Sở hữu nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn cùng vị trí địa lý thuận lợi, là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam như Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, thị trường tỉnh Bình Thuận ngày càng chứng tỏ được sức hút của mình với nhiều nhà đầu tư bất động sản. Ngay sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu những thông tin tổng quan tỉnh Bình Thuận.
Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ Việt Nam và nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh lỵ của Bình Thuận là thành phố Phan Thiết, nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 183 km về phía Nam, cách Nha Trang 250 km và cách thủ đô Hà Nội 1,520 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A.
Mũi Né – Phan Thiết (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tổng diện tích tỉnh Bình Thuận là 7,812.8 km² với đường bờ biển dài 192km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Phía Bắc của tỉnh Bình Thuận giáp với tỉnh Lâm Đồng
Phía Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận
Phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai
Phía Tây Nam giáp Bà Rịa -Vũng Tàu
Phía Đông và Nam giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 192 km.
Địa hình Bình Thuận bao gồm chủ yếu là đồi núi thấp, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, địa hình hẹp ngang kéo theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, phân hoá thành 4 dạng địa hình chính: vùng núi trung bình (chiếm 31.65% diện tích); vùng đồi núi thấp (chiếm 40.7% diện tích); vùng đồng bằng phù sa (chiếm 9.43% diện tích) và vùng đồi, đụn cát ven biển (chiếm 18.22% diện tích).
Khu vực ngoài khơi tỉnh Bình Thuận có một số đảo, trong đó có 10 đảo của huyện đảo Phú Quý, cách thành phố Phan Thiết 120 km.
Hệ thống sông ngòi của Bình Thuận khá dày đặc với nhiều sông suối bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) chảy ra biển. Tính chung, các đoạn sông qua Bình Thuận có tổng chiều dài 663 km rất thuận tiện để phát triển hệ thống công trình thủy lợi và du lịch sinh thái.
Dân số tỉnh Bình Thuận theo số liệu thống kê năm 2020 là 1,230,808 người với mật độ dân số là 156 người/km2.
Bảng thống kê diện tích, dân số, mật độ dân số của một số tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ năm 2020 (Nguồn: Niên giám thống kê 2020)
Bình Thuận có quy mô dân số vừa và mật độ dân số thấp. Trong đó, lực lượng lao động còn thấp với tỷ lệ lao động trên 15 tuổi đã qua đào tạo xếp thứ 4 khi so sánh với các tỉnh trong khu vực.
Tỷ suất nhập cư của Bình Thuận ở mức cao so với một số tỉnh trong khu vực như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Bên cạnh đó, tỷ suất xuất cư ở mức gần như cao nhất (cao hơn so với tỷ suất nhập cư). Điều này cho thấy, có một dòng người từ tỉnh Bình Thuận đến cá tỉnh khác, ảnh hưởng tương đối vào tỷ lệ tăng dân số toàn tỉnh.
Biểu đồ cơ cấu dân số tỉnh Bình Thuận năm 2020 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Cơ cấu dân số tại tỉnh Bình Thuận chênh lệch giàu nghèo khá lớn và phân bố không đều giữa các thành phố, thị xã và huyện. Lượng dân thành thị chỉ chiếm 38% tổng dân số, trong đó, TP Phan Thiết có quy mô dân số lớn nhất trong khi huyện đảo Phú Quý lại là địa phương có mật độ dân số lớn nhất của tỉnh.
Bình Thuận đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng PCI 2021, tăng 13 bậc, đạt 65.96 điểm, tăng 2.67 điểm so với năm 2020, thuộc nhóm khá của cả nước.
Trong 10 chỉ số PCI 2021, Bình Thuận có 6/10 chỉ số tăng điểm. Trong đó đáng chú ý, chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 7.04 điểm, cao nhất trong năm năm. Tuy nhiên tỉnh cũng có 4/10 tiêu chí giảm điểm gồm Gia nhập thị trường; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Đào tạo lao động nhưng mức độ giảm cũng không có khoảng cách lớn so với các năm trước.
Bảng thống kê chỉ số PCI của tỉnh Bình Thuận qua các năm (Nguồn: PCI Việt Nam)
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bình Thuận ở mức khá cao: 69.6 triệu đồng/năm và xếp thứ 2/8 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Dự ước tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 2.77% so với năm 2020; trong đó giá trị tăng thêm tăng 2.86%, thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1.59%. Giá trị tăng thêm nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4.78%; công nghiệp xây dựng tăng 7.48% (công nghiệp tăng 7.33%; xây dựng tăng 8.23%); dịch vụ giảm 2.58%.
Thu hút đầu tư FDI lũy kế đến năm 2020 của tỉnh Bình Thuận có 155 dự án với 3,822.27 triệu USD, xếp thứ 3/8 về tổng số vốn đầu tư FDI trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.
Biểu đồ: Lũy kế FDI đến tháng 12/2020 các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Ba lĩnh vực thu hút đầu tư chính là Du lịch, Công nghiệp chế biến, chế tạo và Nông nghiệp công nghệ cao. Bình Thuận tập trung kêu gọi đầu tư các dự án du lịch cao cấp, khu vui chơi giải trí cao cấp, dự án thương mại, khu đô thị ven biển. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới như ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, mở rộng phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi; công nghiệp hỗ trợ cho ngành năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến.
Biểu đồ cơ cấu kinh tế năm 2021 tỉnh Bình Thuận và tầm nhìn đến năm 2030 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Ngành du lịch Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025 đón 8.9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế từ 10-12%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23,300 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 18-20%/năm; du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh 10-11%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đón 16 triệu lượt khách; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63,000 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 từ 20-22%/năm.
Thống kê lượt khách du lịch tỉnh Bình Thuận qua các năm (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hiện nay, hệ thống y tế tỉnh Bình Thuận phát triển theo hướng hiện đại; tăng cường hội nhập, dự phòng tích cực và chủ động, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân; giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong; tăng tuổi thọ; nâng cao chất lượng dân số góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Trong đó bao gồm: 13 bệnh viện tuyến tỉnh; 2 bệnh viện tư nhân và 14 bệnh viện tuyến huyện, thành phố, thị xã.
Bệnh viện đa khoa An Phước (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hệ thống giáo dục tỉnh Bình Thuận đang ngày càng được chú trọng đầu tư, phát triển với 465 trường mầm non, 263 trường tiểu học, 133 trường trung học cơ sở, 28 trường trung học phổ thông và 4 trường cao đẳng, đại học, trung cấp. Trong đó đã có sự xuất hiện của hệ thống trường quốc tế như Trường Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương.
Đại học Phan Thiết (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Trường Tiểu học Tầm Hưng, huyện Hàm Thuận Bắc với tổng mức đầu tư dự án gần 8 tỷ đồng trích từ nguồn vốn xổ số kiến thiết. Dự án dự kiến triển khai thực hiện hoàn thành trong năm 2023, nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học của Trường Tiểu học Tầm Hưng, huyện Hàm Thuận Bắc, hướng tới đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bình Thuận có khá nhiều làng nghề truyền thống như: bánh tráng, dệt thổ cẩm, gốm, chế biến hải sản, nước mắm, mây tre đan… Các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh không chỉ giúp giải quyết vấn đề việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương mà còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ.
Làng nghề nước mắm Phan Thiết (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Chính vì vậy, trong nhiều năm gần đây, tỉnh Bình Thuận luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới. Đặc biệt là phát triển làng nghề gắn với các điểm du lịch nhằm giúp các làng nghề khôi phục nghề cổ truyền, phát triển các hoạt động văn hóa dân gian, xây dựng môi trường du lịch văn hóa nhằm quảng bá du lịch sản phẩm làng nghề.
Bình Thuận có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời. Trong đó, văn hoá Chăm pa với nhóm di tích Tháp Po Sah Inư, đền thờ Po Klong Mơhnai là nổi bật nhất. Ngoài ra còn có các di sản văn hóa như: lầu Ông Hoàng, lăng mộ Nguyễn Thông, Tháp Nước,… Hiện nay toàn tỉnh có 1,321 di sản văn hóa; 28 di tích quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh.
Đến thờ Po Klong Mơhnai (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Bình Thuận cũng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội đa dạng và độc đáo như: Lễ hội Dinh Thầy Thím, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Katê, Lễ hội Cầu yên, Lễ hội rước đèn Trung thu; Lễ hội Đua thuyền trên sông Cà Ty, Hội thi leo núi Tà Cú …Đây cũng là đặc điểm giúp Bình Thuận thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Với lợi thế là một tỉnh ven biển có đường bờ biển dài với nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên và thơ mộng, giao thông thuận lợi và khí hậu quanh năm nắng ấm, Bình Thuận có được thiên nhiên ưu ái cho nhiều cơ hội để phát triển du lịch với đa dạng hình thức khác nhau.
Hiện nay, Bình Thuận đang là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với nhiều di tích văn hóa – lịch sử có giá trị như: Tháp Posahinư, Chùa Cổ Thạch, Trường Dục Thanh, Tháp nước Phan Thiết, Thanh Minh Tự, Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn…
Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, thu hút lượng lớn khách du lịch ghé thăm mỗi năm như: Mũi Né, Biển Cổ Thạch; Biển Hòn Rơm, Biển Thuận Quý, Đảo Phú Quý…. hay các địa điểm du lịch nổi bật khác như: Đồi cát Mũi Né, Lâu đài rượu vang RD…
Mũi Kê Gà – Phan Thiết, Bình Thuận (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Trên đây là những thông tin tổng quan về thị trường tỉnh Bình Thuận do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có được cái nhìn sơ bộ trước khi đưa ra phương án đầu tư hiệu quả, hợp lý vào thị trường bất động sản tiềm năng này.
Nguồn: Tổng hợp Sen Vàng Group – BTV Phương Hà
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP