Tỉnh Hà Giang thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam. Tỉnh hội tụ nút thắt tuyến đường giao thông huyết mạch nối với cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) nối các tỉnh miền Bắc với Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu hợp tác kinh tế với Trung Quốc, các tỉnh, thành phố và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước cũng như từ đó tới các cảng biển, sân bay ra nước ngoài. Thực hiện Nghị định 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh định hướng phát triển đô thị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy hoạch tỉnh Hà Giang được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tích hợp các nội dung, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các huyện, thành phố có tính tới yếu tố liên vùng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bài viết này, Sen Vàng Group sẽ tổng hợp lại và làm nổi bật các được các ý chính của dự thảo quy hoạch đô thị tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ruộng bậc thang (Hà Giang) (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững, bản sắc; bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Tạo không gian phát triển mới, đưa Hà Giang thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến của du khách quốc tế. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại, hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic.
Đề án định hướng đến năm 2025, tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa. Đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế – xã hội phát triển khá trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Và phấn đấu đến năm 2050 là tỉnh có kinh tế – xã hội trung bình khá của cả nước.
Phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn tỉnh Hà Giang với tổng diện tích tự nhiên là 7,929.5 km² bao gồm 1 thành phố, 10 huyện.
Định hướng phát triển không gian đô thị tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 chia thành 3 vùng là:
Tiểu vùng thấp – Vùng đô thị động lực: Thành phố Hà Giang, các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê & Quang Bình là tiểu vùng động lực phát triển của tỉnh. Đây là vùng không gian trọng điểm về phát triển đô thị gắn với KKT cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy
Tiểu vùng núi cao phía Bắc – Du lịch trọng điểm: Huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ là những huyện quản lý Công viên địa chất toàn cầu, có giá trị về di sản địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa các dân tộc bản địa mang ý nghĩa quốc gia, quốc tế.
Tiểu vùng núi đất phía Tây – Sinh thái bền vững: Huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì. Là vùng phát triển lâm nghiệp, cung ứng nguồn nguyên liệu nông lâm sản cho cụm ngành công nghiệp chế biến; phát triển du lịch (có nhiều cảnh đẹp, trong đó có di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, có tiềm năng phát triển du lịch nhất là du lịch cộng đồng) đem lại sự phong phú trong tổng thể phát triển du lịch toàn tỉnh.
Sơ đồ phân vùng phát triển kinh tế – xã hội – môi trường của tỉnh Hà Giang thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Theo thống kê vào năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có trên 792,948 ha đất tự nhiên; trong đó, đất phi nông nghiệp chiếm 4.93%; đất chưa sử dụng chiếm 9.89%; đất nông nghiệp chiếm 85.18%. Tại các địa phương, có từ 68 – 94% diện tích đất tự nhiên được sử dụng cho nông nghiệp.
Biểu đồ cơ cấu sử dụng đất của tỉnh Hà Giang năm 2020 và năm 2030(Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Đến nay, toàn tỉnh đã có quy hoạch chung đô thị cho 11 huyện, thành phố và được điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển giai đoạn 2021 – 2030; quy hoạch 1 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp. Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện cơ bản đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới… làm cơ sở quan trọng trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau 10 năm, theo quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hà Giang không có sự biến động mạnh. Đất nông nghiệp và Phi nông nghiệp đều tăng nhẹ, giảm tỷ trọng đất chưa sử dụng nhằm tối ưu quỹ đất, tránh để đất trống. Ngoài ra, Hà Giang đã có quy hoạch đất cho khu KT-CNC điều này sẽ giúp thu hút các dự án đầu tư về đây.
Giao thông đường bộ là loại hình chủ yếu cho vận tải hành khách và hàng hóa trong nội bộ tỉnh cũng như kết nối với các tỉnh lân cận.
Giao thông đường thuỷ không phát triển mặc dù mạng lưới sông suối nhiều nhưng do điều kiện địa hình phức tạp bị chia cắt mạnh với nhiều núi cao hiểm trở, độ dốc lớn, lòng sông hẹp, nhiều gềnh thác và đá ngầm, khan cạn vào mùa khô. Hiện tại chưa có giao thông đường sắt và hàng không.
Hiện nay, mạng lưới giao thông đường của tỉnh Hà Giang gồm: 529,5km đường quốc lộ; 341km đường tỉnh và 180.4km đường đô thị quốc gia.
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 7 tuyến quốc lộ là QL.2, QL.4, QL.4C, QL.34 và QL.279, QL.280 và đường cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Nhìn chung các tuyến quốc lộ có thế độc đạo, quanh co, chạy qua các địa hình phức tạp, cự ly tương đối dài.
Hiện trạng các tuyến đường huyết mạch hiện nay của tỉnh Hà Giang. (nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Định hướng phát triển giao thông liên kết vùng đảm bảo khả năng giao lưu phát triển với các khu vực khác trong tỉnh Hà Giang, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Kết nối trực tiếp thành phố Hà Giang và Cửa khẩu Thanh Thủy với hệ thống cao tốc của quốc gia nhằm sớm thúc đẩy giao thương giữa Hà Giang với Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ và đưa Thanh Thủy sớm trở thành một cửa khẩu có quy mô thương mại lớn của Vùng biên giới Phía Bắc.
Về giao thông đối ngoại, xây dựng các tuyến đường vành đai để kết nối thành phố Hà Giang với vùng cao nguyên đá và tránh các tác động giao thông xuyên tâm đến phát triển không gian đô thị. Phát triển các bến xe kết hợp với các trung tâm trung chuyển, dịch vụ vận tải các khu vực cửa ngõ của thành phố.
Về giao thông nội thị, cải tạo chỉnh trang lại mạng đường hiện có. Phát triển các tuyến giao thông chính đô thị đảm bảo kết nối liên thông 04 khu vực phát triển đô thị với nhau để khắc phục được sự chia cắt của không gian đô thị. Bổ sung các công trình đầu mối giao thông và hệ thống cầu qua sông. Hình thành các tuyến phố đi bộ, và các tuyến đường hạn chế cơ giới phục vụ phát triển du lịch và khai thác cảnh quan các điểm cao, cảnh quan hành lang sông Lô, Miện.
Cung đèo Mã Pĩ Lèng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Theo quy hoạch định hướng phát triển đô thị tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Hà Giang sẽ xây dựng một số bến đường thủy nội địa trên vùng hồ thủy điện Na Hang theo tuyến Bắc Mê – Na Hang (Tuyên Quang) và một số lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển du lịch.
Hồ thủy điện Na Hang (Hà Giang) (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Định hướng phát triển các bến thủy theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh. Thu hút và cho phép các nhà đầu tư xây dựng các bến thủy phục vụ kinh doanh dịch vụ du lịch với điều kiện đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, yêu cầu kỹ thuật và các vấn đề liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.
Vincom Hà Giang (TP Hà Giang, Hà Giang)
Dự án Vincom Hà Giang nằm tại phường Trần Phú, vị trí trung tâm thành phố. Tổ hợp được xây dựng trên diện tích hơn 21,000 m2, chia làm 2 khu chính là khu nhà ở shophouse và trung tâm thương mại kết hợp khách sạn 20 tầng, ghi dấu ấn tòa tháp cao nhất tỉnh Hà Giang khi hoàn thành. Khối công trình trung tâm thương mại kết hợp khách sạn gồm 20 tầng (19 tầng nổi và 1 tầng hầm) trên diện tích hơn 4,000 m2. Trong đó, khu nhà ở shophouse gồm 3 khu 4 tầng và 1 khu biệt thự liền kề 3 tầng.
Dự án tuyến đường nối từ Cửa Khẩu Thanh Thủy, Tỉnh Hà Giang đến cao tốc Hà Nội – Lào Cai đang được hai tỉnh là Hà Giang và Yên Bái phối hợp để xem xét, bàn thảo, nghiên cứu tính toán chuẩn bị cho dự án.
Dự án là hết sức cần thiết bởi tuyến đường này có ý nghĩa chiến lược lâu dài và có tính chất lịch sử, không những kết nối với tỉnh Hà Giang mà còn kết nối các tỉnh Đông Bắc với các tỉnh phía Bắc, kết nối với tỉnh Yên Bái, kết nối với cửa khẩu Thiên Bảo – Vân Nam – Trung Quốc.
Dự án đường nối cao tốc Hà Giang với cao tốc Hà Nội – Lào Cai dự kiến sẽ được khởi công cuối năm 2024 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Dự án khi được triển khai sẽ có mục tiêu từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc; rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh Hà Giang và các địa phương trong khu vực về Thủ đô Hà Nội; nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
Trên đây là những thông tin nổi bật về quy hoạch vùng tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hy vọng rằng, bài viết trên đã có thể giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin trước khi quyết định đầu tư vào địa phương này.
Ngoài ra, để có thể nắm rõ chi tiết thông tin tổng hợp và phân tích quy hoạch vùng tỉnh Hà Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các bản đồ và dữ liệu chính xác, chất lượng, bạn đọc có thể liên hệ tại địa chỉ Cổng thông tin Bất động sản Senvangdata.
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – Trung Đức
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP