Chào mừng quý vị đã đến với Chương trình “Bản tin Bất động sản Hà Nội” của Kênh đầu tư Sen Vàng. Đây sẽ là chương trình cập nhật thông tin về thị trường Bất Động Sản tại Hà Nội được phát sóng định kỳ hàng tháng.
Hà Nội hiện có 4 tuyến phố được khai thác phục vụ người dân, du khách tham quan, bao gồm: Tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), không gian đi bộ phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) và không gian đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).
Trong đó, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào dịp cuối tuần, tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, thuộc thị xã Sơn Tây là tuyến mới nhất, dự kiến khai trương vào dịp lễ 30/4 và 1/5 tới.
Tuyến phố đi bộ thí điểm có tổng chiều dài 820m, tổng diện tích sử dụng 34.550m2, kéo dài từ cổng cũ, trụ sở UBND thị xã (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã 3 Quang Trung – Nguyễn Thái Học).
Dự án trọng điểm hạ cốt, mở rộng đường đê Âu Cơ – Nghi Tàm (Hà Nội) chậm tiến độ, công trường ngổn ngang, bốt điện “cụt chân” gây mất mỹ quan đô thị, đe dọa tính mạng người dân.
Để hạn chế ùn tắc giao thông, Hà Nội tiến hành thực hiện Dự án trọng điểm mở rộng đường đê Âu Cơ – Nghi Tàm với tổng chiều dài 3,7km, mức đầu tư hơn 815 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội.
Dự án do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư và được chia thành 4 đoạn được khởi công từ năm 2020 và dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Chiều 16/3, Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm đã có buổi làm việc với Thường trực Quận ủy Long Biên về công tác quản lý, sử dụng và phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn hai quận.
Tại hội nghị, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và Long Biên cùng các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề cụ thể, từ đó lập đề án nghiên cứu và phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa và du lịch. Trong đó, sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch. Định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra sẽ tôn tạo các không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.
The đánh giá của Savills, dù giá sơ cấp tại quận Nam Từ Liêm đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm lên tới 15%, lượng giao dịch tính tại khu vực này luôn dồi dào. Trong đó, nguyên nhân là việc khu vực phía Tây Hà Nội đang được chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2021-2025, hơn 332 nghìn tỉ đồng sẽ được rót vào 460 dự án giao thông trên toàn thành phố Hà Nội, trong đó, 443 dự án đặt mục tiêu hoàn thành tiến độ. Đáng chú ý là cả 7 tuyến vành đai bao quanh thủ đô đều có hợp phần chạy qua khu vực phía Tây. Ngay từ lúc này đã có thể hình dung về mạng lưới giao thông dày đặc trong tương lai. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để kết nối trung tâm Hà Nội với các khu vực mới phát triển, nhất là lưu thông huyết mạch tới 5 “thành phố trong thành phố” mà 3 trong số này nằm ở khu vực phía Tây, gồm các đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây và Xuân Mai.
Thời gian qua, theo phản ánh của một số địa phương, người dân, doanh nghiệp cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng phân lô, chia tách thửa đất, san lấp đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng diễn ra tại một số quận, huyện, thị xã đặc biệt ở Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn…, Trước thực trạng trên, để ngăn chặn tình trạng tùy tiện phân lô, tách thửa, chống nhiễu loạn thị trường bất động sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp cụ thể. Trước mắt, Sở yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/1/2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2 (bao gồm thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất) đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Thị trường bất động sản Hà Nội hồi phục dần trong năm 2022, trong đó các dự án tại khu vực phía Đông thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Bởi việc đô thị hóa ngày càng hoàn thiện, khu vực cửa ngõ phía Đông thủ đô cũng đã dần chứng tỏ lợi thế khi khu vực này đang được quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản theo đó cũng hưởng lợi, mặt bằng giá đất một số khu vực tại đây ước tăng 10%-20% mỗi năm. Cụ thể, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phê duyệt, khu Đông Hà Nội sẽ xây dựng 4 cây cầu lớn gồm cầu Trần Hưng Đạo bắc qua Sông Hồng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên), cầu Ngọc Hồi (chạy qua sông Hồng đến xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) và cầu Mễ Sở (đi đến địa bàn xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên). Kết hợp với hệ thống giao thông hiện có, những cây cầu này sẽ tạo thành trục giao thông xuyên suốt hai bờ sông Hồng, làm tăng tính kết nối giữa khu vực trung tâm nội thành Hà Nội với các quận, huyện khu vực phía Đông và giúp giảm bớt gánh nặng khi di chuyển cho người dân, cải thiện chất lượng đời sống kinh tế – xã hội cho cả khu vực.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND kèm Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Cho phép kết hợp bố trí trường mầm non tại tầng 1 và tầng 2 các công trình chung cư nhưng phải đảm bảo diện tích sân chơi, lối đi riêng phục vụ học sinh và các quy định về an toàn vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật và các quy định chuyên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế. Chỉ tiêu tính toán 1,1 m2 sàn/người hoặc 15 m2 sàn trẻ và phải đảm bảo đủ các công năng theo quy định. UBND TP quy định khi cải tạo xây dựng đô thị cũ và thiết kế quy hoạch đô thị mới cũng như quy hoạch xây dựng các điểm dân cư tại 4 quận lõi, cần nghiên cứu bảo tồn hoặc sử dụng hợp lý các khu cây xanh hiện có, đặc biệt với các cây cổ thụ có giá trị. “Trong các khu vực tái thiết đô thị, các tuyến đường cấp nội bộ xây dựng mới phải bố trí vỉa hè rộng tối thiểu 4m để trồng cây xanh, bố trí lối đi riêng cho đường xe đạp, lối đi cho người tàn tật”, quyết định nêu.
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm ở 20 quận, huyện với tổng diện tích 756 km2, độ sâu tối đa 30 m. 20 quận, huyện được quy hoạch không gian ngầm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì và Thường Tín. Hà Nội xác định các hạng mục xây ngầm gồm hai nhóm là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện lực; và công trình công cộng ngầm như trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, vui chơi giải trí, kho tàng, bãi đỗ xe… Kết: Thông tin vừa rồi đã kết thúc bản tin bất động sản Hà Nội tháng 3/2022. Cảm ơn quý vị đã theo dõi “Bản Tin Bất động sản Hà Nội”. Hãy Like và Đăng ký để có thể cập nhật những thông tin mới nhất từ Bất động sản Sen Vàng. Hẹn gặp lại quý vị trong các số bản tin bất động sản Hà Nội tiếp theo. Chúc quý vị có ngày làm việc hiệu quả!!! |
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP