Quảng Ngãi nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; trong khu vực có các tuyến đường giao thông trọng yếu quốc gia và có vị trí liền kề với vùng Tây Nguyên giàu tiềm năng phát triển. Là một trong những cửa ngõ ra biển của hành lang thương mại quốc tế từ các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Bắc Campuchia, có thể nói Quảng Ngãi là một mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng và giao lưu kinh tế của quốc gia. Trong bài viết này, Sen Vàng Group sẽ tổng hợp lại một số điểm nổi bật để bạn đọc có thể nhanh chóng nắm bắt được tổng quan về quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ngãi.
Chi tiết quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được nêu đầy đủ và chi tiết trong các văn bản:
Quyết định số 190/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Quyết định số 136/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Trong bài viết này, Sen Vàng Group sẽ tổng hợp lại một số điểm nổi bật để bạn đọc có thể nhanh chóng nắm bắt được tổng quan về quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Một góc Thành phố Quảng Ngãi (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Dựa trên những ưu thế về vị trí địa lý, vị trí kinh tế và các nguồn lực phát triển sẵn có, quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với mục tiêu phát triển tỉnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, đồng thời với phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng công nghiệp hàng hải, dịch vụ cảng biển và khai thác thủy, hải sản.
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ngãi được nghiên cứu trên cơ sở liên kết vùng theo Quy hoạch xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm 5 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và sự ảnh hưởng, tác động tương hỗ của tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên.
Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ ranh giới quản lý hành chính của tỉnh Quảng Ngãi với tổng diện tích tự nhiên là 5,152.95km², có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thành phố Quảng Ngãi và 13 huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Lý Sơn.
Mô hình phát triển chính của vùng là phát triển kinh tế tổng hợp: công nghiệp, công nghệ cao, du lịch văn hóa – sinh thái, thương mại – dịch vụ, giáo dục đào tạo và nông – lâm – ngư nghiệp xoay quanh các đô thị hạt nhân cấp vùng, cấp tỉnh, các đô thị đặc thù.
Hành lang phát triển kinh tế chủ đạo của tỉnh hình thành theo các tuyến giao thông huyết mạch: đường Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Quốc lộ 1, Quốc lộ 24, Quốc lộ 24B, đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh.
Định hướng đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ có 21 đô thị, 01 đô thị loại II (TP Quảng Ngãi), 01 đô thị loại III (Dung Quất), 03 đô thị loại IV (Đức Phổ, Châu Ổ, Di Lăng) và 16 đô thị loại V (là các thị trấn huyện lỵ, thị trấn trực thuộc huyện và các đô thị mới).
Trong đó, định hướng phát triển không gian Thành phố Quảng Ngãi bao gồm các khu vực: khu trung tâm đô thị hiện hữu phía Nam; Khu đô thị hiện hữu mở rộng; Khu trung tâm đô thị mới phía Bắc; Vùng ven đô phía Bắc; Dải dân cư ven sông phía Bắc; vùng dân cư nông thôn phía Bắc; Khu dân cư ven biển Tịnh Khê; Khu dân cư ven biển Tịnh Kỳ; Vùng dân cư nông thôn phía Nam; Khu dân cư ven biển Nghĩa An; sông Trà Khúc và các cù lao ven sông: Đảo Hòn Ngọc
Định hướng phát triển không gian Thành phố Quảng Ngãi (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Cơ cấu sử dụng đất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2021, phần lớn là đất nông nghiệp, chiếm 88.34% diện tích đất toàn tỉnh. Trong đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất rừng sản xuất là 2 loại đất có diện tích lớn nhất. Diện tích đất phi nông nghiệp ở mức thấp 10.97%, chủ yếu là đất chuyên dùng. Đất chưa sử dụng chiếm 0.71%, chủ yếu là đất đồi chưa sử dụng.
Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 giảm diện tích đất nông nghiệp xuống còn 76.05%; đất phi nông nghiệp còn 10.69%; đất khu kinh tế là 7.66%; đất đô thị là 4.99% và 0.60% là đất chưa sử dụng.
Định hướng đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp giảm còn 74.56%; đất phi nông nghiệp tăng lên đến 11.73%; 7.60% đất khu kinh tế; đất đô thị tăng lên 5.50% và 0.60% là đất chưa sử dụng.
Cơ cấu sử dụng đất tỉnh Quảng Ngãi (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hệ thống giao thông đường bộ tỉnh Quảng Ngãi hiện có các đường chính chạy qua gồm: quốc lộ 1; quốc lộ 24A; quốc lộ 24B; đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh.
Bản đồ giao thông đường bộ tỉnh Quảng Ngãi (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tỉnh Quảng Ngãi chủ trương đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải bền vững, đồng bộ, hợp lý. Trong đó, tập trung xây dựng, nâng cấp các trục chính làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho một số vùng; gắn kết được mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia.
Theo trục dọc là các trục đường chạy dọc theo chiều dài của tỉnh, điểm đầu xuất phát từ ranh giới Quảng Nam, kết thúc ở ranh giới Bình Định và song song với Quốc lộ 1, được nâng cấp, điều chỉnh bổ sung.
Theo trục ngang là các tuyến chạy cắt qua Quốc lộ 1, xuất phát từ tuyến ven biển đến trục dọc miền núi và nối tiếp lên tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và nối sang Lào.
Tổ chức mở các tuyến từ thành phố Quảng Ngãi đi đến các tỉnh thuộc Lào và từ thành phố Quảng Ngãi đi các tỉnh Tây Bắc. Tổ chức lại vận tải hợp lý trên một số tuyến đang khai thác từ Quảng Ngãi đi các tỉnh phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.
Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi, hoàn thành kết nối đường sắt quốc gia với Khu kinh tế Dung Quất. Nâng cấp, cải tạo ga khách (nhà chờ, nhà đón khách…), ga hàng (kho hàng, bãi xếp dỡ, đường xếp dỡ…) của ga Quảng Ngãi, ga Đức Phổ và những ga tại các huyện đảm bảo hiện đại, tiện nghi.
Ga Quảng Ngãi (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng năm 2030 chủ trương đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cảng nước sâu Dung Quất, Dung Quất II, cảng Sa Kỳ và các bến cảng nhỏ được quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận tải ven biển của địa phương – gồm các cảng: Cổ Lũy (tổng hợp), Bến Đình – Lý Sơn (cảng cá + hành khách), Sa Huỳnh (cảng cá), cảng quân sự Lý Sơn (bến cập tàu), Mỹ Á (cảng tổng hợp).
Một góc cảng biển Dung Quất (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Quy hoạch khu bến Dung Quất trong phạm vi vùng đất và vùng nước khu vực vịnh Dung Quất và khu vực cửa sông Trà Bồng. Quy hoạch đảm bảo chức năng phục vụ trực tiếp khu kinh tế Dung Quất, khu liên hợp công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm điện khí Miền Trung và vùng phụ cận; có các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí; các bến cảng và công trình phục vụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu.
Ranh giới quy hoạch khu kinh tế Dung Quất có diện tích khoảng 45,332 ha; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp đường sắt Bắc Nam; phía Nam giáp thành phố Quảng Ngãi; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam.
Tổ chức các khu chức năng trong khu kinh tế đến năm 2035, tập trung phát triển không gian các khu công nghiệp, kho tàng; không gian phát triển cảng biển và các khu dịch vụ hỗ trợ; không gian phát triển du lịch – không gian xanh; không gian phát triển nông lâm nghiệp; không gian phát triển đô thị và nông thôn.
Trong đó tập trung phát triển các khu công nghiệp Tây Dung Quất, Đông Dung Quất, Khu công nghiệp Tịnh Phong và Khu công nghiệp Bình Hòa – Bình Phước; xem xét, rà soát, điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Dung Quất II và cảng Dung Quất II.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất nằm trong Khu kinh tế Dung Quất (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi nằm tại xã Tịnh Phong và Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi được khởi công xây dựng từ năm 2013.
Dự án có diện tích quy hoạch 1,700 ha, trong đó Khu Công nghiệp là 1,143 ha và Khu đô thị dịch vụ là 554 ha.
Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 14 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư gần 240 triệu USD. Hiện đã có 7 dự án FDI đã đi vào hoạt động, thu hút được khoảng 3,400 lao động tại địa phương và góp phần đáng kể vào tiến trình công nghiệp hóa-đô thị hóa tại Quảng Ngãi.
Khu đô thị mới Nghĩa Hà có diện tích khoảng 62.38ha thuộc xã Nghĩa Dũng (7.58ha) và xã Nghĩa Hà (54.8ha), thành phố Quảng Ngãi; phía Đông giáp Khu dân cư hiện hữu xã Nghĩa Hà; phía Tây giáp Khu dân cư hiện hữu xã Nghĩa Dũng và đất trồng hoa màu; phía Nam giáp Đường tỉnh ĐT.623C và khu dân cư Nghĩa Hà; phía Bắc giáp Đường Trường Sa.
Đây là khu đô thị mặt tiền bờ Nam sông Trà Khúc, bao gồm các khu chức năng cơ bản như liên hợp thể dục thể thao tỉnh,dịch vụ thương mại, công viên cây xanh – mặt nước; được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu thể dục thể thao cấp tỉnh, nhu cầu dịch vụ thương mại và ở cho người dân thành phố Quảng Ngãi, tạo động lực phát triển cho khu vực và vùng lân cận.
Phối cảnh Khu đô thị mới Nghĩa Hà (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Trên đây là những thông tin nổi bật về quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hy vọng rằng, bài viết trên đã có thể giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin trước khi quyết định đầu tư vào địa phương này.
Ngoài ra, để có thể nắm rõ chi tiết thông tin tổng hợp và phân tích quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các bản đồ và dữ liệu chính xác, chất lượng, bạn đọc có thể liên hệ tại địa chỉ https://senvangdata.com.vn
Nguồn: Tổng hợp Sen Vàng Group – BTV Phương Hà
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP