Bản tin Chuyển động bất động sản Việt Nam Tháng 9/2022

  • 3 Tháng mười, 2022
  • Chào mừng quý vị và các bạn đã quay trở lại với Chương trình Chuyển động Bất động sản Việt Nam của Kênh đầu tư Sen Vàng. Đây là chương trình cung cấp những thông tin trên thị trường Bất động sản Việt Nam.

    1. Bộ Xây dựng đề xuất xây 1.8 triệu căn nhà ở xã hội

    Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030″.

    Cụ thể, ở giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1.3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 700,000 căn (đáp ứng khoảng 54% nhu cầu).Sang giai đoạn 2025-2030, mục tiêu đặt ra tại các địa phương là hoàn thành khoảng 1.1 triệu căn (đáp ứng khoảng 85% nhu cầu nhà ở xã hội).

     Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Về nguồn vốn thực hiện đề án, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. 

    2. Rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai

    Ngày 20/09 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công văn số 6227/VPCP-NN, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến hệ thống thông  tin đất đai đã được ban hành kể từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.

    Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tiến hành rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước, trên cơ sở đó, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các bất cập này trước khi Luật đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

    Ảnh minh họa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Để hoàn thành mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong những năm qua, ngành Quản lý đất đai đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng hệ thống thông tin đất đai  đồng thời, triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với cơ quan thuế và các điều kiện cần thiết để vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia liên quan đến giao dịch đất đai. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. 

    3. Bộ Xây dựng giữ đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn

    Tại dự thảo Luật nhà ở (Sửa đổi) lần 2, Bộ Xây Dựng đang tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân về hai phương án đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

    Theo đó, phương án thứ nhất là bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình nêu trong hồ sơ thiết kế được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Sau khi hết thời gian sở hữu, chủ sở hữu có quyền được xin giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu nếu chung cư còn đáp ứng đủ điều kiện của cơ quan thẩm định. 

    Trường hợp nhà chung cư hết thời hạn sở hữu nhưng phải phá dỡ theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền thì chấm dứt quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với căn hộ nhà chung cư và thực hiện xử lý theo hai phương án. Trường hợp được phê duyệt tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì thực hiện phá dỡ để xây dựng lại theo quy định tại Chương V của Luật này. Trường hợp theo quy hoạch được phê duyệt không tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì chủ sở hữu được bồi thường về đất và bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.

    Ảnh minh họa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Phương án 2 đó là giữ nguyên như quy định hiện hành (không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài) tại Chương 5 của Luật đất đai hiện nay. 

    Đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn là vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua. Bộ Xây dựng khẳng định, việc đầu tư xây dựng nhà chung cư trong thời gian tới vẫn là xu hướng chủ yếu tại các đô thị, nhất là tại các đô thị lớn, có yêu cầu tiết kiệm quỹ đất. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới và đề xuất nêu trên cũng sẽ không dẫn đến việc người dân sẽ chuyển từ mua chung cư sang mua nhà đất riêng lẻ, do tâm lý muốn sở hữu lâu dài nhà ở. 

    4. Doanh nghiệp Bất động sản trở lại đường đua trái phiếu doanh nghiệp

    Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8 năm nay, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 14.230 tỷ đồng.  Trong đó nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai, phát hành là 1.800 tỷ đồng với đợt phát hành của Công ty cổ phần Fuji Nutifood và Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền. 

    Kể từ đầu năm tới nay, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã phát hành tổng cộng giá trị trái phiếu đạt 47,600 tỷ đồng, chiếm 21.3% tổng giá trị phát hành trên thị trường. Số lượng phát hành lớn nhất trong nhóm này thuộc về tập đoàn Vingroup đã có 2 đợt phát hành ra quốc tế trị giá 625 triệu USD, 18 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 9,296 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 344 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 211,300 tỷ đồng chỉ trong năm nay.

    Ảnh minh họa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Về kế hoạch phát hành sắp tới, Tập Đoàn Đất Xanh đã phê duyệt phương án phát trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với tổng giá trị phát hành tối đa 300 triệu USD. Công ty cổ phần Miền Đông cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12%/năm với giá trị phát hành không quá 70 tỷ đồng. Có thể thấy, sau tháng 4 tạm dừng hoạt động phát hành trái phiếu do ảnh hưởng từ sự kiện hủy 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các doanh nghiệp bất động sản đã rục rịch trở lại trên kênh này để huy động hàng chục nghìn tỷ đồng.

    Phát biểu tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng chủ trì hồi tháng 7, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Bộ đang trình Chính phủ và sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý tại Nghị định số 153 nhằm quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, vừa đảm bảo hạn chế và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.

    5. Ba vấn đề cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai

    Trong phiên thảo luận Chuyên đề 1 tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 sáng ngày 18/9, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong đánh giá những nội dung sửa đổi của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ mang lại những tác động tích cực đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống của người dân.

    Trong đó, có ba vấn đề cải cách đột phá luật sẽ mang lại tác động tích cực: Công tác quy hoạch được đổi mới cả về nội dung và hình thức; công tác định giá đất hay mở rộng hơn nữa là công tác kinh tế và tài chính đất đai; và hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số, hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu. 

    Phiên thảo luận Chuyên đề 1 tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp) 

    Đặc biệt phiên thảo luận đặc biệt chú trọng tới vấn đề công tác định giá đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định: Nếu việc định giá đất đai được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng thì sẽ giải quyết được các mối quan hệ giữa Nhà nước – thị trường – xã hội, qua đó giải quyết được hàng loạt các bất cập hiện nay như đầu cơ, thổi giá, sử dụng đất đai không hiệu quả, hay trường hợp có quá nhiều đất nhưng không sử dụng. 

    6. Đề xuất “Luật hóa” condotel, thanh toán giao dịch Bất động sản phải qua ngân hàng

    Mới đây, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bộ Xây dựng khi xem xét “Đề án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi” thì cần “luật hóa” các nội dung của khoản 2 Điều 6 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP tương tự như Luật Nhà ở 2014 đã quy định đối với căn hộ chung cư. 

    Theo đó, các nội dung được cử tri kiến nghị “luật hóa” bao gồm: phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung của condotel; xác định diện tích sử dụng căn hộ, diện tích khác trong tòa nhà condotel; quản lý vận hành, bảo trì, kinh phí bảo trì tòa nhà condotel… 

    Khu căn hộ condotel tại Phú Quốc (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Trả lời cử tri, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định chỉ được quy định chi tiết những nội dung, điều, khoản của Luật giao Chính phủ. Trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 chưa có quy định hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về “đặt cọc” và “thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng”. Do vậy, theo Bộ Xây dựng, chưa có cơ sở xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung các nội dung này vào quy định của Nghị định 02. 

    Bộ cũng cho biết, hiện đang được giao cứu nghiên cứu xây dựng dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Các kiến nghị nêu trên của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh  sẽ được Bộ Xây dựng xem xét, nghiên cứu trong quá trình xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi thời gian tới.

    7. Loạt dự án hạ tầng nằm trong gói giải ngân 4,000 tỷ đồng/tháng của Bộ Giao thông vận tải để kịp về đích cuối năm 2022

    Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi các Ban Quản lý dự án (QLDA), chủ đầu tư và đơn vị trực thuộc về việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư những tháng cuối năm 2022. 

    Theo đó, Bộ GTVT chỉ đạo tăng tốc độ giải ngân để kịp thời hoàn thành các dự án trọng điểm: cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ Vành đai 3 Tp.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch; kết nối Tây Nguyên; kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc; tuyến tránh QL1A qua Cà Mau; tuyến kết nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình…

    Theo mục tiêu đề ra, trong năm 2022, Bộ GTVT phải giải ngân hơn 50,300 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao. Số liệu thống kê của Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) cho thấy, đến hết tháng 8/2022, Bộ GTVT giải ngân được 22,195 tỷ đồng, đạt 44.1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, gồm 2.638 tỷ đồng vốn nước ngoài (đạt 54.1%) và 19,557 tỷ đồng vốn trong nước (đạt 43%). Để giải ngân 100% kế hoạch năm của Thủ tướng Chính phủ giao, từ tháng 9 đến cuối năm 2022, Bộ GTVT cần giải ngân khoảng 28,133 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng, khối lượng giải ngân khoảng 4,000 tỷ đồng.

    Ảnh minh họa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Bộ GTVT yêu cầu các địa phương chú trọng các dự án trọng điểm phải hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành trong năm 2022 như: Các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông; cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; các dự án đường sắt cấp bách; Vành đai 3 Tp.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch… Các Ban QLDA, chủ đầu tư có kết quả giải ngân kế hoạch dưới mức trung bình của cả Bộ làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong các tháng cuối năm 2022. 

    Bản tin Chuyển động Bất động sản Việt Nam tháng 8/2022

    Bản tin Công trình xanh tháng 8/2022

    Bản tin quy hoạch vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ tháng 7/2022

    Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Thành Nguyễn

    Thông tin liên hệ: 

    Website: https://senvangdata.com/ 

    Hotline: 0948.48.48.59 

    Thẻ : bản tin bất động sản,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!