Tỉnh Đắk Nông đang triển khai quy hoạch du lịch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Với lợi thế thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng và vị trí chiến lược trong vùng Tây Nguyên, Đắk Nông không chỉ chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mà còn hướng tới xây dựng ngành du lịch xanh, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội toàn diện.
Hình ảnh TP. Đắk Nông
Tổng quan
– Vị trí địa lý
Đắk Nông: Vị trí chiến lược, động lực phát triển vùng Tây Nguyên
Tỉnh Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam vùng Tây Nguyên, thuộc khối cao nguyên cổ Mơ Nông, giáp Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước và tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Với hơn 141 km đường biên giới và hai cửa khẩu quốc gia Bu Prăng, Đắk Peur, tỉnh là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Tây Nguyên và Campuchia.
Hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ với Quốc lộ 14 kết nối TP. Hồ Chí Minh (217 km) và Buôn Ma Thuột (117 km), cùng Quốc lộ 28 giúp Đắk Nông dễ dàng liên kết với Đà Lạt (145 km), Phan Thiết (230 km) và các tỉnh duyên hải miền Trung.
Nguồn: Báo cáo Nghiên cứu thị trường Đắk Nông
Nằm trong Vùng tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, Đắk Nông hưởng lợi từ các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt là hành lang Đông Tây nối ra trục hàng hải quốc tế, thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế vùng.
Trong tương lai, khi các tuyến đường sắt và cao tốc hoàn thiện, Đắk Nông sẽ trở thành cực tăng trưởng mới, đóng vai trò đầu mối giao thông và trung tâm phát triển của tiểu vùng phía Nam Tây Nguyên, góp phần quan trọng vào an ninh quốc phòng và ổn định chính trị quốc gia.
Tiềm năng kinh tế
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Đắk Nông, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) đạt 4,87%, xếp thứ ba trong khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, tỉnh dẫn đầu khu vực về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nguồn: Sen Vàng tổng hợp
Các lĩnh vực sản xuất tiếp tục khởi sắc, trong đó nông nghiệp tăng trưởng mạnh nhờ giá trị nông sản chủ lực cao và mở rộng quy mô chăn nuôi. Hạ tầng giao thông phát triển vượt chỉ tiêu, với tỷ lệ nhựa hóa đường đạt 72,5%. Thu ngân sách Nhà nước đạt 3.208 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã công nhận 12 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong khi tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 39,5%.
Nguồn: Sen Vàng tổng hợp
Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 81,66 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra tới 12,81 triệu đồng. Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ và sự cải thiện đáng kể trong đời sống của người dân.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục cũng được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, Đắk Nông đạt nhiều kết quả khả quan trong chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh và đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Hoạt động xuất khẩu tại Đắk Nông ghi nhận những bước phát triển tích cực với quy mô và tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng và ổn định. Trong giai đoạn 2004-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 11.476 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,33% mỗi năm. Riêng trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 880 triệu USD, tăng 17,7% so với năm 2004.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh bao gồm cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su, sản phẩm alumin (bắt đầu từ năm 2017) và gỗ MDF. Với danh mục sản phẩm đa dạng và có giá trị cao, Đắk Nông đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu khu vực và quốc tế, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nguồn: Sen Vàng tổng hợp
Ví như “nàng tiên thức giấc giữa đại ngàn,” Đắk Nông sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ với những hang động kỳ vĩ, kết cấu địa chất độc đáo và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Với nhiều bí ẩn chưa được khám phá hết, Đắk Nông được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng để tạo ra bước đột phá trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cả nước.
Du khách khám phá quần thể hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông
Thực trạng du lịch Đắk Nông
Trong những năm qua, thị trường khách du lịch tại Đắk Nông không ngừng tăng trưởng, ghi nhận những kết quả ấn tượng. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh tăng từ 250.000 lượt vào năm 2016 lên 512.500 lượt vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch nội địa đạt 18,2% mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2022. Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến lượng khách quốc tế giảm từ 6.000 lượt (năm 2016) xuống còn 2.000 lượt (năm 2022), tốc độ tăng trưởng bình quân vẫn đạt 11,1% mỗi năm.
Từ năm 2023 đến nay, hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh phục hồi mạnh mẽ với số lượng khách và doanh thu đều tăng trưởng khả quan. Năm 2023, Đắk Nông đón khoảng 679.000 lượt khách (tăng 32,5% so với năm 2022), trong đó có 5.400 lượt khách quốc tế. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh ước tính đón 378.500 lượt khách, bao gồm 3.150 lượt khách quốc tế.
Du lịch nông nghiệp ở Đắk Nông đang có rất nhiều dư địa để phát triển.
Về doanh thu du lịch, tỉnh Đắk Nông ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ từ 27 tỷ đồng (năm 2016) lên 65 tỷ đồng (năm 2022), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23,46% mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2022. Trong đó, doanh thu lưu trú tăng từ 11,07 tỷ đồng lên 29 tỷ đồng, còn doanh thu từ ăn uống, vui chơi, giải trí cũng tăng từ 15,93 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng. Năm 2023, tổng doanh thu du lịch ước đạt 160 tỷ đồng (tăng 146% so với năm 2022) và trong 6 tháng đầu năm 2024, đạt khoảng 121 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 63% kế hoạch năm).
Hướng đến năm 2030, Đắk Nông đặt mục tiêu duy trì mức tăng trưởng doanh thu và lượt khách du lịch bình quân trên 15% mỗi năm. Đến năm 2050, tỉnh phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trụ cột, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển, đồng thời khẳng định vị thế của Đắk Nông là điểm đến du lịch địa chất chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Biểu diễn nghệ thuật diễn tấu đàn đá trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông
Tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch nhờ vào hệ sinh thái tự nhiên phong phú, di sản văn hóa đặc sắc và những công trình kiến trúc độc đáo. Nổi bật trong số đó là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Vườn quốc gia Tà Đùng, cùng hệ thống các thác nước hùng vĩ như Đray Sáp, Lưu Ly, Đắk G’lun, và hồ Tà Đùng – nơi được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”. Những cảnh quan thiên nhiên này không chỉ thu hút hàng ngàn lượt du khách mỗi năm mà còn mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Đắk Nông hiện đang phát triển bốn loại hình du lịch chính nhằm khai thác tối đa tiềm năng địa phương:
Du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Đây là sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh, kết hợp giữa giá trị địa chất độc đáo (như hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á) và văn hóa đặc trưng của cộng đồng 40 dân tộc anh em. Việc công bố danh mục 44 điểm di sản thuộc ba tuyến du lịch chính trong khu vực Công viên địa chất trải dài trên các huyện Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Cư Jút và Krông Nô đã tạo nên một hành trình khám phá đầy thú vị với sự kết hợp giữa thiên nhiên, văn hóa và lịch sử.
Du lịch thể thao mạo hiểm: Đắk Nông sở hữu địa hình đồi núi, sông hồ và rừng nguyên sinh phong phú, rất phù hợp để phát triển các hoạt động du lịch mạo hiểm như leo núi, trekking, chèo thuyền kayak, vượt thác và đua xe đạp địa hình. Các khu vực như Vườn Quốc gia Tà Đùng, Nam Cát Tiên, Yok Đôn, cùng Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, thác 7 tầng, Lưu Ly, Đray Sáp… là những điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá và thử thách bản thân.
Vườn quốc gia Tà Đùng – Kỳ quan ấn tượng vùng Tây Nguyên
Du lịch văn hóa, cộng đồng: Với hơn 70% dân số làm nông nghiệp và nền văn hóa phong phú của các dân tộc thiểu số như M’nông, Mạ, Êđê, Đắk Nông đã và đang phát triển mạnh các loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa. Du khách có thể tham quan các bon, làng của đồng bào dân tộc, thưởng thức các lễ hội truyền thống, ẩm thực đặc sản và tham gia các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp tại các mô hình nông trại, miệt vườn.
Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng: Với khí hậu mát mẻ quanh năm (nhiệt độ trung bình từ 22-24 độ C), Đắk Nông rất phù hợp để phát triển các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Hiện nay, tỉnh đã có một số khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động, tuy nhiên, định hướng trong thời gian tới sẽ tập trung quy hoạch đồng bộ, phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với chăm sóc sức khỏe, phục hồi thể chất và tinh thần cho du khách.
Trong những năm qua, Đắk Nông đã có những bước tiến nhất định trong phát triển hạ tầng du lịch, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Hạ tầng lưu trú:
Số lượng cơ sở lưu trú tại Đắk Nông tăng đều qua các năm, từ 80 cơ sở năm 2010 lên 174 cơ sở vào năm 2015 và tiếp tục đạt 250 cơ sở với tổng số 3.450 phòng vào năm 2020. Tuy nhiên, số lượng cơ sở lưu trú đạt chuẩn xếp sao vẫn còn rất hạn chế, chỉ có 5 cơ sở được xếp hạng sao. Phần lớn các cơ sở lưu trú thuộc loại hình ngoài nhà nước, chủ yếu là tư nhân và hộ cá thể đầu tư nhỏ lẻ, dịch vụ đơn giản, chỉ tập trung vào nhu cầu lưu trú cơ bản mà chưa phát triển các dịch vụ bổ sung như nhà hàng, khu vui chơi, dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay các hoạt động giải trí khác. Điều này khiến Đắk Nông khó thu hút và giữ chân du khách lưu trú dài ngày.
Dịch vụ ăn uống:
Cùng với sự phát triển của du lịch, dịch vụ ăn uống tại Đắk Nông cũng được đầu tư và nâng cấp, đặc biệt là việc khai thác các món ăn đặc sản địa phương. Tính đến năm 2021, tỉnh có khoảng 30 nhà hàng phục vụ ẩm thực địa phương và các đặc sản vùng miền, với sức chứa từ 100 đến 2.500 chỗ ngồi. Ngoài các nhà hàng quy mô lớn, Đắk Nông còn có nhiều cơ sở kinh doanh ẩm thực nhỏ lẻ, tạo nên sự đa dạng trong trải nghiệm ẩm thực cho du khách. Tuy nhiên, phần lớn các nhà hàng, quán ăn vẫn còn quy mô nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp và khó đáp ứng được nhu cầu của các đoàn khách lớn hay các sự kiện, hội nghị.
Dịch vụ vui chơi giải trí:
Hiện nay, các dịch vụ vui chơi giải trí tại Đắk Nông chủ yếu tập trung vào các hoạt động tham quan các điểm du lịch thiên nhiên hoang sơ, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn. Các dịch vụ bổ sung, giải trí khác còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa cao, dẫn đến tình trạng du khách chỉ coi Đắk Nông như một điểm dừng chân ngắn hạn, tham quan trong ngày và ít lưu trú qua đêm.
Quy hoạch ngành du lịch
Nguồn: Báo cáo quy hoạch Đắk Nông
Mục tiêu phát triển
a.Mục tiêu tổng quát: Đắk Nông hướng tới trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch địa chất và sinh thái trong khu vực, phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái, tận dụng lợi thế về khí hậu và cảnh quan. Tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch dựa trên các giá trị văn hóa, sinh thái bản địa và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đồng thời, chú trọng quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp.
b.Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Doanh thu và lượt khách du lịch tăng ít nhất 20% so với giai đoạn 2015-2020. 50% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ. Tỉnh có từ 05 khu, điểm du lịch trở lên được cấp phép và hoạt động hiệu quả. Phấn đấu có ít nhất 01 khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, 02-05 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3-5 sao và tối thiểu 05 công ty lữ hành nội địa, 02 công ty lữ hành quốc tế hoạt động tại Đắk Nông.
Các khu du lịch trọng điểm: Đắk Nông tập trung đầu tư vào các khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, khu sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, hệ thống thác Len Gun, thác Bảy tầng, thác Gấu, công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, hồ thủy điện Đắk R’Tih và hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Nâng cấp dịch vụ tại các khu du lịch hiện có: Khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp – Gia Long, khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái Phước Sơn và điểm du lịch sinh thái thác Đắk G’Lun sẽ được đầu tư nâng cấp nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho du khách.
Về doanh thu và việc làm: Doanh thu và lượt khách du lịch tăng trung bình 20%/năm, khách quốc tế chiếm khoảng 6% tổng lượng khách. Tỉnh dự kiến tạo ra khoảng 1.443 việc làm, trong đó khoảng 1.000 lao động trực tiếp. Tỷ trọng GRDP du lịch trong GRDP của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đạt 2,12%.
c.Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Doanh thu và lượt khách du lịch tăng bình quân ít nhất 15% mỗi năm so với giai đoạn 2020-2025, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 6% tổng lượng khách đến Đắk Nông.
Về lao động và việc làm: Tỉnh đặt mục tiêu 60% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ. Dự kiến tạo ra khoảng 2.203 việc làm, trong đó có khoảng 1.600 lao động trực tiếp. Tỷ trọng GRDP du lịch trong GRDP của tỉnh giai đoạn 2026-2030 đạt 2,41%.
Định hướng phát triển du lịch Đắk Nông:
Định hướng chung:
-Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội của tỉnh.
-Phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp và hiệu quả. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt chú trọng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Vườn Quốc gia Tà Đùng và các điểm du lịch tiềm năng khác, tạo hệ thống kết nối Tây Nguyên và khu vực tam giác phát triển.
-Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặt mục tiêu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực.
Phát triển các loại hình du lịch:
-Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút nhiều đối tượng khách, tập trung vào các sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất UNESCO Đắk Nông, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan rừng, thác.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá:
– Ứng dụng công nghệ số và công cụ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động quảng bá, đẩy mạnh marketing số và tận dụng các nền tảng mạng xã hội.
Phát triển tổ chức ngành nghề kinh doanh du lịch:
– Mở rộng loại hình kinh doanh lưu trú, lữ hành, vận chuyển khách, dịch vụ du lịch và phát triển khu du lịch, điểm du lịch với quy mô và chất lượng cao hơn.
Đào tạo nguồn nhân lực:
– Xây dựng chương trình đào tạo toàn diện, nâng cao kiến thức và trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nhân viên, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch.
Dịch vụ lưu trú và ăn uống:
– Phát triển homestay mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, kết hợp du lịch cộng đồng và phục vụ các món ăn đặc sản như cá lăng sông Sêrêpốk, cơm lam, lẩu lá rừng Tây Nguyên.
– Xây dựng các cơ sở lưu trú 3-5 sao, ứng dụng công nghệ số và công nghệ xanh, đảm bảo dịch vụ chất lượng cao và phát triển du lịch bền vững.
Tổ chức không gian phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông:
Tỉnh Đắk Nông quy hoạch phát triển du lịch thành 4 cụm chính:
– Cụm Gia Nghĩa và vùng phụ cận: Trung tâm điều phối du lịch của tỉnh, phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch cộng đồng dân tộc Mạ, M’nông và khám phá các thác nước nổi tiếng như Liêng Nung, Lưu Ly, Gấu, thác 7 tầng.
– Cụm Tà Đùng và vùng phụ cận: Kết nối du lịch Đắk Nông với Lâm Đồng qua Quốc lộ 28, tập trung vào du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm và trải nghiệm văn hóa địa phương.
– Cụm Krông Nô và vùng phụ cận: Khai thác hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, phát triển du lịch khám phá di sản địa chất, thác Đray Sáp, Gia Long và di tích lịch sử B4 – liên tỉnh IV.
– Cụm Tuy Đức và vùng phụ cận: Đẩy mạnh du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng và kết nối quốc tế qua cửa khẩu Bu Prăng, phát triển các điểm đến như thác Đắk G’Lun, Đắk Búk Sor và các di tích lịch sử.
Kết luận
Với lợi thế tự nhiên độc đáo, di sản văn hóa phong phú và tiềm năng phát triển du lịch bền vững, Đắk Nông đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Quy hoạch du lịch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương, bảo tồn văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường sinh thái. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp quy hoạch, đầu tư hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn sẽ là nền tảng vững chắc để Đắk Nông trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.
Trên đây là những thông tin tổng quan về ” Tóm tắt quy hoạch du lịch Tỉnh Đắk Nông giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thêm những thông tin về một trong những tiêu chí cần cân nhắc, xem xét trước khi đầu tư. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về tư vấn phát triển dự án, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web senvangdata.com |
![]() |
Xem thêm các bài viết về tỉnh Đắk Nông
Tóm tắt quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
______________
Xem thêm các dịch vụ / tài liệu khác của Sen Vàng :
Dịch vụ tư vấn : https://senvangdata.com.vn/dich-vu/dich-vu-tu-van
Tài liệu : https://senvangacademy.com/collections/tai-lieu/
Báo cáo nghiên cứu thị trường : https://senvangdata.com/reports
————————–
Khóa học Sen Vàng:
Xây dựng tiêu chí lựa chọn Bất động sản : https://senvangacademy.com/…/xay-dung-tieu-chi-lua…/
Khóa học R&D – Nghiên cứu và phát triển bất động sản : https://senvangacademy.com/…/khoa-hoc-rd-nghien-cuu-va…/
Hoạch định chiến lược đầu tư bất động sản cá nhân : https://senvangacademy.com/…/hoach-dinh-chien-luoc-dau…/
—————————
Bất động sản Sen Vàng – Đơn vị tư vấn phát triển dự án bất động sản uy tín, chuyên nghiệp Việt Nam
Website: https://senvanggroup.com/
Website Cổng thông tin dữ liệu : https://senvangdata.com/
Youtube: https://tinyurl.com/vt82l8j
Group cộng đồng Kênh đầu tư Sen Vàng : https://zalo.me/g/olgual210
Fanpage: https://www.facebook.com/bds.senvangdata
Linkedin: https://www.linkedin.com/in/ngocsenvang/
TikTok: https://www.tiktok.com/@senvanggroup
Hotline liên hệ: 0948.48.48.59
Email: info@senvanggroup.com
————————————————————————–
© Bản quyền thuộc về : Kênh Đầu Tư Sen Vàng
© Copyright by “Kenh Dau Tu Sen Vang” Channel ☞ Do not Reup
#senvanggroup, #kenhdautusenvang, #phattrienduan, #phattrienbenvung, #realcom, #senvangdata,#congtrinhxanh, #taichinhxanh #proptech, #truyenthongbatdongsan #thuonghieubatdongsan,
#công_ty_tư_vấn_phát_triển_dự_án
#R_D_Nghiên_cứu_phát_triển_dự_án_bất_động_sản
#phân_tích_chuyên_gia_bất_động_sản
#tiêu_điểm_bình_luận_thị_trường_bất_động_sản
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP