Chào mừng quý vị đã quay trở lại với Chương trình “Bản tin BĐS Hà Nội”. Đây là chương trình cập nhật thông tin Bất Động Sản tại thị trường Hà Nội, được phát sóng định kỳ hàng tháng trên Kênh đầu tư Sen Vàng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường nhà ở tại địa bàn Thủ đô Hà Nội ghi nhận giá bán tiếp tục tăng, trong khi đó nguồn cung sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thuộc phân khúc bình dân không có nhiều cải thiện.
Theo báo cáo tổng quan về thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2022, thị trường Hà Nội có khoảng 8,200 căn hộ chung cư mở bán mới tại 16 dự án, tăng 3% theo năm, nhưng chỉ có 3 dự án lần đầu được chào bán ra thị trường.
Giá bán trên thị trường sơ cấp quý 2/2022 được ghi nhận trung bình ở mức 1,872 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), cao hơn 27% so với mức giá cùng kỳ năm trước do tỷ trọng cao hơn của phân khúc cao cấp trong tổng cung đang chào bán trên thị trường. Còn đối với thị trường thứ cấp, mức giá bán ở ngưỡng 1,293 USD/m2, cao hơn 9% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia cho rằng, triển vọng thị trường từ nay đến cuối năm tại Hà Nội và khu vực xung quanh dự kiến sẽ tăng trưởng do hoạt động bán hàng đang được đẩy mạnh. Dự kiến, nguồn cung mở bán mới đạt khoảng 20,000 – 22,000 căn, nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo trước đây do một số dự án lùi thời gian triển khai sang năm 2023 và các năm sau.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản tại Hưng Yên liên tục có những biến động mạnh về giá. Theo một số khảo sát, thị trường “nóng” ở các khu vực giáp ranh Hà Nội như huyện Văn Giang, Mỹ Hào hay Văn Lâm, có các siêu dự án bất động sản và các khu công nghiệp đang và sắp triển khai.
Không ít nhà đầu tư cho rằng thị trường bất động sản Hưng Yên tăng lên là theo xu hướng chung của thị trường, do tác động của các thông tin quy hoạch, dự án hạ tầng – giao thông.
Thêm nữa, do nguồn cung dự án mới tại Hưng Yên và trung tâm Hà Nội ngày càng khan hiếm, nên giá nhà đất Hưng Yên biến động mạnh, đặc biệt là ở các loại hình đất nền, nhà mặt phố. Tuy nhiên, những nơi giá tăng gấp đôi là bất thường. Bởi với mức giá shophouse gần 200 triệu đồng/m2, cao hơn 30-50 triệu đồng/m2 so với nhiều dự án quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông… có kết nối hạ tầng, tiện ích đồng bộ.
Do đó, trước khi quyết định xuống tiền, nhà đầu tư cần cân nhắc bài toán đầu tư hợp lý, nhất là trong trường hợp có sử dụng đòn bẩy tài chính để tránh rủi ro khi giá bất động sản tăng nóng.
Sau khi dự án đường Vành đai 4 được quy hoạch và lập chỉ giới đỏ, nhiều nhà đầu tư bất động sản đổ xô tìm kiếm những vị trí đất đẹp để “ôm hàng”. Bên cạnh đó, hàng loạt “cò đất” sẵn sàng “thổi giá” khiến giá đất tại nhiều quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua liên tục tăng giá.
2 năm trở lại đây, thị trường nhà đất tại các huyện ven trung tâm Hà Nội liên tục ghi nhận những đợt “sốt nóng” bởi những thông tin quy hoạch mới, vùng có đường Vành đai 4 đi qua thông tin các huyện trở thành đơn vị hành chính cấp quận. Thực trạng này đã khiến giá đất liên tục tăng, xác lập nhiều mặt bằng giá mới.
Lo ngại giá đất đường vành đai 4 tăng mỗi khi có thông tin mới, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét, chỉ đạo triển khai công tác lập đường chỉ giới đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn.
Theo đó, Hà Nội thống nhất tổ chức lập hồ sơ đường chỉ giới đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên thành 4 đoạn. Đoạn 1: Từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18, Đoạn 2: Từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32, Đoạn 3: Từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6, Đoạn 4: Từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở.
Để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ tiêu thành phố và huyện giao, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh (Hà Nội) đang tập trung hoàn thiện các thủ tục để đưa ra đấu giá 106 thửa đất tại 4 dự án trong tháng 7 và tháng 8/2022 với tổng diện tích quỹ đất đấu giá khoảng 11,085m2, số tiền dự kiến thu về hơn 503 tỷ đồng.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đấu giá năm 2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh đang tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng tại 7 dự án mới trên địa bàn các xã Tiến Thắng, Hoàng Kim, Tiến Thịnh, Tráng Việt, Chu Phan và Tam Đồng để chuẩn bị quỹ đất đấu giá năm 2023.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, huyện Mê Linh sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu giá đối với 2.36 ha đất liên quan đến 139 hộ dân tại các xã Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng, Tiền Phong và thị trấn Quang Minh. Huyện phấn đấu tổ chức đấu giá thành công 6 dự án với diện tích 3ha, ước thu về cho ngân sách khoảng 565 tỷ đồng.
Cũng vào ngày 30/7 tại huyện Đông Anh, Hà Nội, Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt thông báo tổ chức đấu giá 20 thửa đất trên địa bàn huyện. Tổng cộng có 13 thửa đất tại khu đất thôn Đoài, xã Kim Nỗ và 7 thửa tại khu đất thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. Các thửa đất này có diện tích từ 70m2 đến 108m2, giá khởi điểm từ 18 triệu đồng đến 55.1 triệu đồng/m2.
Số thu ngân sách 7 tháng đầu năm của thành phố Hà Nội đạt hơn 167,679 tỷ đồng, bằng 59.5% dự toán, tăng 24.9% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Trong đó, đáng chú ý là số thu từ chứng khoán, bất động sản, ngân hàng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Thu từ lĩnh vực kinh doanh chứng khoán đạt 2,107 tỷ đồng, tăng 74% cùng kỳ; thu từ lĩnh vực ngân hàng đạt 21,611 tỷ đồng, tăng 93% so cùng kỳ; thu từ lĩnh vực bất động sản và xây dựng đạt 5,950 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ.
Đánh giá về kết quả thu ngân sách những lĩnh vực kể trên, ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết trong thời gian qua Cục đã triển khai có hiệu quả các nhóm biện pháp quản lý thuế, chống thất thu thuế không để doanh nghiệp lợi dụng chính sách để trốn, nợ thuế.
Đồng thời, cơ quan thuế thành phố cũng tăng cường triển khai các giải pháp quản lý thuế nhằm mở rộng, chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp duy trì, ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.
Ngày 21/6 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 331, về Bộ tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
Cụ thể, bộ tiêu chí quy định rõ trình tự thẩm định, đánh giá kết quả kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội, bao gồm 6 bước:
Ngoài ra, bộ tiêu chí cũng quy định tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm của cấu kiện nền móng.
Vừa qua, VietinBank thông báo xử lý khoản nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Năng lượng Quốc tế Dolla tại VietinBank Hoàn Kiếm để thu hồi nợ vay.
Tính đến ngày 29/6, tổng dư nợ của CTCP năng lượng Quốc tế Dolla là hơn 28.6 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 12 tỷ đồng, nợ lãi và lãi quá hạn là hơn 16.6 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với hai bất động sản tại quận Hoàng Mai và một bất động sản tại quận Ba Đình, Hà Nội. Trong đó, tài sản thế chấp thứ nhất là thửa đất số 37 rộng 132m2 thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Tài sản thứ hai là lô đất rộng 115.8 m2 tại tổ 4, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. Tài sản thế chấp thứ ba là lô đất có diện tích 42.1m2 tại số 8, ngõ 97 đường Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình.
VietinBank cho biết giá chào bán dự kiến 3 tài sản trên sẽ theo giá thị trường và thỏa thuận của các bên sau khi phía ngân hàng chấp thuận.
Tổng hợp: Thương Trần
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP