Tóm tắt kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025

  • 14 Tháng bảy, 2024
  • Nhà ở là vấn đề thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, được phê duyệt tại Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2021. Kế hoạch đề ra những mục tiêu, định hướng và giải pháp cụ thể nhằm phát triển nhà ở một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng trong xã hội. Với những thông tin trên, hy vọng bài viết Tóm tắt kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về kế hoạch này.

    senvangdata.com

    GRDP 

    Theo Cục Thống kê Hà Nội, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV/2022 ước tính tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,08%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,35%.

    Tính chung năm 2022, GRDP của Hà Nội ước tính tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0% – 7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây.

    Quy mô GRDP năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.196 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng, tăng 10,6% so với năm 2021. Xét theo cơ cấu GRDP năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,08% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,04%; khu vực dịch vụ chiếm 63,22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66%.

    senvangdata.com

    Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 là 7,5-8%. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65-65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5-23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%. GRDP bình quân/người đạt 8.300-8.500USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3,1-3,2 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%.

    MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

    1. Mục đích

    – Cụ thể hóa mục tiêu phát triển nhà ở từng năm, giai đoạn 2021 – 2025 theo các chỉ tiêu định hướng đến năm 2030 thuộc Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 19/6/2014.

    – Xác định vị trí, khu vực, diện tích đất phát triển nhà ở; số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, số lượng nhà ở, tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng nói chung và đối với từng loại nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ); tỷ lệ các loại nhà ở (nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ); diện tích nhà ở bình quân khu vực đô thị, nông thôn và toàn Thành phố; nguồn vốn huy động để phát triển nhà ở; thời gian triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021 – 2025.

    – Làm cơ sở để Thành phố chủ động kiểm soát công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà ở của người dân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gắn với chỉnh trang, tái thiết đô thị, tái định cư, phục vụ lợi ích công cộng; xây dựng, phát triển đô thị Thủ đô hướng đến xanh, văn hiến, văn minh, thông minh, hiện đại.

    2. Yêu cầu

    – Phù hợp nội dung Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2030 tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế về nhà ở, nguồn vốn từ ngân sách trong quá trình phát triển nhà ở của Thành phố; Đảm bảo phù hợp với các quy hoạch liên quan của Thủ đô, Chương trình phát triển đô thị của Thành phố và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

    – Đảm bảo nội dung kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

    – Phù hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố từng năm và theo giai đoạn Kế hoạch.

    NỘI DUNG KẾ HOẠCH

    1. Thực trạng và nhu cầu nhà ở

    1.1. Thực trạng

    Theo số liệu khảo sát, thống kê, tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng diện tích sàn nhà ở trên toàn địa bàn Thành phố đạt 224,73 triệu m2, diện tích bình quân đầu người toàn Thành phố đạt 27,25 m2/người, vượt mục tiêu theo Chương trình phát triển nhà ở đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 (khoảng 26,3 m2/người) và vượt mục tiêu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 (25m2/người); tổng diện tích nhà ở toàn Thành phố đã tăng thêm khoảng 49,67 triệu m2 so với năm 2016 (đạt 175,05 triệu m2 sàn). Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu m2 sàn nhà ở giai đoạn 2016-2020 chưa đạt mục tiêu đã đề ra theo Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội được duyệt, nhất là nhà ở xã hội, nhà tái định cư đạt tỷ lệ thấp (riêng nhà ở thương mại vượt mục tiêu khoảng 1,14 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 9.500 căn nhà ở).

    1.2. Nhu cầu

    – Nhu cầu nhà ở xã hội: Tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội giai đoạn sau năm 2020 khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở.

    – Nhu cầu nhà ở tái định cư: Tổng nhu cầu sử dụng nhà tái định cư giai đoạn 2021-2025 của Thành phố khoảng 1,29 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư, tương đương khoảng 16.186 căn hộ.

    – Nhu cầu nhà ở công vụ: Theo số liệu cung cấp từ Sở chuyên ngành tham mưu UBND Thành phố quản lý về công tác cán bộ, công chức thì hiện nay nhu cầu thực tế đối với nhà ở công vụ là không có do đối tượng thuộc Thành phố Hà Nội quản lý không có nhu cầu thuê, theo đó giai đoạn 2021-2025 Thành phố không phát triển nhà ở công vụ.

    – Nhu cầu nhà ở riêng lẻ: Tại khu vực đô thị và nông thôn khoảng 4,5 triệu m2 sàn nhà ở/năm (theo tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã).

    – Nhu cầu nhà ở thương mại: Khoảng 19,69 triệu m2 sàn nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 được dự tính trên cơ sở tổng diện tích sàn nhà ở theo mục tiêu phát triển.

    2. Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2025

    2.1. Mục tiêu phát triển nhà ở

    – Phát triển nhà ở kết hợp với tái cấu trúc đô thị, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nâng cao chất lượng nhà ở, chất lượng sống của người dân Thủ đô.

    – Phát triển nhà ở xã hội theo dự án đồng bộ, văn minh, hiện đại; phân bố tập trung, vị trí phù hợp nhằm tạo sự thuận lợi cho người sử dụng; đẩy mạnh phát triển nhà ở cho các đối tượng công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất; đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và những điều kiện dân sinh khác.

    – Phát triển nhà ở tái định cư và tạm cư trên cơ sở rà soát quỹ nhà tái định cư/ tạm cư phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng trọng điểm theo quy định của pháp luật; đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, an ninh trật tự và sát với nhu cầu thực tiễn của người dân.

    – Tập trung khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê theo “Đề án khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo”.

    2.2. Chỉ tiêu phát triển nhà ở

    senvangdata.com

    2.1. Kế hoạch phát triển nhà ở thương mại

    Đối với 92 dự án đang triển khai với khoảng 34.698.000 m2 sàn nhà ở:

    – Tập trung hoàn thành 76 dự án có khả năng hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 18.823.000 m2 sàn.

    – Tiếp tục triển khai 16 dự án dự kiến hoàn thành sau năm 2025 với khoảng 15.875.000 m2 sàn nhà ở;

    – Tiếp tục rà soát các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại cần điều chỉnh hoặc đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư.

    – Xem xét đưa vào kế hoạch các dự án đầu tư xây dựng mới trong giai đoạn 2021 – 2025 trên cơ sở quy mô, tính khả thi và kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện để bù đắp diện tích sàn nhà ở thương mại còn thiếu so với kế hoạch.

    2.2. Về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

    – Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xác định 08 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, Thành phố sẽ ban hành 03 Kế hoạch quan trọng để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo: Kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; Kế hoạch lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ, đề án quy gom tái định cư chung cư cũ; Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, trong đó có lồng ghép Kế hoạch tạo lập nhà ở tạm thời (tạm cư) của Thành phố; ngoài ra Thành phố sẽ ban hành “Kế hoạch triển khai Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ” để phân công nhiệm vụ cho các sở ngành, UBND các quận huyện. Tùy tình hình thực tế khi triển khai, Thành phố sẽ điều chỉnh tiến độ, danh mục phát sinh đảm bảo tính linh hoạt, khả thi và đồng bộ với các kế hoạch có liên quan.

    – Dự kiến các kế hoạch chia 04 Đợt, trong đó Đợt 1 lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 gồm: 06 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng; Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 04 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp); Đôn đốc 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai. Xem xét triển khai Đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đối với khu chung cư, nhà chung cư cũ (Đợt 1) hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xong trong Quý IV/2022 thì có thể tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án trong Quý I/2023, dự kiến khởi công trong Quý III/2023, thời gian dự kiến hoàn thành khoảng từ 2-3 năm. Với các chung cư cũ còn lại (Đợt 2, Đợt 3 và Đợt 4) triển khai thực hiện theo kế hoạch trong những năm tiếp theo, đồng thời khuyến khích khu chung cư, nhà chung cư cũ nào hoàn thành kiểm định và quy hoạch thì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư triển khai trước.

    2.3. Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội

    – Đối với 57 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang triển khai với khoảng 6.640.000 m2 sàn nhà ở:

    + Tập trung hoàn thành 19 dự án với khoảng 1.200.000 m2 sàn nhà ở có khả năng hoàn thành giai đoạn 2021-2025.

    + Tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025 và 05 khu nhà ở xã hội tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc cho phép triển khai tại Thông báo 508/TB-VPCP ngày 31/10/2017.

    – Tiếp tục rà soát 69 ô đất thuộc các quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, đề xuất phương án sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội, bổ sung thêm quỹ nhà ở xã hội Thành phố giai đoạn 2021-2025 và bù trừ cho các dự án chậm tiến độ, chuẩn bị gối đầu/chuyển tiếp sang giai đoạn sau năm 2025 (Chi tiết tại 04 Phụ lục 2.4a, 2.4b, 2.4c, 2.4d đính kèm).

    – Bố trí, sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25%, nguồn vốn từ ngân sách hoặc vay từ Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố để ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, bao gồm: công tác tổ chức lập/điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư hạ tầng tại các dự án nhà ở xã hội; nghiên cứu tổ chức triển khai hoặc khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân tại các khu, cụm công nghiệp hoặc cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

    – Khẩn trương rà soát việc lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư xây dựng 05 khu nhà ở xã hội tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc cho phép triển khai tại Thông báo số 508/TB-VPCP ngày 31/10/2017 theo quy định hiện hành. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết hoặc các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo quy hoạch phân khu đô thị được duyệt, Thành phố giao Ban quản lý dự án trực thuộc Thành phố nghiên cứu lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở tổ chức lựa chọn chủ đầu tư các khu nhà ở xã hội tập trung theo quy định.

    – Dành tỷ lệ tối thiểu diện tích sàn nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê theo Chương trình phát triển nhà ở được duyệt.

    2.4. Kế hoạch phát triển nhà ở tái định cư

    – Đối với 20 dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư đang triển khai với khoảng 807.000m2 sàn nhà ở (Chi tiết tại Phụ lục 2.5 kèm theo):

    + Tập trung hoàn thành 15 dự án với khoảng 423.000 m2 sàn nhà ở có khả năng hoàn thành giai đoạn 2021 – 2025.

    + Tiếp tục triển khai 05 dự án dự kiến hoàn thành sau năm 2025 với khoảng 384.000 m2 sàn nhà ở.

    – Bố trí vốn ngân sách (theo cơ chế linh hoạt) để thực hiện dự án mua lại một số quỹ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng và hoàn trả chi phí xây dựng tại một số dự án nhà ở thương mại có quỹ nhà tái định cư phải bàn giao cho Thành phố

    – Đầu tư xây dựng mới 05 dự án nhà tái định cư với tổng diện tích đất khoảng 7,5 ha, 4.893 căn hộ, tương đương 391.440 m2 sàn nhà ở, trong đó có 03 dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 với 1.712 căn, tương đương khoảng 136.960 m2 sàn nhà ở. Thành phố xem xét giao Ban Quản lý dự án trực thuộc Thành phố làm chủ đầu tư thực hiện.

    Thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể nhu cầu tái định cư trên địa bàn Thành phố, bao gồm cả nhu cầu tái định cư phục vụ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (theo Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Thành phố) để đề xuất lộ trình, quy mô đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư phù hợp với thực tế.

    3. Vốn thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở

    3.1. Nhu cầu vốn

    Dự kiến vốn để hoàn thành xây dựng nhà ở trong giai đoạn 2021 – 2025 là khoảng 437.000 tỷ đồng, trong đó: vốn xây dựng nhà ở thương mại khoảng 250.000 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ do dân tự xây khoảng 165.000 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở tái định cư khoảng 9.500 tỷ đồng.

    3.2. Dự kiến nguồn vốn

    3.2.1. Vốn ngân sách: khoảng 5.800,8 tỷ đồng, trong đó:

    a) Vốn đầu tư công: khoảng 5.249,3 tỷ đồng, bao gồm:

    – Khoảng 4.860 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 05 dự án nhà ở tái định cư, gồm: khoảng 2.716 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới 03 dự án hoàn thành giai đoạn 2021 – 2025, khoảng 2.144 tỷ đồng triển khai đầu tư mới 02 dự án để chuyển tiếp gối đầu phục vụ nhu cầu tái định cư của Thành phố giai đoạn sau năm 2025. Thành phố bố trí vốn ngân sách (theo cơ chế linh hoạt) để thực hiện dự án mua lại một số quỹ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng và hoàn trả chi phí xây dựng tại một số dự án nhà ở thương mại có quỹ nhà tái định cư phải bàn giao cho Thành phố hoàn thành giai đoạn 2021-2025.

    – Khoảng 283 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, trong đó: Khoảng 11,6 tỷ đồng để lập quy hoạch chi tiết 05 khu nhà ở xã hội tập trung và 02 dự án nhà ở công nhân; Khoảng 223,9 tỷ đồng để hoàn thành và điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê (theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố), chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà A4 thành nhà ở xã hội cho thuê tại dự án này; Khoảng 47,5 tỷ đồng để thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với 05 khu nhà ở xã hội tập trung và 02 dự án nhà ở công nhân (tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; bố trí vốn ngân sách thực hiện theo cơ chế linh hoạt).

    – Khoảng 106,3 tỷ đồng phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó: khoảng 58 tỷ đồng để tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu, nhà chung cư cũ phục vụ cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố theo quy định của Luật Nhà ở, nghị định của Chính phủ; khoảng 48,3 tỷ đồng để lập đề xuất chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư (trường hợp các chủ sở hữu không lựa chọn được nhà đầu tư) tại 10 khu chung cư cũ.

    b) Nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Thành phố: khoảng 550,2 tỷ đồng, bao gồm:

    – Khoảng 535 tỷ đồng để kiểm định toàn bộ các nhà chung cư trên địa bàn Thành phố.

    – Khoảng 1,9 tỷ đồng để tổ chức lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm.

    – Khoảng 13,3 tỷ đồng để tổ chức điều tra, thống kê các chỉ tiêu phát triển nhà ở hàng năm theo Kế hoạch.

    c) Chi phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn ngân sách Thành phố: khoảng 1,3 tỷ đồng, bao gồm:

    – Khoảng 0,7 tỷ đồng để nghiên cứu xây dựng Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội;

    – Khoảng 0,6 tỷ đồng để xây dựng 03 Kế hoạch: (1) Kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội; (2) Kế hoạch lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ, đề án quy gom tái định cư chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội; (3) Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

    3.2.2. Vốn huy động xã hội (ngoài ngân sách)

    – Đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng…;

    – Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, ngân hàng chính sách xã hội…;

    – Nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình được xây dựng bằng nguồn vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình.

    GIẢI PHÁP

    1. Giải pháp chung

    1.1. Về cơ chế chính sách

    – Rà soát các thủ tục hành chính và cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch kiến trúc, quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tạo điều kiện hộ gia đình, cá nhân xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy hoạch và các chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

    – Bổ sung quy định chế tài mạnh hơn đối với các chủ đầu tư chưa tự giác trong việc báo cáo giám sát đánh giá đầu tư (theo Luật Đầu tư) và dự án đang triển khai thực hiện chậm so tiến độ dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, theo đó có thể cho phép địa phương (Thành phố) chủ động đưa nội dung này vào tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở khác hoặc xem xét không cho phép nhà đầu tư này được tham gia đầu tư các dự án nhà ở khác trên địa bàn.

    – Tích cực tham gia góp ý với Bộ Xây dựng khi điều chỉnh Luật Nhà ở và các Nghị định hướng dẫn để kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về: Cơ chế, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng; Chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội cho thuê, cho thuê mua, nhất là nhà ở phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu vực phát triển công nghiệp… nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách, trường hợp cần thiết bố trí vốn đầu tư công để tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở công nhân (nhà ở xã hội cho thuê) theo quy hoạch và quy định hiện hành.

    1.2. Về quy hoạch

    – Đẩy nhanh công tác điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, lập các quy hoạch xây dựng vùng huyện song song với quá trình rà soát, lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở và các dự án đầu tư xây dựng khác tại khu vực ngoại thành của Thành phố. Công khai các quy hoạch, quy chế đã được phê duyệt và quy chế quản lý kiến trúc các quận, huyện.

    – Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện gây ô nhiễm môi trường; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch để tạo quỹ đất phát triển đô thị, nhà ở.

    1.3. Về đất đai

    – Rà soát, tổng hợp quỹ đất trên địa bàn Thành phố, đề xuất thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư và đấu giá quyền sử dụng đất, tạo vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu phân bổ đất xây dựng thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở; kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.

    1.4. Nguồn lực

    – Dành nguồn lực hợp lý của Thành phố, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn vốn của Trung ương để đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, trong đó bố trí ngân sách Thành phố để mua lại quỹ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo phương thức đặt hàng, vừa đáp ứng nhu cầu tái định cư Thành phố, vừa giải quyết tồn tại chính sách đối với loại hình phát triển nhà ở này. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.

    – Sử dụng hiệu quả nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25% đất ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị để ưu tiên đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.

    – Khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê theo “Đề án khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo”.

    1.5. Triển khai thực hiện

    – Phê duyệt, triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050; Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030 và định hướng đến năm 2040.

    – Ban hành Danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ưu tiên phát triển giai đoạn 2021 – 2025 của thành phố Hà Nội do Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố thực hiện đầu tư trực tiếp hoặc cho vay, trong đó bổ sung lĩnh vực đầu tư “Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và đầu tư xây dựng tạo lập quy nhà tạm cư phục vụ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ” thuộc trách nhiệm của UBND Thành phố đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

    – Xây dựng Danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở và công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các nhà đầu tư quan tâm tham gia; Đồng thời, công khai danh mục các dự án nhà ở (nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư và nhà ở thương mại) trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, thực hiện các quyền và giám sát cộng đồng theo quy định của pháp luật.

    – Cân đối nhu cầu, cơ cấu các loại hình nhà ở (nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư…) phân bổ phù hợp với từng khu vực dân cư, tránh tình trạng tập trung quá cao một loại hình nhà ở trên một khu vực.

    – Tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng nhà và tỷ lệ nhà chung cư và tỷ lệ nhà ở cho thuê đúng mục tiêu của Kế hoạch.

    – Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư), đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đặt ra; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai; đầu tư khớp nối hạ tầng kỹ thuật các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị mới với khu vực xung quanh.

    – Tổ chức kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư tập trung theo chủ trương của Chính phủ và Thành phố.

    – Trên cơ sở Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia được phê duyệt điều chỉnh, nghiên cứu xây dựng mới/ điều chỉnh và tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội theo quy định. Tổ chức điều tra, thống kê và đánh giá các chỉ tiêu phát triển nhà ở theo Kế hoạch này, làm cơ sở xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và các kế hoạch nhánh theo quy định.

    – Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (kể cả các khu đô thị, khu chức năng đô thị,…) trên địa bàn Thành phố và từng quận, huyện, thị xã để theo dõi, quản lý.

    – Các Sở, ban, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch này có trách nhiệm định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng (trước ngày 20 tháng cuối kỳ) báo cáo UBND Thành phố (thông qua Sở Xây dựng) cập nhật các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư) và các dự án chỉnh trang đô thị vào Danh mục và điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ các dự án đã có trong Dành mục dự án kèm theo Kế hoạch này cho phù hợp thực tiễn.

    – Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ để đẩy nhanh đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương và Thành phố; Ưu tiên triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư sử dụng nguồn vốn ngân sách và yêu cầu các chủ đầu tư tập trung nguồn lực để hoàn thành dự án theo tiến độ được duyệt.

    – Định kỳ hàng năm sơ kết đánh giá kết quả thực hiện công tác phát triển nhà ở; rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở để điều chỉnh đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà của Thành phố, theo quy định, định hướng điều chỉnh mới (nếu có) của Bộ Xây dựng, Chính phủ.

    2. Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

    – Cân đối nhu cầu nhà ở xã hội tại các quận, huyện, thị xã đảm bảo phân bố hợp lý trên địa bàn Thành phố theo quy hoạch.

    – Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (hoặc 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển.

    – Bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

    – Kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tập trung, nhà ở xã hội cho thuê phục vụ công nhân và người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, phát triển nhà ở tái định cư; Cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở.

    – Tiếp tục phối hợp, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn: Việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định; Việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án tại quỹ đất 20% (25%) thuộc các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận không bố trí do không còn phù hợp và đã bố trí quỹ đất thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Nghiên cứu bổ sung quy định (theo hướng được bán nhà ở xã hội) để giải quyết khó khăn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sau nhiều lần công bố công khai dự án, tiếp nhận hồ sơ thuê, thuê mua nhà ở xã hội (theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ) mà không có người dân đăng ký nhằm giải quyết thu hồi vốn đầu tư của chủ đầu tư, thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

    3. Giải pháp phát triển nhà ở tái định cư

    – Kiểm soát tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư và kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng trọng điểm và quá trình triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Thành phố để đảm bảo hiệu quả việc sử dụng quỹ nhà tái định cư.

    – Khuyến khích xã hội hóa đầu tư tạo lập quỹ nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng trọng điểm theo quy định. Bố trí nguồn vốn từ ngân sách hoặc vay từ Quỹ đầu tư phát triển Thành phố để đề xuất đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư sử dụng vốn ngân sách và nghiên cứu mua lại quỹ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo phương thức đặt hàng.

    4. Giải pháp phát triển nhà ở thương mại

    – Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo hình thức đấu thầu, đấu giá, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định. Ưu tiên phát triển nhà ở tại khu vực nội đô mở rộng, hạn chế phát triển mới các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại khu vực nội đô lịch sử (tập trung thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ).

    – Về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ:

    + Ban hành và triển khai “Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Xây dựng và ban hành 03 Kế hoạch để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo: Kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ, đề án quy gom tái định cư chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; Hoàn thành trong quý IV/2021.

    + Thành lập Tổ công tác để nghiên cứu xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và các cơ chế chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện của Thành phố để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn và Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hoàn thành trong quý IV năm 2021.

    5. Giải pháp phát triển nhà ở riêng lẻ

    – Tăng cường quản lý xây dựng, phát triển nhà ở riêng lẻ theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc.

    – Nghiên cứu đề xuất các dự án tái thiết, chỉnh trang đô thị đối với các khu dân cư đô thị hiện hữu; Lập các quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch nông thôn; các thiết kế mẫu nhà ở nông thôn để người dân có thể lựa chọn áp dụng, tiết kiệm chi phí xây dựng.

     

    XEM THÊM:

    |QUY HOẠCH KHU CÔNG NGHIỆP – CỤM CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN 2050|

    |TÓM TẮT QUY HOẠCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050|

    |CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG QUAN TRỌNG TẠI THỦ ĐÔ HÀ NỘI NĂM 2023-2024|

    Trên đây là những thông tin tổng quan về “Tóm tắt kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thêm những thông tin về một trong những tiêu chí cần cân nhắc, xem xét trước khi đầu tư. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về tư vấn phát triển dự án, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web  https://senvangdata.com.vn/. 

    thumbnail

    ————————–

    Dịch vụ tư vấn Báo cáo phát triển bền vững: Xem chi tiết

    Xem thêm các dịch vụ / tài liệu khác của Sen Vàng : 

    Dịch vụ tư vấn  

    Tài liệu

    Báo cáo nghiên cứu thị trường

    ————————–

    Khóa học Sen Vàng: 

    Xây dựng tiêu chí lựa chọn Bất động sản

    Khóa học R&D – Nghiên cứu và phát triển bất động sản

    Hoạch định chiến lược đầu tư bất động sản cá nhân 

    —————————

    Bất động sản Sen Vàng – Đơn vị tư vấn phát triển dự án bất động sản uy tín, chuyên nghiệp Việt Nam

    Website: https://senvanggroup.com/

    Website: https://senvangdata.com/

    Youtube: https://tinyurl.com/vt82l8j

    Hotline: 0948 48 48 59

    Group cộng đồng Kênh đầu tư Sen Vàng : https://zalo.me/g/olgual210

    #senvanggroup #senvangrealestate #kenhdautusenvang  #dịch_vụ_tư_vấn_phát_triển_dự_án #thị_trường_bất_động_sản_2023 #phat_triển_dự_án #tư_ vấn_chiến _ lược_kinh_doanh #xây_dựng_kế_hoạch_phát_triển #chiến_lược_tiếp_thị_dự_án

    Thẻ : thành phố Hà Nội, phát triển vùng, hội thảo bất động sản trong thời kỳ chuyển đổi số, BĐS thương mại, bất động sản đô thị, xu hướng BĐS, báo cáo quy hoạch, tóm tắt quy hoạch, senvanggroup, kế hoạch phát triển nhà ở, senvangdata, tóm tắt kế hoạch, kênh đầu tư sen vàng, khóa hoạc BĐS, tăng trưởng,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!