Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ: Hai diện mạo sáng của nền kinh tế Việt Nam

  • 6 Tháng chín, 2023
  • Nhìn vào bản đồ kinh tế của Việt Nam, hai vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Hồng nổi lên như hai điểm sáng độc đáo, mang trong mình những đặc trưng kinh tế riêng biệt. Việc so sánh các chỉ tiêu kinh tế của hai vùng này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự phát triển kinh tế tại mỗi khu vực mà còn giúp phản ánh sự phân hóa và đa dạng trong mô hình phát triển kinh tế của cả nước. 

    Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào phân tích đặc điểm dân số, vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và kinh tế xã hội của 2 vùng hiện nay để giúp chủ đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn tổng quát hơn về các vùng. 

    1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ KHÍ HẬU

    Diện tích

    Đông Nam Bộ có diện tích chiếm 7,5% diện tích cả nước (23,6 nghìn km2), bao gồm 6 tỉnh và thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai. Trong đó có 2 tỉnh/ thành giáp biển là Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu. 

    Đồng bằng Sông Hồng có diện tích là 21,3 nghìn km2, bao gồm 11 tỉnh, thành: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Trong đó có 5 tỉnh/ thành giáp biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

    Vị trí địa lý

    Đông Nam Bộ là vùng đất mới trong lịch sử phát triển của đất nước, khu vực tập trung nhiều đô thị nằm giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên. Phía Tây và Tây – Nam giáp  đồng bằng sông Cửu Long nơi có tiềm năng lớn về nông nghiệp, là vựa lúa lớn nhất nước ta; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, giàu tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt và thuận lợi xây dựng các cảng biển tạo ra đầu mối liên hệ kinh tế thương mại với các nước trong khu vực và quốc tế; phía Tây Bắc giáp với Campuchia có cửa khẩu Tây Ninh tạo mối giao lưu rộng rãi với Campuchia, Thái Lan, Lào, Mianma. Với vị trí này Đông Nam Bộ là đầu mối giao lưu quan trọng của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế. 

    Vùng đồng bằng sông Hồng tuy không có đường biên giới trên đất liền với bất kỳ quốc gia nào nhưng lại là cầu nối giữa vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, thuận lợi giao lưu với các vùng khác trong cả nước và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đối với chính trị và đối ngoại, ĐBSH không chỉ là một địa bàn chiến lược về quốc phòng và an ninh, mà còn là một cửa ngõ phía Bắc kết nối với ASEAN và Trung Quốc. Vùng này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại với các đối tác quốc tế.

    Địa hình và khí hậu

    Nằm ở phía Nam Việt Nam, Đông Nam Bộ có địa hình phức tạp, với sự kết hợp của núi, đồng bằng và biển. Ở Đông Nam Bộ, đất phổ biến là đất bazan, đất xám thích hợp phát triển cây công nghiệp. Khí hậu ở Đông Nam Bộ thuộc loại khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4, còn mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.

    Nằm ở phía Bắc Việt Nam, vùng đồng bằng sông Hồng là nơi có địa hình thấp, chủ yếu là đồng bằng, khá là bằng phẳng nên thuận lợi cho phát triển tất cả các ngành kinh tế và dân cư sống tập trung. Ở vùng này, đất chủ yếu là đất phù sa ngọt được bồi đắp bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình nên rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Vùng Đồng Bằng Sông Hồng có khí hậu mát mẻ, có bốn mùa rõ rệt: mùa xuân ấm áp, mùa hè nóng ẩm, mùa thu trong lành và mùa đông lạnh giá.

    2. ĐẶC ĐIỂM DÂN SỐ

    Tổng dân số và mật độ dân số

    Vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất cả nước, với 23,45 triệu người (chiếm 23,58% dân số cả nước), bình quân khoảng 1.102 người trên 1 km2 vào năm 2022, đang trong thời kỳ “Dân số Vàng”. 

    Trong khi đó, Đông Nam Bộ có tổng dân số là 18,81 triệu người, bình quân khoảng 799 người trên 1km2. 

    Tỷ lệ lao động, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ suất xuất cư, nhập cư

    Vùng đồng bằng sông Hồng có số người lao động từ 15 tuổi lớn nhất cả nước năm 2022, với 11,64 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động trên 15 tuổi đã qua đào tạo chiếm 37,1 %. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của vùng này là 9,2%, cao hơn trung bình cả nước (9,1%). Ngoài ra, tỷ suất nhập cư và tỷ suất xuất cư ở vùng này lần lượt là 3,7% và 1,3%.

    Vùng Đông Nam Bộ có số người lao động từ 15 tuổi thấp hơn với 10,16 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động trên 15 tuổi đã qua đào tạo chiếm 28,2%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của vùng này (8,5%) cũng thấp hơn vùng đồng bằng sông Hồng và trung bình cả nước. Tuy nhiên, tỷ suất nhập cư của Đông Nam Bộ lại cao nhất cả nước với 10,3%, phản ánh sự thu hút đáng kể của vùng đất này.

    Giáo dục

    Theo bộ giáo dục và đào tạo, vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp học của vùng đều gia tăng và đứng đầu cả nước. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 39,9% (cao hơn 14,5% so với bình quân cả nước). Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6% (cao hơn 6,2% so với bình quân cả nước). Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp học phổ thông lần lượt là 99,9% đối với cấp Tiểu học; 98,7% đối với cấp THCS và 92,9% đối với cấp THPT. Đánh giá trong giáo dục và đào tạo, vùng Đồng bằng sông Hồng là dẫn đầu cả nước với nhiều kết quả tích cực.Điều này được phản ánh qua 2 con số: kết quả thi tốt nghiệp THPT (chất lượng đào tạo đại trà) và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia (đào tạo mũi nhọn).

    Ở vùng Đông Nam Bộ, các địa phương đã chú trọng công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi, tuy vậy một số chỉ tiêu vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ toàn vùng đứng thứ ba trong sáu vùng kinh tế – xã hội. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đứng thứ năm trong sáu vùng kinh tế – xã hội. Tốc độ tăng dân số cơ học của vùng, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục. Tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp của vùng cao nhất cả nước, đặc biệt tỷ lệ học/trường cấp THCS cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước.

    3. HẠ TẦNG GIAO THÔNG

    Đường bộ

    Hiện nay, Đồng bằng Sông Hồng đang chứng kiến một cuộc bứt phá mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là hạ tầng đường cao tốc. Cụ thể, về đường bộ đã đưa vào khai thác 9 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 576 km; 25 tuyến quốc lộ, chiều dài 2.133 km. Hệ thống đường cao tốc đảm bảo sự kết nối mạch lạc giữa 10/11 tỉnh trong vùng, bao gồm cả trung tâm thủ đô Hà Nội. Đáng chú ý, mọi tỉnh đều được gắn kết qua hạ tầng đường cao tốc, ngoại trừ tỉnh Thái Bình. Mạng lưới quốc lộ cũng đã phát triển một cách đáng kể, tạo ra một hệ thống kết nối hiệu quả giữa trung tâm hành chính các tỉnh và mạng đường cao tốc. 

    Đến năm 2025, với đồng bằng sông Hồng, Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thành chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến; huy động nguồn vốn tiếp tục đầu tư đường Vành đai 5, Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long; hoàn thành cải tạo nâng cấp tuyến Quốc lộ 4B qua Lạng Sơn; huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ trong vùng như Quốc lộ 4B đoạn qua Quảng Ninh, Quốc lộ 21C đoạn Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính.

    Vùng Đông Nam bộ được xác định là đầu tàu kinh tế của cả nước, tuy nhiên, lâu nay, sự hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối chính là “điểm nghẽn” khiến cho sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: “thời gian vừa qua, có tỉnh làm được 200 km cao tốc nhưng cả vùng Đông Nam Bộ trong 10 năm qua chỉ làm được 50km cao tốc”. Ngoài ra, các quốc lộ chính yếu (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14) có nhiều đoạn đã mãn tải. 

    Do đó, việc triển khai loạt dự án cao tốc, quốc lộ trong tương lai sẽ tạo nên sự đột phá không chỉ cho hạ tầng giao thông mà còn cho cả nền kinh tế của Đông Nam Bộ. Trong khoảng thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương đầu tư và đưa vào khai thác 103 km đường cao tốc, gồm: cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, TPHCM – Trung Lương. Hiện đang thi công 3 tuyến cao tốc, tổng chiều dài 178 km, gồm: Bến Lức – Long Thành, Vành đai 3 TPHCM, Biên Hòa – Vũng Tàu. Đồng thời, chuẩn bị khởi công 3 tuyến dài 126 km, gồm: Chơn Thành – Đức Hòa, Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc. Phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400 km đường cao tốc đưa vào khai thác tại vùng Đông Nam Bộ.

    Cảng biển

    Vùng Đông Nam Bộ thuộc nhóm cảng 4 (bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Long An). 

    Vùng đồng bằng sông Hồng thuộc nhóm cảng 1 (bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình). 

    Nhóm cảng biển số 4 là nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam, cũng là nhóm cảng biển quan trọng nhất, đạt gần 300 triệu tấn hàng hóa thông qua, chiếm đến 42,2% tổng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển cả nước (năm 2021). Trong Nhóm số 4, cảng biển TP.HCM và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có công suất và tỷ trọng thông qua lớn nhất. Cụ thể tổng lượng hàng hóa qua cảng biển TP.HCM năm 2021 đạt 164,6 triệu tấn, tỷ trọng 55,2%, trong khi đó tổng lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2021 đạt 113,7 triệu tấn, tỷ trọng 38,1%.

    Tiếp theo là nhóm cảng biển số 1, đạt gần 200 triệu tấn hàng hóa thông qua, chiếm 28,2% tổng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển cả nước (năm 2021). Hải Phòng, với tư cách là thành phố cảng lớn hàng đầu, chính là cánh cửa quốc tế nối liền Việt Nam với thế giới rộng lớn. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang được đánh giá sở hữu những lợi thế nổi trội và tiềm lực mạnh mẽ để phát triển hệ thống Cảng Quảng Ninh đi kèm dịch vụ cảng biển theo chiều hướng hiện đại. 

    Ngoài ra, nếu tính chỉ số CPPI năm 2022 (Container Port Performance Index) do World Bank và hãng tin tài chính S&P Global Market Intelligence công bố, Đông Nam Bộ có 3 cảng lọt vào 384 cảng có biểu hiện tốt nhất thế giới 2022 (Cái Mép, Cát Lái và Sài Gòn) còn đồng bằng sông Hồng chỉ có 1 cảng (Hải Phòng). Chỉ số này được lấy dựa trên điểm đánh giá ở các tiêu chí như thời gian tàu vào luồng, cập cảng; năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng; tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng; tiết kiệm nhiên liệu; ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá.

    Nguồn: tham khảo Vantage-logistics.com 

    Cảng hàng không

    Khu vực Đồng Bằng Sông Hồng hiện đang có ba sân bay quốc tế, đó là Sân bay Quốc tế Nội Bài tại Hà Nội, Sân bay Quốc tế Cát Bi tại Hải Phòng và sân bay quốc tế Vân Đồn. Sân bay Nội Bài có khả năng phục vụ 25 triệu hành khách và xử lý 403.000 tấn hàng hóa hàng năm. Sân bay Cát Bi, với công suất hơn 3,6 triệu lượt khách mỗi năm, cung cấp dịch vụ quan trọng cho khu vực. Sân bay Vân Đồn hiện tại với công suất nhỏ nhất đạt 2,5 triệu lượt khách/năm. Cả ba sân bay này đóng vai trò quan trọng trong giao thương và phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng Bằng Sông Hồng.

    Khu vực Đông Nam Bộ hiện đang có 2 sân bay quốc tế là Sân bay Tân Sơn Nhất tại thành phố Hồ Chí Minh và Sân bay Côn Đảo tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất 28 triệu hành khách trong năm 2022. Đây cũng là sân bay có công suất lớn nhất cả nước trong thời điểm hiện tại. Sân bay Côn Đảo có công suất 0,4 triệu khách mỗi năm. 

    Ngoài ra, đến năm Đông Nam Bộ sẽ có thêm 2 sân bay quốc tế là Sân bay Biên Hòa tại Đồng Nai và Sân bay Long Thành tại Đồng Nai. Đặc biệt, Sân bay Quốc tế Long Thành hiện đang trong quá trình xây dựng tại Bình Sơn, cách Thành phố Hồ Chí Minh 40km về hướng Đông. Dự án sân bay Long Thành đã chính thức được khởi công vào đầu năm 2021 và dự kiến khánh thành vào năm 2025. Với công suất hành khách ước tính lên đến 100 triệu người/năm khi hoàn thành 3 giai đoạn, địa điểm này được dự đoán trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai gần, góp phần giảm tải áp lực giao thông và phát triển kinh tế cho vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh nói riêng.

    Đường sắt

    Hệ thống đường sắt tại miền Bắc Việt Nam đang phát triển mạnh, tập trung chủ yếu trong khu vực này. Đa số các tuyến đường sắt khác đều tập trung ở miền Bắc, gồm cả vùng đồng bằng Sông Hồng. Trừ tỉnh Thái Bình, 10 tỉnh khác đều được kết nối thông qua mạng lưới đường sắt. Điều này thể hiện tính quan trọng của hệ thống đường sắt trong việc tạo liên kết vùng và đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong miền Bắc Việt Nam và vùng Đồng bằng Sông Hồng.

    Với đường sắt Đông Nam Bộ, một trong những điểm trọng yếu là nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam và khu đầu mối TPHCM hiện có. Ngoài ra, xác định đường sắt đô thị là “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương đều đã khởi động, chuẩn bị đầu tư và đưa vào vận hành loạt dự án đường sắt đô thị để giảm áp lực ùn tắc giao thông tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

    4. KINH TẾ XÃ HỘI

    Vùng Đồng Bằng Sông Hồng: Vùng này tập trung nhiều hoạt động công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất và xây dựng phát triển mạnh mẽ. Nền kinh tế vùng Đồng Bằng Sông Hồng có sự đóng góp lớn từ các nguồn tài nguyên như lúa, ngô, thủy sản và công nghiệp. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Việt Nam, với nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ và doanh nghiệp tại đây. 

    Vùng Đông Nam Bộ: Vùng Đông Nam Bộ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam, với thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) là trung tâm kinh tế lớn nhất. Khu vực này tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến thực phẩm, dệt may, điện tử và cơ khí. Đông Nam Bộ cũng có nguồn lực nông nghiệp quan trọng, cung cấp lượng lớn các sản phẩm nông sản, trái cây và thủy sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Kinh tế vùng này cũng đóng góp nhiều vào các ngành dịch vụ như du lịch, tài chính và thương mại.

    Dưới đây là một số chỉ số kinh tế – xã hội của 2 vùng:

    Tỷ lệ đô thị hóa 

    Tỷ lệ đô thị hóa của Đồng bằng Sông Hồng là 37,6%, tương đương bình quân cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ (67%), bằng 1,8 lần trung bình cả nước

    Ở vùng Đông Nam Bộ, tỷ lệ độ thị hóa của các tỉnh, thành phố trong khu vực này đa số cao hơn tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước. Ngược lại, tỷ lệ đô thị hóa ở các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Hồng chưa được đồng đều, đa số các địa phương có tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn trung bình cả nước.  

    GRDP và GRDP bình quân

    Năm 2022, quy mô kinh tế của Đông Nam Bộ đứng thứ nhất trong 6 vùng kinh tế – xã hội, đạt 2952,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,8% GDP cả nước. Trong đó, GRDP của TP.HCM đứng thứ nhất trong các tỉnh/ thành, đạt 1479,2 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam Bộ là 157 triệu đồng, gấp 1,28 lần bình quân cả nước (96,1 triệu đồng).  

    Quy mô kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng theo sát Đông Nam Bộ với 2889,9 nghìn tỷ đồng và GRDP bình quân đầu người là 123 triệu đồng.

    Tuy nhiên, mặc dù đứng sau Đông Nam Bộ về quy mô kinh tế, đồng bằng Sông Hồng lại thể hiện được sự phát triển ấn tượng hơn. Năm 2020, quy mô kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng là 2150,2  nghìn tỷ đồng; ít hơn vùng Đông Nam Bộ 450 nghìn tỷ nhưng chỉ sau 2 năm, sự chênh lệch này đã giảm xuống còn gần 60 nghìn tỷ.

    Thu ngân sách nhà nước

    Trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng có thu ngân sách nhiều nhất cả nước. Cụ thể, số thu NSNN của vùng này năm 2022 đạt 738 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 38,22% thu ngân sách cả nước. TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước và vùng Đông Nam Bộ về thu NSNN với 471,5 nghìn tỷ đồng.

    Theo sau là đồng bằng sông Hồng với 687 nghìn tỷ đồng thu NSNN, chiếm khoảng 35,6% cả nước. Trong đó, Hà Nội có mức thu ngân sách cao thứ 2 cả nước là 332,3 nghìn tỷ đồng

    Một lần nữa, đồng bằng sông Hồng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ khi thu NSNN của vùng tăng 8,59 lần so với năm 2003 (thu NSNN của đồng bằng sông Hồng năm 2003 là 80 nghìn tỷ), trong khi thu NSNN của Đông Nam Bộ chỉ tăng 4,1 lần so với năm 2003 (thu NSNN của Đông Nam Bộ là 180 nghìn tỷ).

    FDI

    Tính đến cuối năm 2022, tổng vốn đăng ký của vùng Đông Nam Bộ cao nhất cả nước với 177 tỷ USD và 18.421 dự án, vượt xa vùng đồng bằng sông Hồng với 132 tỷ USD và 12.231 dự án.

    Trong vùng Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai đều là những điểm sáng về thu hút vốn FDI cả nước. Đa số các dự án tiêu biểu trong thời gian gần đây đều đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản cũng như hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin truyền thông. Đặc biệt thời gian tới, khi cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 3, Vành đai 4 được xây dựng, hạ tầng kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ thông suốt. Khi đó sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của các tỉnh Đông Nam bộ sẽ còn cao hơn nữa.

    Ở vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nội là trung tâm hút dẫn đầu tư nước ngoài với 7019 dự án FDI và tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 38,7 tỷ USD. Đồng bằng sông Hồng có nhiều lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, có hệ thống giao thông kết nối tốt. Hạn chế mà nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đang gặp phải là thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn, nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực, ngành sử dụng nhân công giá rẻ như: dệt may, giày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản, nên việc lôi kéo các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ chưa có, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa cao, đòi hỏi những giải pháp mang tính bền vững, lâu dài.

    HDI

    HDI là Chỉ tiêu kinh tế – xã hội tổng hợp đo lường sự phát triển của con người trên 3 phương diện: Sức khỏe, giáo dục và thu nhập của quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa bàn địa phương của quốc gia, vùng lãnh thổ trong kỳ quan sát.

    Theo số liệu thống kê năm 2020, xếp hạng chỉ số HDI của các tỉnh thuộc vùng ĐBSH có 6/11 tỉnh lọt vào top 10 cả nước, trong đó có Hà Nội xếp hạng 1 chỉ số HDI. Xếp hạng chỉ số HDI của các tỉnh thuộc vùng ĐNB có 3/6 tỉnh lọt vào top 10 cả nước, trong đó có Hồ Chí Minh xếp hạng 2.

    • Chỉ số sức khỏe 

    Vùng Đồng bằng sông Hồng có tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 và tăng qua các năm. Có 3/11 tỉnh lọt vào top 20 tỉnh có tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước đó là Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương. 

    Đông Nam Bộ có tuổi thọ trung bình khoảng 76 và tăng qua các năm. Đây cũng là vùng có tuổi thọ trung bình cao nhất Việt Nam. Trong đó, Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu là 2 tỉnh có tuổi thọ cao nhất cả nước.

    • Chỉ số giáo dục

    Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước, Vùng Đồng bằng sông Hồng có 7 địa phương nằm trong top 10 địa phương có chỉ số giáo dục cao nhất cả nước là: Hà Nội xếp thứ 1 cả nước, tiếp đến là Hải Phòng xếp thứ 3, Hưng Yên xếp thứ 5, Hải Dương xếp thứ 6, Bắc Ninh xếp thứ 7, Quảng Ninh xếp thứ 8 và Vĩnh Phúc xếp thứ 10.

    Vùng Đông Nam Bộ có 3/6 địa phương nằm trong top 20 địa phương có chỉ số giáo dục cao nhất cả nước là Hồ Chí Minh (thứ 4), Bà Rịa Vũng Tàu (thứ 19) và Đồng Nai (thứ 20).

    • Chỉ số thu nhập GRDP bình quân đầu người của vùng ĐBSH đứng thứ 2 cả nước, chỉ ngay sau Vùng Đông Nam Bộ.

    Chỉ số Scoli

    Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế – xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm). 

    Theo tổng cục thống kê: năm 2022, thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế không biến động so với năm 2021. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Vị trí thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số SCOLI năm 2022 bằng 99,42%, tiếp theo là Đông Nam Bộ 98,62%.

    Xếp hạng cơ sở hạ tầng

    Bảng số liệu trên cho thấy, năm 2022 vùng ĐBSH đang có 4/11 tỉnh thuộc top 10 tỉnh có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất là Quảng Ninh (đứng nhất), Hà Nội (thứ 4), Hải Phòng (thứ 7) và Bắc Ninh (thứ 8). Đặc biệt, Quảng Ninh và Hà Nội là 2 tỉnh/ thành có sự phát triển về cơ sở hạ tầng đáng kinh ngạc khi có sự tăng vọt về thứ tự trong bảng xếp hạng qua các năm. 

    Vùng ĐNB hiện đang có 3/10 tỉnh thuộc top 10 tỉnh  có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất là TP. Hồ Chí Minh (thứ 2), Bình Dương (thứ 3) và Đồng Nai (thứ 5). Trong đó, Bình Dương luôn là tỉnh đứng top 5 cả nước về chỉ số cơ sở hạ tầng còn Hồ Chí Minh thể hiện sự tăng vọt về thứ tự trong bảng xếp hạng.

    Tổng khách du lịch

    Đến cuối năm 2022, Đông Nam Bộ đón trên 52,8 triệu lượt khách du lịch và đạt doanh thu hơn 148.000 tỷ đồng. Đặc biệt phải kể đến Hồ Chí Minh đứng đầu với 31 triệu lượt khách du lịch (tăng 234,1% so với cùng kỳ 2021) và doanh thu hơn 131.000 tỷ đồng (tăng 196,4% so với cùng kỳ 2021), vượt xa các tỉnh/ thành khác trong nước.

    Năm 2022, tổng lượng khách và doanh thu du lịch vùng đồng bằng sông Hồng lần lượt là 38,24 triệu lượt và 98.291 tỷ đồng. Trong đó Hà Nội đứng đầu với 18,70 triệu lượt khách và doanh thu lên đến 60.000 tỷ đồng. Thủ đô là trung tâm văn hóa, lịch sử và kinh tế của vùng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

    Tổng kết lại, Đông Nam Bộ vẫn là khu vực có quy mô kinh tế lớn nhất, thu hút FDI trực tiếp lớn nhất, vùng đô thị lớn nhất, tỷ lệ đô thị hóa cao nhất, thu ngân sách nhà nước cao nhất, tổng lượng khách du lịch lớn nhất…Tuy nhiên, không thể phủ nhận vùng đồng bằng sông Hồng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn khi so sánh số liệu năm 2022 với những năm trước đó. Thật khó để nói liệu vùng đồng bằng sông Hồng có vượt Đông Nam Bộ vào tương lai hay không, nhưng có 1 điều vui mừng chính là: cả 2 vùng này đều đang có những bước phát triển vượt bậc và đều kéo toàn bộ kinh tế Việt Nam cùng đi lên. 

        Trên đây là những thông tin tổng quan về “Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ: HAI DIỆN MẠO SÁNG CỦA KINH TẾ VIỆT NAM” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên có thể giúp cho các doanh nghiệp bắt kịp được những xu hướng trong thời đại mới. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về báo cáo thị trường các tỉnh, thành, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web senvangdata.com/. 

    report-img

    ————————–

    Dịch vụ tư vấn Báo cáo phát triển bền vững: Xem chi tiết

    Xem thêm các dịch vụ / tài liệu khác của Sen Vàng : 

    Dịch vụ tư vấn  

    Tài liệu

    Báo cáo nghiên cứu thị trường

    ————————–

    Khóa học Sen Vàng: 

    Xây dựng tiêu chí lựa chọn Bất động sản

    Khóa học R&D – Nghiên cứu và phát triển bất động sản

    Hoạch định chiến lược đầu tư bất động sản cá nhân 

    —————————

    Bất động sản Sen Vàng – Đơn vị tư vấn phát triển dự án bất động sản uy tín, chuyên nghiệp Việt Nam

    Website: https://senvanggroup.com/

    Website: https://senvangdata.com/

    Youtube: https://tinyurl.com/vt82l8j

    Hotline: 0948 48 48 59

    Group cộng đồng Kênh đầu tư Sen Vàng : https://zalo.me/g/olgual210

    #senvanggroup #senvangrealestate #kenhdautusenvang  #dịch_vụ_tư_vấn_phát_triển_dự_án #thị_trường_bất_động_sản_2023 #phat_triển_dự_án #tư_ vấn_chiến _ lược_kinh_doanh #xây_dựng_kế_hoạch_phát_triển #chiến_lược_tiếp_thị_dự_án

     

    Thẻ : sen vàng group, sen vàng data, bất động sản sen vàng, kênh đầu tư sen vàng, ĐBSH, Chỉ số kinh tế, bất động sản, Tổng quan, Đồng bằng sông Hồng, kinh tế, Đông Nam Bộ, tình hình kinh tế, Bản tin quy hoạch Đông Nam Bộ, bản tin đồng bằng sông Hồng,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!