Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh Tiền Giang đã trở thành tỉnh có diện tích đất trồng và sản lượng trái cây hàng đầu cả nước. Bên cạnh đó, nhờ lợi thế về vị trí địa lý và địa hình phù hợp phát triển kinh tế Tiền Giang đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư. Ngay sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu những thông tin tổng quan về tỉnh Tiền Giang trước khi quyết định tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Tiền Giang là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm trải dọc trên bờ bắc sông Tiền với chiều dài 120km, kéo dài đến các cửa biển đổ vào Biển Đông. Trung tâm của tỉnh là Thành phố Mỹ Tho, nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 70km về hướng Tây Nam và cách Thành phố Cần Thơ 90km về hướng Đông Bắc theo đường Quốc lộ 1.
Về tiếp giáp, phía đông Tiền Giang giáp Thành phố Hồ Chí Minh và Biển Đông, phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía nam giáp tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long, phía bắc giáp tỉnh Long An.
Nhờ vị trí thuận lợi, Tiền Giang đã trở thành trung tâm văn hóa chính trị của cả Đồng bằng sông Cửu Long, là địa bàn trung chuyển hết sức quan trọng gắn cả miền Tây Nam Bộ. Đồng thời giúp Tiền Giang trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển hàng đầu trong khu vực Tây Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác (Nguồn: Sen Vàng Tổng hợp)
Đất đai Tiền Giang có kết cấu mặt bằng kém bền vững, lại tương đối thấp, nên gây khó khăn cho các công trình xây dựng, đất và nước bị nhiễm mặn, tuy nhiên thổ nhưỡng lại có lợi thế thích hợp cho sản xuất nông nghiệp – cây ăn trái.
Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có mạng lưới sông, rạch chằng chịt, bờ biển dài thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi hàng hoá với các khu vực lân cận đồng thời là môi trường cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Trong đó, Sông Tiền là nguồn cung cấp nước ngọt chính, chảy dài 115km qua lãnh thổ Tiền Giang. Một số sông khác như: Sông Gò Công, Sông Mỹ Tho, Sông Soài Rạp, Sông Trà Tân, Sông Vàm Cỏ…
Tiền Giang là một tỉnh khá nhỏ, đông dân cư, nhìn chung mật độ dân số ở mức cao. Theo thống kê năm 2020, tỉnh Tiền Giang có diện tích là 2,510.6 km2 tổng dân số là 1,772.5 nghìn người, mật độ dân số đạt 705 người/km2. Trong đó dân số sống tại thành thị là 248.5 nghìn người chiếm 14% dân số toàn tỉnh, dân số nông thôn là 1,524 nghìn người chiếm 86% dân số toàn tỉnh. So với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Dân số Tiền Giang đứng thứ 2 về dân số, đứng hàng thứ 2 về mật độ dân số.
Bảng: Thống kê diện tích, dân số và mật độ dân số tại các tỉnh thuộc vùng Đồng Bằng sông Cửu Long (Nguồn: Niên giám thống kê 2020)
Dân cư của tỉnh Tiền Giang phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở thành phố Mỹ Tho và Thị xã Cai Lậy. Tỷ lệ dân cư thành thị của Tiền Giang năm 2020 ở mức thấp trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 11/13 trong các tỉnh được so sánh, mức độ đô thị hóa thấp. Tỷ lệ dân cư nông thôn của tỉnh chiếm tỷ lệ lớn gấp tới 4 lần tỷ lệ dân cư thành thị.
Biểu đồ 1: Cơ cấu dân số thành thị, nông thôn tỉnh Tiền Giang năm 2021 (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tiền Giang)
Năm 2021, GRDP tỉnh Tiền Giang theo giá thực tế đạt 100 315 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 56.4 triệu đồng/người/năm, tăng 0.3 triệu đồng/người/năm tương đương với tăng 1,7% so năm 2020 đứng thứ 7/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Biểu đồ 2: GRDP bình quân đầu người các tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2021 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm nhưng theo đúng định hướng: tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2021 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38.6% giảm 0.2% cùng kỳ; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26.9%, tăng 0.7% cùng kỳ; khu vực dịch vụ chiếm 28.7%, giảm 0.2% cùng kỳ.
Biểu đồ 4: Cơ cấu kinh tế tỉnh Tiền Giang năm 2021 (Nguồn: Cục thống kê tỉnh Tiền Giang)
Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh Tiền Giang là 62.8 điểm, xếp thứ 33 cả nước và xếp thứ 9 vùng ĐBSCL. Các chỉ số thành phần nằm trong khoảng 6.4-8.3, trong đó chi phí thời gian và chi phí không chính thức là 2 chỉ số có điểm cao nhất. Đây là năm thứ 14 tỉnh nằm trong Nhóm 05 và năm thứ 8 liên tiếp nằm trong Nhóm 03 tỉnh/thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước” cho thấy các định hướng và phương pháp thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Biểu đồ 5: Xếp hạng chỉ số PCI theo thời gian của Tiền Giang (Nguồn: PCI Việt Nam)
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2021 là ước thực hiện 38 016 tỷ đồng, đạt 98.5% kế hoạch, tăng 3.5% so cùng kỳ. Thu ngân sách năm 2021 của tỉnh ước thu được 8630 tỷ đồng, giảm 22.4% so cùng kỳ.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút được 122 dự án, với tổng vốn đầu tư 34 918 tỷ đồng (trong đó có 44 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI, với tổng vốn đầu tư 18 853 tỷ đồng; 78 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 18 065 tỷ đồng), tăng 23 dự án, tăng 70% về vốn đầu tư so với giai đoạn 2011-2015. Riêng thu hút đầu tư nước ngoài gấp 2,5 lần so với giai đoạn trước, với 131 dự án FDI tính đến nay, trở thành tỉnh thu hút vốn FDI cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiền Giang đang tập trung khai thác, phát huy thế mạnh du lịch sinh thái, các di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội, làng nghề trong phát triển du lịch. Theo thống kê, toàn tỉnh có 72 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, 266 cơ sở lưu trú với 5,062 phòng, 560 phương tiện vận chuyển khách du lịch, 30 khu, điểm du lịch.
Biểu đồ 6: Tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang giai đoạn 2018 – 2022 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Là nơi hội tụ của 3 vùng sinh thái, cùng với sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cư dân miệt vườn Nam bộ, Tiền Giang có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch sinh thái.
Nhìn chung, hiện trạng cơ sở vật chất y tế của tỉnh còn thấp, cần cải thiện về quy mô và chất lượng. Năm 2021, Công suất sử dụng giường bệnh chung toàn tỉnh đạt 52.1%. Ghi nhận 3,948,656 lượt người bệnh đến khám và 172,747 người điều trị nội trú.
Một số bệnh viện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là: Bệnh Viện Đa Khoa Tiền Giang, Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền, Bệnh Viện Phụ Sản, Bệnh Viện Mắt, Bệnh Viện Lao – Bệnh Phổi, Bệnh Viện Tâm Thần…
Biểu đồ 7: Số lượng cơ sở y tế tỉnh Tiền Giang (Nguồn: Bộ Y tế)
Mục tiêu đến năm 2025, đạt 08 bác sĩ/vạn dân; 25 giường bệnh/vạn dân; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 12.1%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92%.
Đến nay, toàn tỉnh có 349 trường phổ thông công lập trong đó có 02 trường tư thục; 5,895 phòng học, trong đó cấp tiểu học có 3,624 phòng học; cấp trung học cơ sở có 1,563 phòng học, cấp THPT có 708 phòng học. Các phòng phục vụ học tập có 1,575 phòng; thư viện có 353 phòng và phòng y tế có 269 phòng.
Dù chuyển đổi sang hình thức dạy học trực tuyến nhưng chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo, điểm trung bình thi THPT năm 2021 là 6.631 điểm, xếp hạng thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 2 bậc so với năm 2020).
Biểu đồ 8: Số lượng cơ sở giáo dục tỉnh Tiền Giang năm 2021 và một số hình ảnh liên quan (Nguồn: Thông tin tuyển sinh)
Đến du lịch Tiền Giang du khách không chỉ được khám phá những vườn trái cây trĩu cành, trải nghiệm sông nước ở chợ nổi Cái Bè, vui chơi ở những khu du lịch sinh thái hấp dẫn… mà còn được ghé thăm những làng nghề truyền thống độc đáo. Các làng nghề ở Tiền Giang cũng là điểm đến rất thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Một số làng nghề phát triển theo hướng du lịch thu hút được nhiều du khách quan tâm như: Làng nón Bàng Buông, Làng nghề làm mắm Chả, Làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Gò Công, làng dệt chiếu Long Định,…
Tổng quan làng nghề Tiền Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tiền Giang là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa, là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử.
Nghệ thuật đờn ca tài tử – Tiền Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tài nguyên du lịch nhân văn của Tiền Giang bao gồm các di tích lịch sử – văn hoá, di tích cách mạng, các nghệ thuật kiến trúc, các nghề truyền thống… Tính đến hết 2021 có 182 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng, gồm: 22 di tích cấp quốc gia (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt) và 160 di tích cấp tỉnh.
Văn hóa ẩm thực và đặc sản đặc sắc là sức hút khi đến Tiền Giang: Hủ tiếu Mỹ Tho; Bánh vá; Bánh bèo chợ Hàng Bông; Chả nướng chợ Gạo; Mắm còng Gò Công; Cháo cá lóc rau đắng; Sầu riêng Ngũ Hiệp…
Tuy là một tỉnh miền Nam có diện tích nhỏ nhưng Tiền Giang lại giàu vẻ đẹp thiên nhiên và mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa của người dân Nam Bộ. Tiền Giang là một vùng đất hội đủ mọi điều kiện để hấp dẫn du khách tới đây tham quan du lịch, trải nghiệm những nếp sống của người dân sông nước, thưởng thức các loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc,…
Thực tế, đến nay các khu vực phát triển du lịch sinh thái nổi bật trên địa bàn tỉnh đang thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan như: KDL Thới Sơn, KDL chợ nổi Cái Bè, KDL biển Tân Thành, vùng rừng ngập phèn Đồng Tháp Mười (thuộc huyện Tân Phước)…
Ngoài ra, việc xây dựng sản phẩm du lịch được thực hiện gắn với việc phát huy văn hóa truyền thống, lợi thế tài nguyên du lịch và đặc biệt là kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử – văn hóa để hình thành các tour du lịch đặc trưng.
Chùa Vĩnh Tràng – Tiền Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Mục tiêu đến năm 2025, du lịch tỉnh thu hút được 3.1 triệu lượt khách. Trong đó, có 1,350,000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân 7%/ năm/ tổng lượt khách. Tổng thu du lịch đạt 13,874 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13.51%/năm.
Trên đây là những thông tin tổng quan về thị trường tỉnh Tiền Giang do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có được cái nhìn sơ bộ trước khi đưa ra phương án đầu tư sinh lời hợp lý vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Thương Trần
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP