GDP là thước đo vĩ mô quan trọng của nền kinh tế một quốc gia vào một thời điểm nhất định. Đồng thời, thể hiện và phản ánh rõ ràng sự biến động của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian. Dựa vào chỉ số GDP, Chính phủ mỗi quốc gia ban hành các chính sách tiền tệ phù hợp với nền kinh tế. Đây cũng là yếu tố giúp các các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá về tiềm năng phát triển của một quốc gia, từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. Trong bài viết này Sen Vàng group sẽ tổng hợp tới các bạn những thông tin về GDP của Việt Nam trong năm 2020 và 2021
GDP là thước đo hàng đầu và chính xác nhất để đánh giá tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế. Đồng thời, nó cũng thể hiện và phản ánh sự biến động của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian. Hơn nữa, thông qua GDP để tính được GDP bình quân đầu người sẽ giúp bạn biết mức thu nhập tương đối và chất lượng cuộc sống ở quốc gia đó. Các chính sách phát triển kinh tế, chính sách tiền tệ, lãi suất,.. của mỗi quốc gia sẽ được đề xuất, điều chỉnh xoay quanh việc tăng trưởng GDP một cách phù hợp với các nhân tố môi trường, công bằng xã hội,.. Thông qua GDP cũng là cán cân để các nhà đầu tư nước ngoài xem xét và đầu tư vào quốc gia đó.
Năm 2020 dưới tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 như một phép thử khắc nghiệt nhất đối với nền kinh tế thế giới và cả Việt Nam. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực với việc duy trì tăng trưởng dương đạt mức 2.91%. Cùng với Trung Quốc và Mi-an-ma, Việt Nam là một trong ba quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng dương. Trong khi tại khu vực mức tăng trưởng của In-đô-nê-xi-a âm 5.32%, Thái Lan âm 12.1%. Quy mô nền kinh tế nước ta vượt qua Xin-ga-po, Ma-lay-si-a, vượt lên vị trí thứ 4 Đông Nam Á đạt 343 tỷ USD.
Cụ thể, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2.68% dù đối mặt với nhiều thách thức như tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, biến đổi khí hậu, thẻ vàng EC trong khai thác thủy sản chưa được gỡ bỏ.
Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất 3.98%, đóng góp 1.62 điểm % vào mức tăng trưởng chung. Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ chốt khi tăng trưởng 5.82% bất chấp bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động đại dịch.
Về dịch vụ tăng 2.34%. Tốc độ tăng 6 tháng cuối năm của ngành bán lẻ và tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ lên mức 6.2%, đưa thương mại cả nước tăng trưởng mức 2.6%. Các nhóm ngành khác trong khu vực cũng duy trì mức tăng bình quân 4-5%.
Năm 2021 là năm thứ hai Việt Nam chống chọi với đại dịch, thậm chí còn chịu những thiệt hại nặng nề hơn năm 2020 tác động trực tiếp tới mọi mặt đời sống. GDP cả năm 2021 chỉ tăng ở mức 2.58%, thấp hơn mức 2.91% năm 2020 và thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó tại quý 3 mức tăng trưởng tiêu cực giảm 6.02% do bối cảnh giãn cách kéo dài phòng chống dịch bệnh của nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên tại 3 quý còn lại thì mức tăng trưởng là điểm sáng và tăng trưởng vượt bậc so với các quý cùng kỳ năm 2020.
Tại khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 2.9%, đóng góp 13.97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định. Ngành nông nghiệp tăng 3.18%, đóng góp 0.29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3.88%, đóng góp 0.02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 1.73%, đóng góp 0.05 điểm phần trăm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4.05%, đóng góp 63.80%, cao nhất trong cơ cấu GDP năm 2021 và vẫn là ngành động lực dẫn đầu tăng trưởng. Cụ thể ngành công nghiệp chế biến tăng 6.37%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5.24%….
Khu vực dịch vụ bị tác động lớn nhất do bối cảnh giãn cách xã hội dẫn tới tăng trưởng âm ở một số ngành chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0.21%, ngành vận tải kho bãi giảm 5.02%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20.81% duy chỉ ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42.75%.
Nhìn chung 2 năm 2020 và 2021 GDP của Việt Nam đều chịu những tác động khó khăn do dịch bệnh và giãn cách, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh trong vòng 10 năm trở lại. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là điểm sáng của nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng GDP dương. Đối với các ngành, lĩnh vực trọng yếu như chế biến chế tạo, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan dẫn đầu nền kinh tế. Năm 2021 dù bị tác động giãn cách lâu hơn so với 2020 song tăng trưởng GDP chỉ giảm nhẹ.
Trên đây là những thông tin tổng quan về số liệu kinh tế GDP Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021 do Sen Vàng Group tổng hợp và thực hiện. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có đánh giá khách quan về tình hình và triển vọng kinh tế tại Việt Nam.
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Thành Nguyễn
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP