Bản tin quy hoạch là một hạng mục mới do Sen Vàng Group thực hiện hàng tháng nhằm giúp độc giả có thể cập nhật những thông tin mới nhất về quy hoạch tại các vùng kinh tế. Đông Nam bộ là là khu vực kinh tế phát triển nhất Việt Nam, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm, có tỷ lệ đô thị hóa lên đến 50%. Nhờ sự phát triển về kinh tế, các thông tin quy hoạch của vùng rất được quý độc giả cũng như nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngay sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group điểm lại những tin chính nổi bật trong Bản tin Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong tháng 8 vừa qua.
UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Long Thành, tại xã Tam An, huyện Long Thành.
Theo đó, tổng diện tích quy hoạch dự án vẫn là 486.91ha, nhưng điều chỉnh và hoán chuyển vị trí các chức năng sử dụng đất gồm điều chỉnh diện tích khoảng 8.4ha gồm đất dịch vụ 4.7ha, đất cây xanh cách ly 0.1ha, đất công nghiệp 3.5ha thành đất dịch vụ điều hành 1ha, đất công nghiệp diện tích 6.2ha và đất giao thông diện tích 1ha.
Hình ảnh một khu công nghiệp tại Đồng Nai
Điều chỉnh diện tích khoảng 4.1ha, gồm đất dịch vụ điều hành 4ha, đất cây xanh cách ly 0.1ha thành đất công nghiệp diện tích 3.5ha và đất cây xanh cách ly diện tích 0.6ha. Điều chỉnh diện tích 7.6ha đất dịch vụ điều hành thành đất công nghiệp 6.6ha và đất cây xanh cách ly 1ha.
Điều chỉnh mật độ xây dựng thuần của lô đất xây dựng nhà máy, kho tàng tối đa 70%. Đối với các lô đất xây dựng nhà máy có trên 5 sàn sử dụng dễ sản xuất, mật độ xây dựng thuần tối đa 60%.
Tầng cao xây dựng tùy thuộc vào nhu cầu, đặc thù ngành nghề sản xuất của nhà đầu tư, để đồng bộ về không gian cảnh quan tổng thể toàn khu, khống chế tầng cao 1 – 5 tầng trong khu công nghiệp.
Sáng 11/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Theo đó, Thị xã Chơn Thành (Bình Phước) được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 390.34km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 121,083 người của huyện Chơn Thành. Chơn Thành nằm ở phía tây nam của tỉnh Bình Phước, cách trung tâm thành phố Đồng Xoài khoảng 35km, cách thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương khoảng 55km và cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80 km.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/8 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Về quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, 7 dự án về hạ tầng đã và đang triển khai trong tại thị xã Chơn Thành, Bình Phước. Đó là Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành – Hoa Lư, Tuyến Quốc Lộ 14, Tuyến quốc lộ 13, Tuyến đường Chơn Thành – Dầu Tiếng.
Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Thông báo kết luận nêu rõ, cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57.8 km; đi qua tỉnh Long An (2.7 km), Thành phố Hồ Chí Minh (26.4 km) và tỉnh Đồng Nai (28.7 km), là tuyến cao tốc quan trọng của khu vực với mục tiêu giúp phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Tiến độ thi công Cao tốc Bến Lức – Long Thành mới nhất (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tuy nhiên, tiến độ triển khai thi công các gói thầu của dự án còn chậm so với tiến độ, tổng giá trị giải ngân đối với các hạng mục chính (không bao gồm thuế VAT) là 15,826 tỷ đồng trong tổng kinh phí thực hiện các hạng mục chính của Dự án là khoảng 22,317 tỷ đồng (đạt khoảng 71%), nguyên nhân chậm do cả chủ quan và khách quan.
Đến nay, các vướng mắc về thủ tục bố trí vốn để tiếp tục triển khai Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hiệp định đã ký với ADB sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2023, đây là thách thức về tiến độ hoàn thành Dự án khi khối lượng công việc dở dang còn nhiều, do vậy cần đẩy nhanh tổ chức thực hiện và hoàn thành công trình, tránh lãng phí.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND TP HCM và tỉnh Đồng Nai tập trung, dự kiến cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án trước ngày 30/8 năm nay.
Thông tin từ Báo Chính Phủ, ngày 16/8, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và Thủ Thiêm – Long Thành.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND TP HCM và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và Thủ Thiêm – Long Thành theo đúng ý kiến chỉ đạo tại văn bản được ban hành ngày 30/3/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài khoảng 65 km. Điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Quy mô đề xuất thực hiện khổ 1.435 mm, trong đó, đoạn Biên Hòa – Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải – Vũng Tàu đường đơn. Tổng mức đầu tư khoảng 50,822 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, chiều dài khoảng 37 km. Điểm đầu nằm tại ga Thủ Thiêm, Thủ Đức, TP HCM, điểm cuối nằm tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quy mô đề xuất thực hiện là đường đôi, khổ 1.435 mm, chỉ phục vụ hành khách. Tổng mức đầu tư khoảng 40,566 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Xuân Lộc mới đề xuất UBND tỉnh cho bổ sung 316 ha từ các khu đất có lợi thế dọc các tuyến đường dự kiến sẽ mở mới, đầu tư nâng cấp, mở rộng để đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư cho một số tuyến đường quan trọng.
Các khu đất trên nằm dọc tuyến đường ĐT.772, ĐT.773, đường Suối Cát – Tân Hiệp, đường vào Khu công nghiệp Xuân Hòa, nút giao cao tốc vào quốc lộ 1.
Thị trấn Gia Ray, Xuân Lộc, Đồng Nai (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hiện UBND huyện Xuân Lộc đã cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng xã nhưng chưa cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất. Những khu đất lợi thế của huyện đề xuất bổ sung vào quy hoạch hầu hết quy hoạch để làm khu dân cư và thương mại dịch vụ.
Như vậy, tổng diện tích quy hoạch các khu đất lợi thế dọc theo các tuyến đường của huyện Xuân Lộc là gần 1,100 ha. Sau khi các tuyến đường được mở mới hoặc nâng cấp, huyện sẽ phối hợp với tỉnh hoàn thành hồ sơ thủ tục và tiến hành đấu giá đất.
Ngày 4/8, UBND TP Cần Thơ đã có tờ trình về việc thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất trong năm nay. Tổng số dự án cần thu hồi đất là 4 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi là 42 ha, trong đó, diện tích đất trồng lúa hơn 35 ha.
Cụ thể, một dự án nằm tại quận Bình Thủy là bồi thường, tái định cư trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. Dự án này do Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, tổng diện tích đất dự án là 7.7 ha, diện tích đất trồng lúa 2.8 ha. Diện tích đất đăng ký thu hồi trong năm nay là 1.6 ha với diện tích đất trồng lúa là 0.4 ha.
Ba dự án còn lại đều nằm tại huyện Vĩnh Thạnh gồm đường nối từ đường dẫn vào cầu Vàm Cống tới KCN Vĩnh Thạnh. Dự án này do UBND huyện Vĩnh Thạnh làm chủ đầu tư, nằm tại xã Vĩnh Trinh. Tổng diện tích đất thu hồi trong năm nay hơn 11 ha, trong đó, 8.8 ha là đất trồng lúa.
Một góc huyện Vĩnh Thạnh (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Về các dự án thu hồi đất trong năm nay tại TP Cần Thơ, vừa qua, UBND TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi HĐND TP Cần Thơ về việc thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất trong năm 2022. Trong đó, có hai dự án hạ tầng giao thông lớn là đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ và ĐT.921 đoạn tuyến thẳng. Tổng diện tích đất cần thu hồi cho 2 dự án này là 180 ha.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ký Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép, báo Đầu tư đưa tin. Dự án có mục tiêu hình thành và phát triển cảng đầu mối cửa ngõ quốc tế, thu hút hàng hóa trung chuyển trong khu vực.
Luồng Cái Mép – Thị Vải (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tổng mức đầu tư Dự án là 1,414 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Dự án khi hoàn thành vào năm 2025 sẽ tạo động lực thúc đẩy tiến trình đầu tư các dự án tại các tỉnh Đông Nam Bộ, tăng cường năng lực vận tải thủy của toàn tuyến luồng ra vào khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong khu vực, đảm bảo an toàn cho các tàu hành thủy…
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch tỉnh đề xuất các trụ cột phát triển như: phát triển dịch vụ hàng hải, logistics; phát triển du lịch và dịch vụ; phát triển công nghiệp hoá dầu, hạ nguồn sau hoá dầu, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ tiên tiến và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và hữu cơ; phát triển kinh tế đô thị với các ngành dịch vụ chất lượng cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải, du lịch và công nghiệp với nền kinh tế năng động và phát triển xứng tầm tại Đông Nam Bộ.
Bãi biển Bà Rịa – Vũng Tàu (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Giai đoạn 2021- 2030, du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục tập trung phát triển 5 cụm du lịch chủ yếu như sau:
Cụm du lịch TP. Vũng Tàu và phụ cận
Cụm du lịch Long Hải – Phước Hải và phụ cận
Cụm du lịch TP. Bà Rịa – Núi Dinh và phụ cận
Cụm du lịch Hồ Tràm – Bình Châu
Cụm du lịch huyện Côn Đảo
Trên đây là Bản tin quy hoạch vùng Đông Nam Bộ tháng 8/2022. Ngoài ra để theo dõi những thông tin chi tiết về các quy hoạch, bản đồ quy hoạch, thông tin kinh tế xã hội các tỉnh vùng Đông Nam Bộ . Qúy vị có thể theo dõi tại Cổng thông tin Sen Vàng Data
Nguồn: Sen Vàng Group – BTV Thương Trần
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP