Bản tin quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng tháng 7/2022

  • 12 Tháng tám, 2022
  • Bản tin quy hoạch vùng là hạng mục mới được tổng hợp bởi Sen Vàng Group và được cập nhật định kỳ hàng tháng. Nhằm giúp quý độc giả cũng như các nhà đầu tư trang bị kiến thức và nắm bắt thông tin quy hoạch của các vùng để đưa ra những chiến lược đầu tư hiệu quả

    Vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế lớn thứ 2 của cả nước với sứ mệnh phát triển công nghiệp và đô thị bền vững. Hãy cùng Sen Vàng Group điểm lại những tin quy hoạch bất động sản chính trong tháng 7/2022 vừa qua tại vùng Đồng bằng sông Hồng.

    1. Duyệt báo cáo đường nối dài Đại lộ Thăng Long từ QL21B đến cao tốc Hà Nội – Hoà Bình 

    UBND TP Hà Nội vừa duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long đoạn nối từ quốc lộ 21B đến cao tốc Hà Nội – Hoà Bình do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư.

    Đại lộ Thăng Long (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Tổng chiều dài tuyến khoảng 6.7 km, điểm đầu kết nối với nút giao hoa thị giữa Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất. Điểm cuối nối với đường Hòa Lạc – Hòa Bình tại vị trí giao với đường Làng Văn Hóa, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất có mặt cắt ngang từ 120 m – 180 m. Trên tuyến có 4 công trình cầu (vượt sông, đường ngang) và 5 công trình hầm (một hầm chui trực thông dọc tuyến chính phục vụ thành phần đường cao tốc và 4 hầm chui dân sinh ngang đường).

    Hà Nội cho biết việc đầu tư cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình nhằm từng bước hoàn chỉnh toàn bộ đường cao tốc Hà Nội – Hòa Bình; phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía tây và tây nam, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía tây và kết nối với đường Hồ Chí Minh.

    2. Sẽ giải phóng mặt bằng 90 – 120 m chiều ngang toàn tuyến vành đai 4 vùng Thủ đô

    Tại buổi tiếp xúc với các cử tri huyện Đông Anh, quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm vào ngày 27/6 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết vành đai 4 là dự án đặc biệt quan trọng với Thủ đô, không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư nội đô, giúp giải bài toán mất cân đối, quá tải hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

    Dự án đường vành đai 4 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cho biết thành phố sẽ giải phóng toàn tuyến từ 90 đến 120m chiều ngang; đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô, chuyển tuyến đường sắt từ Yên Viên đến ga Hà Nội hiện nay thành tuyến đường sắt đô thị. Trong chiều ngày 27/6, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã họp chỉ đạo triển khai dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô.

    Theo đó, tuyến đường Vành đai 4 đã được chốt dự án vào tháng 6 vừa qua. Với nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021 – 2025 là 41,860 tỷ đồng, sang giai đoạn 2026 – 2030 là 14,506 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án vành đai 4 từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

    3. Hà Nội quy hoạch xây dựng chợ dân sinh, xóa chợ tạm, chợ cóc

    Trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 31 chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ảnh hưởng đến giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện trên địa bàn thành phố do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chiều 27/7, ông Nguyễn Mạnh Quyền – phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện quan tâm quy hoạch xây dựng chợ dân sinh, từ đó có phương án quyết liệt cấm chợ cóc, chợ tạm hoạt động.

    Hiện trạng chợ tạm, chợ cóc ở Hà Nội (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Đồng thời, thành phố sẽ thanh, kiểm tra nếu địa phương nào còn để tồn tại chợ cóc, chợ tạm. Trước mắt, các quận, huyện đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, quản lý hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại; quy hoạch đồng bộ các hệ thống chợ và có cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư.

    Đối với những chợ đã kêu gọi được xã hội hóa đầu tư cần nhanh chóng thực hiện. Những địa phương còn khó khăn vướng mắc về quy hoạch chợ, cần xây dựng kế hoạch, đầu tư bằng ngân sách để nâng cao hạ tầng thương mại, cơ sở cho các vùng này.

    Về giải tỏa chợ cóc, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, thống kê, kiểm tra, xử lý và tổ chức giải tỏa các tụ điểm, chợ cóc và hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông…

    4. Đề xuất điều chỉnh quy hoạch cục bộ sân bay Nội Bài, bổ sung bãi đỗ xe

    Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình điều chỉnh quy hoạch cục bộ Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài để xây dựng nhà để xe tại khu 1.3ha.

    Theo đề xuất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – Công ty cổ phần (ACV), điều chỉnh quy hoạch cục bộ sân bay Nội Bài có bổ sung thêm bãi đỗ xe. Đây là khu đất dự trữ phát triển trong quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020.

    Một góc sân bay Nội Bài (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Theo đó, khu đất 1.3ha do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – Công ty cổ phần (ACV) đề xuất điều chỉnh quy hoạch cục bộ Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài để triển khai đầu tư xây dựng nhà để xe là khu đất đã được ACV chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ năm 2015. Khu đất đã được san ủi, xây hàng rào bảo vệ, hiện tại chưa xây dựng công trình.

    Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Nội Bài hiện nay có các bãi đỗ xe trước nhà ga hành khách T1, diện tích khoảng 17,801m2, đáp ứng khoảng 555 vị trí đỗ xe ôtô các loại. Bãi đỗ xe trước nhà ga hành khách T2 diện tích khoảng 51,000m2, đáp ứng 976 xe ô tô các loại, 405 xe máy.

    5. Đề xuất ý tưởng lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội

    Chiều 6/7, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học với nội dung đề xuất ý tưởng lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    TS Bùi Tất Thắng – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho ý kiến, cần xoay quanh từ khóa “đột phá” trong các công việc, từ đánh giá hiện trạng, giải quyết các vấn đề tồn đọng, định hướng tương lai. Trong đó lưu ý vấn đề về khai thác, bảo tồn các di sản, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng sạch, an toàn…

    Một góc Thủ đô Hà Nội (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Các chuyên gia đều chung quan điểm, việc lập quy hoạch phải xuất phát từ phân tích, đánh giá đúng thực trạng để thấy được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thành phố, đồng thời phải nêu bật được những đặc thù riêng có của Thủ đô Hà Nội.

    Kết luận buổi tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến gợi ý của các chuyên gia, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố. Thời gian tới, Viện tiếp tục tổ chức tọa đàm các chuyên đề tiếp theo nhằm lấy ý kiến về những nội dung và đẩy nhanh tiến trình, sớm chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch.

    6. Quy hoạch mở rộng thị trấn Thanh Hà, Hải Dương đến năm 2030 thêm 11 ha

    Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung mở rộng thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà đến năm 2035.

    Theo đó, ranh giới nghiên cứu quy hoạch trên toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn và mở rộng sang một phần diện tích các xã Cẩm Chế, Tân An, Thanh Khê, Thanh Xá. Các xã này đều thuộc huyện Thanh Hà. Tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch 728.39 ha; tăng 11.08 ha so với diện tích nghiên cứu quy hoạch được duyệt. Dự báo quy mô dân số đô thị đến năm 2030 của thị trấn Thanh Hà mở rộng gần 13,000 người, đến năm 2035 hơn 18,000 người.

    Thị trấn Thanh Hà (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, thị trấn Thanh Hà được xây dựng là trung tâm tổng hợp cấp huyện về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ; trung tâm hành chính cấp huyện có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, huyện và khu vực. Đến sau năm 2030, thị trấn Thanh Hà là đô thị loại IV trong hệ thống đô thị của tỉnh.

    Một trong những mục tiêu quy hoạch là xây dựng thị trấn Thanh Hà có sức hấp dẫn về môi trường đầu tư, có tính cạnh tranh trên một số lĩnh vực dịch vụ thương mại; phát triển bền vững, hài hòa với môi trường. Đồng thời địa phương giữ vai trò là đô thị hạt nhân, là động lực phát triển kinh tế – xã hội của huyện

    7. Vĩnh Phúc: Quyết định chủ trương dành 1,213 tỷ đồng đầu tư tuyến giao thông kết nối đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc

    HĐND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành các Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng, đồng thời chấp thuận, thông qua danh mục 139 dự án công trình cần thu hồi đất năm 2022.

    Trong số các dự án quan trọng vừa được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định chủ trương đầu tư, thì dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất là tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc với mức đầu tư 1,213 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến dự án tại Km7+760 thuộc xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, điểm cuối tuyến tại Km9+880 thuộc đê tả sông Hồng tại địa phận huyện Yên Lạc (riêng điểm kết thúc dự án cầu Vân Phúc do Thành phố Hà Nội đầu tư).

    Một góc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Sau khi hoàn thành, công trình từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt; tạo thêm tuyến giao thông kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với Thủ đô Hà Nội qua sông Hồng, thúc đẩy kết nối phát triển kinh tế – xã hội  giữa Vĩnh Phúc với thành phố Hà Nội và các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

    8. Quy hoạch thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

    Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt ngày 17/09/2020.

    Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ TP Nam Định hiện nay (diện tích 46.41 km2); huyện Mỹ Lộ (74.49 km2); 3 xã Đại An, Thành Lợi và Tân Thành của huyện Vụ Bản (26.48 km2) và 5 xã: Nam Mỹ, Nam Toàn, Hoàng Quang, Điền Xá và Nghĩa An của huyện Nam Trực (40.6 km2); với tổng diện tích khoảng 187.99 km2. Phía bắc giáp tỉnh Hà Nam; phía tây giáp phần còn lại của huyện Vụ Bản; phía nam giáp phần còn lại của huyện Vụ Bản và huyện Nam Trực; phía đông giáp tỉnh Thái Bình.  

    Thành phố Nam Định (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Dự báo đến năm 2030 quy mô dân số khoảng 520,000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 384,500 người. Dự báo đến năm 2040 quy mô dân số khoảng 600,000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 485,000 người. 

    Về quy mô đất đai, dự báo giai đoạn đến 2030 diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 6,690 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4,350 ha (chỉ tiêu 65m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 2,340 ha. Giai đoạn đến năm 2040 dự báo diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 8,330 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4,990 ha (chỉ tiêu 60 m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 3,340 ha.

     

    Nguồn: Sen Vàng Group – BTV Quang Linh

    Thẻ :

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!