở khai thác tối đa điều kiện tự nhiên. 

    + Các khu vực chức năng đặc thù khác trong khu kinh tế theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đảm bảo an ninh quốc phòng: Khu phi thuế quan, kho ngoại quan, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic; khu vực vành đai biên giới, cơ sở an ninh quốc phòng, khu dự trữ phát triển,…

    – Xác định rõ phạm vi, giới hạn phát triển không gian khu vực đô thị, cần kiểm soát phát triển theo quy hoạch chung đô thị; khu vực cần quy hoạch phân khu xây dựng; quy hoạch chung xây dựng xã để quản lý phát triển.

    – Xác định hệ thống trung tâm cấp vùng, cấp tỉnh, trung tâm chuyên ngành tại khu kinh tế và yêu cầu quản lý phát triển đối với các trung tâm để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu kinh tế và vùng lân cận theo các giai đoạn phát triển; phù hợp với định hướng phát triển các khu dân cư và các khu vực chức năng. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu đề xuất quy mô tổ chức phân bố hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội cấp vùng, cấp tỉnh, cấp đô thị, hạ tầng kinh tế nông thôn, đảm bảo phát triển bền vững, gồm: hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ trung chuyển; trung tâm dịch vụ – thương mại; hệ thống khu, cụm, điểm du lịch; khu trung tâm hành chính tập trung; mạng lưới trung tâm y tế; giáo dục đào tạo; văn hóa, thể dục thể thao; nhà ở và phân bố dân cư; các trung tâm chuyên ngành khác, các khu vực không gian xanh, nông nghiệp.

    – Xác định các khu vực kiến trúc, cảnh quan; khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ của khu kinh tế tại cửa khẩu Mộc Bài, cửa khẩu Phước Chỉ, cửa khẩu Long Thuận, các điểm kết nối vào đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài,…; trục không gian chính cửa khẩu và đô thị, hệ thống quảng trường, không gian cây xanh – mặt nước, điểm nhấn trong đô thị và đề xuất nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho từng khu vực; xác định cấu trúc khung cảnh quan tự nhiên, các trục cảnh quan và trục liên kết các khu chức năng trong khu kinh tế, giữa các khu chức năng với khu đô thị, hình thái phát triển chính của các khu vực nông thôn, các khu bảo tồn…;

    • Điều chỉnh định hướng quy hoạch sử dụng đất cần xác định phạm vi, quy mô, các chỉ tiêu sử dụng đất đối với từng khu vực chức năng trong khu kinh tế theo yêu cầu phát triển từng giai đoạn, cụ thể như sau:
    • Đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho các khu chức năng theo cấu trúc và định hướng phát triển không gian. Thiết lập ranh giới cho các khu vực chức năng, khu chức năng như khu vực phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp,… Dành quỹ đất phù hợp cho các chức năng công nghiệp, dịch vụ trung chuyển, đô thị và các khu đô thị mới, khu dân cư mới, du lịch, dịch vụ thương mại, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
    • Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan đến xây dựng và sử dụng đất từng khu vực chức năng nhằm phục vụ cho công tác quản lý và kiểm soát phát triển. Đề xuất quỹ đất xây dựng theo từng giai đoạn phát triển (ngắn hạn đến năm 2030 và dài hạn đến năm 2040) để khai thác hiệu quả quỹ đất, tập trung nguồn vốn và đầu tư trọng tâm, trọng điểm trong giai đoạn đầu. Hạn chế các tác động tiêu cực đến dân cư trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.
    • Các khu vực nằm trong ranh giới quy hoạch chung khu kinh tế cần được phân khu cụ thể theo chức năng để đảm bảo sự thống nhất và kết nối khi triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án trong giai đoạn thực hiện.
    • Các đề xuất về quy hoạch sử dụng đất đai đảm bảo nguyên tắc tôn trọng các yếu tố thực trạng, kế thừa tối đa kết quả nghiên cứu hợp lý của Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2020 phê duyệt năm 2009 và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đang triển khai thực hiện.
    • Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
    • Về quy hoạch giao thông: 

    Dự báo nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa theo giai đoạn quy hoạch. Xác định mối liên kết với hệ thống giao thông của quốc gia, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và vùng tỉnh Tây Ninh; đề xuất các giải pháp kết nối với quốc lộ 22, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, bến đường thủy nội địa,…. Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại, giao thông đối nội; vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông; tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe; xác định chỉ giới đường đỏ các trục chính và hệ thống hào, tuynel kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển của khu kinh tế. Giao thông đường sắt, đường thủy nội địa: Nghiên cứu, đề xuất các công trình giao thông sắt, đường thủy gắn với không gian các khu vực chức năng.

    • Về chuẩn bị kỹ thuật:

    Phân lưu vực tiêu thoát nước chính, hướng thoát nước. Rà soát, điều chỉnh cao độ khống chế cho các khu chức năng, tính toán ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đề xuất, lựa chọn mô hình hệ thống thoát nước mưa, xác định vị trí, quy mô, mạng lưới hệ thống tiêu thoát nước; xác định cốt xây dựng cho toàn khu và từng phân khu chức năng.

    – Về quy hoạch cấp nước:

    Phân tích đánh giá tài nguyên nước ngầm và nước mặt của khu vực để đề xuất điều chỉnh các giải pháp cấp nước (lựa chọn nguồn nước) và bảo vệ nguồn nước; định hướng phát triển đảm bảo nguồn cấp nước theo định hướng cấp nước vùng Đông Nam Bộ. Xác định tiêu chuẩn và nhu cầu dùng nước, dự kiến nguồn cấp, công trình đầu mối, mạng lưới đường ống cấp nước, cấp nước chữa cháy và các thông số kỹ thuật theo từng giai đoạn.

    – Về quy hoạch cấp điện, chiếu sáng:

    Xác định chi tiêu, nhu cầu sử dụng điện; lựa chọn cân đối nguồn điện; đề xuất giải pháp điều chỉnh thiết kế mạng lưới cấp điện, dự kiến các công trình đầu mối cho từng giai đoạn quy hoạch. Tính toán nhu cầu và đề xuất giải pháp cho chiếu sáng. Đề xuất khai thác sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thân thiện môi trường.

    – Về quy hoạch thông tin liên lạc:

    Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động, dự kiến các công trình đầu mối theo từng giai đoạn quy hoạch và mạng lưới truyền dẫn đồng bộ theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống viễn thông công cộng đáp ứng nhu cầu sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại khu kinh tế.

    – Về quy hoạch thoát nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn, nghĩa trang:

    Xác định chỉ tiêu và dự báo khối lượng thoát nước thải, chất thải rắn, nhu cầu đất nghĩa trang. Định hướng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn; nghĩa trang và nhà tang lễ.

    • Đánh giá môi trường chiến lược và ứng phó biến đổi khí hậu:

    Nhận diện, đánh giá, dự báo và đề xuất giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu đối với khu kinh tế, trên cơ sở các khuyến nghị kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật, công bố và các nghiên cứu cụ thể về tác động của biến đổi khí hậu với khu kinh tế. Phân tích và dự báo các tác động môi trường từ các hoạt động phát triển đô thị, dân cư, sản xuất nông, lâm nghiệp, giao thông, công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch và các dự án đầu tư khác trong khu kinh tế… Đề xuất các giải pháp giám sát tác động môi trường, phương án thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các lĩnh vực trên.

    • Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

    5.1. Giới thiệu chung

    Khu kinh tế cửa khẩu An Giang được thành lập vào đầu năm 2008 trên cơ sở ba khu vực cửa khẩu đều thuộc tỉnh An Giang là Tịnh Biên, Vĩnh Xương và Khánh Bình được hình thành từ đầu thập niên 2000. 

    5.2. Vị trí

    • Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên rộng gần 92,3 km² thuộc địa bàn các xã Nhơn Hưng, An Phú, An Nông thị trấn Tịnh Biên và thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên), sát cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (nối với cửa khẩu Phnom Den, tỉnh Takeo, Campuchia). Quốc lộ 91 của Việt Nam và Quốc lộ 2 của Campuchia nối với khu vực này.
    • Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương của khu kinh tế cửa khẩu An Giang rộng gần 99 km² thuộc địa bàn các xã Vĩnh Xương, Phú Lộc, Vĩnh Hòa, Tân An, Long An thuộc thị xã Tân Châu, sát cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (nối với cửa khẩu Kaosamnor của Campuchia). Tuyến giao thông chính giữa hai nước Việt Nam – Campuchia qua khu vực này là sông Mê Kông (sông Tiền).
    • Khu vực Khánh Bình bao gồm cửa khẩu quốc gia Khánh Bình và cửa khẩu Bắc Đai thuộc xã Nhơn Hội cùng ở huyện An Phú. Khu vực này rộng 87 km² bao gồm các xã Khánh An, Khánh Bình, Quốc Thái, Nhơn Hội, Phú Hữu. Sông Bình Di đi qua cửa khẩu, làm ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam với Campuchia.

     

    5.3. Quy hoạch

    Chi tiết xem tại Quyết định số 456/QĐ-TTg, ngày 22/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030

    Sơ đồ quy hoạch SDĐ tại ba khu cửa khẩu Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương
    Sơ đồ quy hoạch SDĐ tại ba khu cửa khẩu Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương

    Định hướng phát triển không gian:

    • Cấu trúc phát triển không gian:

    Cấu trúc không gian Khu kinh tế cửa khẩu An Giang hình thành theo mô hình từng khu vực cửa khẩu, bao gồm: Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, khu vực cửa khẩu Khánh Bình và khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, liên kết với nhau thông qua các tuyến Quốc lộ N1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C, tuyến Khánh Bình – Chợ Mới – Vàm Cống…

    • Phân vùng phát triển:

    – Các khu vực cửa khẩu, gồm khu quản lý, kiểm soát cửa khẩu, khu phi thuế quan tại các cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Tịnh Biên và cửa khẩu chính Khánh Bình.

    – Các khu vực phát triển đô thị gồm: Thị trấn Tịnh Biên, thị xã Tân Châu, đô thị cửa khẩu Vĩnh Xương, đô thị Nhà Bàng, thị trấn Long Bình.

    – Các khu vực phát triển dân cư nông thôn gồm: Các khu vực ngoại thị của thị xã Tân Châu, Tịnh Biên, các trung tâm xã, các cụm tuyến dân cư nông thôn được phân bố theo các tuyến giao thông thủy và bộ.

    – Các vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, không gian du lịch sinh thái, không gian cây xanh cảnh quan và mạng lưới sông rạch: Phân bố đa dạng và xen kẽ trong các khu vực phát triển gồm các khu vực canh tác nông nghiệp bao quanh các đô thị; các hành lang cây xanh theo sông Tiền, sông Bình Di, kênh Vĩnh Tê và các kênh rạch trong khu kinh tế; khu vực cây xanh thuộc quần thể du lịch núi Cấm trong khu vực cửa khẩu Tịnh Biên…

    – Các khu vực phân bố các khu, cụm công nghiệp địa phương.

    • Định hướng phát triển không gian các khu kiểm soát cửa khẩu, các khu phi thuế quan và cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:

    – Các khu kiểm soát cửa khẩu: Khu quản lý kiểm soát cửa khẩu được tổ chức tại 3 khu vực cửa khẩu với tổng diện tích 52,8 ha. Trong đó tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên khoảng 31,5 ha, tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương khoảng 13,3 ha và tại cửa khẩu chính Khánh Bình khoảng 8 ha

    – Các khu phi thuế quan:

    + Khu phi thuế quan tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên có tổng diện tích 88,5 ha, chức năng chủ yếu là thương mại dịch vụ.

    + Khu phi thuế quan tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương có tổng diện tích 135 ha, bao gồm khu thương mại dịch vụ quy mô 85 ha và khu công nghiệp có quy mô 50 ha.

    + Khu phi thuế quan tại cửa khẩu chính Khánh Bình có tổng diện tích 80 ha, bao gồm khu thương mại dịch vụ quy mô 40 ha và khu công nghiệp có quy mô 40 ha.

    • Các khu phi thuế quan bao gồm các khu thương mại dịch vụ hỗn hợp và các khu công nghiệp:

    + Các khu thương mại dịch vụ hỗn hợp gồm các chức năng: Khu tổ chức hội chợ; khu triển lãm; khu văn phòng giao dịch, văn phòng đại diện các doanh nghiệp, tổ chức; trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí; công viên cây xanh.

    + Các khu sản xuất công nghiệp gồm: Các khu trung tâm thương mại công nghiệp; kho ngoại quan; văn phòng cơ quan hải quan; trạm xăng; khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Tại đây có các hoạt động sau: Sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, đóng gói hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu và hàng phục vụ tại chỗ.

    • Các khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:

    Các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có diện tích khoảng 396 ha, được phân bố như sau: 

    + Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương có điện tích khoảng 134 ha. Bao gồm tại khu vực nội thị giáp sông Tiền khoảng 100 ha, các cụm công nghiệp khoảng 34 ha; loại hình công nghiệp chủ yếu là chế biến nông thủy sản (chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu nhỏ: Lương thực, thực phẩm, trái cây, đồ hộp), cơ khí, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, các loại hình sản xuất công nghiệp liên quan đến hoàn tất (tinh chế, đóng gói, bao bì);

    + Khu vực cửa khẩu Khánh Bình có diện tích khoảng 50 ha. Loại hình công nghiệp chủ yếu là công nghiệp chế biến nông thủy sản, cơ khí, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng và các ngành nghề khác có liên quan đến hoạt động kinh tế cửa khẩu.

    + Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên có diện tích khoảng 212 ha. Trong đó công nghiệp phi thuế quan được lồng ghép trong Khu công nghiệp Xuân Tô; các Cụm công nghiệp địa phương phân bố tại khu vực An Nông, An Phú và Nhơn Hưng, các ngành công nghiệp về chế biến nông thủy sản, cơ khí, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, bao bì, dịch vụ văn phòng.

    • Cửa khẩu phụ:

    Ngoài 02 cửa khẩu quốc tế và 01 cửa khẩu chính, Khu kinh tế cửa khẩu An Giang còn có cửa khẩu phụ Bắc Đai tại xã Nhơn Hội (thuộc khu vực cửa khẩu Khánh Bình). Quy mô phát triển không gian (bao gồm khu quản lý kiểm soát cửa khẩu, khu thương mại dịch vụ, khu dân cư) khoảng 60 ha.

    • Định hướng phát triển không gian đô thị và điểm dân cư tập trung:
    • Thị xã Tân Châu:

    + Tính chất: Là đô thị loại III, đô thị trung tâm phía Bắc trong chuỗi đô thị biên giới tỉnh An Giang; là trung tâm kinh tế, khoa học kĩ thuật và văn hóa của tỉnh; là khu vực đô thị hỗ trợ hậu cần cho khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương.

    + Quy mô dân số đô thị Tân Châu (phần nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang): đến năm 2020 là 168.000 người; đến năm 2030 là 182.000 người.

    + Quy mô đất xây dựng đô thị Tân Châu (phần nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang): Đến năm 2020 là 1863 ha; đến năm 2030 là 1990 ha.

    + Định hướng phát triển không gian:

    . Định hướng phát triển không gian của thị xã Tân Châu dựa trên cấu trúc lưu thông vùng là sông Tiền và trục Quốc lộ N1, Đường tỉnh 953, Đường tỉnh 954. Hướng phát triển chính dọc theo Đường tỉnh 953, tuyến Quốc lộ N1 và các tuyến giao thông liên vùng khác.

    . Các trung tâm cấp vùng như dịch vụ thương mại, thể dục thể thao, được bố trí tại khu vực trung tâm thị xã, tiếp cận thuận tiện từ Quốc lộ N1.

    . Trung tâm hành chính và dịch vụ công cộng thị xã vẫn bố trí tại vị trí hiện hữu.

    . Hệ thống công viên cây xanh cảnh quan bố trí dọc theo kênh Vĩnh An, kênh Thầy Cai, kênh Ranh. Các khu công viên cây xanh tập trung – Thể dục thể thao đô thị được bố trí trên nguyên tắc khai thác cảnh quan mặt nước hiện có, tạo điểm nhấn và cải tạo môi trường trong đô thị.

    . Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp có vị trí tại phía Đông Nam, nằm giữa Đường tỉnh 954 và Quốc lộ N1 dự kiến, giáp sông Tiền; quy mô khoảng 100 ha.

    • Đô thị mới cửa khẩu Vĩnh Xương

    + Tính chất: Đầu mối giao thông đường thủy, đường bộ; trung tâm giao thương về kinh tế văn hóa của khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương; trung tâm thương mại, công nghiệp đặc thù của khu kinh tế cửa khẩu; là khu dịch vụ hậu cần cảng sông; có vị trí quan trọng đảm bảo an ninh quốc phòng.

    + Quy mô dân số: Đến 2020 là 18.000 người; đến 2030 là 22.000 người.

    + Quy mô đất xây dựng đô thị: Đến 2020 là 470 ha; đến 2030 là 596 ha.

    + Định hướng phát triển không gian đô thị cửa khẩu Vĩnh Xương được hình thành trong giới hạn từ cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đến kênh Cùng: Khu quản lý cửa khẩu bố trí tiếp giáp với biên giới về phía Tây Bắc của đô thị và phía Đông Đường tỉnh 952. Khu công nghiệp phi thuế quan kết hợp cảng bố trí dọc sông Tiền. Trung tâm hành chính, dịch vụ của đô thị cửa khẩu có vị trí tại phía Nam tuyến kênh Bảy Xã (nhánh Đông).

    • Khu vực đô thị Tịnh Biên – Nhà Bàng

    + Tính chất: Là đô thị loại III đến năm 2030; là một trong những đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị biên giới tỉnh An Giang; là trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thương của khu vực cửa khẩu Tịnh Biên thuộc Khu kinh tế cửa khẩu An Giang; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

    + Quy mô dân số: Đến 2020 là 33.000 người; đến 2030 là 40.000 người.

    + Quy mô đất xây dựng đô thị: Đến 2020 là 763 ha; đến 2030 là 890 ha.

    + Định hướng phát triển không gian: Phát triển dọc theo hành lang của tuyến Quốc lộ 91, kết nối với khu vực Nhà Bàng, trên cơ sở hiện trạng các thị trấn Tịnh Biên và Nhà Bàng. Các khu dân dụng phát triển tại phía Đông kênh Vĩnh Tế, không gian được hình thành, kết hợp giữa khu hành chính của Đô thị đang xây dựng với khu công nghiệp Xuân Tô. Tuyến tránh Quốc lộ 91, kết nối với Quốc lộ N1 ở phía Nam là giới hạn của khu vực phát triển mật độ cao.

    • Thị trấn Long Bình: 

    + Tính chất: Là đầu mối giao thương đường bộ, đường thủy, trung tâm giao thương về kinh tế văn hóa, thương mại, dịch vụ du lịch, công nghiệp của khu vực cửa khẩu Khánh Bình. Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

    + Quy mô dân số: Đến 2020 là 13.000 người; đến 2030 là 14.000 người.

    + Quy mô đất xây dựng đô thị: Đến 2020 khoảng 207 ha; đến năm 2030 khoảng 255 ha.

    + Định hướng phát triển không gian được hình thành trên cơ sở phát triển không gian khu vực cửa khẩu Khánh Bình: Khu quản lý cửa khẩu và trung tâm hành chính, dịch vụ của đô thị cửa khẩu nằm dọc theo Quốc lộ 91C, giáp cửa khẩu chính Khánh Bình. Khu thương mại phi thuế quan và khu công nghiệp phi thuế quan nằm trên trục giao thông chính Bắc Nam, về phía Bắc Quốc lộ 91C. Khu dịch vụ hậu cần cảng sông gắn với sông Tiền và nối kết với khu công nghiệp. Khu dân cư phát triển trên cơ sở chỉnh trang dân cư hiện trạng khu vực dọc sông Bình Di, sông Hậu và một phần dân cư phát triển mới.

    • Định hướng phân bố các khu dân cư nông thôn:
    • Các khu trung tâm xã được bố trí trên cơ sở phát triển và mở rộng khu dân cư trung tâm hiện hữu.
    • Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
    • Mô hình phân bố dân cư chủ yếu theo dạng tuyến, phát triển theo các tuyến giao thông đường bộ kết hợp các tuyến dân cư vượt lũ; một số khu vực trung tâm xã có thể mở rộng.

    • Định hướng phân bố các trung tâm đô thị và chuyên ngành:
    • Trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng: Trung tâm thương mại dịch vụ cấp tiểu vùng quy mô khoảng 3 ha – 5 ha bố trí tại thị xã Tân Châu, có chức năng dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, hội chợ, hội nghị, giao lưu tiếp thị; là nơi tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại,… của khu kinh tế.
    • Trung tâm thể dục thể thao cấp vùng: Được bố trí tại thị xã Tân Châu, đô thị Tịnh Biên, phục vụ các hoạt động tập luyện và thi đấu thể dục thể thao cho người dân trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, thị xã Tân Châu, đô thị Tịnh Biên và các huyện lân cận.
    • Trung tâm Giáo dục – Đào tạo cấp vùng: Bố trí tại phía Đông thị xã Tân Châu, có quy mô khoảng 32 ha, bao gồm: Trường dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên. Tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, thị trấn An Phú, hoàn thiện các trung tâm dạy nghề nhằm hỗ trợ đào tạo lao động ngắn hạn cho khu kinh tế; đầu tư nâng cấp trung tâm dạy nghề thị xã Tân Châu thành trường trung cấp nghề.
    • Trung tâm y tế cấp vùng: Phát triển bệnh viện đa khoa thị xã Tân Châu thành bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh, quy mô 200 giường bệnh, kết hợp với Bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc hiện có quy mô 500 giường đóng vai trò là các trung tâm y tế cấp vùng.
    • Định hướng vùng sản xuất nông, lâm nghiệp:

    Quy mô khoảng 21.000 ha, nằm ngoài khu vực phát triển đô thị và khu phi thuế quan. Phát triển ngành nông nghiệp đa dạng trên nền cây lúa, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, phát triển vùng trồng các loại nông sản có thế mạnh vượt trội như: Sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả,… phục vụ xuất khẩu và tạo lập cảnh quan đặc trưng.

    • Định hướng các vùng cảnh quan và không gian mở: 

    • Các vùng bảo tồn hệ sinh thái và cảnh quan đặc trưng, bao gồm khu vực rừng cảnh quan công viên Núi Cấm, cồn nổi trên sông Tiền thuộc khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, Búng Bình Thiên.
    • Vùng khai thác phục vụ du lịch là các khu vực hiện đang khai thác du lịch như quần thể núi cấm, Búng Bình Thiên, cồn Nổi trên sông Tiền.
    • Vùng cảnh quan nông nghiệp là các khu vực canh tác nông nghiệp truyền thông bao gồm vùng chuyên canh lúa và các loại cây trồng khác, vùng nuôi trồng thủy sản như làng bè Châu Đốc…

    VI. Kết luận

    Quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia. Việc xây dựng và phát triển những khu vực này không chỉ là để tạo ra những cổng giao thương hiệu quả mà còn để khuyến khích sự hợp tác quốc tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

    Một trong những ưu điểm lớn của quy hoạch này là việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho giao thương quốc tế. Các cửa khẩu được thiết kế đúng cách giúp thúc đẩy quá trình nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp. Sự linh hoạt và hiệu quả của hệ thống cửa khẩu này đồng thời cũng giúp tối ưu hóa quy trình logistics và giảm chi phí vận chuyển, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trên thị trường quốc tế.

    Ngoài ra, quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác quốc tế. Những khu vực này thường là nơi gặp gỡ của các quốc gia, tạo ra cơ hội để thảo luận và đàm phán các thỏa thuận thương mại, chính trị. Sự hợp tác này không chỉ giúp mở rộng mối quan hệ ngoại giao mà còn tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ nguồn lực và công nghệ, từ đó giúp ích cho sự phát triển của đất nước. 

    Chi tiết xem thêm – Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng 30 khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam.

       

          Trên đây là những thông tin tổng quan về “Tổng quan – Quy hoạch khu kinh tế biển Việt Nam ” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn tổng quan về tiềm năng phát triển các khu kinh tế biển. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về tư vấn phát triển dự án, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web senvangdata.com/. 

     

    report-img

     

    Dịch vụ tư vấn phát triển dự án ( Giai đoạn tiền phát triển – Phát triển dự án ) giúp nhà đầu tư hình thành và triển khai dự án một cách hiệu quả và thành công trong tương lai.

    https://senvangdata.com.vn/dich-vu/tu-van-phat-trien-du-an-giai-doan-tien-phat-trien-phat-trien-du-an 

    ————————–

    Báo cáo nghiên cứu thị trường R&D: https://senvangdata.com/reports

    ————————–

    Download Dữ liệu Vùng, Tỉnh tại đây: 

    Download Dữ liệu Vùng, Tỉnh 

    —————————

    Khóa học Sen Vàng: https://senvangacademy.com/khoa-hoc/

    —————————

    Bất động sản Sen Vàng – Đơn vị tư vấn phát triển dự án bất động sản uy tín, chuyên nghiệp Việt Nam

    Website: https://senvanggroup.com/

    Website: https://senvangdata.com/

    Youtube: https://tinyurl.com/vt82l8j

    Hotline: 0948 48 48 59

    Group cộng đồng Kênh đầu tư Sen Vàng : https://zalo.me/g/olgual210

    Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Nguyễn Yến Ngọc

    Thông tin liên hệ:

    Website: https://senvangdata.com/

    Hotline: 0948.48.4859

       




    Thẻ : chỉ số kinh tế - xã hội, cửa khẩu Việt Nam, cửa khẩu kinh tế, bản đồ quy hoạch,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!