Xin chào quý vị và các bạn, rất vui được gặp lại quý vị trong chuyên mục “Bản tin Công trình xanh”. Đây là chương trình cập nhật về công trình xanh, tài chính xanh, nội thất xanh trên thị trường Bất động sản Việt Nam. Sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group điểm lại những tin chính nổi bật về công trình xanh trong tháng 9/2022.
UBND TP.Hà Nội vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2025, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn làm Trưởng ban.
Cụ thể theo kế hoạch, UBND thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới 6 công viên, gồm: Công viên Chu Văn An Huyện Thanh Trì; Khu công viên Khu đô thị mới Cầu Giấy ; Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội;Công viên hồ Phùng Khoang và Công viên văn hoá – Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông. Và Công viên văn hoá Kim Quy rộng tới 101,09 ha
Công viên Thống Nhất, Hà Nội (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Thành phố cũng sẽ cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có, trong đó 3 công viên và 10 vườn hoa được cải tạo ở mức độ 1 gồm: Công viên Bách Thảo, Công viên Thủ lệ, Công viên Thống Nhất và các vườn hoa: Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng.
Cải tạo mức độ 2 với 10 công viên: Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Bán đảo Linh Đàm, Ba Mẫu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Đền Lừ, Indira Gandhi, Nguyễn Trãi, Hòa Bình và 22 vườn hoa khác như: Lê Trực, Vạn Xuân, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Giảng Võ,..
Sáng 20/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp xã giao ngài Jaya Ratman, Đại sứ Singapore tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng cho rằng, đây là một dấu mốc quan trọng với cả hai quốc gia, là cơ hội mở ra những lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong tương lai giữa Việt Nam và Singapore.
Cụ thể, trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Bộ trưởng mong rằng thông qua ngài Đại sứ sẽ giúp kết nối Việt Nam và Singapore trong quá trình hoàn thiện thể chế chính sách về kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất năng lượng sạch tại Việt Nam. Cùng với đó, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể sử dụng các công nghệ tiên tiến, ít phát thải khí các-bon mà Singapore hiện có thế mạnh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tiếp (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Đặc biệt, sắp tới, Hội nghị COP 27 dự kiến sẽ diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11/2022. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn ngài Đại sứ kết nối để Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường bền vững của Singapore tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, thiết lập một cơ chế hợp tác chung để cùng nhau thực hiện các mục tiêu chung về biến đổi khí hậu.
Ngày 20/9, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã khởi động dự án mang tên Hỗ trợ kỹ thuật Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam với ngân sách 14 triệu USD, nhằm thúc đẩy các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, nhằm giải quyết những thách thức về năng lượng đô thị của thành phố.
Theo đó, các giải pháp sẽ thực hiện bao gồm: Điện mặt trời áp mái, xe điện, điện rác và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khác. Riêng đối với thành phố Hồ Chí Minh, dự án dự kiến sẽ hỗ trợ triển khai ít nhất 400 MW năng lượng sạch, huy động tối thiểu 540 triệu USD đầu tư công và tư nhân. Cùng với đó, đưa ra thị trường ít nhất 15 giải pháp sáng tạo, nhằm giải quyết các vấn đề về năng lượng đô thị.
Tại lễ phát động, Giám đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Alert Grubbs mong muốn: Thông qua dự án này sẽ thu hút nguồn đầu tư xanh giúp mang lại một môi trường xanh sạch hơn và chi phí năng lượng thấp hơn cho người dân, đồng thời tiếp tục củng cố vai trò đầu tàu của thành phố Hồ Chí Minh đối với nền kinh tế xanh của Việt Nam.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam Aler Grubbs bày tỏ vui mừng hợp tác (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Vừa qua vào ngày 26/09, Bộ Xây dựng cho biết, Hội nghị COP 26 đã đạt được các mục tiêu quan trọng và thể hiện quyết tâm ứng phó biến đổi khí hậu của thế giới.
Cụ thể Hội nghị đã đưa ra 4 mục tiêu: Đưa phát thải ròng toàn cầu về 0 vào giữa thế kỷ này, giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C; thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường tự nhiên; huy động tài chính cho lời hứa 100 tỷ USD; đoàn kết vì mục tiêu khí hậu. Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Đây cũng chính là chủ đề của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 với mục tiêu thúc đẩy công trình xanh hiện thực hóa cam kết của Việt Nam được tổ chức ngày 13 và 14-10-2022 tại thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Xây dựng chủ trì, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), IEC Consulting phối hợp tổ chức.
Trải qua hơn 10 năm phát triển Việt Nam hiện mới đạt hơn 200 công trình. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động. Trong khi thực tế đòi hỏi việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh đã và đang là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Công trình xanh Atlas Hotel Hoian (Nguồn Sen Vàng tổng hợp)
Ngày 24/9, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố báo cáo mới với tiêu đề “Hướng tới Chuyển đổi Nông nghiệp Xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”. Báo cáo gợi ý rằng Việt Nam có thể chuyển đổi ngành lúa gạo bằng việc cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK), cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và tăng sản lượng, tăng cường khả năng chống chịu và đa dạng hóa sản xuất.
Lúa gạo, mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam chiếm 48% lượng phát thải KNK của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mêtan. Dựa trên những ước tính thận trọng, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu có thể giúp người nông dân quy trì hoặc tăng sản lượng từ 5 đến 10%. Quan trọng hơn, những kỹ thuật cải tiến này cũng sẽ giúp cắt giảm phát thải KNK tới 30%. Những cách tiếp cận như vậy đã được thí điểm thành công trên hơn 184,000 ha lúa canh tác trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Ông Benoît Bosquet, Giám Đốc Khu vực về Phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho biết: “Những phương pháp này đã được chứng minh là hiệu quả. Nếu chúng ta có thể mở rộng quy mô trên toàn ngành nông nghiệp, nó sẽ giúp Việt Nam tiến dần tới mục tiêu phát thải KNK bằng không vào năm 2050.”
Giải thưởng Kiến trúc xanh sinh viên là Giải thưởng được tổ chức thường niên trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam từ năm 2017. Đối tượng tham gia của cuộc thi là các bạn sinh viên năm cuối của các trường đại học có khoa Kiến trúc, Quy hoạch trên cả nước.
Trong những năm qua, Giải thưởng đã góp phần tạo động lực cho các sinh viên trẻ kiến trúc tài năng được phát triển các ý tưởng mới mẻ, độc đáo, đồng thời giúp các em kết nối và có cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp xây dựng hàng đầu tại Việt Nam.
Ảnh minh họa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Giải thưởng được phát động từ tháng 03/2022 và tính đến nay số lượng bài dự thi Ban tổ chức đã nhận được gần 100 bài đến từ 12 trường đại học trên cả nước, gồm các trường: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.
Hội đồng Giám khảo sẽ tiến hành đánh giá và chấm bài trong tháng 09/2022 và Lễ trao giải dự kiến sẽ được Ban tổ chức tổ chức vào tháng 10/2022.
Bản tin Chuyển động Bất động sản Việt Nam tháng 8/2022
Bản tin Công trình xanh tháng 8/2022
Hà Nội cho thuê nhà, chung cư sẽ phải nộp thuế
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Thành Nguyễn
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP