Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, con người hiền hòa, mến khách, Đồng bằng sông Cửu Long có sẵn lợi thế về địa lợi, nhân hòa. Vùng này đang có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư dịch chuyển từ các vùng miền khác và kể cả làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các quốc gia lân cận, Đồng bằng sông Cửu Long đã có thêm yếu tố “thiên thời”, đây là những điều kiện cần và đủ để vùng này trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong thời gian tới.
Ở bài viết dưới đây, Sen Vàng Group sẽ cung cấp tới quý độc giả các thông tin về Các yếu tố kinh tế thúc đẩy sự phát triển bất động sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% so với cả nước để triển khai 27 dự án gồm:
Tiếp tục triển khai 13 dự án đang thực hiện sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025 là: tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, xây dựng tuyến tránh TP. Cà Mau, TP. Long Xuyên, TP. Cao Lãnh, nâng cấp một số tuyến Quốc lộ 57, Quốc lộ 61B…, dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2…
Khởi công 14 dự án gồm: Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa nâng cấp tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, tuyến Nam Sông Hậu…, dự án phát triển hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam, dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy… Các dự án này sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025. Riêng các dự án quan trọng quốc gia, dự án cầu lớn sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2026.
Đầu tháng 3 năm nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương hoàn tất chi trả tiền đền bù, giải tỏa cho khoảng 90 hộ dân còn lại trong tổng số 435 hộ dân tại thành phố Mỹ Tho bị ảnh hưởng khi xây cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài hơn 17,5km (gồm đường dẫn và cầu vượt sông), quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế là 80km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng dự kiến hoàn thành năm 2025.
Ngoài những cây cầu đã và đang xây dựng, Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang khẩn trương triển khai nhiều dự án xây dựng các cây cầu khác.
Cụ thể, Bộ Giao thông – Vận tải vừa phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 vượt sông Hậu, nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Trước đó, vào cuối năm 2022, các tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long đã nhất trí thông qua chủ trương xây dựng cầu Đình Khao trên quốc lộ 57 vượt sông Cổ Chiên theo phương thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Dự án có tổng chiều dài (cầu và đường dẫn) hơn 11,5km; quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 11m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng (50% vốn trung ương, 50% vốn địa phương và nhà đầu tư). Dự án dự kiến hoàn thành năm 2028.
Từ năm 2023, Bộ Giao thông – Vận tải còn giao Ban Quản lý các dự án đường thủy làm chủ đầu tư dự án xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp cải tạo 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu cắt ngang các tuyến đường thủy nội địa quốc gia nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến thành phố Hồ Chí Minh cũng như các cụm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ và ngược lại. Dự án có tổng mức đầu tư là 2.155,9 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước (trong đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 597,8 tỷ đồng; xây dựng khoảng 1.200 tỷ đồng…). Công trình dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, với nhiều ngành công nghiệp và nông nghiệp phát triển. Sự tăng trưởng kinh tế ổn định tạo ra nhu cầu lớn về bất động sản, bao gồm cả các dự án nhà ở, văn phòng, nhà kho, và các khu công nghiệp.
Đồng bằng sông Cửu Long được nhận định là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 970 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 56,02 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%. Đây là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2022 đạt 8,5%. Trong đó, GRDP tỉnh Hậu Giang đứng thứ 1 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 4 cả nước. Dự báo GRDP toàn vùng có thể tăng mạnh hơn giai đoạn cuối năm.
Các trục – tuyến cao tốc khi hình thành sẽ định hình lại toàn bộ không gian kinh tế của vùng. Những thay đổi sẽ diễn ra sau năm 2025 các khi tuyến cao tốc đã công bố được xây dựng. Kinh tế đô thị, công nghiệp chế biến, dịch vụ, thương mại có điều kiện phát triển, nông nghiệp được tái cấu trúc. Và giá đất sẽ tăng.
Kinh tế xanh thúc đẩy hình thành nhiều ngành mới trong vùng và đòi hỏi nền nông nghiệp phải có trách nhiệm. Năng lượng tái tạo với các dự án FDI gần đây là sự khởi đầu. Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực mới này.
Ứng dụng công nghệ – kỹ thuật số đang hỗ trợ mạnh mẽ cho nông nghiệp. Tương lai đó là một chuỗi cung ứng dịch vụ trong kinh tế vùng mà nông nghiệp là điểm tựa ban đầu. Đáp ứng yêu cầu của kinh tế xanh, yêu cầu ứng dụng kỹ thuật số đòi hỏi người nông dân phải có nền tảng học vấn, có kiến thức để lĩnh hội.
Đất nông nghiệp, đất ở nông thôn tăng giá làm tăng giá trị tài sản của nhiều hộ nông nghiệp, làm tăng cơ hội đầu tư, kinh doanh, làm tăng sức mua thị trường. Giá đất tăng cũng làm tái phân bổ lại nguồn lực từ đất. Những loại cây trồng vật nuôi mang giá trị thấp có thể không còn. Toàn bộ chuỗi giá trị của một ngành có thể được nâng cấp lên phân khúc mới nhờ vào giá cả gia tăng, nhưng cũng có thể một số chuỗi mất đi nhường cho một số chuỗi mới, những ngành mới. Những thay đổi này sẽ tác động đến thay đổi nhận thức và hành động.
Những yếu tố trên đều dẫn đến đòi hỏi nguồn lực lao động phải được nâng cấp. Kết quả Báo cáo PCI 2022 cho thấy điểm số và thứ hạng của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phân tán chứ không còn hội tụ ở tốp trên như những năm trước đây. Xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế vẫn được duy trì nhưng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại giảm mạnh.
Theo số liệu PCI, chất lượng điều hành kinh tế là thế mạnh của Vùng trong khi chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn lao động và sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh là hạn chế cơ bản khiến ĐBSCL thiếu sức hút với các nhà đầu tư.
Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đầu cả nước trong “tiếp cận đất đai”, “chi phí thời gian”, “chi phí không chính thức”, “cạnh tranh bình đẳng”, “tính năng động” từ 2017 trở lại đây. Tuy nhiên, 5 chỉ số này chỉ chiếm trọng số 30% trong PCI. Ở các chỉ số còn lại, ĐBSCL khá yếu ở “Gia nhập thị trường”, “Tính Minh bạch”, “Đào tạo lao động” là ba chỉ số chiếm đến 45% trọng số của PCI. Trong 4 năm trở lại đây, chỉ số “Đào tạo lao động” của ĐBSCL luôn nằm trong nhóm thấp cả nước.
Trong các vấn đề khó khăn, yếu kém cản ngại sự phát triển của vùng thì đào tạo và học vấn là yếu tố cản ngại lớn nhất cho tương lai. Nút thắt này phải từ các tỉnh trong vùng gỡ ra.
Nói đến những thành tựu vùng đã đạt được, năm 2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An lần đầu tiên vượt mốc 20.000 tỷ đồng.Cụ thể đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng 28,1% so với dự toán Trung ương, tăng 26,7% so dự toán Hội đồng Nhân dân tỉnh giao và tăng 17,7% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục đà tăng ấn tượng với Hậu Giang gần 13 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL.
Về đầu tư công, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xác định kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực thu hút đầu tư, trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016 – 2020. Ngoài ra, còn khoảng 140.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư thông qua các Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế… để triển khai các công trình dự án trong vùng.
Là vùng đồng bằng giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo, lao động đang trong thời kỳ dân số vàng, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Theo Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, cả vùng ĐBSCL đã thu hút được 252 dự án FDI đầu tư mới, tăng vốn, góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký hơn 5,642 tỷ USD. Lũy kế tính đến cuối năm 2021, vùng ĐBSCL có 1.839 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 30 tỷ USD, chiếm khoảng 7,5% so với tổng vốn FDI đăng ký trên toàn quốc.
Trong năm 2021, vùng ĐBSCL có đến 2 địa phương lọt top 5 địa phương thu hút FDI dẫn đầu cả nước. Đáng chú ý là dự án góp phần đưa cả 2 địa phương này lên tốp dẫn đầu thu hút FDI đều là các dự án về năng lượng.
Xét về lĩnh vực thu hút đầu tư FDI, vùng Tây Nam Bộ có nhiều tiềm năng tăng trưởng với tỉnh Long An là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Kiên Giang đứng thứ hai và tiếp theo đó là các tỉnh, thành: Bạc Liêu, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau… cũng chiếm tỷ trọng lớn về thu hút đầu tư.
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nổi tiếng là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước, mà còn là một trong bảy vùng trọng điểm về du lịch. Cảnh quan sinh thái đặc trưng đồng bằng, biển đảo; sông nước hữu tình; cây trái bốn mùa trĩu quả; môi trường sống trong lành; con người hiền hòa, thân thiện; lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo quanh năm… tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo. Ngành Du lịch ĐBSCL được kỳ vọng là một trong những động lực phát triển kinh tế quan trọng trong những năm tới đây bởi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú.
Đến cuối năm 2022, Đồng bằng sông Cửu Long đón trên 44 triệu lượt khách du lịch, tăng 201,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khách lưu trú đạt gần 12 triệu lượt, tăng 138,9% với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 đạt gần 34.000 tỷ đồng, tăng 216,9% so với cùng kỳ năm 2021. Du lịch góp phần tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Phục hồi sau đại dịch, ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch các địa phương trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác du lịch “trong trạng thái bình thường” với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, đặc biệt là hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Với tiềm năng phát triển du lịch của vùng, đây là dấu hiệu cho sự xuất hiện và phát triển của các loại hình bất động sản như bất động sản thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng,…
Trên đây là những thông tin tổng quan về “Yếu tố kinh tế thúc đẩy sự phát triển BĐS Đồng bằng sông Cửu Long” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn tổng quan về phương hướng và tiềm năng phát triển trong nhiều năm tới của ĐBSCL. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web https://senvangdata.com.vn/. |
Xem thêm nội dung các bài viết liên quan R&D chính:
Quy trình xây dựng và triển khai phòng R&D cho doanh nghiệp bất động sản
Xem thêm báo cáo thị trường các tỉnh, thành vùng ĐBSCL
Báo cáo nghiên cứu thị trường Thành phố Cần Thơ
Khóa học R&D bạn không nên bỏ qua:
Khóa học R&D nghiên cứu và phát triển bất động sản
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP