Là tỉnh nằm trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và ở vị trí cửa ngõ phía Nam của miền Bắc Việt Nam, Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Chi tiết quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nêu đầy đủ và cụ thể trong Quyết định số 1413/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong bài viết này, Sen Vàng Group sẽ tổng hợp lại một số điểm nổi bật để bạn đọc có thể nhanh chóng nắm bắt được tổng quan về quy hoạch tỉnh Ninh Bình trước khi đưa ra quyết định đầu tư bất động sản tại thị trường này.
Một góc thành phố Ninh Bình (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm du lịch – dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Đồng thời tập trung phát triển công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ. Trong đó, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; phát triển nhanh và bền vững gắn với bình đẳng, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển về du lịch – dịch vụ chất lượng cao, có nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh và là tỉnh phát triển nhanh và bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phạm vi quy hoạch bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Ninh Bình với tổng diện tích tự nhiên là 1,386.79 km2; phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Hà Nam, Nam Định; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Thanh Hóa; phía Tây tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình; phía Đông tiếp giáp với tỉnh Nam Định và biển Đông.
Mô hình phát triển đô thị theo hướng đa tâm với 4 phân vùng phát triển gồm: khu vực đô thị trung tâm (thành phố Ninh Bình, thị trấn Thiên Tôn), các khu vực đô thị phụ trợ như Bái Đính, Ninh Hải – Ninh Thắng, Ninh Vân, Mai Sơn kết nối bằng hệ thống giao thông đô thị, vùng cảnh quan di sản văn hóa thiên nhiên, quần thể Tràng An, các vùng sinh thái nông nghiệp.
Trong đó, khu đô thị trung tâm bao gồm: Khu đô thị hiện hữu khoảng 1,853 ha; Khu đô thị mở rộng về phía Nam khoảng 2,143; Khu đô thị mở rộng về phía Bắc khoảng 1,330 ha; Khu vực Bái Đính khoảng 1,330÷1,460 ha.
Sơ Sơ đồ định hướng phát triển không gian tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Trong cơ cấu sử dụng đất tỉnh Ninh Bình năm 2020, phần lớn đất sử dụng là đất nông nghiệp, chiếm 70.23%; đất phi nông nghiệp là 26.45%; đất chưa sử dụng của tỉnh Ninh Bình là 3.32%, con số này lớn hơn so với nhiều tỉnh được so sánh.
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của tỉnh Ninh Bình theo hướng giảm tỷ trọng đất nông nghiệp xuống còn 63.26%; đất chưa sử dụng giảm xuống còn 2.59% và tăng tỷ trọng đất phi nông nghiệp lên 34.16%. Tuy nhiên, đất nông nghiệp tại các huyện vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Diện tích sử dụng đất tỉnh Ninh Bình theo địa phương năm 2020 và năm 2030 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có tổng chiều dài hơn 3,800 km, gồm: 8 tuyến Quốc lộ; 20 tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và hệ thống giao thông nông thôn, đường đê kết hợp giao thông.
Dự án xây dựng đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa (tuyến cao tốc Bắc – Nam) và tuyến Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh góp phần nâng cao tốc độ lưu thông, mức độ kết nối với giao thông trong khu vực và toàn quốc.
Hệ thống đường quốc lộ qua tỉnh Ninh Bình (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Quy hoạch giao thông tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030 chủ trương xây dựng, nâng cấp hoàn thiện giao thông đối ngoại với các QL1 (đạt quy mô 4 làn xe), QL10 (đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe), quốc lộ 38B (tiêu chuẩn đường cấp II, 2 làn xe). Xây dựng thêm 3 bến xe khách đạt tiêu chuẩn loại I.
Đồng thời, xây dựng hệ thống giao thông đô thị với mạng lưới giao thông theo dạng bàn cờ, hình thành nên các trục chính hướng Đông – Tây, Bắc – Nam, đảm bảo quy chuẩn xây dựng. Cải tạo nâng cấp các tuyến đường hiện có, dự kiến đến năm 2025, sẽ có 100% đường xã tại Ninh Bình được bê tông xi măng hoặc nhựa hóa và đến năm 2030, mật độ giao thông tại nông thôn đạt trên 3 km/km2.
Quy hoạch giao thông đường thủy tập trung cải tạo, nạo vét luồng tuyến, nâng cấp và xây mới cảng, bến thủy dọc sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc để phục vụ giao thông đường thủy liên kết mạng lưới vận tải, du lịch.
Đồng thời nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa, hệ thống luồng lạch trong các khu du lịch đảm bảo kết nối đường thủy nội địa. Xây dựng cảng hành khách Hoàng Long, hành khách Ninh Bình, bến thuyền phục vụ cho du lịch.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình sẽ xây dựng hoàn chỉnh ga đường sắt tại phương Nam Bình, ga đường sắt hiện tại sẽ được chuyển thành ga hàng hóa, kho bãi tập kết hàng. Đến năm 2030 sẽ hoàn thành cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp I.
Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Quần thể khu du lịch Tràng An được định hướng là di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới, có giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên và lịch sử – văn hóa; khu du lịch của quốc gia, tầm cỡ quốc tế, có đặc trưng về Lịch sử – Văn hóa – Sinh thái; là khu vực có dân cư sinh sống đan xen.
Khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6226 ha được phân thành các vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt); vùng đệm xung quanh được phép xây dựng và cần kiểm soát nghiêm ngặt gồm: Khu Bái Đính (phía Tây), Khu Trường Yên – Ninh Hòa (phía Bắc), Khu Ninh Nhất – Ninh Tiến (phía Đông), Ninh Thắng – Ninh Hải (phía Nam).
Khu du lịch Tràng An (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Phân khu số 1 là khu vực Chùa Bái Đính và phụ cận, tập trung chủ yếu các hộ dân của phương Gia Sinh, được phát triển gia tăng mật độ xây dựng tại chỗ, sắp xếp lại dân cư, tạo nên hệ thống dịch vụ hỗ trợ phục vụ cho hoạt động du lịch tại khu vực Chùa Bái Đính. Bố trí lại hệ thống các công trình dịch vụ xã hội tại khu vực.
Chùa Bái Đính (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Phân khu số 2 phát triển phía Tây đường Quốc lộ 38B mới, thuộc địa giới hành chính của xã Sơn Lai. Trong khu vực bố trí xen ghép các khu tái định cư phục vụ xây dựng sân bay Tràng An, đường giao thông và các dự án du lịch. Từng bước chuyển đổi hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực sang hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái. Chú trọng thu hút các dự án du lịch đồng bộ, chất lượng cao. Tại khu vực sẽ tổ chức lại trung tâm xã Sơn Lai để bố trí lại các dịch vụ hành chính, giáo dục, y tế, văn hóa tại vị trí mới theo cụm tập trung.
Phân khu số 3 nằm phía Tây đường Quốc lộ 38B mới, thuộc địa bàn các xã Sơn Lai, Sơn Hà, trong đó khu vực xây dựng đô thị chủ yếu thuộc địa giới hành chính xã Sơn Lai. Tại khu vực sẽ sắp xếp lại dân cư hiện trạng, bố trí khu vực trung tâm đô thị trong tương lai, hình thành khu ở mới, tiếp nhận dân số tăng cơ học đến với khu vực Bái Đính. Tại phân khu số 3 còn có Cụm trường giáo dục đào tạo tập trung.
Quy hoạch không gian Khu vực Bái Đính (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình nằm trên địa bàn các xã thuộc huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan với quy mô diện tích quy hoạch khoảng 1,984 ha.
Khu du lịch được hình thành trên cơ sở đầu tư và kết nối 2 điểm du lịch thiên nhiên nổi tiếng là suối nước nóng Kênh Gà và động Vân Trình. Được định hướng trở thành Khu du lịch tổng hợp với đa lĩnh vực sản phẩm, gồm: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, tâm linh, khám phá trải nghiệm, chữa bệnh, sự kiện, nghiên cứu, học tập ….
Định hướng phát triển không gian thành 3 vùng chính, là: khu vực bảo tồn; khu vực vùng lõi; khu vực vùng đệm.
Khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Trên đây là những thông tin nổi bật về quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hy vọng rằng, bài viết trên đã có thể giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin trước khi quyết định đầu tư vào địa phương này.
Ngoài ra, để có thể nắm rõ chi tiết thông tin tổng hợp và phân tích quy hoạch tỉnh Ninh Bình với các bản đồ và dữ liệu chính xác, chất lượng. Bạn đọc có thể liên hệ tại địa chỉ Cổng thông tin website: https://senvangdata.com.vn/.
Nguồn: Tổng hợp Sen Vàng Group – BTV Phương Hà
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP