Chào mừng quý vị đã quay trở lại với Chương trình Chuyển động Bất động sản Việt Nam của Kênh đầu tư Sen Vàng. Đây là chương trình cung cấp những thông tin trên thị trường bất động sản Việt Nam.
Hiện nay trên thị trường có đến 99% dự án nhà ở nằm trong quỹ đất hỗn hợp, gồm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp nên các chủ đầu tư không thể triển khai thực hiện dự án theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.
Cụ thể, điểm c khoản 2 Điều 22 Luật nhà ở 2014 và khoản 4 Điều 23 Luật nhà ở 2014 quy định trường hợp nhà đầu tư phải có 100% đất ở thì mới được công nhận chủ đầu tư. Trên thực tế, loại dự án có 100% đất ở chỉ chiếm khoảng 1% trên thị trường bất động sản Việt Nam. Như vậy, có đến khoảng 99% dự án nhà ở là có quỹ đất hỗn hợp hoặc có quyền sử dụng “đất khác không phải là đất ở”.
Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung dự án, thiếu hụt nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội và gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp đã bỏ ra khoản tiền rất lớn để chuẩn bị quỹ đất dự án, phải chịu nhiều rủi ro do bị đọng vốn kéo dài.
Thời gian qua, các cơ quan ban ngành đã nỗ lực sửa đổi luật để tạo tính đồng bộ và gỡ vướng cho các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Như: Luật Đầu tư 2020, tại điểm c khoản 1 Điều 75 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014; hoặc khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật.
Từ 15/8, nhiều quy định mới liên quan đến thị trường nhà đất chính thức có hiệu lực, được kỳ vọng góp phần giải quyết những vướng mắc, khắc phục khó khăn giúp thị trường hồi phục, phát triển. Đồng thời cũng hỗ trợ người dân tạo lập chỗ ở an toàn.
Căn cứ theo Thông tư 01/2022/TT-BXD của Bộ xây dựng về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai thực hiện bằng hình thức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.
Cụ thể, hộ nghèo, hộ cận nghèo: Được hỗ trợ xây mới/sửa chữa nhà ở ký cam kết và đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã, đề xuất chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa. Định mức trong trường hợp này là 40 triệu đồng/hộ/nhà xây mới; 20 triệu đồng/hộ/sửa chữa nhà từ nguồn ngân sách Trung ương. Các tiêu chí để hộ nghèo được hỗ trợ cũng được nêu chi tiết tại Điều 3 Thông tư trên.
Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 44/2022/NĐ-CP, quy định 3 hình thức khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS, gồm: Thông qua online từ cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS tại địa chỉ http://www.batdongsan.xaydung.gov.vn hoặc qua cổng thông tin điện tử của các sở xây dựng.
Ngoài ra có thêm các quy định về Công khai giấy tờ pháp lý dự án BĐS, Phải công khai thông tin về thị trường nhà ở, Công bố định kỳ thông tin thị trường BĐS.
Thời gian qua, một thông tin đưa ra từ Bộ Tài nguyên và Môi trường được người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm, đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu phương án, các cơ quan chức năng sẽ không thu thuế theo hợp đồng mua bán công chứng nữa. Thuế chuyển nhượng đất sẽ được tính theo bảng giá đất hàng năm, theo giá thị trường.
Khi áp dụng quy định này, người mua bán đất khai giá trong hợp đồng thấp hay cao cũng không ảnh hưởng đến việc tính thuế. Một số chuyên gia nhận định, đây là cơ sở quan trọng để chấm dứt tình trạng bán nhà 2 giá, tức là giá kê khai nộp thuế 1 kiểu, giá giao dịch thực tế 1 kiểu rất phổ biến thời gian qua, nhằm giảm bớt tiền thuế phải nộp.
Thực tế, từ đầu năm nay, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các địa phương thực hiện việc kê khai thuế bán nhà đất theo giá thị trường. Tuy nhiên, vì thiếu cơ sở để đối chiếu, xác định giá trị thực của bất động sản nên tại nhiều nơi, việc thực hiện yêu cầu của Tổng cục thuế đã gặp không ít khó khăn.
Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Đáng chú ý, trong báo cáo này, theo Bộ Giao thông vận tải, căn cứ Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022, dự kiến tháng 9/2022 sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã rà soát, cập nhật bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Quá trình nghiên cứu, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học; Đã thống nhất bằng văn bản với 20 địa phương có dự án đi qua. Đồng thời lấy ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan.
Trước đó, tại buổi công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào đầu tháng 11/2021, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, quy hoạch đường sắt đã xác định, từ nay đến năm 2030 sẽ triển khai hai đoạn ưu tiên của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là Hà Nội-Vinh và Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tích cực tham mưu để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ này. Riêng nhiệm kỳ tới tập trung lập dự án, giải phóng mặt bằng,… mục tiêu có thể khởi công một số gói thầu của 2 đoạn ưu tiên trong các năm 2028-2029.
Ngày 24/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022 để xem xét 4 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi)…
Tại phiên họp, Chính phủ nghe tờ trình tóm tắt dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; nghe báo cáo thẩm tra; đồng thời dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến, làm rõ các nội hàm, chỉnh sửa, bổ sung nội dung vào dự thảo các luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Theo đó, đối với Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu thảo luận sâu về các nội dung như: Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”; về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật là một trong 3 đột phá chiến lược mà các Đại hội Đảng gần đây đã chỉ ra. Chính phủ coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế, thực hiện thể chế là đầu tư cho sự phát triển.
Ngành logistics của Việt Nam đang có mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử. Cụ thể, theo một số báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi công bố năm 2022, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng trong top 50 quốc gia đứng đầu.
Thị trường vận tải và logistics của Việt Nam ước tính sẽ phát triển với tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 7% từ năm 2021 đến 2026. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và thu hút đầu tư bằng cách thành lập các khu công nghiệp và khu kinh tế.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm địa điểm. Các khu công nghiệp và khu hậu cần kho bãi xung quanh các thành phố lớn đang có tỷ lệ lấp đầy cao, có những nơi đạt gần 100%. Nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Mặt khác, khoảng trống này tạo ra cơ hội để các đơn vị phát triển bất động sản quốc tế đầu tư vào bất động sản Việt Nam. “Trong thời gian qua, dòng vốn nước ngoài chảy vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn rất dồi dào. Nhiều nhà đầu tư đang nắm bắt cơ hội để đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị trường.
Nhìn chung, Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành hậu cần và trở thành trung tâm logistics của vùng. Chính sách từ nhà nước và cơ sở hạ tầng là những nhân tố quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu này.
Báo cáo từ Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 43 triệu thửa đất tại 63 tỉnh, TP đã và đang được triển khai đưa vào cơ sở dữ liệu đất đai.
Căn cứ vào mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai đã tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Theo đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, Tính đến nay, về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp T.Ư đã xây dựng, hoàn thành 4 khối dữ liệu và bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường để chuẩn bị vận hành, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay 63/63 tỉnh, TP đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, với hơn 43 triệu thửa đất, trong đó 217/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, đưa vào quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng; 100% Văn phòng Đăng ký đất đai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai.
Được biết, đến thời điểm hiện tại Bộ TN&MT đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai.
Tổng hợp: Thương Trần
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP