Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung – mảnh đất đầy tiềm năng với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là khu vực gồm 14 tỉnh ven biển chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước với chiều dài 1.800km (chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước. Vùng có tổng diện tích 95.848 km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước), với dân số 20,65 triệu người, chiếm 20,76 % cả nước (năm 2022).
Những đặc điểm địa lý và tài nguyên thiên nhiên này đang tạo ra cơ hội phát triển đa dạng cho khu vực, từ kinh tế đến du lịch, từ nông nghiệp đến công nghiệp. Tuy nhiên, để khai thác triệt hạnh tiềm năng này, việc theo dõi và đánh giá các chỉ số kinh tế-xã hội là vô cùng cần thiết, nhằm định hình hướng phát triển cụ thể và bền vững cho vùng này.
Hãy cùng Sen Vàng Group trong bài viết dưới đây tìm hiểu về các chỉ số kinh tế-xã hội quan trọng của các Tỉnh, Thành phố Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung hiện nay để giúp chủ đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn tổng quát hơn về vùng!
Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt trong khoảng 15,56%-87,45%. Mức chênh lệch giữa các tỉnh, thành trong vùng khá cao. Trong đó thấp nhất là tỉnh Nghệ An với 15,56% chỉ bằng ⅓ so với cả nước (41,7%). Cao nhất là thành phố Đà Nẵng với 87,45% cao hơn gấp đôi so với cả nước. Thành phố Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, đây là một đô thị hạt nhân của Vùng, cả nước và quốc tế.
Về số lượng, hiện tại vùng có 210 đô thị, trong đó có 6 đô thị loại I, 7 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 166 đô thị loại V.
Mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa trung bình thấp hơn tỷ lệ trung bình cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ đô thị hóa toàn vùng đã đạt trung bình khoảng 1,2%/năm, cao hơn tốc độ đô thị hóa trung bình của cả nước (khoảng 1%). Các đô thị lớn là trung tâm tỉnh lỵ đóng vai trò động lực phát triển không chỉ trong tỉnh mà trong cả vùng miền Trung.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay PCI (viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp.
Chỉ số PCI của các tỉnh, thành Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung không mấy lạc quan khi chỉ có 2 địa phương nằm trong top 10 toàn quốc. Theo đó, Thừa Thiên – Huế xếp ở vị trí thứ 6 so với cả nước và thứ nhất trong vùng. Trong khi đó, Quảng Trị chỉ xếp thứ 59 so với cả nước và đứng cuối trong danh sách các tỉnh, thành của vùng. Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của vùng không cao.
GRDP là tổng sản phẩm trên địa bàn. Theo Quyết định 05/2023/QĐ-TTg, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo Niên giám thống kê năm 2022, Thanh Hóa là tỉnh, thành có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất (252442 tỷ đồng), trong khi đó Ninh Thuận thấp nhất với 46491,6 tỷ đồng. Xét về mức GRDP bình quân đầu người, thành phố Đà Nẵng đứng ở vị trí đầu vùng với 102 triệu đồng, thấp nhất là Quảng Nam với 45 triệu đồng. Chỉ số GRDP và GRDP bình quân đầu người giữa các địa phương cũng có sự chênh lệch khá nhiều.
Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 7,3%, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của Vùng vào năm 2020, theo giá hiện hành, đã tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004. Nhiều địa phương trong Vùng như Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa… đã có sự bứt phá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá.
Nghị quyết 26/NQ-TW và Chương trình hành động của Chính phủ đều đặt ra mục tiêu tham vọng là đến năm 2030, đưa Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại… Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh và bền vững; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững…
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng 2,5 – 3 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/năm, kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%. Thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20 – 25% cả nước…
Điểm tựa cho sự phát triển của toàn Vùng chính là ý chí, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị. Nhưng quan trọng, bên cạnh thể chế, chính sách, cần khơi thông được nguồn lực cho sự phát triển đột phá.
Bảng số liệu thể hiện sự không đồng đều về cơ sở hạ tầng của các tỉnh, thành trong vùng. Trong khi Đà Nẵng đứng thứ 6 toàn quốc thì tỉnh Quảng Trị chỉ đứng thứ 61 trong tổng số 63 tỉnh/ thành cả nước. Bình Định đứng thứ 2 toàn vùng nhưng chỉ đứng thứ 13 cả nước. Các tỉnh thành còn lại chủ yếu nằm trong top 20, 30 thậm chí là 50. Nói chung, cơ sở hạ tầng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chưa tốt. Đây là vùng có địa hình bị phân chia rõ rệt khu vực ven biển ở bờ Đông và khu vực miền núi, dốc ở bờ Tây, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng.
Đà Nẵng có hệ thống cơ sở hạ tầng khá tốt. Hệ thống đường giao thông trong và ngoài thành phố Đà Nẵng không ngừng được mở rộng và xây mới, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và phát triển du lịch mà còn tạo cảnh quan, làm thay đổi cơ bản diện mạo của một đô thị thuộc loại sầm uất nhất ở miền Trung Việt Nam.
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 1.303,574km đường bộ, trong đó: Quốc lộ 119,276km; đường đô thị 954,348km; đường tỉnh 75,210 km; đường huyện, xã 110,744 km; đường chuyên dùng 43,996km (số liệu đến 12-2018). Cơ sở hạ tầng tại các Khu công nghiệp (KCN) ngày càng hoàn thiện nhằm đáp ứng các điều kiện cơ bản của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hạ tầng Công nghệ thông tin – Truyền thông (CNTT-TT) của thành phố có quy mô khá lớn và hiện đại.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng kinh tế dài nhất cả nước, với hơn 1.716km theo đường bộ và gần 2.000km theo đường bờ biển. Nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác như: Đường Hồ Chí Minh; mở rộng toàn tuyến Quốc lộ 1; hai dự án thuộc tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông, đoạn La Sơn-Hòa Liên; đoạn Đà Nẵng-Quảng Ngãi dài 193km,…
Về đường sắt, đã và đang cải tạo, nâng cấp duy trì khai thác 1.462km đường sắt hiện có để kết nối tất cả các địa phương trong vùng; về hàng hải đã đầu tư để hình thành chín cảng biển loại 1; bốn cảng biển loại 2; một cảng biển loại 3; đường thủy nội địa đang khai thác 11 tuyến, tổng chiều dài 670km; đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến vận tải thủy ven biển, vận tải từ bờ ra đảo. Về hàng không, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng có mật độ lớn nhất nước, trong đó có năm cảng hàng không quốc tế và bốn cảng hàng không nội địa.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới như: Chưa hình thành được hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, các tuyến vận tải có lưu lượng lớn; giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối trục ngang theo hướng đông-tây còn hạn chế, kết nối đường sắt với cảng biển chưa được chú trọng.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ chưa được sự quan tâm nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng số dự án FDI còn hiệu lực tính đến tháng 12/2022 là hơn 2000 với tổng nguồn vốn là khoảng 65 tỷ USD. Xét về số dự án, Đà Nẵng đứng đầu với 927 dự án và tổng nguồn vốn là 6138,807 triệu USD. Mặt khác, xét về tổng vốn đầu tư đăng ký, Thanh Hóa lại nhiều nhất với 14798,91 triệu USD. Trong khi đó, thấp nhất là Quảng Bình với chỉ 24 dự án và hơn 1000 triệu USD.
Theo số liệu thống kê năm 2020, chỉ số HDI của Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất vùng và đứng thứ 5 toàn quốc. Trong khi đó, đứng thứ 2 là Hà Tĩnh chỉ đứng thứ 18 so với cả nước.
Chỉ số sức khỏe
Tuổi thọ trung bình của vùng trong 5 năm gần đầy đạt từ 72 – 74 tuổi. Trong đó, Đà Nẵng là địa phương có tuổi thọ trung bình cao nhất vùng và năm trong top 10 cả nước. Điều này dễ hiểu vì Đà Nẵng có những ưu điểm về phát triển kinh tế, du lịch, và hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và kéo dài tuổi thọ trung bình.
Chỉ số giáo dục
Chất lượng giáo dục của vùng từng bước được nâng cao và đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: nhiều chỉ số về phát triển còn thấp hơn mức trung bình của cả nước; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng… Toàn vùng hiện có 12.322 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Các địa phương đã chú trọng công tác huy động trẻ đến trường và học sinh nhập học đúng độ tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học đều thấp hơn bình quân của cả nước.
Theo thống kê năm 2022, tổng lượng khách du lịch của Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 43,31 triệu khách và tổng doanh thu khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng.
Đà Nẵng là địa phương có doanh thu cao nhất với 1491,97 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022. Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tính riêng tháng 7 năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.185,2 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 30,7% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 1.012 tỷ đồng, tăng 32,4% cùng kỳ; lĩnh vực ăn uống ước đạt 1.173 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 7 năm 2023 ước đạt gần 782 nghìn lượt, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 78,5% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết, hoạt động du lịch Đà Nẵng đang từng bước được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Các sự kiện, lễ hội liên tục được tổ chức, góp phần tạo không khí sôi động, tươi mới thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Trong khi đó, xét về tổng lượng khách thì Nghệ An là địa phương thu hút nhiều khách du lịch nhất. Năm 2023, Nghệ An đặt mục tiêu đón và phục vụ hơn gần 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có hơn 5,2 triệu lượt khách lưu trú, 82.000 lượt khách quốc tế. Các địa phương có lượng khách du lịch lớn gồm thị xã Cửa Lò, các huyện Nam Đàn, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và thành phố Vinh.
Đây là những địa phương có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và điểm đến để thu hút du khách. Cùng với đó, tỉnh Nghệ An từng bước đa dạng hóa dịch vụ du lịch ở thị xã Cửa Lò và các huyện ven biển; tăng cường kết nối các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, điểm đến lịch sử cách mạng tại các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu… tạo thành các tour du lịch hấp dẫn. Đồng thời, tập trung xây dựng các điểm đến du lịch sinh thái gắn với văn hóa vùng đồng bào dân tộc tại các huyện miền Tây để thu hút du khách trong và ngoài nước; xây dựng một số điểm trình diễn dân ca Ví, Giặm ở huyện Nam Đàn để phục vụ khách du lịch.
Các tỉnh khác có số liệu du lịch thấp hơn, thể hiện cần phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút khách du lịch. Các điểm tham quan lịch sử, di tích văn hóa và làng nghề truyền thống có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Trên đây là những thông tin tổng quan về “Các chỉ số kinh tế-xã hội quan trọng của các Tỉnh, Thành phố Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung hiện nay” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế và xã hội của vùng. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web https://senvangdata.com.vn/.
|
Xem thêm nội dung các bài viết liên quan R&D chính: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực R&D
Xem thêm báo cáo thị trường các tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Báo cáo nghiên cứu thị trường tỉnh Bình Định
Khóa học R&D bạn không nên bỏ qua: https://nghiencuuphattrien.senvangdata.com/khoahock-2
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP