Tóm tắt quy hoạch du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
14 Tháng bảy, 2024
Trong những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã và đang khẳng định vị thế của mình như một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam. Với bờ biển dài, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, và nền văn hóa phong phú, Bà Rịa Vũng Tàu không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn ngày càng trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng của ngành du lịch, tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch quy hoạch du lịch cho giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch này không chỉ đặt ra những mục tiêu phát triển cụ thể mà còn xác định những giải pháp và định hướng chiến lược nhằm phát huy tối đa tiềm năng du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường bền vững.
Khu vực kinh tế khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng cao nhất, song có xu hướng giảm dần từ 52,74% năm 2010 xuống 49,65% năm 2015 và còn 45,82% năm 2020.
Nguồn lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh đang làm việc năm 2020 là 577.656 người, tăng bình quân 1,14%/năm (giai đoạn 2011-2020), chiếm 96,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. (2).
Năng suất lao động của tỉnh giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 3,8%/năm (trừ dầu khí), thấp hơn so với mức tăng bình quân của cả nước (5,1%/năm). Tuy vậy so với cả nước, NSLĐ của tỉnh vẫn đứng ở mức cao, năm 2020, năng suất lao động (trừ dầu khí) theo giá trị tăng thêm (giá hiện hành) đạt bình quân 297 triệu đồng/người, cao gấp 2,8 lần năng suất lao động bình quân chung cả nước (105,9 triệu đồng/người) và cao hơn 1,13 lần so với bình quân chung của vùng Đông Nam bộ (266,7 triệu đồng/người).
Tài nguyên cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học
Tài nguyên biển của Bà Rịa – Vũng Tàu được đánh giá cao, với ba loại tài nguyên du lịch chính: bờ biển, hệ sinh thái liền bờ và tài nguyên đảo. Bờ biển dài và đẹp, có nhiều bãi cát, nước biển trong xanh, ít tạp chất, độ mặn và nhiệt độ phù hợp, thuận lợi cho các loại hình du lịch. Các bãi biển nổi bật gồm Bãi Dâu, Bãi Trước, Bãi Dứa, Bãi Sau tại TP. Vũng Tàu; Long Hải (huyện Long Điền), Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Hồ Tràm, Hồ Cốc, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Côn Đảo với 16 hòn đảo, trung tâm là Đảo Côn Sơn, có nhiều bãi tắm đẹp như Bãi Đất Dốc, Bãi ông Đụng, Bãi Đầm Trầu, Bãi An Hải, Bãi Nhát, Bãi Lò Vôi.
Nguồn: Sen Vàng tổng hợp
Về đa dạng sinh học, Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều hệ sinh thái đa dạng, bao gồm rừng, biển, và núi, tạo nên nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú. Những địa điểm nổi bật gồm Vườn Quốc gia Côn Đảo (Khu Ramsar, bảo tồn rùa biển), Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu (với gần 11.000 ha rừng đặc dụng), và suối nước khoáng nóng Bình Châu. Các địa điểm khác như Rừng Bàu Sen, Thác Hòa Bình, Quần thể Núi Dinh, Núi Lớn và Núi Nhỏ tại TP. Vũng Tàu, Núi Minh Đạm, và Khu vực rừng ngập mặn Gò Găng đều là những điểm đến lý tưởng cho du lịch sinh thái.
Tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử
Văn hóa vật thể: Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đa dạng và chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai, với 48 di tích được công nhận, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh. Các di tích nổi bật gồm Tổ đình Thiên Thai, Linh Sơn Cổ tự, Đình Thắng Tam, Thích Ca Phật Đài, và Khu di tích nhà tù Côn Sơn tại Côn Đảo.
Nguồn: Sen Vàng tổng hợp
Văn hóa phi vật thể: Bà Rịa – Vũng Tàu có 212 lễ hội, gồm lễ hội văn hóa truyền thống, lễ hội cộng đồng tôn giáo và lễ hội tưởng niệm. Một số lễ hội tiêu biểu như lễ hội Miếu Bà, lễ hội nghênh rước Cá Ông tại Đình Thắng Tam, lễ hội Dinh Cô ở Long Hải, thu hút nhiều du khách. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như hát hò khoan – chèo cạn, múa bông – mâm ngũ sắc, đua ghe, đua thuyền thúng.
Làng nghề truyền thống: Một số làng nghề nổi tiếng gồm Bánh Hỏi, Bánh Tét Bắp, Bánh Tráng, làng Rượu Hòa Long, làm mỹ nghệ từ sò ốc, nghề đúc đồng ở Long Điền, làng chài Phước Hải, và làng bún Long Kiên, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Văn hóa ẩm thực: Bà Rịa – Vũng Tàu nổi tiếng với các món hải sản phong phú và đa dạng, cùng với các món ăn đặc trưng mang hương vị quê hương như bánh hỏi An Nhứt, bánh khọt Vũng Tàu, bánh canh Long Hương, bánh bèo Tuyết Mai, bánh xèo Long Hải. Các món đặc sản từ biển như cháo hàu, lẩu súng Phước Hải, gỏi cá mai, ốc len xào dừa, tôm một nắng, và cua rang muối-me cũng rất nổi tiếng.
Vai trò động lực của du lịch Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong phát triển du lịch quốc gia
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong ba tỉnh/thành thuộc khu vực động lực phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ. Tỉnh nổi bật với các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch MICE (hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm); du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí; du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch giải trí cuối tuần; du lịch thể thao; và du lịch mua sắm. Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch gồm TP. Vũng Tàu, thị trấn Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu và Côn Đảo. Đặc biệt, khu du lịch Long Hải – Phước Hải và Côn Đảo được xác định có tiềm năng phát triển thành hai khu du lịch quốc gia. Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị, TP. Vũng Tàu được định hướng trở thành đô thị du lịch quốc gia, trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.
Định hướng phát triển ngành dịch vụ du lịch Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Định hướng phát triển ngành dịch vụ du lịch
(1) Mục tiêu phát triển
Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu phát triển du lịch thành một trong năm trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh. Ngành du lịch của tỉnh không chỉ có sức cạnh tranh trong nước mà còn quốc tế, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á. Thông qua phát triển du lịch, tỉnh sẽ không ngừng xây dựng và quảng bá tiềm năng, thế mạnh của mình, xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện với du khách trong và ngoài nước, góp phần thu hút đầu tư và nâng cao hiểu biết của du khách về tỉnh. Cụ thể, các mục tiêu bao gồm:
Tổ chức tổng thể không gian du lịch trên địa bàn tỉnh, liên kết các không gian du lịch trong tỉnh và không gian du lịch các vùng có liên quan, quốc gia và quốc tế.
Phát triển du lịch tập trung tại hành lang ven biển phía Đông Nam từ Vũng Tàu đến Bình Châu, bao gồm chuỗi sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, đảo, du lịch thể thao – giải trí, văn hóa, sinh thái, y tế du lịch, bất động sản du lịch gắn với phát triển hệ thống đô thị du lịch.
Phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Phát triển các khu du lịch quốc gia Long Hải – Phước Hải, Hồ Tràm – Bình Châu, hình thành chuỗi sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch thể thao – giải trí, văn hóa, sinh thái, y tế du lịch, bất động sản du lịch gắn với phát triển hệ thống đô thị du lịch.
Phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo mô hình du lịch chất lượng cao gắn với phát triển đô thị biển đảo, bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, hướng tới phân khúc khách thượng lưu; Phát triển du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; gắn hoạt động du lịch với mục tiêu gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, sinh thái và bảo vệ môi trường.
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, trong đó tập trung vào: (i) Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; (ii) Du lịch gắn liền với các dịch vụ thể thao, văn hóa, vui chơi giải trí; (iii) Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng (Homestay); (iv) Du lịch hội nghị, hội thảo; tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao; (v) Du lịch tham quan di tích lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa, sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa, lịch sử; (vi) Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 10 – 12%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng bình quân 12-14%/năm.
Doanh thu từ các hoạt động du lịch giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 10-13%/năm, giai đoạn 2026-2030 tăng bình quân 14-17%/năm. VA du lịch đóng góp khoảng 12-14% vào VA ngành dịch vụ (khoảng 1,2-3,5% GRDP không bao gồm dầu khí) của tỉnh vào năm 2025 và khoảng 11-14% VA dịch vụ (khoảng 2,5 – 4,0% GRDP) của tỉnh vào năm 2030.
(2) Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch
Dựa trên tiềm năng và các yếu tố, điều kiện đặc thù, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phát triển các sản phẩm du lịch theo các nhóm chính:
Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo: Tận dụng lợi thế bờ biển dài và thoải, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo sẽ là sản phẩm du lịch chủ yếu của tỉnh. Đối với các khu du lịch biển Vũng Tàu, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển và các sản phẩm du lịch chất lượng cao sẽ tập trung tại các bãi biển Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Linh, Hồ Cốc, Hồ Tràm, và Côn Đảo.
Du lịch gắn liền với các dịch vụ thể thao vui chơi giải trí: Phát triển các công trình vui chơi giải trí cao cấp mang tầm quốc tế như sân Golf, dịch vụ casino, thể thao tại các khu du lịch trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, TP. Vũng Tàu, và huyện Côn Đảo. Quy hoạch các địa điểm phát triển các dịch vụ giải trí ban đêm như quán bar, cửa hàng mua sắm, ẩm thực, biểu diễn văn nghệ đường phố.
Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng (Homestay): Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gắn với việc nghiên cứu hệ sinh thái, khám phá đa dạng sinh học trên cạn, dưới nước và vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn. Đối tượng khách du lịch là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, sinh viên từ các trường đại học, cán bộ công nhân viên của các Viện nghiên cứu và các trung tâm bảo tồn.
Du lịch hội nghị, hội thảo (MICE): Phát triển chiến lược du lịch hội nghị, hội thảo, tăng cường liên kết giữa việc tổ chức các sự kiện với du lịch. Các trung tâm hội nghị và triển lãm sẽ giúp tỉnh thu hút thêm đối tượng khách kết hợp công tác và nghỉ dưỡng.
Du lịch tham quan di tích lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa: Phát triển sản phẩm du lịch gắn liền với các điểm chùa, đình, tượng; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp: Hình thành trung tâm nghỉ dưỡng gần Suối nước nóng Bình Châu hoặc gần các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Xuyên Mộc. Cung cấp các dịch vụ mát xa, trị liệu bằng thảo dược và tắm hơi chất lượng cao.
Nguồn: Sen Vàng tổng hợp
Nguồn: Senvangdata.com
(3) Định hướng liên kết phát triển du lịch
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ liên kết với các địa phương lân cận để hình thành các vành đai du lịch nhằm phát huy thế mạnh liên kết vùng đến năm 2030. Các tuyến du lịch văn hóa, khám phá thiên nhiên, sông nước và biển đảo, và kinh doanh & MICE sẽ được thiết lập với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
(4) Định hướng phát triển thị trường khách du lịch
Thị trường khách du lịch quốc tế: Duy trì khai thác thị trường truyền thống như các nước Đông Âu, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Úc. Mở rộng thị trường mới nổi có số lượng khách tăng như Ấn Độ, khu vực Trung Đông. Tập trung khai thác mạnh thị trường chính như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Thị trường khách du lịch nội địa: Tập trung khai thác khách du lịch là dân cư, cán bộ, công nhân viên từ các trung tâm du lịch, đô thị, trong vùng như TP. Hồ Chí Minh, TP. Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Chú trọng khai thác thị trường công nhân viên tại các khu công nghiệp, nhà máy, công ty.
(5) Định hướng tổ chức không gian du lịch
TP. Vũng Tàu và phụ cận (Long Sơn, Gò Găng): Định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch thương mại, công vụ, hội nghị – hội thảo (MICE); vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí gắn liền với tài nguyên biển, ẩm thực, du lịch văn hóa gắn liền với di tích lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa.
Thị trấn Long Hải, thị trấn Phước Hải và phụ cận: Phát triển thành các khu du lịch quốc gia Long Hải – Phước Hải khu nghỉ dưỡng ven biển.
Các đô thị mới Hồ Tràm và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc): Định hướng phát triển thành khu du lịch nghỉ dưỡng và thiên nhiên, giải trí chất lượng cao và có vị thế quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam, khu vực và quốc tế.
Côn Đảo: Phát triển thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa – lịch sử chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế.
(6). Định hướng phát triển các cụm du lịch
Giai đoạn 2021-2030, du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục tập trung phát triển 5 cụm du lịch chủ yếu như sau:
Cụm du lịch TP. Vũng Tàu và phụ cận (Long Sơn, Gò Găng): Gồm TP. Vũng Tàu và phụ cận (Long Sơn, Gò Găng) nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cụm du lịch Long Hải – Phước Hải và phụ cận: Gồm địa bàn 02 huyện Long Điền và Đất Đỏ, dọc theo QL55 và TL44A, gắn liền với tài nguyên biển, tài nguyên sinh thái, di tích lịch sử núi Minh Đạm, Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên, Dinh Cô, Tổ đình Thiên Thai, cộng đồng làng chài ven biển.
Cụm du lịch Hồ Tràm – Bình Châu: Là cụm du lịch nằm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, phát triển khu vực Hồ Tràm – Bình Châu thành khu du lịch quốc gia vào năm 2030, gắn liền với sản phẩm du lịch cao cấp tại Khu du lịch Hồ Tràm, du lịch sinh thái – chữa bệnh Bình Châu; du lịch biển Bến Cát – Lộc An gắn liền với di tích Bia tưởng niệm tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển và Hồ Cốc.
Cụm du lịch huyện Côn Đảo: Phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo hướng khu du lịch sinh thái biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Cụm du lịch TP. Bà Rịa – Phú Mỹ – Châu Đức: Là cụm du lịch gắn liền với sản phẩm du lịch của TP. Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ với cảnh quan sinh thái, kết nối sản phẩm du lịch nằm trên tuyến đường QL51.
Định hướng phát triển vùng chức năng du lịch và đô thị du lịch ven biển Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Vùng chức năng du lịch và đô thị du lịch ven biển được bố trí không gian tập trung ở khu vực phía Đông Nam của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Phạm vi không gian vùng
a) Phạm vi không gian:
Hướng Đông Bắc – Tây Nam: Từ ranh giới với tỉnh Bình Thuận đến thành phố Vũng Tàu.
Hướng Tây Bắc – Đông Nam: Từ dọc quốc lộ 55 và phía Đông Nam quốc lộ 51 (đường Võ Nguyễn Giáp – 30/4) đến khu vực ven biển dọc đường tỉnh ĐT.994.
Địa giới hành chính: Thành phố Vũng Tàu, các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.
Chức năng: Chủ yếu phát triển du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch.
Định hướng chức năng phát triển vùng
Trục động lực phát triển du lịch và đô thị du lịch ven biển sẽ được hình thành dọc theo tuyến đường ven biển (ĐT.994) kết nối giữa các đô thị động lực từ TP. Vũng Tàu đến Phước Bửu, tạo nền tảng hình thành Trung tâm du lịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chức năng: Không gian phát triển dịch vụ du lịch, bất động sản; phát triển các khu đô thị, dân cư ven biển; không gian bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên trên tuyến (khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, rừng phòng hộ trên núi Minh Đạm, rừng phòng hộ ngập mặn Lộc An – Hồ Tràm, Vũng Tàu – Bà Rịa – Long Điền); các hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản theo mô hình nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ với quy mô hợp lý để đảm bảo không ảnh hưởng tới phát triển du lịch và phục vụ cho phát triển du lịch.
Các chức năng chính của hành lang đô thị – dịch vụ – du lịch Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bao gồm:
Hệ sinh thái chuỗi đô thị dịch vụ du lịch: Bao gồm TP. Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa, các thị trấn Long Điền, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hòa Bình, Bình Châu, Phước Bửu, Đất Đỏ.
Trên đây là những thông tin tổng quan về “Tóm tắt quy hoạch du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thêm những thông tin về một trong những tiêu chí cần cân nhắc, xem xét trước khi đầu tư. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về tư vấn phát triển dự án, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web senvangdata.com/.
————————–
Xem thêm các dịch vụ / tài liệu khác của Sen Vàng :