Thu chi ngân sách nhà nước là những công cụ vĩ mô giúp các nhà quản lý điều tiết nền kinh tế, định hướng nền kinh tế phát triển phù hợp bền vững. Trong bài viết này Sen Vàng group sẽ tổng hợp tới các bạn những thông tin về GDP của Việt Nam trong năm 2020 và 2021
Thu ngân sách nhà nước nắm vai trò đảm bảo được những kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và luôn luôn đáp ứng những nhu cầu chi tiêu của một số hoạt động trong bộ máy nhà nước cho kinh tế, chính trị và xã hội, giáo dục, văn hóa, hành chính, an ninh, quốc phòng và y tế,… Thông qua thu ngân sách nhà nước, Nhà nước thực hiện việc quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế – xã hội, đồng thời điều tiết thu nhập của các cá nhân trong xã hội thông qua công cụ thuế. Từ đó thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao công bằng xã hội.
Tác động của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cũng chịu tác động trực tiếp khi hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm mạnh mẽ ảnh hưởng tới quyết toán ngân sách nhà nước đạt 1,512,300 tỷ đồng giảm 28,474 tỷ đồng tương đương 1.9% so với dự toán và giảm 2.8% so với năm 2019. Đồng tời do các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ người dân của Nhà nước nên có 8/12 khoản thu không đạt dự toán trong đó có thu ngân sách của 3 khu vực kinh tế.
Tuy nhiên thu nội địa quyết toán đạt 1,293,728 tỷ đồng, tăng 2,951 tỷ đồng (+0.2%) so với dự toán, chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất (87,970 tỷ đồng), thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (5,226 tỷ đồng) và thu khác ngân sách (22,229 tỷ đồng); tỷ trọng thu nội địa đạt 85.6% tổng thu NSNN, tăng so với các năm trước.
Đối với nguồn thu từ dầu thô, tuy tỷ trọng nhỏ nhưng cũng tác động tới thu ngân sách khi quyết toán 34,598 tỷ đồng, giảm 1.7% so với dự toán. Nguyên nhân do giá dầu giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây bình quân đạt 45.7 USD do cầu giảm bất chấp sản lượng tăng 540 nghìn tấn so với dự toán.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận mức giảm mạnh nhất 14.7% chỉ đạt 177, 444 tỷ đồng mặc dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 545.4 tỷ USD, tăng 5.35% so với năm 2019. Ngoài ra, thu viện trợ không hoàn lại cũng giảm 268 tỷ đồng so với dự toán đạt 4,808 tỷ đồng.
Năm 2021 bằng sự kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, thu ngân sách nhà nước tăng trưởng khả quan đạt 1,568.4 nghìn tỷ đồng tăng 225.1 nghìn tỷ đồng (+16.8%) so dự toán và tăng trưởng dương 3.8% so với năm 2020. Tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18.7%GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15.1%GDP.
Về nguồn thu nội địa thực hiện thu đạt 1,304.6 nghìn tỷ đồng, vượt 171.1 nghìn tỷ đồng (+15.1%) so dự toán, tăng 1.1% so thực hiện năm 2020. Hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt và vượt dự toán, riêng thuế bảo vệ môi trường đạt 91% so với dự toán chủ yếu do sản lượng tiêu thụ xăng dầu giảm 7.6% so kế hoạch, đồng thời thực hiện chính sách giảm 30% mức thuế đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ghi nhận nguồn thu từ dầu thô tăng trưởng mạnh mẽ nhất do sự hồi phục nền kinh tế và nhu cầu nhiên liệu tăng nhanh để hoạt động sản xuất quay trở lại. Giá dầu thanh toán bình quân đạt 68.8 USD/thùng, tăng 23.8 USD/thùng so giá dự toán; sản lượng thanh toán đạt 8.86 triệu tấn, tăng 860 nghìn tấn so kế hoạch. Thực hiện thu đạt gần 44.6 nghìn tỷ đồng, tăng 92.4% so dự toán.
Về thu cân đối xuất nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng vượt kế hoạch với 2 con số (+20.9%) đạt gần 215.9 nghìn tỷ đồng. Tiêu biểu nhất là quý IV tăng trưởng mạnh dẫn tới tổng kim ngạch cả năm 2021 đạt 668.5 tỷ USD tăng 22.6% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với thu viện trợ có diễn biến ngược lại quay đầu giảm 4.8 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch.
Có thế thấy ảnh hưởng quá lớn của dịch bệnh và các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của nhà nước tác động đến nguồn thu năm 2020 có sự thâm hụt đáng kể. Song tình trạng thâm hụt đã được dự báo, và quản lý chặt chẽ với sự vào cuộc của chính quyền các cấp từ trung ương đã cải thiện đáng kể nguồn thu, tăng trưởng tích cực trở lại trong năm 2021 tăng 3.98% so với năm 2020, đạt mục tiêu tăng trưởng kép bất chấp là năm thứ hai Covid-19 hoành hành.
Hoạt động chi ngân sách sẽ đưa nguồn ngân sách vào mọi mặt lĩnh vực đời sống như kinh tế, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng,… Qua đó xây dựng cơ sở hạ tầng tạo tiền đề cho kinh tế-xã hội phát triển. Chi ngân sách nhà nước đảm bảo phân bổ nguồn lực tài chính nhà nước một cách hợp lý, quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
Năm 2020 quyết toán đạt 1,709,524 tỷ đồng, bằng 96.4% dự toán, tuy nhiên tăng 12% so với năm 2019. Chi ngân sách được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, bám sát dự toán được giao; kỷ luật tài chính được tăng cường, hiệu quả sử dụng NSNN có tiến bộ. Các nhiệm vụ chính trị quan trọng được đảm bảo, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Theo đó, chi ngân sách cho đầu tư phát triển là 576,432 tỷ đồng đạt 115.5% dự toán, tăng 77,161 tỷ đồng.
Đối với chi trả nợ lãi bằng 90.1% dự toán, đạt 106,466 tỷ đồng chủ yếu do trong điều hành đã bám sát tiến độ giải ngân vốn đầu tư để phát hành trái phiếu Chính phủ, qua đó giảm số thực huy động trong năm, kết hợp với lãi suất phát hành thấp hơn dự kiến, làm giảm chi phí vay cho ngân sách.
Về chi thường xuyên (bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương) quyết toán 1,013,449 tỷ đồng, bằng 90.8% so với dự toán. Ngoài ra NSNN đã chi 21,685 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội.
Ước thực hiện chi năm 2021 đạt 1,854.9 nghìn tỷ đồng, tăng 167.9 nghìn tỷ đồng (+10%) so với dự toán.
Trong đó chi cho đầu tư phát triển thực hiện ước đạt 515.9 nghìn tỷ đồng, tăng 38.6 nghìn tỷ đồng (+8.1%) so với dự toán. Cụ thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tính đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách năm 2021 (31/01/2022), số vốn thực hiện giải ngân ước đạt 94.94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 102.75% kế hoạch, vốn ngoài nước đạt 32.85% kế hoạch.
Về chi trả nợ lãi thực hiện ước đạt gần 102.6 nghìn tỷ đồng, giảm 7.5 nghìn tỷ đồng (-6.8%) so dự toán, chủ yếu do công tác phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 phù hợp với tiến độ thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư, không để tồn đọng vốn vay; kết hợp với tranh thủ diễn biến thị trường thuận lợi, giảm lãi suất phát hành bình quân phải trả lãi trong năm 2021 thấp hơn khi xây dựng dự toán; đồng thời không phát sinh các khoản chênh lệch tỷ giá.
Còn đối với chi thường xuyên đạt mức tăng 1.7% với kế hoạch đạt 1,053.9 nghìn tỷ đồng.
Hai năm 2020 và 2021 là hai năm đặc biệt khi ngoài nguồn giảm thu thuế, tăng chi tiêu, đầu tư công kích thích nền kinh tế. Chính phủ còn đưa ra gói hỗ trợ an sinh xã hội 62,000 tỷ đồng hỗ trợ người dân người lao động mất việc làm trong đại dịch. Các hoạt động chi đều tiến hành chủ động với sự sát sao của các cấp trung ương, tăng cường tình quản lý chặt chẽ. Chi ngân sách năm 2021 không tăng mạnh bằng năm 2020 tuy nhiên với độ trễ chính sách thì nguồn chi phát triển từ năm 2020 cũng sẽ tác động phát triển đến năm 2021.
Trên đây là những thông tin tổng quan về thu chi ngân sách nhà nước trong năm 2020 và năm 2021 do Sen Vàng Group tổng hợp và thực hiện. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có đánh giá khách quan về tình hình và triển vọng kinh tế tại Việt Nam.
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Thành Nguyễn
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP