Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Hà Giang cách thủ đô Hà Nội 320km về phía Bắc theo quốc lộ 2. Tỉnh hội tụ các nút thắt giao thông quan trọng, điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái tự nhiên, văn hóa, tâm linh. Tiềm năng phát triển kinh tế hấp dẫn, do đó càng ngày càng có nhiều nhà đầu tư để ý đến vùng đất này. Ngay sau đây hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu về thông tin tổng quan vùng tỉnh Hà Giang.
Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Hiện nay, tỉnh có 1 thành phố và 10 huyện, tổng diện tích của tỉnh là 7,929.5 km.
-Phía Bắc giáp Trung Quốc
-Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng
-Phía Tây giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái
-Phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang
Hẻm Tu Sản (Hà Giang) (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hà Giang nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và là miền núi cao, khí hậu Hà Giang về cơ bản mang những đặc điểm của vùng núi Việt Bắc – Hoàng Liên Sơn. Nét nổi bật của khí hậu Hà Giang là độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều và kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh, đều có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Hà Giang có địa hình núi thấp và các dãy đồi, có nhiều đồi đất thoải, nguồn nước sông, suối dồi dào. Hơn nữa, tỉnh có hệ thống sông suối dày đặc, thuộc thượng nguồn các sông thuộc hệ thống sông Hồng. Hầu hết các sông đều có độ dốc lớn, nhiều ghềnh thác, khó khăn cho giao thông đường thủy.
Theo bảng thống kê Bảng thống kê diện tích, dân số và mật độ dân số tại Trung du và miền núi Bắc Bộ năm 2020, tỉnh Hà Giang có dân số xếp thứ 4/14 trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, mật độ dân số xếp thứ 7/14 trong khu vực.
Bảng thống kê diện tích, dân số của tỉnh Hà Giang và một số khu vực lân cận (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Như vậy, có thể thấy Hà Giang có diện tích tương đối lớn đứng thứ 4, dân số đông nhưng mật độ dân số chỉ ở mức trung bình. Số người lao động trên 15 tuổi trung bình nhưng tỉ lệ người lao động qua 15 tuổi đã được đào tạo lại ở mức thấp nhất trong khu vực. Điều này là do tỉnh Hà Giang có rất nhiều các dân tộc thiểu số và còn chưa phát triển về kinh tế, giáo dục, do đó, chất lượng nguồn nhân lực tại đây rất kém mặc dù về mặt số lượng là trung bình. Do đó, để phát triển các ngành kinh tế cần nhiều tri thức rất khó
Tỷ suất nhập cư gần như thấp nhất và xuất cư tại Hà Giang lại ở mức trung bình do đó tỷ lệ giữa nhập và xuất lại chênh nhau rất nhiều. Điều này chứng minh dân cư Hà Giang có sự di chuyển rõ rệt ra khỏi tỉnh. Mặt khác, với tỷ lệ tăng dân số không phải quá cao, chủ yếu là tăng dân số tự nhiên, do đó có thể thấy nguồn nhân lực tại địa phương rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
Cơ cấu kinh tế Hà Giang chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành thương mại dịch vụ với lợi thế là đường biên giới dài, cửa khẩu thông thương hàng hoá. Tuy nhiên, điều này lại đi kèm với nhiều rủi ro cũng như phụ thuộc vào cả chính sách nước bạn. Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ phát triển cân đối giữa các ngành kinh tế, đặc biệt là đối với công nghiệp – xây dựng sẽ được đẩy mạnh.
Cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang 2020 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tỉnh Hà Giang năm 2020 tập trung chủ yếu vào phát triển thương mại dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp, xây dựng. Tỉnh sẽ tiếp tục chủ trương lãnh đạo ưu tiên đầu tư phát triển triển khai đồng bộ đề án chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Quy mô nền kinh tế tỉnh Hà Giang năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 2,700 tỷ đồng, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6.7% so với năm 2020. Trong đó: Thu nội địa 2,540 tỷ đồng, đạt 153.3% dự toán TW giao, đạt 105.7% dự toán Tỉnh giao; Thu thuế xuất nhập khẩu 85 tỷ đồng, đạt 40.5% dự toán TW giao, đạt 31.5% dự toán Tỉnh giao.
Biểu đồ GRDP bình quân đầu người của tỉnh Hà Giang và một số tỉnh lân cận năm 2021 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Có thể nhận thấy, kinh tế Hà Giang tăng trưởng thấp, so với các tỉnh trong khu vực, thậm chí Hà Giang còn thấp nhất. Mặc dù, chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid -19 nhưng doanh thu từ thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại.
10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh Hà Giang và Bảng xếp hạng chỉ số năng lượng cạnh tranh của tỉnh Hà Giang so với một số tỉnh lân cận (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Theo chỉ số năng lượng cạnh tranh năm 2021 do PCI Việt Nam công bố thì tỉnh Hà Giang chỉ được 60.53 điểm xếp vào hạng thứ 59/64 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây được đánh giá là đã có sự tăng trưởng hơn so với năm 2020, tuy không nhiều nhưng đã cho thấy được phần nào sự nỗ lực của tỉnh Hà Giang trong phát triển nền kinh tế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 19 phòng khám đa khoa khu vực và 177 trạm y tế với trên 500 giường bệnh. Tại tất cả các đơn vị y tế cơ sở đều có bác sĩ công tác; trong đó, thường trú có 143, luân phiên 54 người; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh, y sĩ sản, nhi công tác.
Y tế Hà Giang hiện chưa phát triển, xét trên bình diện cung ứng dịch vụ y tế, năng lực hệ thống y tế Hà Giang mới ở mức khá khiêm tốn (cả về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và năng lực quản trị) so với các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi.
Một số cơ sở y tế của tỉnh Hà Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Số liệu thống kê y tế cho thấy các chỉ số đầu vào của hệ thống y tế Hà Giang thấp hơn bình quân cả nước, đặc biệt là về nhân lực y tế chất lượng cao. Điều này cũng phần nào lý giải thực tế các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân trên địa bàn tỉnh kém hơn đáng kể so với mức bình quân cả nước.
Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 820 cơ sở giáo dục, trong đó có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, 180 trường phổ thông dân tộc bán trú. Với hơn 18.000 cán bộ, giáo viên, hiện Hà Giang thiếu khoảng 1.700 giáo viên, phần lớn là ở bậc mầm non. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học ở nhiều nơi thiếu thốn và xuống cấp.
Tại kì thi tốt nghiệp THPT 2021, xét về điểm trung bình Hà Giang xếp cuối ở 5/9 môn, gồm Ngoại ngữ, Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. So với các tỉnh trong khu vực và cả nước, GD&ĐT của tỉnh đang nằm trong nhóm phát triển thấp; đổi mới giáo dục chưa mạnh mẽ, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả chưa thực chất; có trường hợp cán bộ, giáo viên suy thoái về phẩm chất, đạo đức, vi phạm pháp luật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với nhu cầu.
Một số cơ sở giáo dục của tỉnh Hà Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Một số nghề truyền thống tại tỉnh Hà Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn Hà Giang có tổng số 35 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận. Tổng số hộ tham gia các làng nghề là 1,971 hộ; các làng nghề và các làng nghề truyền thống đã góp phần tạo công việc ổn định cho khoảng 3,530 lao động vùng nông thôn trong tỉnh.
Toàn tỉnh có 29 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh với nhiều loại hình khác nhau như: Di tích lịch sử – văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và hóa thạch cổ sinh, cảnh quan thiên nhiên trên khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đồi núi đất Hoàng Su Phù và Xín Mần;
Một số nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hiện nay, Hà Giang sở hữu 3 bảo vật quốc gia, 446 Di sản văn hóa phi vật thể với 7 loại hình của 14 dân tộc cư trú lâu năm và sinh sống tập trung thành làng (bản), 25 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như Lễ cầu mùa, cầu mưa của người Dao huyện Bắc Mê; Lễ cầu an của người Giáy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc và nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô Đen
Bên cạnh đó Hà Giang có cho mình rất nhiều những lễ hội đa màu sắc khác nhau của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất Hà Giang. Có thể kể đến như: Lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội nhảy lửa, lễ hội Cầu trăng, lễ hội Gầu Tào,…
Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống với 22 dân tộc, cùng nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động, hấp dẫn du khách đến tham quan.
Với lợi thế trong phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang còn là cảnh quan môi trường độc đáo và nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ít nơi có được như: Suối Tiên, cổng Trời, thác nước Quảng Ngần, khu Nậm Má, khu chum vàng, chum bạc và di tích nhà họ Vương…
Một thế mạnh khác của Hà Giang là việc khai thác du lịch quá cảnh sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), quan hệ du lịch và thương mại hai chiều nếu được mở ra sẽ góp phần đáng kể và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Đặc biệt, năm 2010, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Năm 2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Đây là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương nói chung.
Trên đây là những thông tin tổng quan về thị trường tỉnh Hà Giang do Sen Vàng Group tổng hợp. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có được cái nhìn sơ bộ trước khi đưa ra phương án đầu tư sinh lời hợp lý vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – Trung Đức
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP