Phát triển VLXD xanh tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam: Thực trạng, rào cản và giải pháp

  • 3 Tháng mười, 2022
  • Công trình Xanh được coi là một phần không thể thiếu trong chiến lược của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, một quốc gia được dự báo là sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu.

    I. Đặt vấn đề

    Trong bối cảnh trái đất nóng lên và ngày càng nhiều hơn những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến con người, sự phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới thế hệ con người hôm nay và tương lai. 

    Trong sự phát triển bền vững đó, Công trình Xanh được coi là một phần không thể thiếu trong chiến lược của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, một quốc gia được dự báo là sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu. Dù có phản ứng chậm hơn thế giới nhưng từ những năm đầu thế kỷ XXI, nước ta cũng đã có nhiều hoạt động tích cực mà điển hình là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh.

    Đặc biệt tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.”

    Đây là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới thực hiện Net Zero vào năm 2050. Để hiện thực hoá điều này, ngành xây dựng nói chung và ngành vật liệu xây dựng nói riêng cũng cần có những sự thay đổi lớn để cùng với các ngành khác thay đổi tư duy, thay đổi cách làm nhằm đạt được mục tiêu chung mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết.

    Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 phê duyệt kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH (COP26) đã được ban hành kịp thời nhằm cụ thể hoá các mục tiêu mà ngành xây dựng cần đạt được trong giai đoạn bản lề quan trọng 2022-2030.

    Trong đó vật liệu xây dựng xanh là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp phần làm giảm khí nhà kính trong các hoạt động xây dựng tại Việt Nam. 

    II. Hiểu đầy đủ về vật liệu Xanh và bền vững

    Khái niệm Vật liệu Xanh được định nghĩa dựa trên cách chúng ảnh hưởng thực chất đến môi trường. Sự phân loại này không xem xét đến bất kỳ yếu tố thứ cấp hoặc gián tiếp nào khác có liên quan đến vật liệu.

    Vật liệu xanh có các đặc điểm sau [1]:

    • Hàm lượng tái chế cao và /hoặc khả năng tái chế cao

    • Làm từ các nguồn tái tạo nhanh chóng

    • Lượng khí thải rất thấp góp phần vào sự nóng lên toàn cầu và suy giảm tầng ôzôn

    • Ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng tới ô nhiễm môi trường

    Như vậy thì tất cả những vật liệu như: gạch không nung, tấm tường không nung, kính low-e, khung cửa sổ nhựa uPVC, khung nhôm… đều đáp ứng được các tiêu chuẩn về vật liệu xanh như đã đề cập.

    Tuy nhiên hiểu rộng ra khái niệm vật liệu xanh là vật liệu bền vững. So với vật liệu xanh, định nghĩa về vật liệu bền vững rộng hơn và rõ ràng hơn nhiều. Tính bền vững ở đây không chỉ là quan tâm đến môi trường, mà còn là yếu tố tác động đến các điều kiện kinh tế và xã hội trong nhiều năm tới trong tương lai. 


    Vòng đời của Vật liệu và Công trình (Nguồn: faculty.cnr.ncsu.edu)

    Một vật liệu đóng vai trò từ quá trình khai thác tài nguyên, sản xuất vật liệu, thi công xây dựng, quá trình hoạt động của công trình, phá huỷ công trình rồi mới kết thúc vòng đời của vật liệu đó. Trong từng giai đoạn sẽ có các định nghĩa khác nhau về vật liệu Xanh một cách đầy đủ.

    – Giai đoạn khai thác tài nguyên: sử dụng vật liệu ít phá huỷ môi trường, có thể tái tạo nhanh

    – Giai đoạn sản xuất: giảm năng lượng trong quá trình sản xuất, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất

    – Gian đoạn thi công xây dựng: tăng tiến độ thi công xây dựng, giảm khói bụi tới môi trường, giảm nhân công… 

    – Giai đoạn hoạt động của công trình: tiện nghi sức khoẻ cho người sử dụng, cách âm, cách nhiệt tốt, giảm tiêu thụ năng lượng

    – Giai đoạn phá huỷ công trình: dễ dàng phá huỷ, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường

    – Kết thúc vòng đời: có thể tái tạo được vật liệu đã sử dụng…

    Ở đây có thể hiểu đơn giản qua một ví dụ là vật liệu tường bao ngoài của các công trình cao tầng chẳng hạn. Nếu định nghĩa vật liệu Xanh thì cứ dự án nào sử dụng gạch không nung thì sẽ “xanh” hơn là những dự án sử dụng gạch đất sét nung truyền thống, bởi rõ ràng gạch không nung sử dụng ít năng lượng hơn để sản xuất, có thể tái chế được và các chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng (cách nhiệt) cũng tốt hơn. Tuy nhiên nếu áp dụng xây gạch không nung không đúng quy trình chuẩn, không sử dụng những vật liệu liên kết (vữa xây) chuyên biệt gây ra hiện tượng thấm, nứt (điều rất hiếm khi gặp phải nếu sử dụng gạch đất sét nung thông thường) thì việc sử dụng gạch không nung sẽ không còn mang tính “bền vững” nữa.

    Vật liệu bền vững được hiểu đầy đủ phải là từ sản xuất từ khâu đầu vào sản xuất vật liệu là nguyên liệu thô có thể tái tạo và có nguồn gốc theo cách không gây tác động tiêu cực đến môi trường hoặc làm giảm nguồn cung vĩnh viễn hay không. Điều này thường đòi hỏi ngành xây dựng phải thay thế những tài nguyên đầu vào đã được sử dụng bằng những tài nguyên khác có mức phát thải thấp hơn để các thế hệ tương lai có thể tiếp tục khai thác bền vững các nguồn tài nguyên.
    Một góc độ khác của vật liệu bền vững là góc độ sinh thái. Việc sử dụng các vật liệu này không được ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống lâu dài của thực vật và động vật (bao gồm cả con người), để duy trì sự cân bằng sinh thái của cuộc sống.

    Ngoài ra, vật liệu bền vững có năng lượng hàm chứa thấp, có nghĩa là tổng năng lượng được sử dụng trong chuỗi cung ứng (từ lúc sản xuất đến khi phá huỷ công trình) để tạo ra vật liệu sẵn có sử dụng ở mức tối thiểu.

    III. Thực trạng

    Trong năm 2020, ngành xây dựng và bất động sản chiếm đến 36% mức tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu và phát thải chiếm 37% tổng lượng phát thải CO2 liên quan đến sử dụng năng lượng. Đặc biệt, trong tổng lượng khí thải đó, các hoạt động vận hành tòa nhà phát thải chiếm 27% tổng lượng phát thải CO2 hàng năm.

    Thực tế theo thống kê của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC[4], tính đến Quý 2/2022. Số lượng công trình xanh ở Việt Nam theo các tiêu chuẩn (EDGE, LEED và LOTUS) chỉ là 2xx dự án. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.


    Số lượng dự án CTX EDGE, LEED, LOTUS ở Việt Nam tính đến Quý 2/2022 – Nguồn IFC,2022

    Dù vậy thì những vật liệu Xanh đang thực sự trở thành xu hướng chung với ngày càng nhiều hơn các vật liệu được nghiên cứu, áp dụng tại các công trình từ thấp tầng đến cao tầng, từ nhà ở cá nhân tới các dự án lớn.

    Rất nhiều đơn vị sản xuất đã và đang tập trung cho các sản phẩm vật liệu xanh, vật liệu bền vững, tiết kiệm năng lượng có thể kể đến nhiều đơn vị như Viglacera với các sản phẩm gạch không nung, gạch AAC, tấm tường ALC, các loại kính solar control, kính low-e…, Eurowindows, Saint-Gobain cũng tập trung cho các giải pháp kính tiết kiệm năng lượng, hay Xuân Mai đã nghiên cứu, sản xuất, phát triển và ứng dụng tấm tường Acotec từ lâu…

     Một số loại vật liệu Xanh có thể được áp dụng trong các công trình (tham khảo từ VGBC) [5]

    IV. Rào cản

    1. Rào cản kỹ thuật

    Có tới 160.000 kết quả khi tiến hành tìm kiếm trên google với từ khoá “gạch không nung nứt”. Điều này thể hiện đã có rất nhiều dự án, nhiều chủ đầu tư, nhiều người sử dụng tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp vật liệu xanh đã phải “trả giá” cho việc tiên phong của mình, khi mà chưa lường trước đến những rào cản về kỹ thuật trong việc áp dụng các vật liệu mới 

    Vật liệu không đạt tiêu chuẩn về chất lượng.

    Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tường sử dụng gạch không nung bị nứt, chính là vật liệu không đáp ứng đúng tiêu chuẩn chất lượng cần có. Quy trình sản xuất gạch không nung dù tiết kiệm năng lượng hơn so với gạch đất sét nung truyền thống nhưng chất lượng viên gạch cũng khó kiểm soát hơn do đặc thù của gạch không nung là nhiều thành phần kết hợp.
    Thi công không đúng kỹ thuật.

    Gạch không nung nói riêng hay các vật liệu mới nói chung cần có quy trình, biện pháp thi công thích hợp cũng như phải sử dụng các vật liệu chuyên dụng đi kèm. Điều này cần các đội công nhân xây dựng được đào tạo bài bản và cần thời gian thích nghi.

    Yếu tố khách quan: thời tiết, môi trường

    Bên cạnh hai nguyên nhân đã nêu ở trên, việc tường xây với gạch không nung bị nứt còn có thể xảy ra do đặc tính khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền bắc với khí hậu nhiệt đới gió mùa và chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm lớn trong năm. Gạch không nung có chỉ số giãn nở do nhiệt cao hơn sản phẩm nung, chính vì vậy mà chúng cũng rất dễ bị nứt hơn ở điều kiện khí hậu nước ta. 

    2. Rào cản kinh tế

    Một trong những rào cản quan trọng khác là rào cản kinh tế bởi vật liệu Xanh thường có giá cao hơn so với vật liệu truyền thống.

    Giá vật liệu Xanh và vật liệu truyền thống không chỉ đơn giản là so sánh giá thành hai loại vật liệu với nhau mà còn bao gồm các chi phí liên quan như: vật liệu liên kết, quy trình thi công, nhân công và các chi phí khác. Ví dụ đơn giản như muốn xây một căn biệt thự, nhà phố 3 tầng theo phương pháp truyền thống thì phần xây thô và hoàn thiện mặt ngoài chỉ khoảng 5.5-6 triệu/m2, nhưng nếu áp dụng công nghệ nhà tiền chế khung thép với các vật liệu xanh như tấm tường ALC, khung thép, sàn deck… thì giá thành có thể lên tới 7-8 triệu/m2.

    Hay đơn giản như vật liệu kính Solar Control hay Low-e sẽ có giá thành cao hơn kính thông thường (dày 6.38mm) từ 2-5 lần. Lớp vỏ công trình thường chiếm khoảng 30-40% chi phí toàn bộ công trình, bởi vậy nếu áp dụng các loại vật liệu xanh sẽ đội chi phí đầu tư ban đầu lên đáng kể. 

    3. Rào cản khác

    Có một thực tế đã được đề cập ở phần đầu của bài viết này là rất nhiều chủ đầu tư tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp vật liệu Xanh, tuy nhiên những hậu quả không mong muốn mà Chủ đầu tư và khách hàng phải chịu từ các vật liệu này khi không tuân thủ đúng các tiêu chí kỹ thuật, thi công.

    Áp dụng gạch không nung cho lớp vỏ công trình có thể gây nứt, dẫn đến hệ quả là thấm, ngấm, phá hoại công trình, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng, đến danh tiếng của chủ đầu tư và dự án là điều không ai mong muốn nhưng thực tế đã xảy ra tại nhiều công trình. 


    Hiện tượng nứt do thi công gạch không nung không đúng quy trình (ảnh minh hoạ)

    V. Đề xuất

    a. Từ góc độ quản lý nhà nước

    Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã cam kết phát thải ròng tới năm 2050 về “0”, đó là một cam kết vô cùng mạnh mẽ và cần sự chung tay của rất nhiều bộ ban ngành liên quan. Trong lĩnh vực xây dựng, Việt Nam đã ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng về công trình tiết kiệm năng lượng, trong đó các vật liệu Xanh là một phần quan trọng.

    Tuy nhiên tính thực tế của các nghiên cứu đi kèm, các hướng dẫn chi tiết thực hiện thì vẫn cần làm rõ hơn. Cần có các nghiên cứu ứng dụng cụ thể hơn với từng loại vật liệu Xanh – vật liệu bền vững thì công tác quản lý, thi công đến hiệu quả thực sự của chúng về mặt tiết kiệm năng lượng.

    b. Từ góc độ chủ đầu tư:

    Các công trình Xanh – tiết kiệm năng lượng nói chung ứng dụng vật liệu xanh – bền vững đang là xu hướng tất yếu. Việc ứng dụng các giải pháp công trình Xanh – vật liệu xanh đối với các Chủ đầu tư sẽ làm tăng giá trị thương hiệu, đem lại những giá trị thiết thực cho khách hàng. Việc áp dụng các vật liệu Xanh của chủ đầu tư những dự án lớn có thể làm thay đổi cả ngành sản xuất vật liệu do thay đổi cung cầu. Tuy nhiên, muốn áp dụng các vật liệu mới cần nghiên cứu kỹ quy trình, thử nghiệm và áp dụng một cách cẩn trọng và phù hợp, tránh những hậu quả không mong muốn như đã đề cập ở phần trên của bài này. 

    c. Từ góc độ đội ngũ tư vấn, nhà sản xuất, đơn vị thi công

    Trước đây, đội ngũ tư vấn về công trình Xanh là khá mỏng, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, đã có rất nhiều lớp đào tạo, tập huấn về QC 09:2017, các lớp đào tạo về Công trình Xanh giới thiệu công nghệ, vật liệu mới… trên thế giới được tổ chức. Đội ngũ tư vấn đang ngày càng lớn mạnh và có chất lượng sẵn sàng đồng hành với các Chủ đầu tư tạo nên các công trình Xanh ứng dụng các vật liệu xanh thực sự ở Việt Nam. 

    Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều hơn những đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các vật liệu Xanh – tiết kiệm năng lượng: vật liệu không nung, kính tiết kiệm năng lượng, sơn sinh thái… Tuy nhiên việc nghiên cứu cần đi sâu hơn nữa vào thực tiễn để chủ đầu tư và khách hàng được hưởng trọn vẹn các ưu việt mà vật liệu Xanh – tiết kiệm năng lượng đem lại.

    Sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị tư vấn, nhà sản xuất, đơn vị thi công và sau này là các đơn vị quản lý vận hành là vô cùng quan trọng và cần thiết để đưa ra những giải pháp tổng thể, tận dụng các ưu điểm, tối ưu hoá giá thành và giảm thiểu rủi ro.

    d. Từ góc độ khách hàng, người mua nhà

    Sống trong một môi trường Xanh với nhiều cây Xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng chắc hẳn sẽ đem lại cho người sử dụng những tiện nghi vượt trội và cải thiện sức khoẻ. Chi phí sở hữu công trình Xanh có thể cao hơn một chút đầu tư ban đầu, nhưng những giá trị đem lại cho cuộc sống thì lớn hơn rất nhiều. Đó là những giá trị lâu dài mà khách hàng, người mua nhà cần tìm hiểu, hướng tới trong việc lựa chọn các sản phẩm của mình.

    Chuyên gia: Trịnh Tùng Bách – Lê Thùy Dung

    Tài liệu tham khảo:

    [1] Findik, Fehim, and Kemal Turan. “Green Materials and Applications.” Periodicals of Engineering and Natural Sciences 3 (2015).

    [2] Sheth, K. N. “Sustainable building materials used in green buildings.” 9th International Conference on Engineering and Business Education (ICEBE) & 6th International Conference on Innovation and Entrepreneurship (ICIE). 2016.

    [3] Yanarella, Ernest J., Richard S. Levine, and Robert W. Lancaster. “Research and solutions:” green” vs. sustainability: from semantics to enlightenment.” Sustainability: The Journal of Record 2.5 (2009).

    [4] IFC, thống kê số lượng CTX EDGE, LEED, LOTUS Q2/2022.

    [5] Hội đồng CTX Việt Nam – VGBC, database vật liệu xanh.

     
     
    Thẻ : Công trình xanh,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!