Vật liệu xanh – bước chuyển mình trong xu hướng phát triển bền vững tại Việt Nam

  • 4 Tháng mười hai, 2023
  • Sử dụng vật liệu xanh thay thế các vật liệu truyền thống đang là xu hướng cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản để hạn chế tác động đến môi trường và sức khỏe con người. Sự chú trọng vào vật liệu xanh không chỉ là cam kết bền vững mà còn là sự đáp ứng đúng đắn với những nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng xã hội.

    I. Giới thiệu

    Định nghĩa vật liệu xanh

    Vật liệu xanh hiểu đơn giản nhóm các vật liệu không độc hại, được sản xuất và sử dụng mà không tạo ra tác động tiêu cực đối với môi trường, có khả năng tái chế và phân huỷ xanh. Vật liệu xanh giữ nguyên tính bền vững từ quá trình sản xuất cho đến khi chúng đến hết vòng đời sử dụng. 

    Vật liệu xanh phải có một trong những tiêu chí sau:

    • Có khả năng tái chế và phân huỷ
    • Tiết kiệm năng lượng.
    • Không chứa chất độc hại 
    • Vòng đời sử dụng cao
    • Ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng đến môi trường

    Tầm quan trọng của vật liệu xanh trong phát triển bền vững

    Vật liệu xanh không chỉ đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường mà còn chịu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế bền vững. Chúng đại diện cho một hướng đi tích cực trong ngành xây dựng và sản xuất, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng một tương lai bền vững và tốt đẹp hơn.

    • Bảo vệ môi trường: Vật liệu xanh được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, có khả năng tái chế, an toàn với môi trường đồng thời có độ bền và tuổi thọ cao nên việc sử dụng vật liệu xanh giúp giảm áp lực lên hệ sinh thái tự nhiên. 
    • An toàn cho sức khỏe: Nhờ được làm từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường, ít hoặc không chứa chất độc hại nên các loại vật liệu xanh sẽ an toàn cho sức khỏe con người. Đồng thời, việc ứng dụng vật liệu xanh tạo ra không gian sống lành mạnh và thoải mái cho cộng đồng. 
    • Tiết kiệm năng lượng: Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá vật liệu xanh đó là tiêu tốn ít năng lượng trong quá trình sản xuất cũng như sử dụng. Thêm vào đó, vật liệu xanh thường có khả năng cách nhiệt và giữ nhiệt tốt, giảm nhu cầu sử dụng năng lượng trong quá trình làm mát và sưởi. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên mà còn giảm chi phí liên quan đến năng lượng.  
    • Tăng cường hiệu quả kinh tế: Vật liệu xanh không chỉ làm giảm tiêu tốn nhiên liệu trong quá trình sản xuất mà khi sử dụng cũng tiêu tốn ít điện hơn so với vật liệu thông thường. Do vậy sẽ giảm chi phí trong quá trình vận hành, tăng cường hiệu quả kinh tế khi sử dụng. 
    • Chủ động tạo ra sự thay đổi và định hình xu hướng thị trường: Sự phát triển của vật liệu xanh đang thúc đẩy đổi mới công nghệ, khuyến khích nghiên cứu và phát triển vật liệu tiên tiến. Sử dụng vật liệu xanh đã và đang là xu hướng của thế giới, từng bước thay thế vật liệu độc hại truyền thống. 

    Mục đích của việc nghiên cứu về vật liệu xanh tại Việt Nam

    Xây dựng là một ngành công nghiệp sử dụng khối lượng vật liệu nhiều nhất. Đây cũng là ngành sử dụng lượng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như cốt liệu, khoáng sản, đất, nước, năng lượng, cây xanh… lớn nhất để xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông… Đồng thời ngành này cũng thải ra ra môi trường lượng lớn các chất thải như chất thải rắn, khí gây hiệu ứng nhà kính, tiếng ồn… gây ô nhiễm môi trường. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy các công trình sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải cacbon và 40% chất thải rắn xây dựng. 

    Phát triển vật liệu xanh có rất nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ đem lại lợi ích cho ngành xây dựng mà còn cho cả xã hội, nhất là cải thiện môi trường sống.

    Đầu tiên là giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống lại biến đổi khí hậu. Thứ hai là giúp tiết kiệm năng lượng ở cả trong chuỗi quá trình sản xuất. Con số thống kê của Viện Vật liệu xây dựng cho thấy các công trình xây dựng hiện đang sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng. Việc sử dụng vật liệu Xanh còn giúp tận dụng được các nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp khác đồng thời nguồn vật liệu Xanh sau khi sử dụng cũng dễ dàng tái chế. Đây cũng là giải pháp giúp tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Đặc biệt, sử dụng vật liệu xanh còn giúp cho môi trường sạch hơn, an toàn cho sức khỏe cũng như giúp cho ngành xây dựng và các ngành khác phát triển bền vững. Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu Xanh và loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, Bộ Xây dựng đã xây dựng và tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. 

    Vì thế, phát triển vật liệu xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26. Trong đó, lĩnh vực do Bộ Xây dựng quản lý, chịu trách nhiệm phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương.

    II. Xu hướng phát triển bền vững tại Việt Nam

    Tình hình phát triển kinh tế và xã hội

    Nền kinh tế ở Việt Nam đã và đang từng bước bắt nhịp với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ngày càng phát triển đem đến những thay đổi lớn trong tất cả mọi mặt của xã hội. Sự phát triển nhanh về kinh tế kéo theo những tác động tiêu cực đối với môi trường nên ý thức về vấn đề môi trường và bảo vệ tài nguyên đang ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng, được mọi người quan tâm.

    Khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, mang lại những đột phá đáng kể trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành xây dựng. Các vật liệu xây dựng tiên tiến ngày càng được nghiên cứu và phát triển với độ bền cao và tuổi thọ kéo dài, nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Tại Việt Nam, thị trường vật liệu xanh đang chứng kiến sự chuyển đổi và tiến triển đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các công trình bền vững và tiết kiệm năng lượng. Dự kiến, thị trường này sẽ phát triển mạnh mẽ khi chính phủ, kiến trúc sư, doanh nghiệp và người sử dụng đều nhận ra những lợi ích lâu dài của xây dựng và sử dụng vật liệu xanh. Không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường, vật liệu xanh còn an toàn cho sức khỏe con người, làm cho chúng trở thành sự lựa chọn hấp dẫn đối với các tổ chức và công ty xây dựng.

    Chính phủ Việt Nam đang không ngừng tăng cường hỗ trợ cho các dự án vật liệu xanh, thể hiện cam kết vững mạnh với phát triển bền vững. Qua các chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế, và hỗ trợ tài chính, chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực, động viên doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào sứ mệnh xây dựng một tương lai xanh sạch và bền vững cho Việt Nam. Điều này không chỉ thúc đẩy sự chuyển đổi mà còn thúc đẩy sự nhận thức và cam kết của cộng đồng đối với xây dựng và sử dụng vật liệu xanh.

    Ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường

    Phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường đang trở thành một tương quan không thể tách rời, đặt ra những thách thức và cơ hội đồng thời. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và bền vững của hệ sinh thái tự nhiên. Tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở các khu dân cư trong tỉnh, việc bảo vệ môi trường đã trở thành trách nhiệm chung của cộng đồng.

    Công tác bảo vệ môi trường đang nhận được sự tham gia tích cực của người dân. Các mô hình bảo vệ môi trường đã mạnh mẽ thay đổi nhận thức và hành vi của người dân. Cụ thể, các hoạt động như tập trung giữ gìn rừng nguyên sinh, tái chế chất thải, và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo đang nhận được sự ủng hộ và tham gia đông đảo.

    Người dân không chỉ nhận thức về tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe, mà còn thấy rõ lợi ích của việc giữ gìn và bảo vệ môi trường đối với chất lượng cuộc sống hàng ngày. Môi trường sống trong lành không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn tạo ra không gian sống tích cực, an lành và tích cực ảnh hưởng đến tâm hồn và tinh thần của mỗi người.

    Chính sách hỗ trợ và khuyến khích sử dụng vật liệu xanh

    Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Chính vì có rất ít công trình xanh nên hiện nay chính phủ đang có những chính sách khuyến khích sử dụng các vật liệu xanh trong xây dựng. 

    Việt Nam đang có sự hỗ trợ rất lớn từ cơ chế chính sách của Chính phủ nhằm đẩy nhanh quá trình “xanh hóa” nền kinh tế nói chung và xây dựng nói riêng. Việc cam kết Net Zero carbon vào năm 2050 của Chính phủ là một minh chứng rõ ràng.

    Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình.

    Trong những năm qua, để phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, ô nhiễm môi trường, Bộ Xây dựng đã xây dựng và tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Chiến lược đã đưa ra các mục tiêu về phát triển vật liệu xây dựng đó là tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng loại vật liệu, đặc biệt là các loại vật liệu mà trong quá trình sản xuất có lượng phát thải tác động đến môi trường lớn như: Xi măng, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch/đá ốp lát vôi công nghiệp…

    Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

    Nhà nước và Chính phủ nước ta đang có những hoạt động tích cực trong việc triển khai những giải pháp để phát triển công trình xanh. 

    III. Những loại vật liệu xanh phổ biến ở Việt Nam

     Vật liệu tái chế và tái sử dụng

    Một giải pháp góp phần sản xuất vật liệu xanh là tận dụng lại chất thải công nghiệp để tái sản xuất lại thành vật liệu xây dựng. 

    Ở Việt Nam, lượng chất thải phát ra từ sinh hoạt và các ngành công nghiệp đang là gánh nặng đè lên vai môi trường sống của người dân. Năng lượng tiêu thụ để sản xuất một số vật liệu xây dựng phổ biến (GJ) hoàn toàn có thể tái sử dụng có hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng, như: chất thải phá dỡ từ các công trình xây dựng; chất thải kim loại, chất thải từ các nhà máy nhiệt điện, chất thải từ các nhà máy luyện thép, chất thải thủy tinh, chất thải lốp xe, chất thải bao bì nhựa, chất thải từ mặt đường cũ, chất thải trong khai thác các loại cốt liệu, chất thải vỏ trấu, dầu thải các loại…Chúng hoàn toàn có thể tái sử dụng lại trong xây dựng mới, nhất là làm cốt liệu. Nếu tận dụng triệt để chúng sẽ giảm thiểu đáng kể lượng vật liệu khai thác từ thiên nhiên. Đồng thời giảm thiểu đáng kể năng lượng tiêu tốn cho khai thác và gia công vật liệu thiên nhiên. Điều đó đồng nghĩa với việc tiết kiệm được nguồn tài nguyên và hạn chế gây ô nhiễm. Hay nói khác đi, đó là một giải pháp để thực hiện mục tiêu sử dụng vật liệu “xanh”.

    • Tái chế kim loại: Phế thải xây dựng được tái sử dụng nhiều nhất là thép. Vật liệu này được tái chế gần như hoàn toàn, cho phép tái chế lặp đi lặp lại. Các sản phẩm kim loại tái chế như tấm lợp, tấm nền.
    •  Nhựa tái chế: Chất thải nhựa có thể tái chế tốt nhất khi các phế liệu này được thu gom riêng, không pha trộn với các chất thải khác. Chất thải nhựa sau khi được làm sạch có thể được tái sử dụng trong các sản phẩm. Được thiết kế đặc biệt như ống dẫn cáp, cửa sổ PVC, mái nhà hay sàn nhà.
    • Bê tông tái chế: Bê tông vụn sau khi phá dỡ có thể được tận dụng để làm nền nhà. San lấp công trình hoặc làm nguyên liệu để sản xuất gạch không nung.
    • Gỗ: Gỗ tái chế được tận dụng từ nhà kho, nhà cổ, những thùng rượu, thùng chở hàng. Gỗ dư thừa từ các công trình xây dựng và phá vỡ có thể được tái sử dụng cho các dự án xây dựng khác sau khi làm sạch.
    Vật liệu xanh trong xu hướng phát triển bền vững
    Vật liệu tái chế Nguồn: Sen vàng tổng hợp

    Vật liệu hữu cơ và sinh học phân huỷ

    a, Vật liệu hữu cơ

    Vật liệu hữu cơ thường được sử dụng trong công trình xanh vì  mang đến nhiều ưu điểm vượt trội. Tính bền vững là một đặc điểm nổi bật của vật liệu này, vì chúng thường được sản xuất từ nguồn gốc tự nhiên như gỗ tái chế hoặc composite hữu cơ, giúp giảm áp lực đối với tài nguyên thiên nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lượng chất thải và bảo vệ môi trường. Khả năng phân hủy tự nhiên giúp giảm lượng rác thải và tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời hỗ trợ trong quá trình xây dựng các công trình xanh.

    Vật liệu hữu cơ thường có tính cách âm và cách nhiệt tốt, kiểu dáng linh hoạt và tính thẩm mỹ cao tạo ra không gian sống và làm việc thoải mái, tiết kiệm năng lượng. Sự an toàn với sức khỏe của cư dân là một yếu tố quan trọng khi lựa chọn vật liệu, và vật liệu hữu cơ thường ít chứa các chất hóa học độc hại, giảm nguy cơ gây hại cho sức khỏe. 

    Một số vật liệu hữu cơ phổ biến thường được sử dụng như:

    • Gỗ tự nhiên và gỗ tái chế
    • Tre, nứa, trúc…
    • Vật liệu composite hữu cơ
    Vật liệu xanh trong xu hướng phát triển bền vững
    Vật liệu hữu cơ Nguồn: Sen vàng tổng hợp

    b, Vật liệu sinh học phân huỷ (Gạch và vật liệu xây dựng phân huỷ tự nhiên)

    Vật liệu sinh học phân huỷ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng chất thải và tác động tích cực đến môi trường. Một ví dụ cụ thể là sử dụng gạch và vật liệu xây dựng phân huỷ tự nhiên.

    Gạch sinh học phân huỷ thường được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu như tro bùn, cỏ hoặc rơm, có khả năng phân hủy tự nhiên khi tiếp xúc với môi trường. Các sản phẩm này không chỉ giảm lượng chất thải gây ô nhiễm mà còn tạo ra các sản phẩm xây dựng thân thiện với môi trường.

    Vật liệu xanh trong xu hướng phát triển bền vững
    Gạch không nung – Vật liệu sinh học Nguồn: Sen vàng tổng hợp

    Ngoài ra, các vật liệu xây dựng phân huỷ tự nhiên, như tre, có thể được sử dụng trong việc xây dựng cấu trúc nhẹ và bền, giảm lượng rác thải xây dựng và đồng thời giúp tăng cường khả năng sinh thái của các khu vực xây dựng.

    Những ứng dụng này không chỉ giúp giảm áp lực lên nguồn cung vật liệu truyền thống mà còn thúc đẩy xu hướng sử dụng vật liệu xanh và bền vững trong ngành xây dựng.

    Vật liệu có hiệu suất năng lượng cao

    a, Các loại cách nhiệt hiệu suất cao giúp tiết kiệm năng lượng trong xây dựng

    Sử dụng các vật liệu cách nhiệt chất lượng cao trong việc xây dựng giúp giảm thiểu mức độ chuyển nhiệt giữa bên trong và bên ngoài công trình. Các vật liệu như xốp cách nhiệt, cách nhiệt khoáng đều có khả năng giữ nhiệt tốt, từ đó giảm áp lực lên hệ thống điều hòa nhiệt độ và giúp tiết kiệm năng lượng.

    Một số vật liệu phổ biến nhất hiện nay là:

    • Tấm cách nhiệt XPS: Tấm cách nhiệt XPS được làm bằng chất dẻo PS và tạo thành các tấm xốp có định hình cứng, nhẹ có khả năng cách nhiệt, chịu lực, chống thấm, ẩm, ăn mòn hiệu quả, độ bền cao. Và đặc biệt nó giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho không gian lắp đặt.
    • Tấm thạch cao: Có nhiều tới nhiều tính năng ưu việt hơn: chịu nhiệt, chống cháy, chịu ẩm, chống thẩm, khả năng chịu lực tốt.
    • Tôn cách nhiệt: Đây là loại vật liệu lợp mái được tạo ra từ sự kết hợp của tôn lạnh màu và vật liệu cách nhiệt PU (Polyurethane) cùng một lớp lót bạc tại mặt dưới tấm lợp. Không chỉ là cách nhiệt, tôn cách nhiệt còn có khả năng cách âm, giảm ồn, chống nóng, không độc hại, tiết kiệm điện năng cho thiết bị điện.
    • Kính cách nhiệt: Kính cách nhiệt hay còn gọi là kính cản nhiệt giúp ngăn cản lượng nhiệt nóng từ môi trường bên ngoài như các bức xạ từ mặt trời hấp thụ vào nhà khiến cho không gian bên trong nóng bức và ngột ngạt.
    • Sơn chống nóng và gạch chống nóng: là giải pháp hữu ích, giúp làm mát cho ngôi nhà trong thời tiết nắng nóng.
    Vật liệu xanh trong xu hướng phát triển bền vững
    Vật liệu có hiệu suất cao Nguồn: Sen vàng tổng hợp

    b, Vật liệu điện tử như pin mặt trời có hiệu suất cao đối với việc chuyển đổi năng lượng.

    Sử dụng pin mặt trời có hiệu suất cao trong việc chuyển đổi năng lượng từ ánh sáng mặt trời thành điện. Các công nghệ pin mặt trời tiên tiến ngày càng có khả năng chuyển đổi hiệu suất cao, tối đa hóa thu nhập năng lượng từ nguồn tái tạo và giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống.

    Vật liệu xanh trong xu hướng phát triển bền vững

    Pin mặt trời có hiệu suất cao, như các loại pin tinh thể lỏng (monocrystalline) hay pin màng mỏng (thin-film), được tích hợp trong các tấm pin mặt trời. Chúng có khả năng chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng với hiệu suất ngày càng tăng, đồng thời có thể được tích hợp vào các kết cấu xây dựng như mái nhà hay bức tường để tận dụng ánh sáng mặt trời.

    IV. Ứng dụng của vật liệu xanh trong các lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam

    Một số công trình ứng dụng tiêu biểu:

    • Dự án Bi Eco Suites: Bi Eco Suites là dự án tiên phong tại Hà Nội đạt được chứng nhận xanh theo hệ thống đánh giá công trình LOTUS Home v1. Chứng nhận LOTUS GOLD là một phần của nỗ lực toàn diện của chủ đầu tư nhằm thúc đẩy tính bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, dự án cũng chú trọng vào các hoạt động như khuyến khích sử dụng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ và định hình môi trường không có rác thải nhựa.

    • Trung tâm thương mại GO! Nha Trang (trước đây là BigC): được chứng chỉ công trình xanh LOTUS bạc nhờ phối hợp giữa đơn vị tư vấn kiến trúc và một nhà thầu tư vấn công nghệ xanh (GreenViet). Big C Nha Trang được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh giúp giảm chi phí vận hành và nâng cao giá trị tài sản, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường cũng như khí thải nhà kính, tiết kiệm hiệu quả năng lượng và nước, tạo môi trường an toàn, tốt cho sức khỏe người sử dụng. 
    • Dự án Ecopark Green City ở Hà Nội, Việt Nam, tích hợp các giải pháp xanh như hệ thống cách nhiệt, tấm pin mặt trời trên mái, và các thiết bị thông minh để tiết kiệm năng lượng.

    • Nhà máy DBW Long An trở thành nhà máy đầu tiên được công nhận chứng nhận LOTUS Bạch kim, là chứng nhận hạng cao nhất của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam – hệ thống tiêu chí công trình xanh đầu tiên được phát triển dành riêng cho thị trường xây dựng tại Việt Nam.
    • Nhà máy kết cấu thép ATAD (đạt chứng nhận LEED Vàng), đây là nhà máy kết cấu thép đầu tiên tại châu Á đạt tiêu chuẩn này. Nhà máy đã giảm 15% mức tiêu thụ làm mát hàng năm với mái nhà làm bằng vật liệu phản xạ mặt trời, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước mưa biến thành nước sinh hoạt, tưới tiêu, hệ thống năng lượng mặt trời, gió được lắp đặt để tái tạo nguồn điện, giảm tối đa chi phí và và bảo vệ môi trường. Tại công trình, các yếu tố nhiệt độ, thông gió, ánh sáng đều được tính toán để mang đến môi trường làm việc thoải mái nhất cho công nhân viên.

    V. Nghiên cứu và phát triển vật liệu xanh tại Việt Nam

     Các tổ chức nghiên cứu và giáo dục liên quan

    Các tổ chức nghiên cứu và giáo dục có liên quan đến vật liệu xanh đang đóng góp tích cực vào phát triển và thúc đẩy ứng dụng vào thực tiễn ở Việt Nam. Dưới đây là một số tổ chức tiêu biểu.

    • Viện năng lượng và môi trường IET:Đây không chỉ là trung tâm nghiên cứu hàng đầu về năng lượng mà môi trường mà còn không ngừng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để áp dụng và phát triển công nghệ vật liệu xanh. Ngoài ra, chương trình đào tạo chuyên gia của viện đóng góp vào việc đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao trong lĩnh vực này.
    • Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh:Được biết đến với những nghiên cứu chất lượng cao về vật liệu xanh, trường đặt trọng điểm vào việc ứng dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong công nghiệp và xây dựng. Các dự án tại đây thường mang lại những giải pháp thực tế và bền vững.
    • Viện Vật liệu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST): Là một tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu vật liệu, Viện Vật liệu thường xuyên tham gia vào các dự án nghiên cứu về vật liệu xanh đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường ở cấp độ quốc gia.

     Các dự án nghiên cứu tiêu biểu

    • Dự án Nghiên cứu về Vật liệu và Năng lượng tái tạo (Materep): Được triển khai bởi Viện Năng Lượng và Môi Trường (IET), dự án này tập trung vào nghiên cứu các vật liệu tái tạo và năng lượng xanh. Các nghiên cứu trong khuôn khổ dự án này đóng góp vào việc phát triển vật liệu xanh có ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và xây dựng.
    • Dự án Phát triển Vật liệu Nano (NanoMat): Được thực hiện tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh, dự án này tập trung vào nghiên cứu và phát triển vật liệu nano có tính chất xanh và có ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, điện tử, và môi trường.
    • Dự án Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ xây dựng vật liệu xanh (GreenTech): Viện Vật liệu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đang đầu tư vào dự án này, hướng nghiên cứu vào việc sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, giảm lượng chất thải và tiêu tốn năng lượng trong quá trình sản xuất.

    Tầm quan trọng của việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

    Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên gia đóng vai trò không thể phủ nhận cho việc phát triển vật liệu xanh tại Việt Nam. Đầu tư vào phát triển nhân lực đem lại những lợi ích như sau:

    • Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia: Việc đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng là chìa khóa để tạo ra những chuyên gia có kiến thức sâu rộng, chuyên môn về vật liệu xanh. Những người này không chỉ mang lại sự đổi mới trong nghiên cứu mà còn đảm bảo hiệu quả của nghiên cứu trong các dự án thực tế. 
    • Tạo ra đội ngũ nghiên cứu đa ngành: Vật liệu xanh đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc từ nhiều lĩnh vực như hóa học, vật lý, kỹ thuật, và môi trường. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đa ngành giúp xây dựng đội ngũ nghiên cứu kết hợp các kiến thức chuyên sâu từ nhiều lĩnh vực, làm tăng tính toàn diện và hiệu quả của các dự án.
    • Chuyển giao công nghệ: Nguồn nhân lực chuyên gia có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu sang ứng dụng thực tế. Những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn cao sẽ giúp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi ý tưởng và kết quả nghiên cứu thành sản phẩm và dịch vụ thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu xanh.

    V. Hướng phát triển trong tương lai

    Đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất:

    Để đáp ứng các tiêu chí về hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, và giảm thiểu tác động đến môi trường, ngành công nghiệp vật liệu xanh cần liên tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Điều này bao gồm cả việc thúc đẩy sự đổi mới trong quy trình sản xuất, từ việc chọn nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường đến công nghệ sản xuất tiên tiến.

    Khuyến khích sự đổi mới trong các ngành công nghiệp

    Chính phủ và các tổ chức liên quan cần tạo ra các chính sách khuyến khích và hỗ trợ để kích thích sự đầu tư và phát triển trong các ngành công nghiệp sử dụng vật liệu xanh. Ưu đãi thuế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, cũng như việc thiết lập các tiêu chuẩn môi trường sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi của doanh nghiệp.

    Tăng cường giáo dục và tạo nhận thức về vật liệu xanh

    Giáo dục là chìa khóa để tạo ra một thế hệ lao động thông thái và nhận thức về quan trọng của vật liệu xanh. Các chương trình giáo dục và chiến dịch tạo nhận thức cần được phát triển để nâng cao hiểu biết và khả năng áp dụng của cộng đồng và doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thúc đẩy các chương trình đào tạo chuyên ngành về vật liệu xanh cũng sẽ tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp.

    Xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng bền vững

    Hệ thống chuỗi cung ứng phải được xây dựng với sự chú trọng đặc biệt vào tính bền vững. Việc đảm bảo nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường, quy trình sản xuất sạch, và tối ưu hóa vận chuyển sẽ giúp ngành công nghiệp giảm bớt tác động xấu đến môi trường.

    VI. Kết luận

    Việc quan tâm nghiên cứu và ứng dụng các vật liệu xây dựng xanh và bền vững là cần thiết, để qua đó góp phần bảo vệ môi trường sống cho hôm nay và cho các thế hệ tương lai. Nghiên cứu và sử dụng vật liệu mới cần phải được đặt trong một tổng thể với việc áp dụng những kết cấu tiên tiến và sử dụng các công nghệ thi công hiện đại. Cần có những chính sách, định hướng đúng đắn từ các nhà quản lý, cách nhận thức vấn đề từ các nhà chuyên môn về các vấn đề vật liệu xây dựng xanh và bền vững, vấn đề tận dụng chất thải trong xây dựng, cơ chế nghiên cứu và ứng dụng các vật liệu mới, kết cấu mới và công nghệ mới. Chính phủ cần hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu công nghệ xanh, và thiết lập chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu xanh. Những nỗ lực này sẽ giúp Việt Nam đối mặt với thách thức môi trường và đóng góp vào phát triển bền vững của quốc gia.

    Trên đây là những thông tin tổng quan về “Vật liệu xanh – Bước chuyển mình trong xu hướng phát triển bền vững tại Việt Nam” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn tổng quan về “Xu hướng phát triển vật liệu xanh ở Việt Nam”. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về Vật liệu xanh, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web www.senvangdata.com.vn / www.congtrinhxanhvn.com 

    Xem thêm bài viết về Vật liệu xanh tại

    Thách thức và cơ hội phát triển thị trường VLXD xanh ở Việt Nam

    Phát triển VLXD xanh tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam: Thực trạng, rào cản và giải pháp

    Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt nam

    Lợi ích của Vật liệu xanh trong xây dựng

    Dịch vu tư vấn 

    Dịch vụ tư vấn Công trình xanh – Tài chính xanh

    Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Nguyễn Thị Minh Ánh

    Thông tin liên hệ:

    Website: https://senvangdata.com/

    Hotline: 0948.48.4859

    Thẻ : R&D, sen vàng group, sen vàng data, phát triển bền vững, gen Z bất động sản, xu hướng phát triển, dịch vụ tư vấn phát triển dự án, ứng dụng vật liệu xanh, bất động sản, bất động sản xanh, dịch vụ tư vấn bất động sản,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP