Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế định hướng đến năm 2030 tầm nhìn 2045 

  • 1 Tháng mười một, 2022
  • Là một tỉnh ven biển nằm trong vùng duyên hải Bắc Trung Bộ Việt Nam, mảnh đất cố đô Thừa Thiên Huế có nhiều cơ hội trở thành trung điểm của những con đường giao lưu, hội nhập trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.  Trong bài viết này, Sen Vàng Group sẽ tổng hợp lại một số điểm nổi bật để bạn đọc có thể nhanh chóng nắm bắt được tổng quan về quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế định hướng đến năm 2030 tầm nhìn 2045.

    Chi tiết quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế được nêu đầy đủ và chi tiết trong các văn bản: 

    • Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
    • Quyết định số 165/QĐ-UBND ngày 16 tháng 1 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của thành phố Huế.
    • Quyết định số 3342/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030
    • Quyết định số 1261 /QĐ-UBND ngày 27/05/2020  về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
    • Quyết định số 1174/QĐ – UBND ngày 24 tháng 6 năm 2015 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

    Trong bài viết này, Sen Vàng Group sẽ tổng hợp lại một số điểm nổi bật để bạn đọc có thể nhanh chóng nắm bắt được tổng quan về quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế trước khi đưa ra quyết định đầu tư bất động sản vào thị trường này. 

    Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

    Kinh thành Huế (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Mục tiêu quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

    Mục tiêu quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế chia thành 3 giai đoạn với các mục tiêu, tầm nhìn cụ thể ứng với từng giai đoạn gồm: 

    Đến năm 2025, đưa Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

    Đến năm 2030, Thừa Thiên – Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

    Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên – Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

    Phạm vi nghiên cứu quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

    Phạm vi nghiên cứu trên toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế với 06 huyện, 02 thị xã và thành phố Huế có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 5,026 km2. 

    Những điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế định hướng đến năm 2030 tầm nhìn 2045 

    1. Định hướng phát triển không gian

    Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 với quan điểm xây dựng và phát triển đô thị Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. 

    Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

    Bản đồ Quy hoạch đô thị Huế mở rộng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Định hướng phát triển không gian đô thị Huế với TP. Huế là đô thị trung tâm và 4 đô thị phụ trợ kết nối như vệ tinh được triển khai làm 2 giai đoạn:  

    Giai đoạn 1 từ 2020-2025, xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương làm cơ sở để nghiên cứu lập Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

    Giai đoạn 2 từ 2025 đến 2030, trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch chung thành phố Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô khoảng 348 km2 bao gồm thành phố Huế mở rộng có quy mô 267km2 và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà. 

    2. Quy hoạch sử dụng đất

    Năm 2019, cơ cấu sử dụng đất của tỉnh là 66.44% đất phi nông nghiệp; 33.08% đất nông nghiệp và 2.48% là đất chưa sử dụng. Đến năm 2020, cơ cấu sử dụng đất phi nông nghiệp đã tăng lên là 67.34%; đất nông nghiệp giảm còn 30.49% và đất chưa sử dụng giảm còn 2.18%. 

    Định hướng cơ cấu sử dụng đất của tỉnh Thừa Thiên – Huế là giảm tỷ trọng đất nông nghiệp, tăng tỷ trọng đất phi nông nghiệp. Cụ thể là tập trung phát triển quỹ đất thương mại – dịch vụ; đất ở đô thị và đất phát triển hạ tầng. 

    Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

    Cơ cấu sử dụng đất tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 và năm 2020 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp) 

    Định hướng cơ cấu sử dụng đất này có thể nói là phù hợp với các đặc trưng của tỉnh, với nhiều di sản văn hóa, cảnh quan phù hợp phát triển du lịch và mục tiêu quy hoạch định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa Thừa Thiên – Huế trở thành trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch.  

    3. Hạ tầng giao thông

    3.1. Đường bộ

    Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay của Thừa Thiên Huế có các đường quốc lộ chính đi qua bao gồm: quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài 112.5km; quốc lộ 14 dài 980 km, là con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau và nối Tây Nguyên với Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ; quốc lộ 49 là con đường giao thông đường bộ cấp quốc gia dài 97.5 km. 

    Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

    Hệ thống đường Quốc lộ tỉnh Thừa Thiên Huế (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Định hướng đến năm 2030 hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tiếp tục xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường đô thị, đường vành đai. Hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, 100% đường huyện, đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và được bảo trì kỹ thuật theo kế hoạch 100% đường thôn xóm được cứng hóa, đạt tối thiểu loại A.

    Trong đó có một số dự án nổi bật như: dự án Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An với mức đầu tư hoàn thiện là 3,496 tỷ đồng; dự án cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông tỉnh và kết nối với khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.  

    3.2. Đường sắt

    Tổng chiều dài hệ thống đường sắt của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay là 101.2 Km với 90 cầu, 6 hầm qua đèo, 15 nhà ga. 

    Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

    Ga Huế (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Định hướng đến năm 2030, hoàn thành nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và nghiên cứu, đầu tư một số tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đường sắt đã được phê duyệt.

    3.3. Đường thủy

    Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế định hướng đến năm 2030 tiếp tục hoàn thiện đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải thủy chính sông Hương từ Thuận An đến ngã ba Tuần, tuyến phá Tam Giang đến đầm Cầu Hai đạt tiêu chuẩn cấp III. Đầu tư cải tạo nâng cấp, hiện đại hoá trang thiết bị tại các cảng, bến bốc xếp, bến khách ngang sông, bến tàu thuyền du lịch trọng yếu trên địa bàn tỉnh.

    Với hệ thống cảng biển, hiện tại Thừa Thiên Huế có hệ thống cảng biển gồm 2 cảng là: Cảng Thuận An và Cảng nước sâu Chân Mây. Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục nâng cấp cảng biển Thừa Thiên Huế trên cơ sở tăng trưởng về nhu cầu vận tải. 

    Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

    Cảng Chân Mây (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp) 

    3.5. Đường hàng không 

    Thừa Thiên Huế hiện có 1 sân bay là sân bay quốc tế Phú Bài với diện tích nhà ga khoảng 2,100 m2. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải định hướng đến năm 2030, Tỉnh Thừa Thiên Huế duy trì phát triển cảng hàng không – sân bay quốc tế Phú Bài đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, đáp ứng khả năng tiếp nhận các loại máy bay như: B767, B777, B787 và tương đương. Số hành khách giờ cao điểm: 4.000 hành khách/giờ cao điểm. Công suất đạt 8-10 triệu hành khách/năm.

    Phối cảnh Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sau mở rộng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp) 

    4. Dự án trọng điểm 

    4.1. Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô

    Theo quy hoạch, Khu Du lịch quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương nằm trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, thuộc thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) có diện tích vùng lõi tập trung phát triển du lịch là 1,350 ha.

    Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2025, Khu du lịch Lăng Cô – Cảnh Dương trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút được các dự án đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là khu du lịch quốc gia, phấn đấu đến năm 2030, khu du lịch Lăng Cô – Cảnh Dương trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế.

    Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    4.2. Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô 

    Nằm ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có tổng diện tích 27,108 ha, bao gồm: thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh  thuộc huyện Phú Lộc. 

    Khu vực này có cảng nước sâu Chân Mây là cảng nước sâu gần nhất với cửa khẩu Lao Bảo và là hướng ra biển Đông thuận lợi nhất trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

    Theo quy hoạch, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô chia thành 5 khu: khu phi thuế quan; khu công nghiệp; khu cảng Chân Mây; khu đô thị; khu du lịch. 

    Quy hoạch chung khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2025 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp) 

    Đây là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hoá trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.

    4.3. Quy hoạch hai bờ sông Hương 

    Khu vực này là trục cảnh quan tự nhiên đa dạng, phong phú, với nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa, khu dân cư, khu vực công viên trung tâm thành phố và các vùng có cảnh quan đặc trưng ven sông; là yếu tố phong thủy quan trọng trong cấu trúc đô thị Huế (đô thị di sản, đô thị sinh thái); là khu vực có tầm quan trọng về kinh tế – xã hội, cảnh quan đô thị, văn hóa của thành phố Huế; được cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang,… để phát huy giá trị nhằm góp phần xây dựng đô thị phát triển bền vững. 

    Quy hoạch phân khu Hai bờ sông Hương sẽ được tổ chức thành 5 cụm trung tâm, gồm: Khu vực trung tâm thành phố Huế và 4 khu vực phụ trợ Phường Đúc, Thủy Biều, Vọng Cảnh, Tiên Nộn. 

    Không gian kiến trúc cảnh quan được phân theo 3 vùng gồm: vùng thượng lưu (từ đồi Vọng Cảnh đến cồn Dã Viên) sẽ bảo tồn cảnh quan và quản lý tài nguyên văn hóa lịch sử; vùng trung tâm đô thị (từ Cồn Dã Viên đến cồn Hến) sẽ là trung tâm du lịch văn hóa và các không gian mở; vùng hạ lưu (từ cồn Hến đến phố cổ Bao Vinh) sẽ bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên sinh thái.

    Quy hoạch chi tiết 2 bờ sông Hương (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp) 

    Các công trình ven sông Hương sẽ khống chế chiều cao, mật độ xây dựng hạn chế che chắn tầm nhìn ra sông Hương và khu vực lân cận. 

    Trên đây là những thông tin nổi bật về quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Hy vọng rằng, bài viết trên đã có thể giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin trước khi quyết định đầu tư vào địa phương này. 

    Ngoài ra, để có thể nắm rõ chi tiết thông tin tổng hợp và phân tích quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế với các bản đồ và dữ liệu chính xác, chất lượng, bạn đọc có thể liên hệ tại địa chỉ https://senvangdata.com.vn

    Nguồn: Tổng hợp Sen Vàng Group – BTV Phương Hà

    Thông tin liên hệ: 

    Website: https://senvangdata.com/

    Hotline: 0948.48.48.59

    Để không bỏ lỡ những thông tin chi tiết về Kinh tế - Xã hội, Quy hoạch và Thị trường Bất động sản tỉnh Thừa Thiên Huế, quý vị vui lòng tham khảo Báo cáo nghiên cứu thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế hoặc Đăng ký/ Đăng nhập vào Website Sen Vàng Data để truy cập được hơn 10,000 dữ liệu Bất động sản. Tổng quan tỉnh Thừa Thiên Huế
    Thẻ : Bản đồ tỉnh Thừa Thiên Huế, Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, mục tiêu quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Thừa Thiên Huế, Hạ tầng giao thông Thừa Thiên Huế, Dự án trọng điểm Thừa Thiên Huế, Bản đồ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, Cổng thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài-Thừa Thiên Huế, Khu du lịch sinh thái tỉnh Thừa Thiên Huế, Hệ thống đường thủy tỉnh Thừa Thiên Huế,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!