Xin chào quý vị và các bạn đang theo dõi Chương trình Bản tin Công trình xanh do Bất động sản Sen Vàng phối hợp cùng GBS Vietnam thực hiện. Đây là chương trình cập nhât những thông tin về Công trình xanh, Tài chính xanh, Nội thất xanh và Vật liệu xanh trên thị trường bất động sản Việt Nam.
1, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của những khoản đầu tư xanh
Chia sẻ tại Hội thảo công bố kết quả Hội nghị COP26 do Bộ Tài nguyên, Môi trường và Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức chiều 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ xây dựng, triển khai các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại sứ Anh tại Việt Nam, Ngài Gareth Ward chia sẻ rất ấn tượng với vai trò lãnh đạo về khí hậu quốc gia và khẳng định trong tương lai, Vương quốc Anh cùng các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu mới thông qua tăng cường những đề xuất về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) chúc mừng Việt Nam, UNDP cam kết hợp tác chặt chẽ với chính phủ và các đơn vị liên quan để theo đuổi phương pháp tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa các tham vọng mới này, bằng cách đơn giản hóa các quy định để cho phép khu vực doanh nghiệp đóng góp đầy đủ vào quá trình phục hồi kinh tế xanh với con người là trung tâm.
2, SHB và World Bank ký hợp đồng bảo lãnh Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) Bảo lãnh tín dụng cho đầu tư hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam
Ngày 09/12/2021, trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), WB và Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký Hợp đồng bảo lãnh GCF với tổng giá trị 75 triệu USD.
Dự án có quy mô 86,3 triệu USD trong đó: 11,3 triệu USD để thực hiện các hoạt động quản lý, vận hành Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, các Ngân hàng thương mại tham gia dự án, các doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng; 75 triệu USD để thực hiện bảo lãnh các khoản vay đầu tư tiết kiệm năng lượng.
3, Đức điều động ngân sách cho chuyển đổi kinh tế xanh
Chính phủ mới của Đức ngày 13/12 đã thông qua khoản ngân sách bổ sung 60 tỷ euro (tương đương 67,6 tỷ USD), nhằm tăng cường nguồn lực cho quỹ chuyển đổi và khí hậu của nước này.
Việc điều động ngân sách này được nhất trí theo thỏa thuận mà “liên minh đèn giao thông” – gồm Đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP) nhất trí thông qua hồi tháng trước. Thỏa thuận ngân sách này cũng sẽ tạo điều kiện cho tân Bộ trưởng Tài chính của Đức, đồng thời là lãnh đạo FDP – ông Christian Lindner hướng tới việc áp dụng trở lại quy tắc hãm nợ từ năm 2023 và tiếp tục cho phép đầu tư công nhiều hơn để giảm lượng khí thải carbon của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ngoài khoản tiền 60 tỷ euro nói trên, Chính phủ Đức cũng sẽ điều chuyển khoảng 18 tỷ euro thu từ thuế, chủ yếu bắt nguồn từ thuế sinh thái và buôn bán hạn ngạch phát thải khí CO2, vào quỹ chuyển đổi và khí hậu trong năm tới.
4, HDBank đẩy mạnh tín dụng cho kinh tế xanh
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Cộng hòa Pháp, hồi đầu tháng 11, HDBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác chiến lược DEG (định chế Tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức). Tổng giá trị thực hiện từ 200 tới 300 triệu USD. Các ký kết thỏa thuận đặt trên nền tảng hợp tác vì sự phát triển bền vững, tạo dựng các giá trị lâu dài cho nền kinh tế cũng như cộng đồng, xã hội.
Cũng trong chuyến thăm này, HDBank tiếp tục bắt tay cùng Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp). Theo đó, Proparco cấp cho HDBank khoản tín dụng thời hạn 5 năm với số tiền 50 triệu USD, đã giải ngân trong tháng 11 năm 2021. Và đến năm 2022, theo thỏa thuận ký kết, hai bên sẽ tăng cường hợp tác, xem xét tăng thêm hạn mức trị giá 50 triệu USD, nâng tổng hạn mức cấp cho HDBank lên 100 triệu USD.
5, Vương quốc Anh hỗ trợ xây dựng thị trường vốn xanh tại Việt Nam
Hội thảo “Báo cáo Khảo sát và Khuyến nghị hướng tới xây dựng Thị trường vốn xanh” đã được Đại sứ quán Anh phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức vào ngày 17/12/2021.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đánh giá bối cảnh ở Việt Nam, Ernst & Young đưa ra khuyến nghị về những nhóm hành động mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần nghiên cứu thực hiện để thúc đẩy thị trường vốn xanh, với các mục tiêu cụ thể bao gồm thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và cải thiện số lượng và chất lượng báo cáo ESG.
Nghiên cứu đã đề xuất một khung kế hoạch hành động thúc đẩy thị trường vốn xanh cùng lộ trình triển khai trong giai đoạn 5 năm, hướng tới xây dựng thị trường vốn xanh mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể chủ trì thực hiện hoặc tham gia phối hợp thực hiện với các bên liên quan, và các hành động cần ưu tiên triển khai ngay trong năm 2021 – 2022.
6, Vingroup huy động khoản vay hợp vốn xanh 400 triệu USD
Tập đoàn Vingroup vừa huy động thành công khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên trị giá 400 triệu USD, nhằm phát triển VinFast và các công ty thành viên.
Khoản vay hợp vốn này sẽ được sử dụng để phục vụ nhu cầu phát triển xanh, bền vững theo các khung tài chính bền vững đã được Vingroup công bố vào tháng 9/2021.
Các ngân hàng bảo lãnh thu xếp vốn cho giao dịch bao gồm BNP Paribas, Cathay United Bank, Credit Suisse, HSBC, Maybank và Taipei Fubon. Trong đó, Credit Suisse là ngân hàng đại lý và BNP Paribas, HSBC đóng vai trò ngân hàng đồng tư vấn cho giao dịch.
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP