Cao Bằng là tỉnh biên giới nằm trong vùng Đông Bắc Việt Nam, Cao Bằng có đường biên giới dài hàng trăm km với Trung Quốc và được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong bài viết này, hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu những thông tin tổng quan tỉnh Cao Bằng trước khi quyết định tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Cao Bằng là một tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, với diện tích tự nhiên là 6,703.42 km2. Cao Bằng nằm cách thủ đô Hà Nội 290 km (5h30p đi xe) về phía Nam, theo đường Quốc lộ 3; cách thành phố Lạng Sơn khoảng 130 km (3h đi xe) theo đường quốc lộ 4A.
Phía Bắc và Đông Bắc giáp Trung Quốc
Phía Tây giáp tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.
Cao Bằng là một trong các tỉnh giáp ranh với Trung Quốc với đường biên giới dài 333km. Chính vì vậy, có thể nói, Cao Bằng có vị trí quan trọng trong giao thương quốc tế và quân sự.
Thác Bản Giốc (Trùng Khánh – Cao Bằng) (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tỉnh Cao Bằng có địa hình khá đa dạng, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối khá dày cùng với núi đồi và thung lũng sâu,… Sự phức tạp của địa hình tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái đặc thù, cho phép Cao Bằng phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi.
Tuy nhiên, đặc điểm địa hình như vậy cũng gây nên ảnh hưởng lớn đến việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông, đồng thời tạo ra sự manh mún đất trong sản xuất nông nghiệp nên dễ gây ra hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất trong mùa mưa.
Cao Bằng có dân số thấp và mật độ dân số thấp. Dân số Cao Bằng năm 2021 là 6,700,400 người, đứng thứ 12 trên tổng số 14 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Mật độ dân số của Cao Bằng năm 2020 là 80 người/km2, đứng thứ 11 trong khu vực.
Bảng thống kê dân số của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc năm 2020 (Nguồn: Niên giám thống kê 2020)
Cao Bằng có số người lao động trên 15 tuổi thấp tuy nhiên tỷ lệ người lao động qua 15 tuổi đã được đào tạo lại ở mức cao trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, số người lao động trên 15 tuổi thấp ảnh hưởng tới nhân lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là khu vực vùng biên giới cần phát triển mạnh.
Tỷ suất nhập cư của Cao Bằng ở mức trung bình trong khu vực trung du miền núi phía Bắc (với 2.2%), tỷ suất xuất cư xếp thứ 4 trong khu vực (với 11.5%). Tuy nhiên tỷ lệ tăng dân số của Cao Bằng lại thấp nhất trong khu vực (với 0.42%), điều này cho thấy tỷ lệ gia tăng dân số của Cao Bằng đang ở mức tương đối thấp, cần có những chính sách phát triển nhằm gia tăng dân số. Chính vì thế các khu đô thị, khu công nghiệp lớn khó có thể phát triển, các ngành công nghệ cao sẽ đối mặt với vấn đề thiếu nhân lực trầm trọng.
Cơ cấu dân số tỉnh Cao Bằng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Dân số tỉnh Cao Bằng tập trung hầu hết là tại nông thôn với gần 77% dân số. Dân cư phân bố không đồng đều giữa các huyện và thị xã. Thành phố Cao Bằng tuy diện tích nhỏ nhất nhưng có số dân cao nhất với 73 nghìn người chiếm 1/7 dân số toàn tỉnh.
Năm 2021, điểm PCI của Cao Bằng là 56.29, xếp hạng 63. Các chỉ số thành phần của Cao Bằng ở mức tương đối thấp, cao nhất là thiết chế pháp lý và thấp nhất là đào tạo lao động (giảm tương đối nhiều từ 2020 đến 2021). Do đó, tỉnh cần có các chính sách để đào tạo lao động tốt hơn.
10 chỉ số thành phần PCI tỉnh Cao Bằng (Nguồn: PCI Việt Nam)
Quy mô nền kinh tế tỉnh Cao Bằng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 19,843 tỷ đồng, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3.33% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu quy mô nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,506 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22.71%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 3,995 tỷ đồng, chiếm 20.13%; khu vực dịch vụ đạt 10,587 tỷ đồng, chiếm 53.35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 755 tỷ đồng, chiếm 3.81%.
GRDP bình quân đầu người tại Cao Bằng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Cơ cấu kinh tế của tỉnh Cao Bằng năm 2025 tập trung chủ yếu vào phát triển công nghiệp xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp, dịch vụ. Tỉnh sẽ tiếp tục chủ trương lãnh đạo ưu tiên đầu tư phát triển triển khai đồng bộ đề án chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Cơ cấu kinh tế tỉnh Cao Bằng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Đường biên giới dài 333km tạo động lực để Cao Bằng phát triển được khu kinh tế cửa khẩu. Mặc dù hệ thống giao thông nối Cao Bằng với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc chưa hoàn thiện nhưng Cao Bằng vẫn có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu với 1 cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, 3 cặp cửa khẩu chính là Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn và nhiều cặp cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan.
Cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) – Long Bang (Trung Quốc) nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Khu kinh tế cửa khẩu tại tỉnh này thu hút được 74 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 36.8 triệu USD, 65 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký là 14,000 tỷ đồng. Hiện đã có 35 dự án đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng, góp phần hoàn thiện hạ tầng khu vực biên giới.
Thu ngân sách Cao Bằng chủ yếu đến từ việc thu tiền sử dụng đất với gần 650 tỷ đồng. Tuy Cao Bằng có đường biên giới dài 333km nhưng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn tương đối ít. Điều này chứng tỏ tỉnh chưa khai thác được tối đa tiềm năng này. Bên cạnh đó, thu nhập cá nhân thuê cũng ở mức thấp, nhận thấy mức sống của nhân dân chủ yếu ở các ngành tự do, thu nhập không cao.
Hệ thống y tế tại Cao Bằng hiện bao gồm: 1 bệnh viện đa khoa tỉnh, 1 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 10 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 1 bệnh viện đa khoa tư nhân và 199 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên hiện tại Cao Bằng vẫn chưa có bệnh viện quốc tế.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Nhìn chung, chất lượng khám chữa bệnh tại Cao Bằng đang ngày một cải thiện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện hạng 2 với quy mô 500 giường gồm 29 khoa phòng.
Hệ thống giáo dục tỉnh Cao Bằng hiện bao gồm: 132 trường Tiểu học, 100 trường THCS, 24 trường THPT và 1 trường Cao đẳng.
Một số trường học tại Cao Bằng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được các huyện, thành phố quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh có 150 trường học đạt chuẩn quốc gia, hết năm 2020, toàn tỉnh có thêm 22 trường học đạt chuẩn quốc gia được công nhận, vượt mục tiêu Nghị quyết của tỉnh 9 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh thành 172 trường.
Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 215 di tích, trong đó 96 di tích được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh), 2 bảo vật quốc gia, 4 di sản phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, Cao Bằng còn được biết đến là vùng đất với những lễ hội đa sắc màu, được coi là chiếc nôi văn hóa của khu vực phía Bắc Việt Nam. Nhiều dân tộc anh em đã chung sống, gắn bó lâu đời và cùng chung tay xây đắp nền văn hóa đậm đà, vừa đa dạng vừa thống nhất. Đây là vùng đất hội tụ nhiều nhóm ngôn ngữ tộc người khác nhau như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ… Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa riêng.
Một số nét đặc trưng văn hóa tại Cao Bằng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, trên địa bàn tỉnh có gần 40 lễ hội. Hầu hết các lễ hội truyền thống đều mang tính chất tín ngưỡng dân gian. Việc tổ chức đều do làng, bản chịu trách nhiệm theo một chu kỳ thời gian, mùa vụ nhất định. Các lễ hội không mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân công lao của các anh hùng dân tộc như: những lễ hội tâm linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe cộng đồng bản, làng.
Bên cạnh các lễ hội trên, Cao Bằng còn có nhiều lễ hội giàu bản sắc văn hóa như: Lễ hội chọi bò được tổ chức tại thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm) hay thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng)…
Cao Bằng có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng biệt, tạo nên một không gian văn hóa đa màu sắc. Chính vì vậy, các vùng, miền đã hình thành nhiều nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa bản địa gắn liền với đời sống sinh hoạt gia đình, cộng đồng ở mỗi địa phương.
Một số làng nghề truyền thống tại Cao Bằng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 28 di sản nghề thủ công truyền thống, tập trung chủ yếu tại các huyện: Quảng Hòa, Hà Quảng, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc.
Tỉnh Cao Bằng có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc; nổi tiếng với nhiều đặc sản, đặc trưng trong văn hóa ẩm thực độc đáo, có nhiều thế mạnh để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như: Du lịch lịch sử cách mạng, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, biên giới và đặc biệt du lịch cộng đồng, giúp du khách khám phá giá trị bản sắc văn hóa nguyên sơ của các dân tộc, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới cho phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Làng đá cổ Cao Bằng (Trùng Khánh) (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Trong đó Cao Bằng có nhiều di tích nổi tiếng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, huyện Hà Quảng; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình; Khu di tích chiến thắng Đông Khê, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch biên giới 1950, huyện Thạch An…
Các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác tại Cao Bằng như: Thành nhà Mạc, thành Na Lữ, đền Vua Lê, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm…
Bên cạnh đó, tạo hóa thiên nhiên cũng ban tặng cho Cao Bằng nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn du khách: Thác Bản Giốc nằm trên sông biên giới hai nước Việt – Trung thuộc xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh; động Ngườm Ngao, huyện Trùng Khánh; Khu du lịch sinh thái Phja Oắc – Phja Đén, huyện Nguyên Bình; hồ Thang Hen, huyện Trà Lĩnh…
Tuyệt tình cốc (Trùng Khánh) (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hiện nay, để phát triển du lịch bền vững, Cao Bằng đã tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức đổi mới, đa dạng, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời định hướng phát triển du lịch văn hóa, thiết kế các tour du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch Trekking (phượt hay khám phá), du lịch về nguồn…; kết hợp phát triển hài hòa, bổ trợ lẫn nhau giữa di tích và danh lam thắng cảnh giúp cho du lịch Cao Bằng không bị nhàm chán, sản phẩm du lịch không lặp lại.
Trên đây là những thông tin tổng quan về thị trường tỉnh Cao Bằng do Sen Vàng Group tổng hợp. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có được cái nhìn sơ bộ trước khi đưa ra phương án đầu tư sinh lời hợp lý vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Phương Hà
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP