Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam  

  • 4 Tháng mười hai, 2023
  • Vật liệu xanh có rất nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ đem lại lợi ích cho ngành xây dựng mà còn cho cả xã hội, nhất là cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển vật liệu xanh vẫn đang gặp phải những thách thức lớn. 

    I. Giới thiệu

    Tình hình sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam.

    Phát triển vật liệu xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.

    Xây dựng là một ngành công nghiệp sử dụng khối lượng vật liệu nhiều nhất. Đây cũng là ngành sử dụng lượng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như cốt liệu, khoáng sản, đất, nước, năng lượng, cây xanh… lớn nhất để xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông… Đồng thời ngành này cũng thải ra ra môi trường lượng lớn các chất thải như chất thải rắn, khí gây hiệu ứng nhà kính, tiếng ồn… gây ô nhiễm môi trường. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy các công trình sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải cacbon và 40% chất thải rắn xây dựng. 

    Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Chính vì có rất ít công trình xanh nên hiện nay chính phủ đang có những chính sách khuyến khích sử dụng các vật liệu xanh trong xây dựng. 

    Vật liệu xanh – Xu hướng vật liệu đang dần lên ngôi Nguồn: Sen vàng tổng hợp

    Các vật liệu xây dựng tiên tiến ngày càng được nghiên cứu và phát triển với độ bền cao và tuổi thọ kéo dài, nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Tại Việt Nam, thị trường vật liệu xanh đang chứng kiến sự chuyển đổi và tiến triển đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các công trình bền vững và tiết kiệm năng lượng. Dự kiến, thị trường này sẽ phát triển mạnh mẽ khi chính phủ, kiến trúc sư, doanh nghiệp và người sử dụng đều nhận ra những lợi ích lâu dài của xây dựng và sử dụng vật liệu xanh. Không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường, vật liệu xanh còn an toàn cho sức khỏe con người, làm cho chúng trở thành sự lựa chọn hấp dẫn đối với các tổ chức và công ty xây dựng.

    Việt Nam đang có sự hỗ trợ rất lớn từ cơ chế chính sách của Chính phủ nhằm đẩy nhanh quá trình “xanh hóa” nền kinh tế nói chung và xây dựng nói riêng. Việc cam kết Net Zero carbon vào năm 2050 của Chính phủ là một minh chứng rõ ràng. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình.

    Trong những năm qua, để phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, ô nhiễm môi trường, Bộ Xây dựng đã xây dựng và tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Chiến lược đã đưa ra các mục tiêu về phát triển vật liệu xây dựng đó là tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng loại vật liệu, đặc biệt là các loại vật liệu mà trong quá trình sản xuất có lượng phát thải tác động đến môi trường lớn như: Xi măng, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch/đá ốp lát vôi công nghiệp…

    Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

    Nhà nước và Chính phủ nước ta đang có những hoạt động tích cực trong việc triển khai những giải pháp để phát triển công trình xanh. 

    Ngày nay, thị trường vật liệu xây dựng xanh ngày càng mang đến nhiều sự lựa chọn đa dạng và phong phú. Trong hạng mục vật liệu không nung, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của gạch bê tông khí chưng áp, panel bê tông khí chưng áp, và panel bê tông rỗng đùn ép. Đồng thời, kính Low-E và kính Solar Control mới với khả năng giảm lượng nhiệt truyền vào công trình, từ đó giúp giảm sự tiêu tốn công suất của hệ thống điều hòa và năng lượng tiêu thụ.

    Các tổ chức chuyên về vật liệu xanh đang trở thành trung tâm của sự quan tâm trong cộng đồng. Hoạt động nghiên cứu và phát triển về vật liệu xanh ngày càng được đầu tư mạnh mẽ, bao gồm việc khám phá các nguồn vật liệu tái chế và phát triển các công nghệ sản xuất tiên tiến. Điều này nhằm mục tiêu tạo ra các vật liệu xanh chất lượng cao, giúp nâng cao hiệu suất và tính bền vững của các dự án xây dựng, không chỉ thể hiện cam kết đối với môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các giải pháp xây dựng bền vững.

    Sự quan trọng của việc đối mặt với thách thức để phát triển bền vững.

    Tuy có những bước phát triển tích cực, thế nhưng, nhìn chung, vật liệu xanh ở Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều hạn chế trong bởi trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng loại vật liệu này đang gặp một số khó khăn.

    Mặc dù, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 49 trên tổng số 166 quốc gia về chỉ số phát triển bền vững (PTBV) năm 2020, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm 2019 và đạt điểm đánh giá cao hơn mức trung bình của Khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Song có tới 10 mục tiêu PTBV sẽ còn gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành và 2 mục tiêu sẽ rất khó đạt vào năm 2030 (mục tiêu 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững và mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển). Trong số 115 mục tiêu cụ thể, có 54 mục tiêu cụ thể có thể hoàn thành (chiếm gần 47%), nhưng còn 48 mục tiêu cụ thể (chiếm 41,7%) sẽ gặp khó khăn, thách thức phía trước và 13 mục tiêu cụ thể (chiếm 11,3%) sẽ rất khó đạt vào năm 2030.

    Trước thách thức ngày càng lớn của phát triển bền vững, việc đối mặt và áp dụng các giải pháp như sử dụng vật liệu xanh không chỉ là cần thiết mà còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường mà còn tạo ra một cơ hội để xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng.

    II. Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam 

    Thách thức nhận thức 

    Một trong những thách thức lớn trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam hiện nay là sự hạn chế về nhận thức và hiểu biết về lợi ích của chúng. Mặc dù xu hướng phát triển bền vững đang ngày càng trở nên quan trọng, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về tác động tích cực của vật liệu xanh đối với môi trường và sức khỏe con người. 

    Một phần của thách thức này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết chung và thông tin không đầy đủ về vật liệu xanh. Người dân, chủ công trình, chủ doanh nghiệp… chưa được cung cấp đủ thông tin để đánh giá đúng giá trị và tác động tích cực mà vật liệu xanh mang lại. Việc thiếu hụt kiến thức làm tăng khả năng từ chối hoặc không chấp nhận vật liệu xanh trong quá trình xây dựng và sản xuất.

    Một yếu tố khác là sự đa dạng của nguồn thông tin, khiến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ bị “lạc” giữa các lựa chọn về vật liệu. Điều này có thể dẫn đến sự chần chừ và khó khăn trong quá trình lựa chọn vật liệu xanh phù hợp.

    Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam  

    Trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế nội thất, một số kiến trúc sư và nhà thiết kế đã bắt đầu tích hợp vật liệu xanh và giải pháp xanh vào các dự án của họ. Tuy nhiên lại gặp khó khăn trong việc thuyết phục chủ nhà đầu tư về tính hiệu quả và tính bền vững của việc sử dụng vật liệu này. Sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm trong việc áp dụng các loại vật liệu xanh cũng là một trong những vấn đề mà họ đang phải đối mặt.

    Thách thức về chi phí

    Nhiều vật liệu xanh, mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, nhưng lại đòi hỏi chi phí ban đầu cao hơn so với các vật liệu truyền thống.

    Ví dụ, gạch bê tông khí chưng áp, mặc dù có khả năng cách âm và giữ nhiệt tốt, nhưng giá thành của nó thường cao hơn nhiều so với gạch truyền thống. Panel bê tông rỗng đùn ép, có khả năng giảm trọng lượng và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, nhưng lại yêu cầu máy móc và công nghệ sản xuất đắt tiền.

    Đối mặt với chi phí ban đầu cao, nhiều doanh nghiệp và cá nhân có thể do dự khi chọn lựa vật liệu xanh, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển. Điều này đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất vật liệu xanh phải nghiên cứu và phát triển công nghệ để giảm chi phí sản xuất và làm cho vật liệu xanh trở nên phổ biến hơn.

    Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam  

    Tuy nhiên, cũng có nhiều ví dụ về những thành công trong việc giảm chi phí của vật liệu xanh. Ví dụ, sự phát triển của công nghệ sản xuất pin mặt trời đã giúp giảm đáng kể giá thành của pin, làm cho chúng trở nên thương tiện lợi và có khả năng sử dụng rộng rãi. Cũng như gạch bê tông tái chế, mặc dù giá thành ban đầu có thể cao, nhưng chúng có khả năng chống nứt tốt hơn và giữ được màu sắc lâu dài, giảm chi phí bảo trì và sửa chữa trong dài hạn..

    Điều này chứng minh rằng mặc dù chi phí ban đầu có thể là một thách thức, nhưng với sự nghiên cứu và phát triển, vật liệu xanh đem lại giá trị sử dụng lâu dài và là một lựa chọn hấp dẫn. 

    Thách thức sản xuất và cung ứng 

    Việc phát triển và duy trì các nhà máy sản xuất vật liệu xanh đòi hỏi đầu tư lớn, từ máy móc hiện đại đến quy trình sản xuất hiệu quả và thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng sản xuất trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam hiện nay là khá lớn. 

    Một trong những ví dụ điển hình là sản xuất gạch bê tông khí chưng áp. Quá trình này đòi hỏi các máy móc và kỹ thuật chuyên biệt để tạo ra sản phẩm chất lượng cao với khả năng cách âm và giữ nhiệt tốt. Tuy nhiên, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất đôi khi làm tăng chi phí sản xuất, từ đó làm tăng giá thành cuối cùng của sản phẩm.

    Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh cũng đối mặt với thách thức về nguồn nguyên liệu và cung ứng. Ví dụ, sản xuất gỗ tự nhiên và gỗ tái chế đòi hỏi quản lý cả khu vực rừng và hệ thống thu mua có hiệu quả. Các nguồn cung ứng không ổn định có thể làm ảnh hưởng đến sự liên tục của quá trình sản xuất và dẫn đến giảm hiệu suất.

    Thách thức về vật liệu xanh trong xây dựng

    Tuy nhiên, có những giải pháp để vượt qua thách thức này. Chính phủ và các doanh nghiệp có thể hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất hiện đại và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các nhà máy sản xuất vật liệu xanh. Đồng thời, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới cũng giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm chi phí.

    Thách thức về pháp lý

    Thách thức pháp lý là một trong những vấn đề quan trọng đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu xanh tại Việt Nam. Mặc dù có sự tăng cường quan tâm đối với vấn đề môi trường và phát triển bền vững, nhưng hệ thống quy định và chứng nhận về vật liệu xanh vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ. Một số chính sách chưa đi vào thực tiễn do mục tiêu chính sách thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi, mục tiêu chính sách quá cao trong khi nguồn lực để thực hiện chính sách là hạn chế.

    Một trong những khía cạnh của thách thức này là sự không rõ ràng trong quy định.Hệ thống văn bản chính sách còn cồng kềnh, phức tạp; cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo. Hiện tại, các quy định về vật liệu xanh chưa đồng nhất và đầy đủ, từ đó tạo ra sự không chắc chắn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Sự đa dạng và phức tạp của các tiêu chuẩn và quy trình chứng nhận khiến cho việc xác định và lựa chọn vật liệu xanh trở nên khó khăn.

    Chưa coi trọng đúng mức sự tương tác và phối hợp giữa các cơ quan với nhau và giữa cơ quan thực thi chính sách với đối tượng chính sách. Điều này thể hiện ở chỗ: ở một số nơi, cấp trên thiếu sâu sát với cấp dưới, thiếu sự kiểm tra, giám sát, điều chỉnh đối với hoạt động thực thi chính sách của cấp dưới nên đã dẫn đến hệ quả tiêu cực; sự phối hợp giữa các cơ quan theo chiều ngang còn chưa tốt, vẫn còn sự chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ cũng như không rõ về trách nhiệm giữa một số cơ quan.

    Ngoài ra, việc thiếu rõ ràng về các quy định cụ thể về mặt thuế, chế độ hỗ trợ và ưu đãi cũng góp phần làm tăng khả năng rủi ro cho doanh nghiệp đầu tư vào vật liệu xanh. Sự không nhất quán trong chính sách và quy phạm pháp luật làm giảm sự hứng thú và động lực của các doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng vật liệu xanh.

    Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam  

    Thách thức nguồn nguyên liệu 

    Đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về vật liệu xanh, việc đảm bảo nguồn cung liên tục và bền vững cho nguyên liệu là một thách thức đáng kể.

    Một số nguyên liệu xanh, như gỗ tái chế, kim loại tái chế, và các vật liệu tái sinh, có thể có nguồn cung giới hạn. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu. Đối mặt với sự khan hiếm và tăng cầu, giá của một số nguồn nguyên liệu xanh có thể tăng, làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của vật liệu xanh so với vật liệu truyền thống.

    Bên cạnh đó là vấn đề về chất lượng nguồn cung. Một số nguồn nguyên liệu có thể bị ô nhiễm môi trường hoặc không đảm bảo đúng tiêu chuẩn về vật liệu xanh. Việc phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu có thể làm tăng rủi ro về ổn định nguồn cung, đặc biệt khi có thay đổi trong các yếu tố thị trường quốc tế.

    Thách thức về kỹ năng lao động

    Trong khi nhu cầu về vật liệu xanh tăng lên thì lượng lao động có kỹ năng chuyên sâu lại không đáp ứng đủ. Các kỹ thuật mới như sản xuất vật liệu từ nguồn tái chế, quy trình làm bê tông xanh, và ứng dụng công nghệ xanh đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng và kỹ năng thực hành cao. Điều này xuất phát từ việc thiếu hụt các khóa học và chương trình đào tạo cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc sử dụng và sản xuất vật liệu xanh.

    Bên cạnh việc thiếu hiểu biết về vật liệu xanh thì nguồn lao động hiện nay cũng thiếu hụt về kinh nghiệm thực tế. Bởi các công trình, dự án sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam hiện nay còn khá ít so với những vật liệu truyền thống nên người lao động chưa có nhiều kinh nghiệm trong môi trường thực tế. 

    Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam  

    Thách thức về kỹ năng quản lý dự án

    Khả năng quản lý dự án không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên sâu về vật liệu xanh mà còn đòi hỏi kỹ năng quản lý đặc biệt để đối mặt với các thách thức độc đáo của việc tích hợp vật liệu xanh vào quá trình xây dựng.

    Việc quản lý dự án sử dụng vật liệu xanh thường đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính chất và ứng dụng của các vật liệu này. Điều này bao gồm việc đánh giá hiệu suất, đảm bảo tính khả thi và tính ổn định của vật liệu trong điều kiện khác nhau. Đồng thời, kiến thức vững về các chuẩn mực môi trường và an toàn là cần thiết để đảm bảo rằng việc sử dụng vật liệu xanh không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

    Một khía cạnh quan trọng khác của khả năng quản lý dự án trong việc sử dụng vật liệu xanh là sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Quản lý dự án cần phải làm việc cùng với các nhà cung cấp vật liệu, nhà thầu, và các chuyên gia về môi trường để đảm bảo thông tin được chia sẻ một cách hiệu quả và quy trình làm việc được thống nhất.

    III. Kết Luận

    Đề phát triển mạnh mẽ hơn các loại vật liệu xây dựng xanh để thúc đẩy phát triển bền vững không chỉ còn là nhiệm vụ của nhà nước và các chủ đầu tư dự án mà là nhiệm vụ của toàn dân. Một số biện pháp có thể kể đến như:

    Hoàn thiện cơ chế chính sách

    Đối diện với thách thức này, cần thiết phải tăng cường nỗ lực để phát triển và áp dụng chuẩn mực chặt chẽ hơn đối với sử dụng vật liệu xanh trong ngành xây dựng. Chính phủ cũng cần đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và thúc đẩy các quy phạm cụ thể, cũng như đảm bảo tuân thủ từ phía doanh nghiệp xây dựng.

    Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong đó phải có các cơ chế ưu đãi khai thác và sử dụng vật liệu xanh trong các công trình xây dựng, đồng thời tăng thuế môi trường cho những vật liệu gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

    Bên cạnh đó, cần rà soát, nghiên cứu các khoảng trống về chính sách hiện hành và hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng đảm bảo hành lang pháp lý để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. 

    Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ

    Công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển vật liệu xanh. Trước những thách thức trong việc nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xanh vào thực tế, cần đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, làm chủ công nghệ sản xuất và đặc biệt giải pháp công nghệ trong việc ứng dụng các loại vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng vào công trình xây dựng.

    Chính phủ nên tăng cường đầu tư vào NCKH về vật liệu xanh để khuyến khích sự sáng tạo và phát triển các loại vật liệu mới, có hiệu suất cao và ít tác động tiêu cực đến môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp hợp tác trong việc phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực vật liệu xanh.

    Ngoài ra,Tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ công nghệ với các quốc gia phát triển về vật liệu xanh cũng là một giải pháp đem lại hiệu quả tích cực để thúc đẩy việc nhập khẩu và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất vật liệu xanh để nâng cao chất lượng và hiệu suất.

    Nâng cao chất lượng chuyên môn nguồn nhân lực

    Cần chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động và các chuyên gia trong vấn đề khai thác và sử dụng vật liệu xanh. Việc xây dựng các công trình xanh đòi hỏi lực lượng tư vấn, lực lượng lao động cần có sự am hiểu và kiến thức sâu sắc mới có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn. 

    Cần thiết lập chương trình đào tạo chuyên sâu về vật liệu xanh và các công nghệ liên quan, tổ chức các khóa học liên tục để cập nhật kiến thức về những tiến triển mới trong lĩnh vực vật liệu xanh. Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống chứng chỉ nghề nghiệp để đảm bảo chất lượng chuyên môn. 

    Những hướng đi này có thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vật liệu xanh ở Việt Nam, đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững  và bảo vệ môi trường của đất nước.

    Trên đây là những thông tin tổng quan về “Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn tổng quan về “Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xanh ở Việt Nam”. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về Vật liệu xanh, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web www.senvangdata.com.vn / www.congtrinhxanhvn.com 

    Xem thêm bài viết về Vật liệu xanh tại

    Thách thức và cơ hội phát triển thị trường VLXD xanh ở Việt Nam

    Phát triển VLXD xanh tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam: Thực trạng, rào cản và giải pháp

    Lợi ích của Vật liệu xanh trong xây dựng

    Vật liệu xanh có phải là xu hướng trong tương lai không

    Xem thêm các video phân tích của chuyên gia Nguyễn Thị Bích Ngọc về phát triển dự án tại: Kênh đầu tư Sen Vàng

    Khóa học R&D bạn không nên bỏ qua: 

    Khóa học R&D nghiên cứu và phát triển bất động sản 

    Dịch vu tư vấn 

    Dịch vụ tư vấn Công trình xanh – Tài chính xanh

     

    Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Nguyễn Thị Minh Ánh

    Thông tin liên hệ:

    Website: https://senvangdata.com/

    Hotline: 0948.48.4859

    Thẻ : thách thức phát triển, gen Z bất động sản, vật liệu xanh, ứng dụng vật liệu xanh, dịch vụ tư vấn phát triển dự án, bất động sản, Nghiên cứu thị trường, sen vàng group, senvangdata, phát triển bền vững,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!