Tóm tắt quy hoạch giao thông Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 – Tầm nhìn đến năm 2050

  • 25 Tháng mười, 2024
  • Đà Nẵng, thành phố ven biển tuyệt đẹp của Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch hàng đầu của đất nước. Thành phố nằm ở vị trí chiến lược của con đường hành chính bắc nam Việt Nam, kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm như Huế, Hội An và Quảng Nam với các khu vực phát triển mạnh mẽ khác trong cả nước. Quy hoạch giao thông tại Đà Nẵng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển bền vững và xây dựng nên một thành phố sôi động vươn lên là trung tâm kinh tế chính của cả nước. Bài viết này Sen Vàng Group sẽ Tóm tắt quy hoạch giao thông thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    I. Tổng quan Thành phố Đà Nẵng 

    1. Vị trí địa lý

    Đà Nẵng, thành phố nằm ở miền Trung Việt Nam, nằm giáp bên bờ biển Đông. Phía Bắc, Đà Nẵng giáp với tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Nam và Tây giáp tỉnh Quảng Nam; phía Đông hướng ra biển Đông mênh mông. Với vị trí trung tâm của đất nước, Đà Nẵng cách Hà Nội 765 km về phía Bắc và cách TP. Hồ Chí Minh 964 km về phía Nam. Không chỉ là điểm giao thoa giữa hai đầu đất nước, Đà Nẵng còn nằm trong bán kính 2.000 km từ nhiều trung tâm kinh tế – thương mại của Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tạo nên một vị trí chiến lược quan trọng.

    Đà Nẵng đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng ra biển cho Tây Nguyên và các quốc gia Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar thông qua Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC), kết thúc tại cảng Tiên Sa. Với vị trí nằm trên các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế, Đà Nẵng có tiềm năng phát triển bền vững.

    Thành phố là trung chuyển quan trọng cho Lào, quốc gia không giáp biển, và là tuyến đường thay thế chiến lược giúp Thái Lan và Myanmar tiếp cận biển Đông. Đà Nẵng cũng có các đường bay trực tiếp đến các trung tâm kinh tế khu vực như Thẩm Quyến, Băng Cốc, Hồng Kông và Singapore, tạo cơ hội phát triển cụm logistics và trung tâm thương mại hiện đại, kết nối Đông Nam Á qua mạng lưới giao thông đa dạng.

    Đà Nẵng nằm trong vị trí trung tâm của châu Á. Nguồn: senvangdata.com

    2. Dân số

    Năm 2023, Đà Nẵng xếp thứ 9 về dân số trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nhưng có mật độ dân số cao nhất. Mặc dù số lao động trên 15 tuổi chỉ đứng thứ 8/14 tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động được đào tạo cao nhất khu vực, cho thấy tiềm năng nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững.

    Dân số Đà Nẵng so với các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Nguồn: senvangdata.com

    Quận Liên Chiểu có dân số đông nhất Đà Nẵng với 218.497 người, nhưng mật độ dân số chỉ xếp thứ tư (2.938 người/km²). Trong khi đó, huyện Hòa Vang có diện tích lớn nhất (733,17 km²) nhưng mật độ dân cư thưa thớt nhất, chỉ 209 người/km².

    Mật độ dân số Đà Nẵng. Nguồn: senvangdata.com

    Mức độ đô thị hóa của Đà Nẵng rất cao, với 87,7% dân số sống tại khu vực thành thị, cao gấp 7 lần so với dân số nông thôn. Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ và sôi động của thành phố ven biển này. 

    Bảng so sánh tỉ suất xuất – nhập cư thành phố Đà Nẵng. Nguồn: senvangdata.com

    Năm 2023, Đà Nẵng đạt tỷ suất nhập cư 15,8‰, cao nhất trong các tỉnh lân cận, cho thấy sức hút mạnh mẽ của thành phố với dân cư và nguồn lao động. Tỷ suất di cư thuần cũng dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, đạt 13,3‰, trong khi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 12,4‰, tiếp tục cao nhất khu vực. Những số liệu này phản ánh sự gia tăng dân cư di cư đến Đà Nẵng, góp phần quan trọng vào sự phát triển và mở rộng của thành phố.

    3. Kinh tế

    Báo cáo của Cục Thống kê cho thấy tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng trong quý III năm 2024 ước tăng 8,59% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng cao hơn so với quý I và quý II cùng năm. Khu vực công nghiệp – xây dựng phục hồi mạnh mẽ và đóng góp nổi bật vào sự gia tăng này. Tính chung 9 tháng năm 2024, GRDP của Đà Nẵng ước tăng 6,47%, vượt qua mức tăng của cùng kỳ năm trước và xếp thứ 42/63 địa phương về tốc độ tăng trưởng GRDP.

    Kinh tế Đà Nẵng 9 tháng đầu nằm 2024. Nguồn: senvangdata.com

    Xem thêm: Báo cáo nghiên cứu thị trưởng Thành phố Đà Nẵng

    Trong 9 tháng năm 2024, quy mô kinh tế Đà Nẵng ước đạt hơn 111.589 tỷ đồng, tăng hơn 11.726 tỷ so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực dịch vụ mở rộng lớn nhất với hơn 9.043 tỷ đồng. Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí thứ 17/63 về quy mô GRDP cả nước và dẫn đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

    Cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng đang chuyển dịch mạnh mẽ, tập trung vào dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, trong khi nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ, cụ thể:

    Dịch vụ: Đây là ngành đóng góp lớn nhất, chiếm khoảng 65-70% GDP của thành phố. Các lĩnh vực trọng điểm bao gồm du lịch, thương mại, logistics, tài chính và bất động sản. Đà Nẵng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm nhờ có bãi biển đẹp và các điểm tham quan nổi tiếng. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống trong tháng 9/2024 ước tính đạt 2.421,2 tỷ đồng. Trong quý III năm 2024, tổng doanh thu của lĩnh vực này ước đạt 7.674,7 tỷ đồng, tăng 11,0% so với quý trước và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Công nghiệp và xây dựng: Chiếm khoảng 25-30% GDP, ngành này tập trung phát triển khu công nghiệp, công nghệ cao và cơ sở hạ tầng hiện đại, bao gồm cầu đường, sân bay và cảng biển. Các lĩnh vực chủ yếu là sản xuất, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí và chế biến thực phẩm. 8 tháng đầu nằm 2024 tăng trưởng công nghiệp đạt 4,3% so với cùng kỳ năm 2023, với 3/4 ngành chính có mức tăng trưởng dương: sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 12,8%, công nghiệp chế biến tăng 4,2%, cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,5%. Một số sản phẩm chủ lực có mức tăng mạnh như vải dệt từ sợi bông tăng 78,6%, cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng 76,7%, và dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay tăng 52,5%.

    Nông nghiệp: Chiếm khoảng 2-3% GDP, ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò cung cấp lương thực và thực phẩm cho thành phố và vùng lân cận, với các lĩnh vực chính là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

    II. Hiện trạng giao thông thành phố Đà Nẵng

    Tổng quan hệ thống giao thông

    1. Đường bộ

    Hiện trạng kết nối giao thông của Đà Nẵng với các đầu mối giao thông hành khách và hàng hóa khá hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho di chuyển và vận tải.

    • Kết nối cảng biển: Quốc lộ 14B là tuyến chính kết nối cảng Tiên Sa với Quốc lộ 1 và đường cao tốc Bắc – Nam (phục vụ các tỉnh Nam Trung Bộ). Cảng Liên Chiểu được kết nối qua Quốc lộ 1 và đường tránh Nam Hải Vân – Túy Loan đến đường cao tốc Bắc – Nam và Quốc lộ 14B (kết nối các tỉnh Tây Nguyên).
    • Kết nối Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng: Hành khách dễ dàng tiếp cận sân bay từ đường cao tốc hoặc Quốc lộ 1 qua các tuyến đô thị như trục Bà Nà – Suối Mơ, Hoàng Văn Thái, Điện Biên Phủ và Nguyễn Tri Phương, cũng như từ Quốc lộ 14B và đường Nguyễn Hữu Thọ.
    • Kết nối ga đường sắt: Kết nối đến ga Đà Nẵng thuận tiện từ các hướng khác nhau, với Quốc lộ 1 và các tuyến Điện Biên Phủ – Lê Duẩn từ phía Bắc; trục Bà Nà – Suối Mơ và Hoàng Văn Thái từ phía Tây; và Quốc lộ 14B cùng đường Nguyễn Hữu Thọ từ phía Nam.

    Bản đồ các tuyến đường kết nối Thành phố Đà Nẵng. Nguồn: senvangdata.com

    2. Đường sắt

    Tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua Đà Nẵng dài khoảng 30 km, gồm các ga Đà Nẵng, Thanh Khê, Kim Liên và Hải Vân Nam. Ga Đà Nẵng không chỉ phục vụ các chuyến tàu Bắc – Nam mà còn nhiều chuyến tàu địa phương giữa Đà Nẵng và các tỉnh như Huế, Quảng Bình, Vinh, Quy Nhơn, và TP. Hồ Chí Minh. Nằm trong quận Thanh Khê, ga Đà Nẵng là đầu mối giao thông chính với diện tích 24 ha, chiếm 2,6% tổng diện tích đất của quận, phục vụ khoảng 20 lượt tàu hàng ngày với lượng hành khách và hàng hóa lớn

    Tuy nhiên, mạng lưới đường sắt hiện tại đi vào khu nội thành và cắt ngang nhiều tuyến đường đô thị, gây ùn tắc giao thông và nguy cơ tai nạn. Ga có 13 đường ray (4 đường đón trả khách, 6 đường tập kết, 2 đường xếp dỡ và 1 đường sửa chữa) với diện tích nhà ga là 1.000 m², cho thấy rằng cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để nâng cao hiệu quả vận tải và đảm bảo an toàn cho người dân.

    Ga Đà Nẵng. Nguồn: Sen vàng tổng hợp

    3. Đường hàng không

    Sân bay Đà Nẵng là sân bay hỗn hợp phục vụ cả quân sự và dân dụng, với tổng diện tích khoảng 1.100 ha (850 ha sân bay và 150 ha phục vụ dân dụng). Cách trung tâm thành phố 5 km, sân bay đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sân bay miền Trung Việt Nam, cung cấp dịch vụ không lưu cho các tuyến bay quốc tế. Sản lượng hàng hóa đạt 59.000 tấn năm 2017 (tăng 22,6% so với năm trước) và 13,3 triệu lượt khách năm 2018 (tăng 24,1%). Mỗi ngày, sân bay phục vụ khoảng 100 chuyến bay và 10.000 hành khách, khẳng định vị thế là một trong những cảng hàng không sôi động nhất khu vực.

    Sân bay Đà Nẵng. Nguồn: Sen vàng tổng hợp

    4. Đường thủy

    Đà Nẵng có mạng lưới sông ngòi phong phú dài khoảng 155 km, với hơn 300 tàu thuyền hoạt động. Hàng ngày, hàng trăm phương tiện thủy từ Quảng Nam tham gia vận chuyển hàng hóa trên các tuyến sông. Các con sông chủ yếu bắt nguồn từ phía Tây và Tây Bắc, chảy ra cửa biển Đà Nẵng. Lòng sông rộng trung bình 120 m và sâu 3,5 m, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thủy.

    Hiện tại, Đà Nẵng có 14 tuyến sông, trong đó 6 tuyến sông chính đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông đường thủy của thành phố bao gồm:

    • Sông Vĩnh Điện
    • Sông Yên
    • Sông Túy Loan
    • Sông Cẩm Lệ
    • Sông Hàn
    • Sông Cu Đê

    Mạng lưới sông ngòi này không chỉ góp phần quan trọng vào hệ thống giao thông vận tải của thành phố mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại địa phương.

    III. Quy hoạch giao thông  giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

    1. Đường bộ

    Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển giao thông, với 25%-35% lưu lượng giao thông công cộng vào năm 2045 và đạt 52 km đường cao tốc trên mỗi triệu dân. Thành phố Đà Nẵng đã và đang nỗ lực để hoàn thiện các con đường:

    Đường cao tốc Quốc gia:

    • Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với quy mô 4-6 làn xe nền đường rộng 25.5 m đã được xây dựng và đưa vào khai thác với chiều dài qua địa phận Đà Nẵng dài 7.97 km kết nối Đà Nẵng (nút giao thông khác mức Túy Loan), 
    • Cao tốc La Sơn – Túy Loan (nối Đà Nẵng với Thừa Thiên Huế) khánh thành tháng 12/2022, kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tại nút giao Túy Loan. 
    • Đường Hồ Chí Minh đang xây dựng kết nối với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

    Bên cạnh đó, thành phố cũng đề suất xây dựng tuyến đường gom song song với cao tốc từ nút giao Hòa Liên đến khu công nghiệp Hòa Cầm nhằm tạo thuận lợi kết nối với các khu công nghiệp dọc tuyến.

    Đề suất tuyến cao tốc CT.21 (Đà Nẵng – Thạch Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y, Kon Tum) vào quy hoạch Đà Nẵng giai đoạn sau năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến CT.21 sẽ kết nối Đà Nẵng với Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và đi qua Thạnh Mỹ theo hướng đường Hồ Chí Minh đến thị trấn Plei Kần, sau đó theo QL.40 lên cửa khẩu Bờ Y. Thêm vào đó là Tuyến CT.21 kết nối Đà Nẵng với các tỉnh Tây Nguyên nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa qua cảng Đà Nẵng. Đoạn cao tốc Đà Nẵng – Thạch Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y trùng với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Tuyến tách ra từ nút giao trạm thu phí Phong Thử tại Quảng Nam.

    Mạng lưới kết nối giao thông thành phố. Nguồn: senvandata.com

    Quốc lộ:

    • Quốc lộ 1: Đoạn qua Đà Nẵng từ Hải Vân đến Hòa Phước có tổng chiều dài 37,2 km. Đường QL1 hiện có và kết hợp phần Đường hầm Hải Vân tạo thành trục liên kết Bắc và Nam.
    • QL14B ( Dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 với quy mô 04 làn xe cơ giới và 02 làn xe hỗn hợp/ QL14B đoạn qua địa bàn thành phố dài 32,126 km) và QL14G (oạn qua địa bàn thành phố dài 25km, có bề rộng mặt đường 4,5-9m, tương ứng đường cấp IV, 02 làn xe) được nâng cấp và mở rộng để cải thiện kết nối với các khu vực xung quanh. 
    • Hầm Hải Vân: duy trì và nâng cấp hầm dài nhất ở Đông Nam Á có chiều dài 6.28km, nằm trên quốc lộ 1 giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế ở miền Trung. Hiện nay đã hoàn thành và đang khai thác.
    • Tuyến đường tránh Nam Hải Vân – Túy Loan gồm hai đoạn gồm: Đoạn từ Km7+923 (cửa phía Nam hầm Hải Vân) đến Km12+00 (nút giao Tạ Quang Bửu) dài 4,077 km, mặt đường rộng 20,5 m, cấp II với 6 làn xe và Đoạn từ Km12+00 (nút giao Tạ Quang Bửu) đến Km30+283 (giao QL.14B) dài 18,283 km, mặt đường rộng 11 m, cấp III với 2 làn xe.

    Xem thêm: Báo cáo nghiên cứu thị trưởng Thành phố Đà Nẵng

    Đường vành đai:

    • Đường Vành Đai phía Tây kết nối đường tránh Nam hầm Hải Vân với QL14B, giúp giảm tải giao thông cho khu vực trung tâm Đà Nẵng.
    • Tuyến đường vành đai thành phố bao gồm đường Vành đai phía Nam (Hòa Phước – Hòa Khương), Vành đai phía Tây (Đoạn QL14B- đến khu CNTTTT) đã được xây dựng và đi vào hoạt động tháng 05/2024.

    2. Đường sắt

    Đến năm 2030, Đà Nẵng định hướng phát triển đường sắt như sau:

    • Xây dựng tuyến đường sắt Bắc Nam tốc độ cao song song với đường cao tốc Bắc Nam.
    • Xây dựng ga đường sắt mới tại nút giao giữa cao tốc Bắc Nam và đường Bà Nà – Suối Mơ, phát triển thành trung tâm đô thị mới phía Tây, kết nối trực tiếp với sân bay quốc tế Đà Nẵng và trung tâm thành phố.
    • Di dời ga đường sắt cũ ra khỏi trung tâm để tái phát triển khu vực này thành không gian sử dụng hỗn hợp.
    • Xây dựng ga đường sắt hàng hóa tại khu vực cảng Liên Chiểu để kết nối với đường sắt Quốc gia và các khu công nghiệp.
    • Phát triển thêm đường sắt đô thị gồm mạng lưới MRT: Đà Nẵng quy hoạch 02 tuyến MRT (Mass Rapid Transit) đến năm 2030 nhằm phát triển hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao với khối lượng vận chuyển hành khách lớn. Bên cạnh đó là mạng lưới LRT từ nay đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ quy hoạch 11 tuyến LRT, kết nối với MRT và các trung tâm đô thị, bao gồm các tuyến tramway ven biển và ven sông Hàn, nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng cho thành phố. Dự kiến xây dựng03 tuyến LRT du lịch hoặc phương thức tương đương. Một số tuyến sẽ sử dụng quỹ đất đường ray sẵn có của đường sắt quốc gia sau khi di dời ga cũ, kết hợp tái phát triển đô thị theo hướng TOD. Cũng sẽ xây dựng tuyến giao thông công cộng kết nối Đà Nẵng với Hội An và Lăng Cô (Huế).

    Hệ thống đường sắt đô thị thành phố Đà Nẵng. Nguồn: senvangdata.com

    3. Đường thủy

    Đà Nẵng tiếp tục phát triển du lịch bằng cách mở rộng các tuyến đường thủy nội địa dọc sông Hàn, Cu Đê, Túy Loan, Cẩm Lệ, và khu vực xung quanh bán đảo Sơn Trà. Các tuyến đường thủy được đề xuất để kết nối Đà Nẵng với Hội An qua sông Cổ Cò và sông Vĩnh Điện, cũng như từ Vịnh Đà Nẵng đến Cù Lao Chàm, nhằm phát triển du lịch trong tương lai.

    Tuyến 1: Sông Hàn – Sông Vĩnh Điện – Sông Thu Bồn, dài 67 km (28 km từ sông Hàn đến Vĩnh Điện và 39 km đến Hội An). Cần khảo sát chiều cao và độ sâu để chọn loại tàu phù hợp.

    Tuyến 2: Sông Hàn – Sông Cổ Cò – Sông Thu Bồn, dài 37 km, nơi cần nạo vét bùn và nghiên cứu độ sâu để xác định loại tàu sử dụng.

    Tuyến 3: Vịnh Đà Nẵng – Cù Lao Chàm, dài 50 km, khuyến khích tàu cao tốc.

    Các tuyến sông rộng từ 20m đến 45m sẽ phục vụ cho tàu du lịch và tàu cao tốc. Bờ sông có vùng đệm 10m cho bảo trì, và kiến trúc hai bên cần hài hòa với cảnh quan xung quanh, tích hợp với quy hoạch đô thị.

    Cảng thủy biển

    Định hướng đến năm 2030: Đà Nẵng phát triển cảng biển thành cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò cửa ngõ quốc tế miền Trung (loại IA) gồm:

    Cảng Liên Chiểu: Nằm ở Bắc vịnh Đà Nẵng, sẽ thay thế cảng Tiên Sa, phục vụ logistics và vận chuyển hàng hóa. Cảng này tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn và tàu container 8.000 TEU, với công suất 46 triệu tấn trên diện tích 245 ha (bao gồm mặt nước và 195 ha hậu cần cảng).

    Cảng Tiên Sa: Sau khi cảng Liên Chiểu hoạt động, sẽ chuyển đổi thành cảng du lịch, trở thành nút du lịch quan trọng của thành phố sau năm 2030.

    Khu bến Thọ Quang: Cảng tổng hợp cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn, với bến chuyên dụng cho tàu từ 5.000 đến 10.000 tấn.

    Cảng biển Đà nẵng. Nguồn: senvangdata.com

    Cảng cạn

    Định hướng phát triển cảng cạn kết hợp Trung tâm logistics Hòa Nhơn – Hòa Vang tại giao cắt giữa đường Hoàng Văn Thái và cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đang trong giai đoạn triển khai đầu tư.

    Mục tiêu đến năm 2030: Phát triển hệ thống cảng cạn với khả năng thông qua 25%-35% nhu cầu hàng hóa container xuất nhập khẩu, hình thành các cảng cạn với tổng công suất từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.

    Định hướng đến năm 2050: Xây dựng hệ thống cảng cạn thành đầu mối vận tải, trung chuyển, và phân phối hàng hóa, đáp ứng 30%-35% nhu cầu hàng hóa container xuất nhập khẩu và cung cấp dịch vụ logistics cho các địa phương.

    Quy hoạch trung tâm Logistics Hòa Vang. Nguồn: Senvangdata.com

    4. Đường hàng không

    Giai đoạn 2021-2030:

    • Mở rộng nhà ga hành khách hoặc xây dựng thêm một nhà ga, nâng công suất lên 25 triệu hành khách/năm.
    • Mở rộng hoặc xây dựng nhà ga hàng hóa mới với công suất 100.000 tấn/năm.
    • Mở rộng sân đỗ để đáp ứng nhu cầu khai thác và đỗ tàu bay qua đêm; xây dựng khu hàng không dân dụng, bao gồm sân đỗ ô tô và các công trình phụ trợ.

    Giai đoạn 2030-2050:

    • Mở rộng nhà ga hành khách hoặc xây dựng thêm một nhà ga, nâng công suất lên 30 triệu hành khách/năm.
    • Mở rộng hoặc xây dựng nhà ga hàng hóa mới với công suất từ 200.000-300.000 tấn/năm.
    • Tiếp tục mở rộng sân đỗ và xây dựng khu hàng không dân dụng đồng bộ với nhà ga hành khách.

    Sơ đồ các nút giao thông quan trọng. Nguồn: Sen vàng tổng hợp

    Các dự án trọng điểm 

    Trên đây là những thông tin tổng quan về “Tóm tắt quy hoạch giao thông Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 – Tầm nhìn đến năm 2050”  do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thêm những thông tin về một trong những tiêu chí cần cân nhắc, xem xét trước khi đầu tư. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về tư vấn phát triển dự án, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web https://senvangdata.com.vn/. 

     

    ————————–

    Dịch vụ tư vấn Báo cáo phát triển bền vững: Xem chi tiết

    Xem thêm các dịch vụ / tài liệu khác của Sen Vàng : 

    Dịch vụ tư vấn  

    Tài liệu

    Báo cáo nghiên cứu thị trường

    ————————–

    Khóa học Sen Vàng: 

    Xây dựng tiêu chí lựa chọn Bất động sản

    Khóa học R&D – Nghiên cứu và phát triển bất động sản

    Hoạch định chiến lược đầu tư bất động sản cá nhân 

    —————————

    Bất động sản Sen Vàng – Đơn vị tư vấn phát triển dự án bất động sản uy tín, chuyên nghiệp Việt Nam

    Website: https://senvanggroup.com/

    Website: https://senvangdata.com/

    Youtube: https://tinyurl.com/vt82l8j

    Hotline: 0948 48 48 59

    Group cộng đồng Kênh đầu tư Sen Vàng : https://zalo.me/g/olgual210

    #senvanggroup #senvangrealestate #kenhdautusenvang  #dịch_vụ_tư_vấn_phát_triển_dự_án #thị_trường_bất_động_sản_2023 #phat_triển_dự_án #tư_ vấn_chiến _ lược_kinh_doanh #xây_dựng_kế_hoạch_phát_triển #chiến_lược_tiếp_thị_dự_án

     

    Thẻ : các tuyến đường sắt, báo cáo nghiên cứu thị trường, đường thủy, truyền thông bất động sản, hàng không, đường sắt bắc nam, Hạ tầng giao thông Đà nẵng, cảng cạn, Cảng biển Đà Nẵng, cảng biển, Bản đồ thành phố Đà Nẵng, khóa học bất động sản, Nghiên cứu phát triển, cơ cấu dân số, senvangdata, #dịch_vụ_tư_vấn_phát_triển_dự_án, Chỉ số kinh tế, Đường sắt đô thị, khóa học, hệ thống hàng không, giao thông, senvaggroup, đường bộ,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!