Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • 1 Tháng mười một, 2022
  • Được mệnh danh là “thành phố đáng sống nhất”, Đà Nẵng đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Bên cạnh những lợi thế có sẵn về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, sức hấp dẫn của Đà Nẵng còn đến từ các chính sách đầu tư, quy hoạch hấp dẫn của thành phố. 

    Chi tiết quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nêu đầy đủ và cụ thể trong các văn bản pháp luật gồm: 

    • Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
    • Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

    Trong bài viết này, Sen Vàng Group sẽ tổng hợp lại một số điểm nổi bật để bạn đọc có thể nhanh chóng nắm bắt được tổng quan về quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

    Quy hoạch thành phố Đà Nẵng

    Thông tin quy hoạch thành phố Đà Nẵng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Mục tiêu quy hoạch thành phố Đà Nẵng

    Mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

    Đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.

    Phát triển Đà Nẵng thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. Đồng thời, trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc. 

    Phạm vi nghiên cứu quy hoạch thành phố Đà Nẵng

    Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích khoảng 129,046 ha. Trong đó: diện tích đất liền khoảng 98,546 ha, diện tích huyện Hoàng Sa là 30,500 ha. 

    Những điểm nổi bật trong quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 

    1. Định hướng phát triển không gian

    Quy hoạch thành phố Đà Nẵng

    Bản đồ quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Định hướng phát triển không gian thành phố Đà Nẵng phân thành các vùng, cụ thể: 

    • Khu vực đô thị cũ: xây dựng cải tạo khu trung tâm đô thị tập trung theo hướng phát huy vai trò, vị trí, chức năng là trung tâm giao lưu của Đà Nẵng về thương mại, dịch vụ, văn hoá du lịch, khoa học – công nghệ, giáo dục và đào tạo. 
    • Khu vực ven biển Tây Bắc: phát triển du lịch, nghỉ dưỡng , trung tâm thương mại dịch vụ, giao thông vận tải và kinh tế biển, phát triển các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung mật độ trung bình. 
    • Khu vực ven biển phía Đông: thuận lợi phát triển kinh tế và du lịch, nghỉ dưỡng, giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của thành phố, là đầu mối giao thông quan trọng về vận tải; phát triển lĩnh vực bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục, đào tạo. 
    • Khu vực ven biển Đông từ Sơn Trà đến Non Nước phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, công viên nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí; trục Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn đến Trần Đại Nghĩa phát triển các văn phòng cho thuê. 
    • Khu vực phía Tây :Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. 
    • Khu vực bán đảo Sơn Trà: là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm. Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn tự nhiên tại các khu vực dưới chân bán đảo Sơn Trà. 
    • Khu vực phía Nam: hình thành và phát triển đô thị gắn với bảo tồn, lưu giữ các di tích lịch sử văn hoá, hình thành các khu đô thị du lịch sinh thái, các khu nhà vườn, nhà cổ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên mang nét làng quê truyền thống. Đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo và thể dục thể thao cấp quốc gia. 
    • Khu vực đồi núi phía Tây và huyện đảo Hoàng Sa: Là khu vực có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Khu vực đồi núi phía Tây có vai trò trong việc bảo vệ môi trường, điều tiết các dòng chảy, bảo vệ các công trình hồ chứa nước, hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn. Đây là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. Huyện đảo Hoàng Sa là khu vực có ý nghĩa quan trọng về kinh tế biển và quốc phòng an ninh quốc gia.

    2. Quy hoạch sử dụng đất

    Đến năm 2030, định hướng quy hoạch sử dụng đất thành phố Đà Nẵng bao gồm: 

    • Đất xây dựng đô thị khoảng 31,836 ha, chiếm khoảng 32.31% diện tích đất trên đất liền, bao gồm: 
    • Đất dân dụng, khoảng 14,109 ha, chiếm khoảng 44.32% đất xây dựng đô thị.
    • Đất ngoài dân dụng khoảng 17,727 ha.
    • Đất khác chiếm khoảng 66,710 ha, gồm: đất ở làng xóm; đất nông nghiệp; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, mặt nước; đất dự phòng.

    Quy hoạch thành phố Đà Nẵng

    Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 thành phố Đà Nẵng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị hiện tại để tối ưu hóa việc sử dụng đất. Nhằm tập trung phát triển trong khu vực đô thị hiện hữu, tránh phát triển đô thị dàn trải. 

    Đến năm 2045, các khu vực sử dụng đất hiện trạng mâu thuẫn với cấu trúc tổng thể của thành phố sẽ dần được di dời và loại bỏ. Bao gồm:

    • Di dời khu dân cư hiện có để phát triển đô thị tại Phân khu Sườn đồi và Phân khu Đổi mới sáng tạo ở phía Nam thành phố
    • Di dời các khu dân cư để mở rộng Khu đô thị Sân bay
    • Giao thông: đường Metro, đường Tramway Đà Nẵng- Hội An, Nhà hát lớn, Tái thiết khu vực ga đường sắt hiện trạng

    3. Hạ tầng giao thông

    3.1. Đường bộ

    Hệ thống giao thông đối ngoại thành phố Đà Nẵng bao gồm các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 7.97km; đường quốc lộ dài 119.28km và 02 bến xe liên tỉnh là Bến xe Trung Tâm và Bến xe phía Nam thành phố Đà Nẵng. 

    Một đoạn cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Định hướng phát triển hạ tầng giao thông Đà Nẵng đến năm 2030 có một số điểm chính như: xây dựng mới đường vành đai phía Nam và phía Tây, đường ven biển, ven sông; xây dựng tuyến đường ven sông phía Bắc sông Cu Đê và phía nam sông Cầu Đỏ tạo thành trục đường chính nối các khu đô thị ven sông; xây dựng đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà, đường trục 1,2 Tây Bắc, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường vào khu du lịch Làng Vân. 

    Nâng cấp QL1A ( đoạn từ Quảng Nam – Đà Nẵng); Chuyển QL1A thành đường phố chính đô thị ( đoạn cầu Nam Ô – cầu vượt Hòa Cầm; Mở rộng tuyến đường tránh Nam hầm Hải Vân (giai đoạn 2); Nâng cấp đường QL14G ( đi Tây Giang, Quảng Nam). 

    Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng và tăng cường các bến bãi đỗ xe trên khắp thành phố để phục vụ nhu cầu di chuyển cũng như kết nối giữa các khu vực. 

    Quy hoạch thành phố Đà Nẵng

    Bản đồ quy hoạch giao thông TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    3.2. Đường sắt

    Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua thành phố Đà Nẵng có chiều dài khoảng 30km, với các ga Đà Nẵng, Thanh Khê, Kim Liên, Hải Vân Nam. 

    Ga Đà Nẵng nằm trên địa bàn quận Thanh Khê, đây là ga trung tâm và là đầu mối giao thông đường sắt chính của thành phố Đà Nẵng. Diện tích đất của ga và các công trình liên quan là 24ha, chiếm 2.6% diện tích đất toàn quận, hàng ngày khoảng 20 lượt tàu, với lượng hành khách và hàng hóa rất lớn. 

    Ga Đà Nẵng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Tuy nhiên, với mạng lưới đường sắt đi sâu vào nội thị và cắt ngang qua các tuyến đường đô thị, thường xuyên gây ùn tắc giao thông và xảy ra tai nạn. 

    Định hướng phát triển đến năm 2030 di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, bảo đảm phù hợp với quy hoạch đường sắt Việt Nam. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu vực ga đường sắt cũ thành đất phục vụ phát triển đô thị. 

    3.3. Đường hàng không

    Sân bay Đà Nẵng là sân bay hỗn hợp quân sự và dân dụng, có diện tích đường bao là 1,100 ha, diện tích phần sân bay là 850 ha, trong đó diện tích phần dân dụng là 150 ha. 

    Cách trung tâm thành phố 5km, sân bay Đà Nẵng có vị trí quan trọng trong hệ thống sân bay dân dụng Việt Nam tại khu vực miền Trung. 

    Sân bay Đà Nẵng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Do vị trí sân bay nằm ngay trong thành phố nên có nhiều thuận lợi cho hành khách, nhưng lại gây trở ngại cho cuộc sống dân cư xung quanh, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến giao thông khu vực trung tâm và hạn chế phát triển tầng cao xây dựng công trình trong thành phố do vướng tĩnh không và xét về lâu dài còn ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

    Đà Nẵng định hướng nâng cấp sân bay Đà Nẵng. Đến năm 2030, mở rộng ga hàng không quốc tế về phía Nam, đáp ứng công suất 10 – 15 triệu lượt khách/năm. 

    3.4. Đường biển 

    Đà Nẵng là thành phố có mạng lưới sông ngòi trải khắp các vùng của thành phố với tổng chiều dài khoảng 155 km, phương tiện đường sông có hơn 300 tàu thuyền lớn nhỏ, ngoài ra có hàng trăm lượt phương tiện thủy nội địa từ Quảng Nam ra vào tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa trên mạng lưới sông ngòi thành phố Đà Nẵng mỗi ngày. 

    Là một thành phố giáp biển, do đó, hệ thống cảng biển của Đà Nẵng cũng được chú trọng phát triển. 

    Cảng Đà Nẵng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I); về lâu dài có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại IA), gồm 3 khu bến: Khu bến Tiên Sa; Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà); Khu bến Liên Chiểu.

    Định hướng đến năm 2030 di chuyển cảng xăng dầu Mỹ Khê sang vịnh Đà Nẵng; xây dựng mới cảng Liên Chiểu và nâng cấp, mở rộng khu hậu cần cảng Tiên Sa. Đồng thời cũng xây dựng 7 bến thuyền tại khu du lịch ven bán đảo Sơn Trà, và 3 bến tại các bãi biển: Phạm Văn Đồng, T20, Non Nước và 10 bến du thuyền dọc sông Hàn. Và phối hợp với tỉnh Quảng Nam khơi thông nhánh sông Cổ Cò nhằm phục vụ du lịch đường thuỷ từ Đà Nẵng đi Hội An. 

    4. Dự án trọng điểm

    4.1. Dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp ( thuộc khu phức hợp cao tầng dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt). 

    Dự án được định hướng phát triển tại 04 lô đất đường Võ Văn Kiệt và 01 lô đất giáp đường Võ Nguyên Giáp và đường Võ Văn Kiệt, thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

    Quy hoạch thành phố Đà Nẵng

    Vị trí các lô đất của dự án (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Dự án này sẽ là khu lõi trung tâm tài chính với tổng diện tích 8.4ha. Đến năm 2030, khu phố tài chính được quy hoạch tại Khu công nghiệp An Đồn sẽ kết nối, đáp ứng khả năng thu hút và phát triển dịch vụ tài chính của khu lõi.

    Trung tâm công nghệ tài chính (fintech) sẽ được tập trung kêu gọi vào Khu Công viên phần mềm số 2, gồm 03 khối toà nhà văn phòng với tổng diện tích sàn sử dụng hơn 71,000 m2 với mục đích thu hút các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính, các công ty Fintech trong nước và quốc tế đặt trụ sở.

    4.2. Dự án Đà Nẵng Gateways 

    Dự án Tháp tài chính Đà Nẵng Gateways tọa lạc tại vị trí kim cương trung tâm TP Đà Nẵng với 4 khu đất rộng 3,42 ha nằm mặt tiền đường Võ Văn Kiệt và khu đất 2,7ha phía Tây Bắc nút giao thông Võ Văn Kiệt – Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà. 

    Phối cảnh dự án Gateways Đà Nẵng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Đây là khu phức hợp trung tâm tài chính, casino, khu vui chơi giải trí, căn hộ cao cấp được kỳ vọng đem lại sức hút đầu tư lớn và thay đổi mạnh mẽ cho Đà Nẵng. Dự án thiết kế mang tính chất như một công trình biểu tượng của thành phố.

    Hiện trạng dự án Gateways Đà Nẵng năm 2022 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Trên đây là những thông tin nổi bật về quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hy vọng rằng, bài viết trên đã có thể giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin trước khi quyết định đầu tư vào địa phương này. Ngoài ra, để đọc thêm thông tin các tỉnh thành trên cả nước, bạn đọc có thể truy cập trang web https://senvangdata.com.vn/

    Nguồn: Tổng hợp Sen Vàng Group – BTV Phương Hà

    Thông tin liên hệ: 

    Website: https://senvangdata.com/

    Hotline: 0948.48.48.59

    Thẻ : bản đồ tỉnh Đà Năng, Cơ cấu sử dụng đất tỉnh Đà Nẵng, quy hoạch thành phố Đà Nẵng, Quy hoạch sử dụng đất Đà Nẵng, Hạ tầng giao thông Đà nẵng, Dự án trọng điểm Đà Nẵng, Tuyến đường sắt tỉnh Quảng Ngãi, Cảng biển Đà Nẵng, Sân bay tỉnh Đà Nẵng, Bản đồ quy hoạch tỉnh Đà Nẵng,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!