Chào mừng quý vị đã quay trở lại với Kênh đầu tư Sen Vàng. Đây là chương trình cập nhật các thông tin về Công trình xanh, Tài chính xanh, Nội thất xanh và Vật liệu xanh trên thị trường bất động sản Việt Nam. Sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group điểm lại những tin chính nổi bật về Công trình xanh trong tháng 8/2022.
Tiếp nối thành công của sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký Quyết định thành lập Ban Tổ chức sự kiện “Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2022”.
Sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, cộng đồng và từng cá nhân, cùng đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường và chất lượng sống tại các đô thị và điểm dân cư nông thôn.\
Đây cũng là cơ hội để các bên cùng chia sẻ, trao đổi thông tin kinh nghiệm về cơ chế, chính sách, các công nghệ, thiết bị vật liệu mới nhằm phát triển Công trình Xanh, Đô thị xanh, các công trình hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy phát triển bền vững đô thị, nông thôn, thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng tại Việt Nam.
Theo dự kiến, Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2022 dự kiến diễn ra trong quý IV tại TP.HCM.
HSBC Việt Nam đã thu xếp khoản tín dụng xanh trị giá 900 tỷ đồng cho Công ty CP Cơ Điện Lạnh (REE) phát triển dự án E-Town 6 – đây là dự án tòa nhà văn phòng cao tầng được cấp chứng nhận LEED Bạch kim về thiết kế bền vững. Đây cũng là lần đầu tiên HSBC cấp một khoản tín dụng xanh cho dự án bất động sản của một doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng Giám đốc Tập đoàn REE, cho biết, dự án E-Town 6 là cao ốc văn phòng mới nhất trong khuôn viên E-Town Cộng Hòa, dự kiến đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2023. Đây là dự án quan trọng góp phần phát triển công trình xanh, thúc đẩy các hoạt động sản xuất bền vững của Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp nói riêng.
Đồng thời, giao dịch này cũng góp phần từng bước hiện thực hóa cam kết của HSBC trong việc hỗ trợ thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030.
Ngày 17/8/2022, hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, dưới sự đồng chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Công thương.
Hội thảo diễn ra, đề cập tới nhiều nội dung quan trọng, có tính thời sự về chuyển đổi năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Đồng thời trao đổi, thảo luận, tham vấn các chủ thể có liên quan về các nhiệm vụ, hành động để thực hiện thành công “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, song song với việc thực hiện cam kết mạnh mẽ về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Đây cũng là hoạt động khởi đầu cho hàng loạt các sự kiện tiếp theo về chủ đề chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững tại Việt Nam nhằm mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Dự thảo nêu rõ yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác gồm: Thứ nhất, phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương; Thứ hai, tuân thủ yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Thứ ba, phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường áp dụng danh mục phân loại xanh đối với một số dự án hoặc hạng mục dự án đặc thù.
Đồng thời tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có trách nhiệm xem xét, xác định để cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo quy định.
Sở GTVT vừa có báo cáo gửi UBND thành phố HCM về việc đề xuất lựa chọn phương tiện cho dự án phát triển giao thông xanh. Theo đó, sẽ sử dụng xe điện cho tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 thay vì xe chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG) như phương án trước đó.
Lý do lựa chọn xe buýt điện, Sở GTVT cho rằng xe chạy bằng điện phù hợp với mục tiêu và lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022. Đồng thời, việc sử dụng xe buýt điện cho tuyến xe buýt nhanh phù hợp định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng xanh trên địa bàn thành phố HCM, tạo điểm nhấn khởi đầu cho sự phát triển hiện đại hóa và bền vững với hệ thống vận tải công cộng của thành phố, làm tiền đề phát triển mô hình này trong tương lai.
Song song đó, Bộ GTVT cũng định hướng phát triển, sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe điện trong giai đoạn 2025-2030.
Vừa qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành tại thị trường Việt Nam của EVNFinance. Có đánh giá cho rằng: đây là cú hích lớn đối với thị trường trái phiếu xanh, vốn còn khiêm tốn và mới mẻ. Sự kiện này cũng mở ra tương lai phát triển bền vững của ngành Năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á… và được xem là kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững. Do đó, trái phiếu xanh sẽ giúp Việt Nam mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo vốn chưa được các sản phẩm tài chính truyền thống đáp ứng đầy đủ.
Nguồn: Sen Vàng Group – BTV Phạm Triều
Xem thêm:
Bản tin Chuyển động BĐS Việt Nam Tháng 8/2022
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP