Thời gian gần đây, khu vực Tây Hồ luôn đứng đầu về sản phẩm BĐS cho thuê tại TP Hà Nội nhờ sở hữu địa thế vàng, sự ưu ái từ thiên nhiên cùng quy hoạch tốt. Đặc biệt, phía Tây Hồ Tây không chỉ được chọn là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan ban ngành, đại sứ quán, công ty nước ngoài mà còn có sức lôi cuốn mạnh mẽ với giới đầu tư Bất động sản khi quy tụ hàng loạt dự án cao cấp bậc nhất tại Hà Nội.
Cùng với các nhà đầu tư có nguồn tài chính vững mạnh, các DN hoạt động kinh doanh cho thuê cũng luôn muốn tới khu vực đầy tiềm năng và mang lại lợi nhuận cao này. Anh Vũ Minh Toán – Hiệp hội Khách sạn phố cổ Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, anh và một số đồng nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh cho thuê lưu trú khách sạn sang khu vực ven Hồ Tây nhưng chưa thể thực hiện được.
“Từ đầu năm đến giờ, tôi vẫn chưa tìm được địa điểm. Giá thuê leo thang theo từng quý, những địa điểm phù hợp kinh doanh cho thuê thì đã được thuê kín. Còn những địa điểm không có không gian thuận lợi, giá cho thuê cũng rất cao” – anh Toán nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực Tây Hồ đang trở thành điểm “nóng” về phát triển BĐS cho thuê bởi vì lượng khách hàng lớn và có tỷ suất lợi nhuận cho thuê tương đối cao.
Số liệu của Savills Việt Nam cho thấy, riêng quận Tây Hồ có khoảng trên 5.000 người nước ngoài đăng ký lưu trú lâu dài. Số liệu cũng chỉ ra rằng, quận Tây Hồ là khu vực có tỷ suất lợi nhuận cho thuê cao nhất tại Thủ đô Hà Nội, ở mức từ 5,7 – 6%/năm, giá cho thuê dao động ở mức từ 1.500 – 5.000 USD/tháng, một số sản phẩm có vị trí tốt giá còn cao hơn.
Nguồn cung ít nhưng nhu cầu lớn khiến BĐS cho thuê khu vực này dù “đắt đỏ” vẫn luôn hút khách. Giới đầu tư săn tìm BĐS để đầu tư cho thuê, còn phần lớn khách nước ngoài, các chuyên gia cao cấp, doanh nhân thành đạt có yêu cầu khắt khe về không gian và chất lượng cuộc sống thì Tây Hồ trở thành lựa chọn số một để sinh sống.
Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An Phạm Thành Trung cho biết, thời gian gần đây, lượng người nước ngoài đăng ký lưu trú trên địa bàn liên tục gia tăng, thời điểm hiện tại đã tăng khoảng 30% so với cách đây 3 năm.
Cần siết chặt quản lý
Theo chủ trương đến năm 2030, phía Tây sẽ là trung tâm hành chính mới của Thủ đô. Các tuyến đường huyết mạch đều được nâng cấp, mở rộng như đường Phạm Văn Đồng, đường 40m qua Ciputra nối đường Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công tạo sự liên kết giúp giao thông khu vực trở nên thông suốt. Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 2 từ Nam Thăng Long (Ciputra) đến Trần Hưng Đạo sẽ giúp việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, theo đánh giá hoạt động kinh doanh Bất động sản quận Tây Hồ cho thuê tại Tây Hồ vẫn đang tiềm ẩn nhiều phức tạp, đặc biệt là liên quan đến pháp lệnh về thuế.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Khách sạn phố cổ Hà Nội, hiện trên địa bàn quận Tây Hồ có khoảng trên 2.500 hộ kinh doanh cho thuê nhà, chiếm khoảng 50% hộ kinh doanh cá thể và trên 80% số thuế của hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, hoạt động cho thuê nhà là hoạt động kinh doanh đặc thù, gây khó khăn cho công tác quản lý chống thất thu thuế.
Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, thời điểm trước năm 2009, hoạt động cho thuê nhà phải nộp hai loại thuế là thuế GTGT và thuế thu nhập DN có mức thu ổn định là 22,56% trên doanh thu. Nhưng hiện nay, phần lớn các hộ gia đình hoạt động kinh doanh đều chỉ phải nộp thuế môn bài.
Cùng với đó, tình trạng trốn thuế đối với hoạt động kinh doanh Bất động sản Tây Hồ với thị trường cho thuê tương đối “tinh vi” như không đăng ký nộp thuế, không kê khai đúng thời hạn (cho thuê nhà thu tiền rồi nhưng chưa kê khai); Lập 2 hợp đồng cho thuê, xuất trình cho cơ quan Thuế hợp đồng có mức giá cho thuê thấp để đóng thuế thấp hơn so với quy định; Cho thuê nhà nhưng lập hợp đồng cho mượn không thu tiền để không phải đóng thuế; Không kê khai khi điều chỉnh giá thuê, khi kết thúc hợp đồng nhưng không thanh lý và trên thực tế vẫn cho thuê…