Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam, nổi tiếng với bờ biển trải dài và khí hậu ôn hòa quanh năm. Tỉnh này được xem là một trung tâm kinh tế, du lịch và năng lượng của khu vực phía Nam. Với những bãi biển đẹp như Vũng Tàu, Long Hải, Hồ Tràm và Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, nơi đây còn là một trong những trung tâm khai thác dầu khí lớn nhất Việt Nam, đồng thời phát triển mạnh mẽ về năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Hạ tầng giao thông hiện đại cùng vị trí chiến lược gần các cảng biển lớn. Sự kết hợp giữa tiềm năng tự nhiên, văn hóa phong phú và nền kinh tế năng động đã làm nên sức hút đặc biệt của Bà Rịa – Vũng Tàu trong mắt người dân và du khách.. Bài viết này, Sen Vàng sẽ tóm tắt quy hoạch giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030 – Tầm nhìn đến năm 2050.
Tổng quan Bà Rịa Vũng Tàu
Vị trí địa lý
Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm (vùng KTTĐ) phía Nam, là tỉnh có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại của đất nước. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích 1.982,6 km2 , chiếm 5,99% diện tích cả nước và xếp thứ 50 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Bà Rịa – Vũng Tàu có 8 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện (gồm cả huyện Côn Đảo). Bà Rịa – Vũng Tàu có đường địa giới chung dài 16,33 km với thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây; 116,51 km với Đồng Nai ở phía Bắc; 37,0014 km với Bình Thuận ở phía Đông. Bà Rịa – Vũng Tàu có bờ biển dài 305,4 km và trên 100.000 km2 thềm lục địa. Nằm trong vùng năng động nhất của Việt Nam hiện nay, gần thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương nên có nhiều thuận lợi trong việc liên kết trao đổi, giao lưu hàng hoá, công nghệ, lao động kỹ thuật… gần đồng bằng Sông Cửu Long nên thuận lợi trong việc tiếp nhận các nguồn lương thực thực phẩm,
Xem thêm: Tóm tắt quy hoạch du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030 – Tầm nhìn đến năm 2050
Dân số
Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có diện tích nhỏ nhất trong khu vực Đông Nam Bộ, chỉ 1.982,6 km², nhưng lại có mật độ dân số tương đối cao, đạt 599 người/km², đứng thứ 3/6 trong toàn vùng. Với dân số khoảng 1.187.500 người, tỉnh đứng thứ 4/6 về quy mô dân số, cho thấy sự phát triển dân cư ở mức trung bình so với các tỉnh lân cận.
Một điểm nổi bật của Bà Rịa – Vũng Tàu là tỷ lệ lao động trên 15 tuổi đã qua đào tạo đạt 28,8%, đứng thứ 2/6 trong khu vực Đông Nam Bộ, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh. Điều này chứng tỏ nguồn nhân lực tại đây được trang bị kỹ năng và kiến thức, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh cũng ghi nhận tỷ suất di cư thuần là -1,5%, cho thấy một phần dân số có xu hướng di cư ra khỏi tỉnh, đồng thời tỷ lệ tăng tự nhiên của dân số chỉ đạt 6,2%, thấp hơn so với một số địa phương khác trong khu vực.
Thành phố Vũng Tàu có dân số đông nhất 368,682 người.
Nhìn chung, mặc dù không phải là địa phương có quy mô dân số lớn hay tốc độ gia tăng dân số mạnh, Bà Rịa – Vũng Tàu lại sở hữu nhiều lợi thế đặc biệt, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yếu tố quan trọng giúp tỉnh khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có, từ phát triển công nghiệp, cảng biển đến du lịch và bất động sản, góp phần xây dựng nền kinh tế bền vững.
Xem thêm: Phân tích Quy hoạch và Tiềm năng phát triển Bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu
Kinh Tế
GRDP
Với vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năm vừa qua Bà Rịa – Vũng Tàu đã tận dụng hiệu quả các thuận lợi, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh khai thác các tiềm năng kinh tế biển, cảng biển quốc tế, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch xanh. Nhờ đó, năm 2024 khép lại với bức tranh kinh tế trên địa bàn Tỉnh có sự phục hồi và phát triển rất tích cực với kết quả ấn tượng là tổng sản phẩm (GRDP) tăng 11,72%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên Năm 2024 GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ước là 460,63 triệu đồng/người/năm, giảm nhẹ 1,3% so năm 2023, nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng ảnh hưởng của sản phẩm dầu thô khai thác và khí đốt.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ cấu kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu duy trì sự cân đối giữa các ngành, với công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 50,7% . Khu vực dịch vụ giữ vị trí thứ hai, chiếm 29,4%, tăng 2,09%, thể hiện vai trò quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế. T GRDP của tỉnh (trừ dầu khí) trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 9,18% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự phục hồi và phát triển ổn định. Đặc biệt, ngành công nghiệp – xây dựng tăng 11,74% và đóng góp 6,42 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp điện đóng vai trò then chốt. Dịch vụ tăng trưởng 6,61%, đóng góp 1,49 điểm phần trăm, nhấn mạnh sự phát triển của ngành du lịch và thương mại. Ngoài ra, thuế sản phẩm trừ trợ cấp cũng ghi nhận mức tăng trưởng 7,74%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.
PCI
Năm 2023, Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 69,57 điểm trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xếp hạng 6 trên toàn quốc và giữ vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ. Mặc dù giảm 2 bậc so với năm trước, tỉnh vẫn duy trì thành tích ấn tượng, đặc biệt nhờ sự cải thiện trong các chỉ số như gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý, đào tạo lao động và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Tỉnh đã thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND, đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố có PCI cao nhất cả nước. Các chỉ số tập trung vào việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong các hoạt động quản lý, dịch vụ công. Đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu ưu tiên phát triển chính quyền điện tử và hạ tầng thông tin hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Những nỗ lực này đã giúp tỉnh giữ vững vị thế là một trong những địa phương năng động, hấp dẫn về môi trường đầu tư và phát triển kinh tế tại Việt Nam.
PGI
Năm 2023, chỉ số xanh PGI của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) đạt 23,48 điểm, xếp hạng 8 trên toàn quốc, tăng 11 bậc so với năm 2022. Trong khu vực Đông Nam Bộ, BRVT đứng thứ 3, chỉ sau Bình Dương và Bình Phước, vượt qua các tỉnh như Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM. Kết quả này phản ánh sự cải thiện đáng kể ở cả 4 chỉ số thành phần, bao gồm: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu; chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường; vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương; và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu. Thành tích này cho thấy nỗ lực của BRVT trong nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện chính sách môi trường, tạo tiền đề thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng sống cho người dân
FDI
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là nhờ dự án lớn từ tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất sợi sinh học BDO tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ 2 là một trong những dự án tiên phong tại châu Á, ứng dụng công nghệ mới nhằm thay thế nguyên liệu truyền thống để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, khi 11/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội hoàn thành và vượt kế hoạch, trong đó nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 14,2%, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 17,67%, và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 34,42%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,97% so với cùng kỳ. Với tổng vốn FDI đạt 1,8 tỷ USD, Bà Rịa – Vũng Tàu chiếm 93,7% kế hoạch cả năm 2024, khẳng định vai trò điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước
Xem thêm: Tóm tắt quy hoạch du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
II .Hiện trạng giao thông
Tổng quan hệ thống giao thông
Đường bộ
Mạng lưới Giao thông đường bộ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm hệ thống đường quốc lộ do Trung ương quản lý; và các đường tỉnh, đường huyện, đường chuyên dụng ra vào cảng biển (ở TX. Phú Mỹ) hoặc các công trình đặc thù (ở huyện Côn Đảo) và các đường phố chính trong hai TP. Bà Rịa, Vũng Tàu và trong các thị trấn của từng huyện do tỉnh quản lý. Tổng chiều dài của hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh là 5.207,6 km.
Hiện trạng mạng lưới giao thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh có 3 tuyến, với tổng chiều dài 129,43 km, gồm các tuyến:
– QL51 là tuyến đường giao lưu chính của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL, đoạn đi qua tỉnh dài 48,5 km (trong đó có 12,4 km do tỉnh quản lý) đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng.
– QL55 nối tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, đoạn đi qua tỉnh dài 48,5 km, đạt cấp III đồng bằng, mặt đường nhựa rộng từ 12- 22m.
– QL56 nối tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên, đoạn đi qua tỉnh dài 32,43 km, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, mặt đường nhựa rộng từ 12-25m.
Cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu
Đường sắt
Hiện tại Bà Rịa – Vũng Tàu chưa có đường sắt. Tuy nhiên, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030, tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu là một nhánh của đường sắt quốc gia với chức năng phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách giữa Vũng Tàu – Biên Hòa – thành phố Hồ Chí Minh, do vậy việc quản lý lộ giới đất dành cho tuyến đường sắt được duy trì nghiêm ngặt, sẵn sàng cho việc đầu tư xây dựng.
Đường thủy nội địa
Về luồng tàu:
– Tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải: được Cục HHVN công bố đưa vào sử dụng tại Quyết định 428/QĐ-CHHVN ngày 22/4/2016. Theo đó, tổng chiều dài luồng là 50,5km. Năm 2017, Bộ GTVT đã chấp thuận kết quả Nghiên cứu tổng thể toàn diện tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải tại văn bản số 2488/BGTVT-KHĐT. Hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam đang triển khai đầu tư giai đoạn 1 – nạo vét nâng cấp luồng – đoạn phao P’0” đến cảng Phước An.
– Tuyến luồng hàng hải Sông Dinh: được Cục HHVN công bố đưa vào sử dụng tại Quyết định 1090/QĐ-CHHVN ngày 07/12/2012. Theo đó, tổng chiều dài luồng là 16,6km.
– Đoạn luồng vào cảng Căn cứ Vùng 2 Hải Quân: Đoạn luồng nhánh vào cảng Căn cứ Vùng 2 Hải Quân đã được Cục HHVN thỏa thuận tại văn bản số 3610/CHHVN-KHĐT ngày 08/09/2017. Tuyến luồng dài 6,54 km, chiều rộng 1050m, cao độ đáy -8,0m hệ Hải đồ, đáp ứng cho tàu trọng tải đến 20.000 DWT hành hải 1 chiều.
– Đoạn luồng nối từ luồng Vũng Tàu – Thị Vải vào cầu cảng Hydrocarbon: Đoạn luồng nhánh nối từ luồng Vũng Tàu – Thị Vải vào cầu cảng Hydrocarbon thuộc bến cảng chuyên dùng dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam được Cục HHVN công bố đưa vào sử dụng tại Quyết định 792/QĐ-CHHVN ngày 17/6/2021.
Tuyến luồng có chiều dài 2,45km, chiều rộng luồng 220m, cao độ đáy -14,5m hệ Hải đồ. Vũng quay tàu có đường kính 520m.
– Tuyến luồng hàng hải Bến Đầm – Côn Đảo: Tuyến luồng hàng hải Bến Đầm – Côn Đảo được Cục HHVN công bố đưa vào sử dụng tại Quyết định 1274/QĐ- CHHVN ngày 14/8/2018. Tổng chiều dài luồng là 3,4km, chiều rộng đáy luồng nhỏ nhất 200m, vũng quay tàu có đường kính D = 400m. Theo thông báo hàng hải số 324/TBHH-TCTBĐATHHMN ngày 30/12/2021 của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, tuyến luồng đạt độ sâu 7,7m. Vũng quay tàu đạt độ sâu 7,8m.
– Tuyến luồng hàng hải Côn Sơn – Côn Đảo: Tuyến luồng hàng hải Côn Sơn – Côn Đảo được Cục HHVN công bố đưa vào sử dụng tại Quyết định 1097/QĐ- CHHVN ngày 07/12/2012. Tổng chiều dài luồng là 14,0km, chiều rộng đáy luồng nhỏ nhất 200m, cao độ đáy luồng theo tự nhiên. Theo thông báo hàng hải số 323/TBHH-TCTBĐATHHMN ngày 30/12/2021 của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam
Về cảng biển hàng hóa:
Trên địa bàn tỉnh hiện có 53 cảng biển đang khai thác với tổng chiều dài bến cảng 19,4km, tổng công suất gần 180 triệu tấn/năm. Các bến cảng trên sông Cái Mép – Thị Vải: 24 bến cảng; Khu bến cảng trên sông Dinh và vịnh Gành Rái: 27 bến cảng; Huyện Côn Đảo hiện có 2 cảng biển. Ngoài ra trong vùng nước cảng biển Bà Rịa Vũng Tàu có 10 cảng dầu khí ngoài khơi đang hoạt động, vòng đời hoạt động các cảng này tùy thuộc vào trữ lượng của các mỏ.
Cảng Cái Mép – Thị Vải
Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng đầu tiên của Việt Nam và nằm trong 20 cảng trên thế giới có thể đón được tàu container siêu lớn gần 200 ngàn tấn. Trong 3 năm qua, lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh. Trước đây, hàng hóa chủ yếu qua cảng Sài Gòn thì hiện nay tỷ lệ hàng qua cảng Sài Gòn là 60%, còn lại 40% là qua cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.
Về cảng biển hành khách:
Theo quy hoạch được duyệt, có một cảng biển hành khách ở khu vực Bãi Trước, TP. Vũng Tàu phục vụ tàu khách lớn, bao gồm cả tàu khách du lịch quốc tế. Đến nay, công trình này chưa được đầu tư xây dựng.
Hàng không
Cảng hàng không Côn Đảo: nằm tại phía Bắc – Đông Bắc đảo Côn Sơn, cách trung tâm thị trấn Côn Đảo 14km, giữa thung lũng, hai bên là núi cao và hai đầu giáp biển. Cảng hàng không Côn Đảo được xếp loại theo tiêu chuẩn dân dụng cấp 3C và xếp loại cấp II theo tiêu chuẩn của quân sự, diện tích 103,1ha. Được phép tiếp nhận các chuyến bay thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân, hoạt động 12/24 giờ. Cảng hàng không Côn đảo có 01 đường CHC kích thước 1830m x 30m, cho phép máy bay dân dụng nhỏ như ATR72, Embraer E195; có 01 sân đỗ máy bay với 04 vị trí đỗ; nhà ga hành khách với lưu lượng theo thiết kế khoảng 300 khách giờ cao điểm. Hiện đang khai thác các chuyển bay thẳng từ Côn Đảo đi Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Sân bay Vũng Tàu: Hiện sân bay có 2 đường băng: đường băng 36/18 dài 1.800m có thể tiếp nhận các loại máy bay nhỏ như DC-3 và An-38; Đường băng 30/12 dài 1200m dùng cho trực thăng. Trước đây, Công ty Bay Dịch vụ Hàng không Việt Nam có khai thác các chuyến bay chở khách đến đây, nhưng đã tạm ngừng chỉ sau một thời gian ngắn do sân bay không đáp ứng được về điều kiện sân bãi. Hiện tại, sân bay Vũng Tàu chỉ khai thác các chuyến bay trực thăng phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.
Xem thêm: Tóm tắt kế hoạch phát triển nhà ở Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021 – 2025
III. Quy hoạch giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phấn đấu đến năm 2030, hệ thống đường bộ (cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường chuyên dùng) có tổng chiều dài 734,49 km; mật độ đường quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 0,1506 km/km2 , hệ thống đường tỉnh đạt 0,23036 km/km2
– Đường tỉnh: Đảm bảo kết nối tất cả các khu vực trong tỉnh và kết nối thuận lợi giữa tỉnh với tỉnh lân cận. Đầu tư nâng cấp, mở mới các tuyến đường tỉnh đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật và cắm lộ giới, quản lý quỹ đất dự trữ mở rộng;
– Đường huyện: đầu tư mạng lưới hoàn chỉnh, đồng bộ đảm bảo đi lại liên huyện được thuận lợi, nhanh chóng.
– Hệ thống đường đô thị đầu tư theo quy hoạch chung xây dựng của từng khu đô thị đã được phê duyệt.
Dự báo khối lượng vận tải hàng hóa trên địa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như sau:
Sản lượng vận tải ước tính đến năm 2025 nhu cầu hàng hóa vận 278 triệu tấn, 2030 là 387 triệu tấn và năm 2050 là 719 triệu tấn.
Đường bộ
Các công trình, dự án giao thông đường bộ quốc gia trên địa bàn Các dự án phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn thực hiện theo Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cụ thể như sau:
– Tuyến Cao tốc: Biên Hòa – Vũng Tàu (CT.28), tổng chiều dài tuyến khoảng 54 km Quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc quy mô 6-8 làn xe. Đoạn đường bộ cao tốc đi trên địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 19,5 km từ ranh Đồng Nai đến giao QL.56 tại TP. Bà Rịa. Dự kiến hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào vận hành khai thác năm 2026, đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc, giai đoạn sau sẽ hoàn thiện theo quy mô 6 làn xe, lộ giới 75,0m.
Cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu
– Đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh (CT.41), tổng chiều dài khoảng 199 km, có điểm đầu Bà Rịa – Vũng Tàu, điểm cuối cảng Hiệp Phước, TP. Hồ Chí Minh, tiêu chuẩn kỹ thuật 8 làn xe. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 18,3 km. Dự kiến hoàn thành trước 2030, đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, giai đoạn sau sẽ hoàn thiện theo quy mô 8 làn xe, lộ giới 80,0m.
– Tuyến QL51: chiều dài toàn tuyến 64 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 26,5 km từ giáp ranh tỉnh Đồng Nai đến nút giao QL.55, qua thị xã Phú Mỹ, TP. Bà Rịa. Quy hoạch giữ nguyên quy mô hiện hữu: Đường cấp I, 8 làn xe gồm 6 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ, lộ giới 52,0m.
– Tuyến QL55: chiều dài toàn tuyến 290 km (điểm đầu QL51, TP. Bà Rịa, điểm cuối QL28, Đắk Glong, Đắk Nông – kết nối với tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông), quy hoạch tiêu chuẩn đường cấp III, 2-4 làn xe. Đoạn đi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 48,5 km. Quy hoạch quy mô 4 làn xe, đầu tư các tuyến tránh thị trấn Đất Đỏ và thị trấn Phước Bửu.
– Tuyến QL56: chiều dài toàn tuyến 51 km (điểm đầu TP. Long Khánh, Đồng Nai, điểm cuối QL51, TP. Bà Rịa) quy hoạch tiêu chuẩn đường cấp III, lộ giới 42,0m.
– Tuyến QL51C: chiều dài tuyến là khoảng 64 km (điểm đầu QL51, Long Thành, Đồng Nai, điểm cuối QL1, Xuân Lộc, Đồng Nai – kết nối với tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận). Đoạn đi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài khoảng 37km, tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe lộ giới 42m.
– Đường ven biển (ĐT 994): Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do tỉnh đầu tư và quản lý.
Hệ thống đường tỉnh: đến năm 2030 có 22 tuyến (gồm 12 tuyến hiện hữu và 10 tuyến bổ sung theo quy hoạch).
Đối với các tuyến hiện hữu: Cơ bản giữ nguyên vị trí, hướng tuyến của 12 đường tỉnh. Tiến hành đầu tư nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến một số đoạn và xây dựng nối dài các đoạn tuyến chưa được hình thành để đảm bảo các thông số kỹ thuật, tạo thuận lợi trong đầu tư và hình thành mạng lưới giao thông thông suốt. Các đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị được đầu tư theo tiêu chuẩn đường đô thị với quy mô, lộ giới theo quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các tuyến đường tỉnh quy hoạch bổ sung mới: Điều chỉnh một số đường hiện hữu thành đường tỉnh, nâng cấp và đầu tư các đoạn mở mới để hình thành mạng lưới giao thông thông suốt. Các đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị được đầu tư theo tiêu chuẩn đường đô thị với quy mô, lộ giới theo quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Định hướng phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Đường sắt
Mạng đường sắt quốc gia trên địa bàn
Theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, quy hoạch tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu là một trong những hạng mục giao thông huyết mạch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
– Điểm đầu: Ga Trảng Bom (nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh hiện tại) thuộc xã Quang Tiến, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
– Điểm cuối: ở thành phố Vũng Tàu, vị trí theo quy hoạch đường sắt quốc gia.
– Chiều dài 84km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, đường đôi đoạn Biên Hòa – Thị Vải và đường đơn đoạn Thị Vải – Vũng Tàu.
– Tuyến đi qua các địa phương: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngoài ra, đề xuất 02 nhánh kết nối vào các khu vực cảng biển và trung tâm logistics:
– Nhánh 1: dài 5,3km kết nối vào khu cảng biển Thị Vải
– Nhánh 2: dài 9,1km kết nối vào khu cảng biển Cái Mép và trung tâm logistics Cái Mép Hạ.
Đường sắt đô thị
Đề xuất đầu tư xây dựng 3 tuyến monorail, là loại hình vận tải đường sắt gồm các đoàn tàu chạy trên một thanh dầm tựa lên các trụ đỡ. Hạn chế chiếm dụng diện tích mặt đường giao thông.
– Tuyến số 1: Tuyến hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của thành phố Vũng Tàu. Tuyến bắt đầu từ ngã ba đường Trần Phú – Lê Lợi – Nguyễn An Ninh theo đường Nguyễn An Ninh – Thùy Vân – Hạ Long – Quang Trung – Trần Phú – ngã ba đường Trần Phú – Lê Lợi khép kín tuyến. Tổng chiều dài khoảng 20km. Đây là tuyến phục vụ nhu cầu đi lại nhiều nhất của khách du lịch đến tắm biển, dạo chơi bên bờ biển. Địa hình dọc theo chiều dài tuyến, một cách cơ bản, là thuận lợi để bố trí ray do cao độ không chênh lệch nhiều, trừ 2 điểm đổ dốc lớn giữa đường Thùy Vân và đường Hạ Long. Depot bố trí ở khu vực ngã tư đường Trần Phú – Lê Lợi – Nguyễn An Ninh, rộng 3.700m2 ; depot thứ hai dung chung với tuyến số 2 ở khu vực ngã tư đường 2/9, rộng 6.000m2
– Tuyến số 2: Là tuyến nội – ngoại ô giữa thành phố Vũng Tàu và thị trấn Long Hải của huyện Long Điền. Tuyến bắt đầu Vòng Xoay Lê Hồng Phong, theo đường 3/2 (đường 51C) – ngã tư giao đường 2/9 (đường 51B) – qua cầu Cửa Lấp – đường ven biển ĐT994 – Bình Châu. Chiều dài tuyến là khoảng 65 km. Đây là tuyến phục đi lại chủ yếu cho khách du lịch giữa thành phố Vũng Tàu và thị trấn Long Hải của huyện Long Điền.
Khi du lịch phát triển mạnh, có thể tiếp tục kéo dài tuyến số 2 thêm khoảng 25km bám theo đường ven biển (ĐT.994) qua khu du lịch Phước Hải của huyện Đất Đỏ, đến tận khu vui chơi – nghỉ dưỡng – du lịch Hồ Tràm ở huyện Xuyên Mộc. Depot ở đầu tuyến (dung chung với tuyến số 1) tại khu vực ngã tư đường 2/9, rộng 6.000 m2; một depot ở cuối tuyến tại thị trấn Phước Hải, rộng 4.000 m2.
– Tuyến số 3: Kết nối Vũng Tàu – Bà Rịa – Phú Mỹ (định hướng kết nối với sân bay Long Thành trong tương lai). Theo định hướng phát triển vùng Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Điền sẽ trở thành vùng động lực của tỉnh và kết nối thành trục đô thị phía Tây. Trong tương lai khi cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, vành đai 4, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thiện có thể xem xét mở rộng dải phân cách để phát triển đường sắt đô thị dọc QL.51. Do kinh phí xây dựng khá lớn, giai đoạn đầu để phát triển du lịch ở Vũng Tàu và phục vụ các KCN, đô thị dọc QL.51, cần xem xét đầu tư các đoàn tàu khách chất lượng cao, với vận tốc lớn, trên tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu trước, nhằm kết nối tỉnh với sân bay Long Thành, TP. Hồ Chí Minh… thông qua tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành (tuyến đường sắt chuyên dùng vận chuyển hành khách) và đường sắt cao tốc Thủ Thiêm – Nha Trang.
Hàng hải, cảng biển
Quy hoạch luồng hàng hải
– Luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải: dài 50,5 km, từ phao số “0” đến khu vực Gò Dầu, phía thượng lưu cảng Vedan Phước Tháp
– Luồng hàng hải sông Dinh: dài khoảng 16,6km, từ phao số “0 Hải đồ” đến ngã ba sông Cây Khế. Duy trì điều kiện khai thác ổn định cho các tàu đang khai thác hiện nay.
– Luồng hàng hải Côn Sơn – Côn Đảo: có chiều dài 14km, đáy luồng nhỏ nhất 200m, cao độ đấy theo luồng tự nhiên. Duy trì điều kiện khai thác ổn định cho các tàu đang khai thác hiện nay.
– Luồng hàng hải bến Đầm – Côn Đảo: chiều dài khoảng 3,5km, chiều rộng đáy luồng nhỏ nhất 200m, độ sâu nhỏ nhất 6,9m. Duy trì điều kiện khai thác ổn định cho các tàu đang khai thác hiện nay.
– Luồng vào cầu cảng Hydrocarbon: nối từ luồng Vũng Tàu-Thị Vải vào cầu cảng Hydrocarbon, chiều dài 2,45km. Tiến hành nạo vét duy tu nhằm đảm bảo thông ố kỹ thuật luồng hiện hữu: đáy luồng nhỏ nhất 220m, chiều sâu nhỏ nhất 14,5m. Duy trì điều kiện khai thác ổn định cho các tàu đang khai thác hiện nay.
Cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có 07 khu bến và các bến cảng, thực hiện theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cụ thể như sau:
* Khu bến Thị Vải
– Phạm vi quy hoạch: vùng đất và vùng nước bên phải luồng Vũng Tàu – Thị Vải (đoạn từ hạ lưu cảng Gò Dầu B đến rạch Bàn Thạch), bao gồm 23 bến cảng từ bến cảng Xi măng Cẩm Phả đến bến cảng Nhà máy Đóng tàu BaSon).
– Chức năng: phục vụ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng, có bến tổng hợp,vcontainer, hàng rời, hàng lỏng/khí.
– Quy mô cỡ tàu: trọng tải đến 100.000 tấn tại Phú Mỹ hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, đến 60.000 tấn tại Mỹ Xuân và đến 30.000 tấn phía thượng lưu cầu Phước An.
– Quy mô diện tích vùng đất khoảng 871ha, diện tích vùng nước khoảng 85ha.
* Khu bến Cái Mép
– Phạm vi quy hoạch: vùng đất và vùng nước bên phải luồng Vũng Tàu – Thị Vải (đoạn từ rạch Bàn Thạch ra ngoài cửa sông Cái Mép), bao gồm 13 bến cảng từ bến cảng Interflour đến bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu)
– Chức năng: cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế; có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí.
– Cỡ tàu: tàu container trọng tải 80.000 ÷ 250.000 tấn (6.000÷24.000 TEU) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu tổng hợp, hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải.
– Quy mô diện tích vùng đất khoảng 1.443ha, diện tích vùng nước khoảng 153ha.
* Khu bến Long Sơn
– Phạm vi quy hoạch: vùng đất và vùng nước khu vực đảo Long Sơn và sông Rạng.
– Chức năng: phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khu liên hợp lọc hóa dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến hàng lỏng/khí, tổng hợp, container, hàng rời.
– Cỡ tàu: trọng tải đến 100.000 tấn; có bến nhập dầu thô cho tàu trọng tải đến 300.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
– Quy mô diện tích vùng đất khoảng 346ha, diện tích vùng nước khoảng 129ha.
* Khu bến sông Dinh
– Phạm vi quy hoạch: vùng đất và vùng nước trên sông Dinh.
– Chức năng: phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương; có bến tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến công vụ và bến phục vụ quốc phòng – an ninh.
– Cỡ tàu: trọng tải 2.000 ÷ 10.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
– Quy mô diện tích vùng đất khoảng 269ha, diện tích vùng nước khoảng 27ha
– Khu bến Sao Mai – Bến Đình
– Phạm vi quy hoạch: vùng đất và vùng nước bên phải luồng sông Dinh.
– Chức năng: phục vụ dịch vụ dầu khí và phát triển kinh tế – xã hội địa phương; có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí.
– Quy mô cỡ tàu: trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải.
– Quy mô diện tích vùng đất khoảng 122ha, diện tích vùng nước khoảng 12ha.
* Bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu
– Phạm vi quy hoạch: vùng đất và vùng nước tại khu vực Bãi Trước.
– Chức năng: bến cảng khách quốc tế phục vụ du lịch.
– Cỡ tàu: trọng tải đến 225.000 GT.
– Quy mô diện tích vùng đất khoảng 57ha, diện tích vùng nước khoảng 64ha.
* Bến cảng Côn Đảo
– Phạm vi quy hoạch: vùng đất và vùng nước khu vực Bến Đầm và Côn Sơn.
– Chức năng: đầu mối giao lưu với đất liền và phát triển kinh tế – xã hội huyện đảo, có bến tổng hợp, bến khách, bến du thuyền, bến phục vụ quốc phòng – an ninh.
– Cỡ tàu: tàu hàng trọng tải 2.000 ÷ 5.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; phát triển bến khách quốc tế phù hợp với quy hoạch xây dựng huyện đảo. Cỡ tàu khách trọng tải đến 225.000 GT.
– Quy mô diện tích vùng đất khoảng 13ha, diện tích vùng nước khoảng 6ha.
* Các bến cảng dầu khí ngoài khơi: Phục vụ các mỏ Rồng Đôi, Rạng Đông, Lan Tây, Đại Hùng, Chí Linh, Ba Vì, Vietsopetro 01, Chim Sáo, Tê Giác Trắng và các bến cảng khác, phát triển phù hợp với nhu cầu khai thác mỏ dầu khí ngoài khơi.
* Các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão: Tại vịnh Gành Rái, Cái Mép, Bến Đầm – Côn Đảo, các khu vực tránh trú bão khác đủ điều kiện. Các bến phao chuyển tải hàng hóa tại khu vực Gành Rái, Cái Mép duy trì khai thác theo hiện trạng và từng bước di dời khi các cảng cứng đáp ứng nhu cầu xếp dỡ hoặc để bảo đảm phát triển bến cảng cứng theo quy hoạch.
Xem thêm: Bà Rịa – Vũng Tàu: “Miền đất hứa” cho thị trường bất động sản bùng nổ
Đường thủy nội địa
Phát triển hệ thống cảng thủy, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của hệ thống cảng biển và từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn giao thông; phát huy lợi thế là phương thức vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chi phí vận tải thấp ở cự ly trung bình; kết nối hiệu quả với các phương thức vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ, đường không, trên cơ sở khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tăng cường kết nối vận tải đường thuỷ với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch tuyến luồng Côn Đảo
Trên cơ sở phân tích nhu cầu vận tải và cập nhật theo Quyết định số 1829/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/10/2021 về việc phê duyệt “Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Ngoài những cảng đang hoạt động đề xuất quy hoạch thêm một số cảng tiềm năng nhằm phục vụ trung chuyển hàng hóa và du lịch trên địa bàn tỉnh như sau:
– Cảng, bến trên địa phận đất liền: Tiếp tục thực hiện quy hoạch với 14 dự án cảng, bến thủy nội địa.
– Quy hoạch bổ sung 30 cảng, bến thủy nội địa đến năm 2030.
Tại huyện Côn Đảo, bổ sung nhóm bến chuyên dùng phục vụ du lịch trên địa bàn huyện tại các khu vực Hòn Bà, Vịnh Đầm The, Họng Đầm và Bãi Đất Dốc với tổng chiều dài bến là 120m, diện tích khoảng 2ha.
Cảng hàng không/sân bay
Định hướng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có một (1) cảng hàng không và hai (02) sân bay chuyên dụng: (i) cảng hàng không Côn Đảo, (ii) sân bay Gò Găng ở TP. Vũng Tàu (thay thế sân bay Vũng Tài hiện hữu); và (iii) sân bay Đất Đỏ (tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ).
Các sân bay này nằm trong mục tiêu chiến lược phát triển vận tải hàng không đến năm 2030 và định hướng 2050 của ngành Hàng không Việt Nam là từng bước vững chắc mở rộng thị trường trên cơ sở cân đối quan hệ cung – cầu, hoàn chỉnh chính sách hợp tác kinh doanh toàn cầu.
(1). Cảng hàng không Côn Đảo được quy hoạch sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II. Đường cất hạ cánh được mở rộng và nâng cấp đường cất hạ cánh trên nền đường cất hạ cánh hiện hữu đạt kích thước 2.400 m x 45 m. Sân đỗ tàu bay được quy hoạch xây dựng sân đỗ tàu bay mới đảm bảo khai thác 08 vị trí đỗ cho tàu bay code C và tương đương, dự trữ quỹ đất mở rộng sân đỗ về phía Đông khi có nhu cầu. Diện tích khoảng 181,745 ha (gồm 104,604 ha diện tích đất cảng hàng không hiện hữu và diện tích đất bổ sung khoảng 76,908 ha). Đến năm 2030 công suất đạt 3 triệu hành khách/năm. Đến năm 2050 công suất đạt 5 triệu hành khách/năm. Để đảm bảo an toàn cho hoạt động bay, quy hoạch đảm bảo tĩnh không bay chiều cao quy hoạch các công trình xây dựng xung quanh CHK Côn Đảo phù hợp và tuân thủ các quy định về tĩnh không bay theo quy định tại nghị định số 32/2016/NĐ- CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ.
(2). Sân bay Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu hiện hữu) là sân bay chuyên dùng, chức năng lưỡng dụng. Diện tích quy hoạch dự kiến 248,5ha.
(3). Sân bay Đất Đỏ là sân bay chuyên dùng, chức năng lưỡng dụng. Diện tích khoảng 244,3 ha.
Cảng cạn
(1). Cụm cảng cạn Phú Mỹ – Cái Mép: Vị trí tại phường Phú Mỹ, Thị xã Phú Mỹ, quy mô khoảng 30-38 ha, công suất thông qua 300.000-380.000 TEU/năm. Chức năng cung cấp dịch vụ cảng cạn phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu cụm công nghiệp như: KCN Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, các KCN lân cận và phân phối hàng tiêu dùng cho các khu vực.
(2). Cụm cảng cạn Mỹ Xuân: Vị trí tại phường Mỹ Xuân, Thị xã Phú Mỹ, quy mô khoảng 8-15 ha, công suất thông qua 80.000-150.000 TEU/năm. Chức năng cung cấp dịch vụ cảng cạn phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu cụm công nghiệp như: KCN Mỹ Xuân 1, Mỹ Xuân 2, Mỹ Xuân B1-Conac, Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, Mỹ Xuân B1-Đại Dương, các KCN lân cận và phân phối hàng tiêu dùng cho các khu vực.
(3). Cụm cảng cạn Phước Hòa: Vị trí tại phường Phước Hòa, Thị xã Phú Mỹ, quy mô khoảng 15-20 ha, công suất thông qua 150.000-200.000 TEU/năm. Chức năng cung cấp dịch vụ cảng cạn phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu cụm công nghiệp như: Phú Mỹ 3, KCN Cái Mép, KCN Long Hương, các KCN lân cận và phân phối hàng tiêu dùng cho các khu vực.
Xem thêm: Tóm tắt quy hoạch Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Dự án trọng điểm
Cao tốc vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh
Điểm đầu tại giao đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, khu vực Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Và điểm cuối đoạn nối với trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, TP.HCM. Hướng tuyến tuân thủ quy hoạch chi tiết được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 có điều chỉnh cục bộ phù hợp với quy hoạch TP.HCM
Chiều dài 200 km trong đó qua địa phân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 23 km và quy mô 8 làn xe.. Thời gian: hoàn thiện cơ bản trước 2025
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu
Điểm đầu tại giao với QL1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối giao với đường Vành đai (QL56), TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hướng tuyến: tại giao với QL1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tuyến đi song song và cách QL51 khoảng 1-2 km, tuyến giao với cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại nút Long Thành và Tân Thiện, kết thúc tại QL56 TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chiều dài tuyến 53.7 km trong đó đoạn trên địa phận tỉnh BRVT dài 19.5km km. Ngoài ra, có đoạn nối đến cảnh Cái Mép dài 8 km. Với quy mô 4-6 làn xe sau đó dần mở rộng lên 6-8 làn xe.
Hình thức đầu tư: chia thành 03 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư: 17,837 tỷ đồng;
Thời gian: chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, khởi công năm 2023 cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2026.
Đường 991B
Điểm đầu tại giao đường Hội Bài – Tóc Tiên. Điểm cuối giao với đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải. Trên tuyến có 4 cầu gồm: cầu vượt Quốc lộ 51, cầu Rạch Tre, cầu Rạch Ông, cầu Mỏ Nhát
Chiều dài tuyến 9.727km. Với quy mô 4 làn xe sau đó dần mở rộng lên 6-8 làn xe. Dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Sơ bộ tổng mức đầu tư: 4,035 tỷ đồng
Cầu Phước An
Chiều dài 4.3 km, trong đó, phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3.514m, còn lại là đường dẫn. Vị trí: nối thị xã Phú Mỹ (tỉnh BRVT) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Vận tốc thiết kế: 70 km/h
Thời gian thực hiện: khởi công T9/2022. Chủ đầu tư: Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải
Cầu Phước An là điểm cuối của đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, bắc qua sông Thị Vải để sang địa phận huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), từ đó nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành và liên kết với các tỉnh miền Đông Nam Bộ khác.
Điều chỉnh quy hoạch khu cảng Cái Mép Hạ
Vị trí tại phân khu thuộc Cảng Cái Mép
Nội dung quy hoạch gồm: quy hoạch toàn bộ khu cảng hiện hữu thành bến container, điều chỉnh bổ sung quy hoạch bến tại một phần khu kho năng lượng sạch gần 198 ha, điều chỉnh bổ sung quy hoạch bến tại khu nước tiềm năng gần 137 ha.
Quy hoạch tổng chiều dài bến 19.6 km bao gồm bến cảng Gemalink 1.52km, bến tổng hợp container Cái Mép Hạ dạng Finger 5.6 km, kéo dài bến hạ lưu Cái Mép Hạ ra ngoài so với quy hoạch 1/2000 đã phê duyệt thêm 12.12 km.
Tiến độ pháp lý: Đề xuất, chưa có văn bản chính thức phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tính đến tháng 7/2022.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ
Vị trí: xã Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ; trung tâm nằm liền kề bên s trong cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Dự án phức hợp với nhiều chức năng chuyên ngành bao gồm: kho bãi, cảng bến thủy nội địa, cảng biển. Tổng diện tích gần 1687 ha. Trong đó:
– Diện tích trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu hơn 1485 ha, bao gồm Trung tâm logistics hơn 891ha, bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu 594.33ha;
– Diện tích mặt nước (khu nước trước bến) 201.23ha.
Mục tiêu hình thành Trung tâm dịch vụ Logistics cho hàng hóa, đặc biệt là dịch vụ container; thực hiện các dịch vụ thông quan, kiểm định hàng hóa tại chỗ cho hàng hóa xuất nhập khẩu; hình thành và phát triển khu vực trung chuyển, dịch vụ logistics cửa ngõ quốc tế, cảng đầu mối khu vực hiện đại… Qua đó đáp ứng sự phát triển của vận tải biển Việt Nam và thế giới, thu hút hàng hóa luân chuyển trong khu vực.
Thời gian dự kiến: 2022-2025. Tiến độ pháp lý: sở GT-VT rà soát, cập nhật lại, hoàn thiện hồ sơ tiền khả thi, giải trình, báo cáo UBND tỉnh để thống nhất.
Khu đô thị sinh thái Tây Nam-TP. Bà Rịa
Vị trí: các phường: Phước Trung, Kim Dinh, Long Hương thành phố Bà Rịa. Quy mô 1794.93ha
07 tiểu khu (A1, A2, B, C, D, E, F)
– Tiểu khu A1, A2 định hướng phát triển thành tiểu khu đô thị sinh thái, bao gồm khu vực nhà ở thấp tầng kết hợp với thương mại và khu nhà ở hỗn hợp cao tầng, bến thuyền
– Tiểu khu B là khu vực bao gồm trung tâm y tế, trường cấp 3, xen lẫn các khu biệt thự thấp tầng ven sông, khu cây xanh.
– Tiểu khu C là trung tâm hành chính, thương mại của toàn khu đô thị.
– Tiểu khu D, E là các tiểu khu đô thị sinh thái bao gồm các biệt thự nghỉ dưỡng thấp tầng xen lẫn rừng ngập mặn, tạo không gian thiên nhiên cho khu vực
– Tiểu khu F là khu vực cạnh đường quốc lộ 51 được bố trí chủ yếu là cây xanh, nhằm tạo ra một vùng đệm đem lại sự yên tĩnh cho khu vực đô thị bên trong.
Thời gian thực hiện gồm 4 giai đoạn: 2021-2025; 2026-2030; 2031-2035; 2036-2040. Tiến độ pháp lý: quy hoạch 1/2000, đang kêu gọi, lựa chọn đầu tư
Phân khu Đảo Gò Găng-khu đô thị mới gắn với sân bay
Vị trí: Đảo Gò Găng, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu. Quy mô 1389 ha, quy mô dân số khoảng 60,000 người
Khu đô thị mới hiện đại gắn với sân bay Gò Găng, gắn kết với không gian sinh thái rừng ngập mặn, đồng thời hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thủy hải sản công nghệ cao.
Theo dự thảo, đây sẽ là đô thị bền vững và mang đặc trưng riêng của Vũng Tàu được hình thành trên cơ sở khai thác chính những đặc điểm địa hình, mặt nước và cảnh quan thiên nhiên của Đảo Gò Găng; tối ưu hóa tiềm năng, cảnh quan thiên nhiên mặt nước, sông rạch, cảnh quan biển, cũng như quỹ đất phát triển đô thị… để trở thành đô thị biển đặc thù mang đẳng cấp quốc tế, với hiệu quả đầu tư và tính khả thi phát triển cao.
Quy định: Tầng cao xây dựng Khu nhà ở cao tầng từ 15 – 25 tầng; Khu sử dụng hỗn hợp từ 5 – 60 tầng.
8 phân khu chức năng gồm:
– Khu vực các nhóm nhà ở
– Khu vực các công trình chức năng hỗn hợp
– Khu vực các công trình công cộng
– Khu vực công viên thể thao giải trí
– Công viên cây xanh và không gian mặt nước cảnh quan,
– Khu vực sân bay Gò Găng (diện tích khoảng 248.5ha) và các dịch vụ sân bay,
– Khu vực trung tâm nghề cá tỉnh
– Và các chức năng cần thiết khác (nếu có).
Trên đây là những thông tin tổng quan về ‘‘Tóm tắt quy hoạch giao thông tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030 – Tầm nhìn đến năm 2050.“ do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thêm những thông tin về một trong những tiêu chí cần cân nhắc, xem xét trước khi đầu tư. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về tư vấn phát triển dự án, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web senvangdata.com |
Xem thêm các bài viết về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Thông tin tổng quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Phân tích Quy hoạch và Tiềm năng phát triển Bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu
Xem thêm các dịch vụ / tài liệu khác của Sen Vàng
Dịch vụ tư vấn : https://senvangdata.com.vn/dich-vu/dich-vu-tu-van
Tài liệu : https://senvangacademy.com/collections/tai-lieu/
Báo cáo nghiên cứu thị trường : https://senvangdata.com/reports
————————–
Khóa học Sen Vàng:
Xây dựng tiêu chí lựa chọn Bất động sản : https://senvangacademy.com/…/xay-dung-tieu-chi-lua…/
Khóa học R&D – Nghiên cứu và phát triển bất động sản : https://senvangacademy.com/…/khoa-hoc-rd-nghien-cuu-va…/
Hoạch định chiến lược đầu tư bất động sản cá nhân : https://senvangacademy.com/…/hoach-dinh-chien-luoc-dau…/
—————————
Bất động sản Sen Vàng – Đơn vị tư vấn phát triển dự án bất động sản uy tín, chuyên nghiệp Việt Nam
Website: https://senvanggroup.com/
Website Cổng thông tin dữ liệu : https://senvangdata.com/
Youtube: https://tinyurl.com/vt82l8j
Group cộng đồng Kênh đầu tư Sen Vàng : https://zalo.me/g/olgual210
Fanpage: https://www.facebook.com/bds.senvangdata
Linkedin: https://www.linkedin.com/in/ngocsenvang/
TikTok: https://www.tiktok.com/@senvanggroup
Hotline liên hệ: 0948.48.48.59
Email: info@senvanggroup.com
————————————————————————–
© Bản quyền thuộc về : Kênh Đầu Tư Sen Vàng
© Copyright by “Kenh Dau Tu Sen Vang” Channel ☞ Do not Reup
#senvanggroup, #kenhdautusenvang, #phattrienduan, #phattrienbenvung, #realcom, #senvangdata,#congtrinhxanh, #taichinhxanh #proptech, #truyenthongbatdongsan #thuonghieubatdongsan,
#công_ty_tư_vấn_phát_triển_dự_án
#R_D_Nghiên_cứu_phát_triển_dự_án_bất_động_sản
#phân_tích_chuyên_gia_bất_động_sản
#tiêu_điểm_bình_luận_thị_trường_bất_động_sản
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP