Bản tin quy hoạch là một hạng mục mới do Sen Vàng Group thực hiện hàng tháng nhằm giúp độc giả có thể cập nhật những thông tin mới nhất về quy hoạch tại các vùng kinh tế. Tây Nguyên là một vùng đất đa văn hóa, đa dân tộc ở Việt Nam tiềm năng du lịch phát triển. Trong thời gian qua, có rất nhiều thông tin quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế – xã hội vùng cũng như thị trường bất động sản. Ngay sau đây hãy cùng Sen Vàng Group điểm lại những tin chính nổi bật trong Bản tin Quy hoạch vùng Tây Nguyên tháng 8 vừa qua.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kon Tum vừa phát đi Công văn số 2460/UBND-HTKT về việc lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, nhằm triển khai thực hiện Công văn số 628/TTg-CN ngày 21/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông. Đồng thời, qua buổi làm việc với các đơn vị ngày 27/7/2022, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Xây dựng tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy trình, quy định.
Trong đó, yêu cầu nghiên cứu xác định phạm vi, ranh giới, quy mô diện tích lập quy hoạch, giải pháp kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giữa Khu du lịch với thị trấn Măng Đen và các đô thị mới trong phạm vi quy hoạch đảm bảo theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn nêu trên.
Khu du lịch Măng Đen, Lâm Đồng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các sở ngành có liên quan và UBND huyện Kon Plông theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong quá trình lập quy hoạch; kịp thời hỗ trợ, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
UBND huyện Di Linh vừa phát đi Công văn số 1759/UBND-XD về việc Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group nghiên cứu, tài trợ kinh phí thực hiện công tác khảo sát địa hình, lập nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị mới Hồ Tây, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, phạm vi, quy mô khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch thuộc khu vực hồ Tây, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, với diện tích 225.8 ha.
Toàn cảnh huyện Di Linh (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group có trách nhiệm chịu mọi chi phí, rủi ro trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, lập đồ án quy hoạch chi tiết, không yêu cầu bồi hoàn kinh phí và không gắn với bất cứ điều kiện nào.
Đồng thời UBND huyện Di Linh yêu cầu Phòng Kinh tế và Hạ tầng khẩn trương tổ chức việc lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực, kinh nghiệm theo đúng quy định. Đồng thời triển khai thực hiện đồ án quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu và quy định hiện hành của pháp luật.
Phòng Tài chính – Kế hoạch chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý nguồn kinh phí tài trợ lập quy hoạch và tham mưu cho UBND huyện phân bổ kinh phí để thực hiện quy hoạch từ nguồn kinh phí tài trợ.
Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh đến năm 2030, tỷ lệ 1/5000.
Thị trấn Đạ Tẻh có diện tích gần 2,500 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 359 ha. Quy mô dân số dự kiến năm 2025 khoảng 18,900 người, đến năm 2030 khoảng 23,500 người.
Đây sẽ là đô thị hạt nhân của vùng huyện, là hệ thống đô thị vệ tinh Tiểu vùng III (theo quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng), tiệm cận tiêu chí đô thị loại IV (năm 2035).
Một góc thị trấn Đạ Tẻh Lâm Đồng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Về không gian, thị trấn được dự kiến phân thành 4 khu. Khu trung tâm có diện tích 359 ha, quy mô khoảng 20,000 người, là khu dân cư mật độ thấp, khu vực sản xuất nông nghiệp. Khu phía Bắc và phía Tây Khu trung tâm là khu vực phát triển mở rộng ranh giới khu trung tâm thị trấn. Còn lại khu phía Nam là khu vực chủ yếu phát triển nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thị trấn cũng quy hoạch các khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung và khu phát triển dịch vụ du lịch.
UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc và các chủ đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch các dự án khởi công mới năm 2022.
Cụ thể, đối với các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, các chủ đầu tư đôn đốc các đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thành công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, sớm trình thẩm định, phê duyệt và triển khai lựa chọn nhà thầu thi công.
Đối với các dự án khởi công mới năm 2022 khác chưa bàn giao mặt bằng hoặc mới bàn giao một phần để thi công, UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh tiếp tục khẩn trương tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng.
Một góc Kon Tum (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
UBND tỉnh giao Sở KHĐT theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn theo quy định.
Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa và một số công trình trên quốc lộ 20, tỉnh Lâm Đồng có tổng hơn 440 tỷ đồng nguồn vốn từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2024.
Dự án nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa có tổng chiều dài khoảng 10.3km, có điểm đầu tại phường 3, điểm cuối tại phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra, dự án cũng đầu tư xây dựng, sửa chữa 11 cầu trên quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, khổ cầu phù hợp với khổ nền đường hiện hữu, có xét đến quy mô quy hoạch.
Đèo Mimosa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa và một số công trình trên quốc lộ 20 nhằm từng bước hoàn thiện quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Lâm Đồng đến các các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Theo đó, Ban Quản lý dự án 6 được yêu cầu khẩn trương thực hiện việc giao, nhận hồ sơ và các tài liệu liên quan của bước nghiên cứu tiền khả thi đã thực hiện và tận dụng tối đa trong quá trình nghiên cứu, lập và hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Ảnh minh họa cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117.5km, được đầu tư với quy mô 4 làn xe phân kỳ, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư khoảng 21,935 tỷ đồng được chia thành 3 dự án thành phần.
Theo lộ trình đặt ra, dự án sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.
Ngày 5.8 vừa qua UBND TP.Pleiku đã có văn bản hủy kết quả trúng đấu giá đối với 29 lô đất trong đợt đấu giá 104 lô đất tại Khu quy hoạch chi tiết khu dân cư P.Chi Lăng, do không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn.
Số lô đất trên nằm trong số 104 lô đất trong Khu quy hoạch chi tiết khu dân cư P.Chi Lăng được đem ra đấu giá vào 2 ngày 25 – 26/3, tạo nên cơn “sốt đất” chưa từng thấy tại Gia Lai.
Tổng số 104 lô đất có giá khởi điểm 21.7 tỷ đồng bị đội giá lên nhiều lần, lên đến 101,175 tỉ đồng với gần 10,000 hồ sơ tham gia và nhiều người đấu giá đến từ Gia Lai, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Phước…, tạo nên phiên đấu giá đất bất thường ở Gia Lai.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 75 lô đất sau khi đấu giá trúng đã được thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp vào ngân sách nhà nước là 71,06 tỉ đồng. 11 người trúng đấu giá 29 lô đất còn lại với số tiền 30,115 tỉ đồng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn.
Do vậy, UBND TP. Pleiku đã phê duyệt quyết định hủy kết quả công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 29 lô đất không hoàn thành nghĩa vụ tài chính này.
Các lô đất bị hủy đấu giá ở TP. Pleiku (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Sở Tài chính Gia Lai chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát tình hình biến động giá đất trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.
Trên đây là Bản tin quy hoạch vùng Tây Nguyên tháng 8/2022. Ngoài ra để theo dõi những thông tin chi tiết về các quy hoạch, bản đồ quy hoạch, thông tin kinh tế xã hội các tỉnh vùng Tây Nguyên. Qúy vị có thể theo dõi tại Cổng thông tin Sen Vàng Data
Nguồn: Sen Vàng Group – BTV Thương Trần
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP