Thông tin tổng quan tỉnh Lạng Sơn

  • 1 Tháng mười một, 2022
  • Lạng Sơn hay được người ta yêu thương gọi là “Đà Lạt” vùng Đông Bắc, là nơi có danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình, nhiều di tích lịch sử cùng với những phong tục mang đậm bản sắc dân tộc. Bởi vậy, nơi đây thu hút rất nhiều sự quan tâm từ những nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu thông tin tổng quan của tỉnh Lạng Sơn trước khi lựa chọn đầu tư bất động sản vào khu vực này. 

    1. Vị trí địa lý – Tổng quan tỉnh Lạng Sơn

    Tổng quan về vị trí địa lý tỉnh Lạng Sơn, là một tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội 154 km đường bộ và 165 km đường sắt. Tỉnh nằm ở vị trí có ý nghĩa quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế vùng trung du, miền núi Bắc Bộ: 

    • Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng
    • Phía Đông Bắc giáp Trung Quốc, 
    • Phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh, 
    • Phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang
    • Phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên
    • Phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn

    Tổng quan tỉnh Lạng SơnMột góc thành phố Lạng Sơn( Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Lạng Sơn nằm ở vị trí quan trọng trong việc giao thương không chỉ trong nội địa mà còn là với quốc tế. Nhờ đó, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng lớn trong việc phát triển mọi mặt của tỉnh. 

    Lạng Sơn có địa hình đa dạng, gồm kiểu địa hình núi cao, núi thấp, núi đá vôi và vùng đồi gò bát úp; xen kẽ các khu vực đồi, núi là các dải thung lũng, bãi bằng,…Khí hậu Lạng Sơn mang tính điển hình của khí hậu miền Bắc Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình từ 17 – 22 độ C. 

    Không chỉ vậy, Lạng Sơn còn là nơi tập trung 4 con sông chính là sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Lục Nam và sông Đồng Quy. Nhờ có sông hồ rộng với trữ lượng nước lớn, Lạng Sơn có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu tưới tiêu và sinh hoạt của người dân. 

    Cùng với tài nguyên thiên nhiên (đất, rừng, khoáng sản), Lạng Sơn trở thành một “bảo địa” với vô vàn tiềm năng to lớn để có thể phát triển bền vững kinh tế. 

    2. Dân số – Tổng quan tỉnh Lạng Sơn

    Tổng quan tỉnh Lạng SơnBảng thống kê diện tích, dân số, mật độ dân số, số người lao động trên 15 tuổi, tỷ lệ người lao động trên 15 tuổi đã qua đào tạo của một số tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc (Nguồn: Niên giám thống kê 2021) 

    Năm 2021, tổng quan dân số tỉnh Lạng Sơn là 796.9 nghìn người, xếp hạng 9 trong 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Mật độ dân số tỉnh Lạng Sơn năm 2021 là 96 người/km2. Mặc dù có diện tích lớn nhưng quy mô dân số và mật độ dân số của tỉnh Lạng Sơn đều ở mức thấp so với các tỉnh trong khu vực. 

    Lực lượng lao động trên 15 tuổi của tỉnh chiếm gần 1/2 dân số toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ người lao động trên 15 qua đào tạo ở mức tương đối cao trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

    Tỷ suất nhập cư của Lạng Sơn là 0.09%, ở mức trung bình trong khu vực. Tỷ suất xuất cư của Lạng Sơn là 1.38%, ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó, tỷ lệ tăng dân số của tỉnh thấp (0.74%), nhỏ hơn mức di dân của tỉnh. Như vậy có thể thấy quy mô dân số của tỉnh có xu hướng giảm. 

    Tổng quan tỉnh Lạng SơnCơ cấu dân số tỉnh Lạng Sơn (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Huyện Hữu Lũng là địa phương có quy mô dân số lớn nhất trong tỉnh Lạng Sơn với 122,880 người, xếp thứ hai là TP.Lạng Sơn với 105,057 người. Tỷ lệ dân cư thành thị của tỉnh ở mức thấp, chỉ chiếm gần ¼ dân số toàn tỉnh. 

    3. Kinh tế – Tổng quan tỉnh Lạng Sơn

    Tổng quan kinh tế tỉnh Lạng Sơn, theo cơ cấu kinh tế tỉnh Lạng Sơn năm 2020, dịch vụ thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất với 45.59%, tiếp đến là nông nghiệp chiếm 23.19% và cuối cùng là công nghiệp và xây dựng chiếm 22.47%. Đến 2025, tỉnh định hướng tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. 

    Tổng quan tỉnh Lạng SơnCơ cấu kinh tế và chỉ tiêu kinh tế tỉnh Lạng Sơn (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính năm 2021 tăng 6.67% so với cùng kỳ. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5.86%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9.31%; khu vực dịch vụ tăng 5.66%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7.41%.

    Tổng quan tỉnh Lạng SơnGRDP bình quân đầu người tại trung du miền núi phía Bắc (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Thu ngân sách năm 2021 tỉnh Lạng Sơn đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 10,649.6 tỷ đồng, đạt 182.5% dự toán, tăng 48% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ nội địa đạt 2,959 tỷ đồng, trong đó, lớn nhất là thu từ hoạt động sử dụng đất đạt 807 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách 2021 của tỉnh là 13,932 tỷ đồng, chủ yếu là cho các chương trình đầu tư phát triển, các chương trình mục tiêu, mục tiêu quốc gia.

    Tổng quan tỉnh Lạng SơnTổng số vốn đầu tư FDI vào khu vực trung du và miền núi phía Bắc

    (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Dựa vào biểu đồ tổng số vốn đầu tư FDI vào khu vực trung du và miền núi phía Bắc có thể thấy, Lạng Sơn xếp thứ 7 với tổng số vốn đầu tư là 240.36 triệu USD, số dự án còn hiệu lực là 42 với quy mô tương đối nhỏ. Từ đó có thể thấy Lạng Sơn hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

    Năm 2021, điểm PCI của Lạng Sơn là 63.92, xếp hạng 36 cả nước. Các chỉ số thành phần PCI của Lạng Sơn ở mức tương đối thấp, cao nhất là chi phí thời gian và thấp nhất là tính minh bạch. Do đó, tỉnh cần có các chính sách để tăng thêm tính minh bạch trong các khâu xử lý nhiều hơn.

    10 chỉ số thành phần của PCI tỉnh Lạng Sơn (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Trong cạnh tranh phát triển với các địa phương trong vùng, Lạng Sơn hiện có một số bất lợi: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hạn chế; các điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhân lực, tỷ lệ đô thị hóa, quy mô dân số kém cạnh tranh hơn khi so sánh với các địa phương trong tiểu vùng Tây Bắc nói riêng và toàn vùng nói chung.

    Tuy nhiên, trong phát triển khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK), tỉnh đang có được một số những lợi thế nhất định do nằm ở tiếp giáp với Trung Quốc đường biên giới dài 232km. 

    4. Văn hoá – Xã hội – Tổng quan tỉnh Lạng Sơn

    4.1. Y tế

    Tổng quan hệ thống y tế tỉnh Lạng Sơn hiện có 5 trung tâm y tế tỉnh, 4 bệnh viện và 11 trung tâm y tế huyện, thành phố. 

    Về cơ bản có thể thấy, hệ thống y tế tại đây còn tương đối hạn chế. Tuy đã phần nào đảm bảo được độ phủ sóng của các cơ sở y tế trên toàn tỉnh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần cải thiện để có thể có đủ các cơ sở y tế cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. 

    Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn(Nguồn: Sen vàng tổng hợp)

    4.2. Giáo dục

    Ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn đã có bước đột phá mới, quy mô, mạng lưới trường, lớp phát triển tương đối ổn định. Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao đã có những chuyển biến tích cực nhờ các chính sách giáo dục cho người dân tộc được ban hành và triển khai có hiệu quả. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục miền núi. 

    Một số trường học tại Lạng Sơn (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Tuy được quan tâm phát triển thế nhưng hệ thống cơ sở giáo dục của toàn tỉnh còn hạn chế. Toàn tỉnh chỉ có 3 trường Cao đẳng, không có trường Đại học, còn gặp nhiều khó khăn trong đào tạo lao động chất lượng cao. 

    4.3. Làng nghề

    Một số làng nghề truyền thống tại Lạng Sơn(Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 15 nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống chủ yếu gồm các nghề về: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh… góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, du lịch, văn hoá của toàn tỉnh Lạng Sơn.

    4.4. Văn hoá

    Nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em đã lâu đời chung sống đoàn kết bên nhau như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay… Chính đặc điểm này đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú, giàu bản sắc của nền văn hoá các dân tộc Xứ Lạng. 

    Một số nét đặc sắc trong văn hóa Lạng Sơn (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng hơn 340 lễ hội với tính chất, quy mô khác nhau và chủ yếu là Lễ hội Lồng tồng (tức lễ hội xuống đồng – chiếm khoảng 90% tổng số các Lễ hội trên địa bàn tỉnh); còn lại là các loại hình lễ hội khác như: Lễ hội gắn với di tích tín ngưỡng, Lễ hội lịch sử cách mạng… 

    Quy mô của lễ hội rất phong phú, có hội mang tính thôn bản như hội lồng tồng, có hội mang tính vùng, khu vực. Lễ hội Lạng Sơn vừa mang những đặc trưng của lễ hội cổ truyền Việt Nam và vùng Việt Bắc vừa mang sắc thái riêng của vùng văn hóa Xứ Lạng. 

    4.5. Du lịch

    Tổng quan du lịch tỉnh Lạng Sơn, theo số liệu của Sở VHTTDL, năm 2021, tổng lượng khách du lịch đến Lạng Sơn ước đạt trên 1.6 triệu lượt, tăng 1.2% so với năm 2020, trong đó, khách quốc tế đạt trên 17,000 lượt, khách nội địa đạt hơn 1.6 triệu lượt ; tổng doanh thu đạt 773 tỷ đồng ( tăng 20.9% so với năm 2020). 

    Du lịch đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Lạng Sơn, với đa dạng các loại hình như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch mua sắm, du lịch cửa khẩu hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. 

    Thung lũng Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Với du lịch văn hóa tâm linh, Lạng Sơn có nhiều thế mạnh do là vùng đất có nhiều danh thắng, di tích lịch sử, văn hoá gắn với tín ngưỡng, lễ hội. Lạng Sơn thu hút du khách bởi các đền, chùa nổi tiếng như Chùa Thành, chùa Tam Thanh, đền Kỳ Cùng, Tả Phủ, đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc); chùa Tân Thanh (Văn Lãng).

    Với du lịch nghỉ dưỡng, Lạng Sơn có Núi Mẫu Sơn với mặt biển, khí hậu ôn hoà, thích hợp cho nghỉ dưỡng và các hoạt động thể thao như leo núi, khám phá. Từ Mẫu Sơn, du khách có thể đi thăm Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma. 

    Đỉnh Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng đang dần chuyển hướng chú trọng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Với khởi đầu là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn chính thức hoạt động từ năm 2012. Cho đến nay, tỉnh đã xây dựng tour du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng giữa hai huyện Bắc Sơn, Hữu Liên gắn kết với vùng phụ cận.

    Du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch như na huyện Chi Lăng; hoa hồi huyện Văn Quan; quýt vàng huyện Bắc Sơn….

    Trên đây là bài thông tin tổng quan về tỉnh Lạng Sơn do Sen Vàng Group tổng hợp. Mong rằng những thông tin ở trên có thể giúp cho các nhà đầu tư có cái nhìn bao quát nhất về tiềm năng của tỉnh trước khi đưa ra quyết định đầu tư bất động sản tại khu vực này. Ngoài ra, để đọc thêm các bài viết tổng quan về thị trường các tỉnh thành trên cả nước, bạn đọc có thể truy cập website: https://senvangdata.com.vn/.

    Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Phạm Đắc Triều

    Thông tin liên hệ: 

    Website: https://senvangdata.com/

    Hotline: 0948.48.48.59

        Để không bỏ lỡ những thông tin chi tiết về Kinh tế - Xã hội, Quy hoạch và Thị trường Bất động sản tỉnh Lạng Sơn, quý vị vui lòng tham khảo Báo cáo nghiên cứu thị trường tỉnh Lạng Sơn hoặc Đăng ký/ Đăng nhập vào Website Sen Vàng Data để truy cập được hơn 10,000 dữ liệu Bất động sản.
    Thẻ : Tổng quan tỉnh Lạng Sơn, Thiên nhiên tỉnh Lạng Sơn, Tỉnh quan khí hậu tỉnh Lạng Sơn, Tổng quan du lịch Lạng Sơn, Tổng quan dân số Lạng Sơn, Tài nguyên thiên nhiên tỉnh Lạng Sơn, Chỉ số kinh tế tỉnh Lạng Sơn, Cơ sở y tế tỉnh Lạng Sơn, Làng nghề truyền thống tỉnh Lạng Sơn, Lễ hội truyền thống Lạng Sơn, Văn hóa ẩm thực Lạng Sơn, Địa điểm du lịch Lạng Sơn,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!