Bản tin Bất động sản Hà Nội tháng 7 là bản tin được thực hiện bởi Kênh đầu tư Sen Vàng. Đây sẽ là bản tin cập nhật thông tin về thị trường Bất Động Sản Hà Nội có trong tháng 7 vừa qua. Và sau đây là một số điểm tin nổi bật chính của bản tin bất động sản Hà Nội.
Cụ thể, có 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; 324 dự án đã được giao đất chậm triển khai. Qua tái giám sát, HĐND TP.Hà Nội còn phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai phát sinh sau đợt giám sát tháng 7.2018.
Cũng theo đoàn giám sát, đến nay vẫn còn 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất với tổng số tiền lên đến gần 2.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong số 22 dự án đã có quyết định thu hồi đất, vẫn còn 18 dự án chưa được thu hồi đất trên thực tế tính đến thời điểm tái giám sát vào tháng 3.2021.
Hiện tại, Dự án công viên Chu Văn An tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội vẫn chưa hoàn thành và nhiều hộ dân phản ánh đã có những phần diện tích đang có dấu hiệu bị lấn chiếm.
Theo hình ảnh người dân ghi lại giữa tháng 6 vừa qua, cứ đến đêm là lại có xe tới để san gạt, đổ đất thải xuống lấp mặt nước. Sau đó, một đêm khác lại có cả xe lu đến lu lèn. Mọi hoạt động lén lút này đều được cư dân ở các khu nhà đối diện ghi nhận lại.
Theo đại diện UBND xã Thanh Liệt, vị trí bị san lấp là một phần hồ điều hòa nằm trong khuôn viên dự án công viên Chu Văn An. Hiện dự án công viên mới chỉ thu hồi được 50% đất, vị trí này vẫn chưa thu hồi giải phóng mặt bằng và đang được một hộ dân thuê lại để nuôi trồng thủy sản.
Chính quyền địa phương cũng mới phát hiện việc san lấp trái phép và hiện đã xử phạt hộ dân này. Ngay sau khi phóng viên ghi nhận tại hiện trường, ngày 3/7, lượng đất thải san lấp đã được múc lên, trả lại diện tích mặt nước. Trong ngày 4/7, cây xanh sẽ được tiếp tục trồng lại trên phần diện tích này.
Về lượng cung, trong quý II-2021, căn hộ vẫn là dòng sản phẩm chủ đạo. Cụ thể, có tổng cộng 4.278 sản phẩm được chào bán ra thị trường. Trong đó, căn hộ chung cư là 3.725 sản phẩm (chiếm 80% tổng cung); còn lại là shophouse (nhà phố thương mại) 142 sản phẩm; nhà liền kề 710 sản phẩm.
Hầu hết nguồn cung thị trường trong quý II-2021 được chào bán từ 11 dự án bất động sản đã chào bán từ trước và không có dự án mới nào được cấp đủ điều kiện bán hàng trong quý II-2021. Sản phẩm căn hộ chủ yếu nằm ở các quận như: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy; nhà liền kề chủ yếu ở Đông Anh, Gia Lâm…
Trong quý II-2021, thị trường ghi nhận lượng giao dịch đạt thấp, một phần do giá đã neo ở mức cao, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản bị siết mạnh đã làm giảm lượng giao dịch từ các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ. Cụ thể, có 1.094 sản phẩm được giao dịch trong quý II-2021; tỷ lệ hấp thụ là 25,5%.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, quý II-2021, thị trường Hà Nội sau biến động sốt đất mạnh và dịch Covid-19 còn kéo dài nên thị trường yếu, ít giao dịch. Đối với phân khúc đất nền, giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ như ở cuối quý I-2021, giao dịch thấp.
Cục Thuế TP Hà Nội vừa cảnh báo các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân về tình trạng kê khai sai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tờ khai thuế là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong thư ngỏ gửi tới các tổ chức, cá nhân, cơ quan này nhấn mạnh việc xác định, khai báo sai giá trị tài sản nhà ở, đất đai nhằm giảm tiền thuế phải nộp khi thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng có thể gây nên những phiền hà, thiệt hại nếu cơ quan thuế, cơ quan bảo vệ pháp luật xác minh khi nghi ngờ có biểu hiện khai gian, trốn thuế.
Vì vậy, Cục Thuế TP Hà Nội khuyến cáo các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán, chuyển nhượng bất động sản cần tuân thủ các thủ tục, thực hiện kê khai đúng, trung thực giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cũng như khi kê khai các nghĩa vụ thuế phát sinh để bảo vệ quyền lợi của người mua và người bán bất động sản.
Mới đây, UBND quận Hai Bà Trưng đã thực hiện văn bản của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội về việc chấp hành quy định quản lý, sử dụng nhà chung cư Hòa Bình Green City địa chỉ 505 Minh Khai (phường Vĩnh Tuy, Hà Nội) và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hòa Bình của UBND TP Hà Nội.
Theo đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã ra văn bản yêu cầu Công ty TNHH Hòa Bình khẩn trương thực hiện quyết định của UBND TP Hà Nội trước ngày 10/7/2021. Cụ thể, chủ đầu tư dự án Hòa Bình Green City sẽ phải nộp phạt 125 triệu đồng và bàn giao ngay toàn bộ kinh phí bảo trì của khu chung cư cho Ban quản trị tòa nhà theo quy định.
Theo đó, trong báo cáo thị trường BĐS quý II/2021 và 6 tháng đầu năm 2021 của Hội môi giới BĐS Việt Nam, phân khúc căn hộ nhà ở tại thị trường Hà Nội tiếp tục giảm sút.
Tổng lượng cung đủ điều kiện bán hàng trong 6 tháng chỉ bằng 42,7% so với cùng kỳ năm 2019 và 67,2% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tổng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường Hà Nội đạt 4.578 sản phẩm gồm 3.726 căn hộ và 852 thấp tầng, giao dịch đạt 1.094 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 23,9%. Trong đó, thấp tầng là dòng sản phẩm có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất với 49,8%, căn hộ cao cấp có tỉ lệ hấp thụ thấp chỉ đạt 9,2%.
Đối với phân khúc căn hộ: nhìn chung thị trường Hà Nội quý II/2021 yếu và ít giao dịch. Đối với phân khúc đất nền nguồn cung suy giảm do khan hiếm dự án mới được phê duyệt. Giá đất ở một số khu vực có hiện tượng sốt đất đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường. Tuy nhiên cũng không xuất hiện giao dịch thực.
Cũng theo báo cáo từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, hiện nay phân khúc căn hộ trên thị trường Hà Nội ghi nhận dòng sản phẩm căn hộ cao cấp giá bán bình quân đạt 36,8 triệu đồng/m2; căn hộ trung câp 31,2 triệu đồng/m2 và căn hộ bình dân là 24,8 triệu đồng/m2.
Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trong quý II/2021, thị trường căn hộ tại Hà Nội không có nhiều biến động so với quý I. Tuy nhiên, tất cả sản phẩm từ căn hộ cao cấp, trung cấp và bình dân đều ghi nhận tăng giá so với cùng kỳ năm 2020 và cuối năm 2019, đặc biệt là sản phẩm căn hộ trung cấp.
Cũng theo ông này, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng giá bán trên thị trường BĐS thời gian gần đây là do tiến độ cấp phép dự án mới bị chậm. Theo đánh giá, từ đầu quý II đến nay, Việt Nam đối diện đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nguy hiểm nhất, lây lan trên diện rộng, kéo dài đã gây ảnh hưởng rất lớn cho cả nền kinh tế và thị trường BĐS, nhu cầu mua bán cũng giảm.
Giai đoạn 2021 – 2022, thị trường Hà Nội dự kiến đón nhận nguồn cung mới từ 12 dự án.
Quận Hà Đông còn có sự góp mặt của ba dự án là Mipec City View (5,5 ha) của CTCP Hóa dầu Quân đội (Mipec) và dự án Perdana Park City (4 ha) của Tập đoàn ParkCity (Malaysia) và Sol Lake Villa của Tập đoàn Nam Cường (197ha).
Tại quận Tây Hồ, khu vực này dự kiến đón nhận nguồn cung từ ba dự án, gồm Starlake giai đoạn 2 (72 ha) của chủ đầu tư Daewon E&C; Sunshine Legend Villa (11 ha) của Sunshine Group và 6th Element (2 ha) của CTCP Tập đoàn Bắc Hà.
Tại Đan Phượng, Vinhomes sẽ đóng góp nguồn cung 44 ha biệt thự, nhà phố tại dự án Vinhomes Wonder Park.
Tại Hoài Đức, dự án An Lạc Green Symphony (23 ha) của An Lạc Investment dự kiến mở bán trong 2021. Tại Long Biên, Tập đoàn Him Lam dự kiến mở bán dự án Him Lam Vĩnh Tuy (16 ha) trong năm 2022.
Khu Nam Hà Nội có sự góp mặt của hai dự án, lần lượt là Athena Fulland (18 ha) của Vimefulland và Lotus City (22 ha) của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị Hoàng Mai (Hoàng Mai Urban JSC).
Tại Từ Liêm, Tập đoàn FLC dự kiến mở bán 6,4 ha dự án FLC Premier Park trong năm 2022. Dự án này nằm trên trục đường Lê Quang Đạo kéo dài, cách Bộ Ngoại Giao khoảng 1 km.
Thông tin vừa rồi đã kết thúc bản tin bất động sản Hà Nội tháng 7/2021. Xem thêm các bản tin bất động sản Hà Nội được cập nhật hàng tháng tại đây hoặc kênh youtube Kênh đầu tư Sen Vàng.
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP