Quý vị và các bạn đang theo dõi Chương trình Chuyển động Bất động sản Việt Nam của Kênh đầu tư Sen Vàng. Đây là chương trình cung cấp những thông tin trên thị trường bất động sản.
Chiều 14/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã Chủ trì Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững khẳng định quan điểm không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, muốn phát triển hệ sinh thái thị trường bất động sản, phải giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần nắm chắc tình hình và cung cầu để phát triển thị trường bất động sản, xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả để bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa các thị trường vốn với thị trường bất động sản. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm bảo vệ thị trường.
Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18 quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang…
Thực tế hiện nay, diện tích nhà ở toàn quốc đang ngày một tăng lên nhưng người lao động, người thu nhập thấp đang ngày càng khó mua được nhà ở. Nguyên nhân là do giá nhà tăng “chóng mặt” khiến việc sở hữu của đại đa số người dân ngày càng trở nên khó khăn.
Để giải quyết tình trạng này nhiều chuyên gia cho rằng với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chống đầu cơ đất đai. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này TS Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế cho biết, thuế tài sản sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, và đây cũng sẽ là nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện 10 dự án do CTCP Tập đoàn FLC và công ty liên quan là chủ đầu tư.
Động thái trên nhằm phục vụ quá trình điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty CP chứng khoán BOS và các doanh nghiệp có liên quan.
10 dự án bao gồm: Dự án trung tâm hội nghị khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình; 2 dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh và Hải Ninh 2; dự án công viên động vật hoang dã FLC Quảng Bình; dự án sân golf Golf Links; 2 dự án công viên thể thao mạo hiểm FLC và FLC Faros; dự án đầu tư xây dựng công trình Clubhouse; 2 dự án khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Hải Ninh và FLC Faros.
Được biết, dự án FLC Quảng Bình được triển khai trên diện tích gần 2,000ha dọc bờ biển hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Giai đoạn 1 của dự án có vốn đầu tư 4,800 tỷ đồng. Dự án này được khởi công từ năm 2016, nhưng đến nay mới chỉ đưa vào hoạt động 2 sân golf và một số biệt thự nghỉ dưỡng ven biển.
6 tháng đầu năm 2022, Nền kinh tế dần phục hồi tạo động lực tăng trưởng cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý là cuộc đua M&A ngành bất động sản liên tục tăng nhiệt từ khối ngoại với nhiều thương vụ được cụ thể hóa trong tháng 7 này.
Trong số đó, thương vụ nổi bật là của Công ty CapitaLand (Singapore). Theo thông tin, từ ngày 14/7 vừa qua, nhà đầu tư đã mua lại quỹ đất tiềm năng để xây dựng khu phức hợp tại thành phố Thủ Đức có quy mô khoảng 8 ha, dự án sẽ bao gồm hơn 1,100 căn hộ ở và shophouse và dự kiến đem về nguồn thu 720 triệu đô la Mỹ cho doanh nghiệp này.
Vài ngày sau đó, một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản là Tokyu Corporation cũng đã bước ra khỏi thị trường Bình Dương quen thuộc, thành lập liên danh với Tập đoàn Danh Khôi để triển khai dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trước đó, vào đầu tháng 7, ông lớn ngành bán lẻ Thái Lan là Central Retail cũng công bố sẽ đầu tư thêm 20,000 tỷ đồng vào thị trường Việt Nam, trong đó có phát triển các dự án phức hợp, trung tâm thương mại.
Nhìn lại một tháng 7 sôi động của các thương vụ M&A có thể thấy thị trường bất động sản Việt Nam vẫn là “miếng bánh” hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều chuyên gia nhìn nhận đây là thời điểm để các doanh nghiệp nước ngoài tăng tốc trong cuộc đua tìm cơ hội đàm phán với khối nội trong bối cảnh chịu nhiều sức ép về dòng vốn phát triển.
Tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến thời điểm 31/05/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2.33 triệu tỷ đồng, tăng 12.31% so với cuối năm ngoái – mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung.
Trong đó, tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là 1.55 triệu tỷ đồng, tăng 14.41%, chiếm tỷ trọng 66.3%, dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS là hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng 8.4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33.7% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm, thời gian qua, NHNN đã yêu cầu các TCTD tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.
Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru – VPA thường niên lần thứ 8 do tập đoàn PropertyGuru tổ chức, là chương trình tôn vinh nhiều loại hình bất động sản nhà ở, thương mại và công nghiệp trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng bất động sản đang gia tăng trở lại.
Dự kiến, giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru – VPA năm nay sẽ mang đến sự công nhận rộng hơn cho các loại hình bất động sản đa dạng và độc đáo bao gồm bất động sản hạng sang và các loại hình bất động sản khác tại các địa điểm nổi tiếng trên toàn quốc.
Theo Ban tổ chức, các hạng mục giải thưởng mới đầy thú vị tạo cơ hội cạnh tranh cho các dự án bất động sản được phát triển tốt và có thiết kế đẹp nhất Việt Nam ghi nhận những thành tựu bất động sản về lối sống lành mạnh, tính hoàn thiện, kết nối, dự án hàng hiệu, thân thiện với môi trường, không gian làm việc chung, giáo dục, tính năng sử dụng hỗn hợp và F&B, cùng với các danh hiệu dành cho nhà ở ven biển và ven sông.
Đêm gala và lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 21/10/2022 tại Gem Center, TP. Hồ Chí Minh. Hồ sơ đăng ký và đề cử cho các đơn vị đủ điều kiện được tiếp nhận đến ngày 12/8/2022.
Tổng hợp: Thương Trần
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP