Chào mừng quý vị đã đến với Chương trình “Bản tin Bất động sản Hà Nội” của Kênh đầu tư Sen Vàng. Đây sẽ là chương trình cập nhật thông tin về thị trường Bất Động Sản tại Hà Nội được phát sóng định kỳ hàng tháng.
1, Ngoại thành Hà Nội: Nở rộ đất phân lô bán nền trái quy định
Sau khi lệnh giãn cách xã hội trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 được dỡ bỏ, giá đất nền một số huyện vùng ven Hà Nội lại có dấu hiệu tăng, dựa vào những đề xuất của TP Hà Nội về quy hoạch hạ tầng, giao thông, đô thị… kéo theo đó là tình trạng phân lô, bán nền tiếp tục “nở rộ”.
Đáng chú ý, không chỉ ở gần đường lớn, những khu vực trong khu dân cư cũng được phân thành lô để bán. Đơn cử tại khu vực thôn Khoang Mái, xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) không khó để tìm 1 lô đất diện tích từ 50 – 70m2, giá bán khoảng 12 – 14 triệu đồng/m2. Nhưng theo tìm hiểu, thực chất rất nhiều lô đất như vậy là đất trồng cây lâu năm xen kẽ đất ở, chưa được chuyển đổi thành đất ở, nên nếu có giao dịch thì cũng rất khó để chính quyền địa phương xác nhận, cấp quyền sử dụng đất ở.
“Một số khu vực khác trên địa bàn xảy ra tình trạng như vậy, sau khi phát hiện UBND xã đã cử lực lượng chức năng xuống địa bàn kiểm tra, xác minh, lập biên bản đình chỉ việc san lấp để phân lô bán nền. Đồng thời yêu cầu chủ sở hữu phải trả lại mặt bằng theo nguyên trạng ban đầu và tháo dỡ hết tất cả các biển quảng cáo bán đất ở những vị trí không đủ điều kiện pháp lý để xây dựng công trình, nhà ở” – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc Nguyễn Đình Nghi cho hay.
2, Hà Nội: Thị trường căn hộ giá bình dân tiếp tục khan hiếm – giá chung cư “sốt nóng”
Mới đây, trong báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2021, Savills chia sẻ, nguồn cung căn hộ sơ cấp giảm 8% theo quý và giảm 27% theo năm. Đáng chú ý, phân khúc bình dân không có nguồn cung mới.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 hiện còn rất ít và rất hiếm những căn hộ gần trung tâm. Hơn thế, các căn hộ trước có mức giá chỉ khoảng trên dưới 20 triệu/m2 thì nay đã tăng lên khoảng trên dưới 25 triệu đồng/m2, điều này khiến giá nhà chung cư tại Hà Nội trở nên “sốt nóng” những ngày cuối năm.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cho thấy, Thành phố hiện có 383 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất, có 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất. Đáng chú ý, có tới 161 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai, chậm tiến độ…
Chỉ tính riêng quận Nam Từ Liêm, cũng là địa phương có nhiều dự án “treo” với 48 dự án được thanh – kiểm tra và yêu cầu xử lý từ năm 2018, nhưng đến nay UBND TP. Hà Nội mới ban hành quyết định thu hồi 1 dự án (đó là Khu dịch vụ đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hòa và văn phòng làm việc tại phường Mễ Trì); 3 dự án được gia hạn sử dụng đất 24 tháng; 7 dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng còn vướng mắc; 20 dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
3, Hà Nội sẽ xây 44 triệu m2 nhà ở trong 4 năm tới
Đây là một trong những nội dung tại Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025 do UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đặt chỉ tiêu tổng diện tích sàn nhà ở phát triển giai đoạn 2021-2025 khoảng 44 triệu m2; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5m2 sàn/người.
Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, UBND TP Hà Nội dự kiến nhu cầu vốn là khoảng 437 nghìn tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 5800,8 tỉ đồng đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, phát triển nhà ở xã hội và phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
4, Hà Nội thông qua danh sách thu hồi 2.497 dự án với tổng hơn 8.500ha đất
Vừa xong, tại kỳ họp thứ 3 của HĐND TP. Hà Nội khoá XVI, các đại biểu đã tán thành thông qua danh mục dự án thu hồi đất; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2022 của thành phố Hà Nội.
Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội thông qua danh mục 2.497 dự án thu hồi đất năm 2022 với diện tích 8.523,9ha và thông qua danh mục 717 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2022 với diện tích là 1.256,21ha.
Ước đến hết ngày 31/12/2021, thành phố Hà Nội thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.887 dự án với diện tích 3.463,7ha, đạt 77,46% kế hoạch. Cụ thể, 291 dự án có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 853,5ha; 1.596 dự án Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện thủ tục cắm mốc giới phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đang thực hiện thu hồi đất với diện tích là 2.610,2ha.
5, Hà Nội: 76 dự án nhà ở thương mại có thể hoàn thành từ 2021-2025
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện đang có 149 dự án nhà ở triển khai. Số lượng dự án nhà ở thương mại là 92 dự án, cung cấp khoảng 34,69 triệu m2 sàn. Số lượng dự án nhà ở xã hội là 57 dự án, cung cấp khoảng 6,64 triệu m2 sàn nhà ở.
Đáng chú ý, trong số 92 dự án nhà ở thương mại, có 76 dự án có thể sẽ hoàn thành trong các năm từ 2021 đến 2025, cung cấp 18,82 triệu m2 sàn nhà ở. Tính đến thời điểm này, đã có 64 dự án nhận được quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, đã cơ bản xong giải phóng mặt bằng, hiện chuẩn bị hoặc đang chuẩn bị thi công xây dựng. Còn lại 12 dự án vẫn đang rà soát, điều chỉnh tiến độ đã phê duyệt, cơ bản xong giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hoặc đang thi công xây dựng.
Đối với dự án nhà ở xã hội, trong tổng số 57 dự án hiện có 43 dự án dành cho người thu nhập thấp cung cấp khoảng 3,57 triệu m2 sàn nhà ở; 9 dự án nhà ở dành cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, cung cấp khoảng 0,57 triệu m2 sàn nhà ở; 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung cung cấp khoảng 2,5 triệu mét vuông sàn nhà ở.
6, Sân bay thứ 2 của Hà Nội sẽ không triển khai tại Ứng Hòa
Đề xuất quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa đã bị hủy bỏ, hiện Hà Nội đang nghiên cứu vị trí quy hoạch sân bay thứ hai của thành phố trước năm 2030.
Thông tin trên được ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch Hà Nội đưa ra tại khi trả lời báo chí vào sáng 25/12. Ông Tuấn cho biết, Hà Nội cần có thêm một sân bay nữa hỗ trợ cho sân bay Nội Bài. Thành phố đang nghiên cứu quy hoạch xác định vị trí sân bay thứ hai của Hà Nội trước năm 2030. Theo đó, quỹ đất dành cho sân bay khoảng hơn 1.000 ha, xây dựng trong giai đoạn 2030-2050.Các vị trí khác mà thành phố đang nghiên cứu thay thế Ứng Hòa nằm tại một số huyện phía Đông và Đông Nam như Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai…
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết, dự kiến công suất của sân bay Nội Bài sẽ nâng lên 60-65 triệu hành khách đến năm 2030 và đạt 100 triệu hành khách đến năm 2050. Để đáp ứng dự thảo này, Hà Nội sẽ phải thu hồi đất, mở rộng diện tích đất sân bay gấp đôi quy mô hiện nay. Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu này.
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP