Lai Châu là tỉnh nằm ở vị trí địa lý có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng. Và nơi đây còn có một số các điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi… Ngay bây giờ, hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu những thông tin tổng quan về tỉnh Lai Châu trước khi quyết định tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Là một tỉnh miền núi Tây Bắc, Lai Châu có 265.165km đường biên giới Việt – Trung. Về vị trí tiếp giáp, phía Bắc giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tỉnh Lào Cai. Phía Đông tiếp giáp với tỉnh Lào Cai, Yên Bái, phía Tây giáp với tỉnh Điện Biên, phía Nam tiếp giáp với tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên. Về đơn vị hành chính. Toàn tỉnh Lai Châu có 1 thành phố và 7 huyện, 106 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 5 phường, 7 thị trấn và 94 xã.
Cổng trời Ô Quy Hồ (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tỉnh Lai Châu có đặc điểm khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa và sắc thái cận nhiệt đới. Khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao vùng Tây Bắc có ngày nóng, đêm lạnh, ít chịu ảnh hưởng của bão. Lai Châu là khu vực chịu ảnh hưởng chính của gió Tây và Đông Nam, ít chịu ảnh hưởng của bão và gió mùa Đông Bắc. Ở các thung lũng, tốc độ gió giảm đáng kể so với các khu vực cao, ít bị chắn bởi địa hình.
Lượng mưa bình quân hằng năm dao động từ 1,600mm đến trên 3,000mm, trung bình từ 2,500 – 2,700mm. Do có lượng mưa khá cao cùng vị trí địa lý thuận lợi, nơi có các con sông lớn như sông Đà, và phụ lưu của sông Đà… nên diện tích mặt nước của tỉnh khá lớn, thuận lợi cho xây dựng các công trình thuỷ điện.
Nhìn chung, Tổng quan điều kiện khí hậu của tỉnh Lai Châu là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi và mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển du lịch.
Địa hình nơi đây hiểm trở, nét nổi bật địa hình tỉnh Lai Châu là các dải núi, nhánh núi có độ cao chủ yếu trên 1,500m và xen kẽ giữa chúng là các thung lũng hoặc các lòng chảo có địa hình tương đối bằng phẳng nhỏ hẹp thích hợp cho sản xuất lương thực.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 6 nhóm đất chính là: Nhóm đất phù sa, nhóm đất đen, nhóm đất đỏ vàng, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi, nhóm đất thung lũng, nhóm đất mùn vàng nhạt trên núi cao. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nơi đây phát triển lâm, nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng.
Tổng quan dân số tỉnh Lai Châu, theo niên giám thống kê năm 2020, mặc dù toàn tỉnh có diện tích rất lớn (9,096.8km2) nhưng dân số chỉ có 469.8 nghìn người. Đứng thứ 13/14 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Mật độ dân số thấp, chỉ có 52 người/km2, thấp nhất trong các tỉnh được so sánh.
Bảng thống kê diện tích, dân số, mật độ dân số các tỉnh thuộc vùng TDMNBB (Nguồn: Niên giám thống kê năm 2020)
Số người lao động trên 15 tuổi của Lai Châu thấp 13/14 trong khu vực. Tỉ lệ người lao động trên 15 tuổi đã qua đào tạo của Lai Châu thấp nhất trong khu vực. Như vậy, Lai Châu có diện tích tương đối lớn nhưng dân số, mật độ dân số, số người lao động trên 15 tuổi và tỉ lệ người lao động qua 15 tuổi đã được đào tạo đều ở mức thấp nhất trong khu vực. Điều này là do tỉnh Lai Châu có rất nhiều các dân tộc thiểu số và còn chưa phát triển về kinh tế, giáo dục, do đó, chất lượng nguồn nhân lực tại đây rất kém.
Biểu đồ cơ cấu dân số thành thị, nông thôn tỉnh Lai Châu (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Dân số của tỉnh tập trung chủ yếu ở một số huyện/thành phố gồm thành phố Lai Châu, Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên với mật độ dân số dao động từ 56 – 86 người/km2. Thành phố Lai Châu có mật độ dân số cao nhất, khoảng 462 người/km2 với dân số năm 2020 đạt 44,799 người.
Thông tin tổng quan về kinh tế của tỉnh Lai Châu, theo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh ở nhóm điều hành tương đối thấp, với 61.22 điểm giảm 0.76 điểm so với năm 2020. Tỉnh xếp vị trí thứ 56 cả nước và thứ 5 ở khu vực Tây Bắc Bộ (chỉ xếp trên Hòa Bình). Trong các chỉ số thành phần, cao nhất là chỉ số về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thấp nhất về đào tạo lao động. Các chủ đầu tư lớn ở nơi đây như: Công ty Cổ phần Him Lam, Mường Thanh Group, Công ty Cổ phần đầu tư Chè Tam Đường…
10 chỉ số thành phần của PCI tỉnh Lai Châu (Nguồn: pcivietnam)
Năm 2021, nền kinh tế Lai Châu tăng trưởng ổn định, không chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhờ các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. So với các tỉnh trong khu vực, kinh tế Lai Châu có dấu hiệu phục hồi tốt và tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 cao hơn của Điện Biên, Sơn La.
Biểu đồ GRDP bình quân đầu người tỉnh Lai Châu (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Cùng với định hướng phát triển của cả nước, toàn tỉnh Lai Châu có xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tăng tỷ trọng ở khu vực II và khu vực III, giảm tỷ trọng ở khu vực I. Năm 2021, cơ cấu kinh tế tỉnh Lai Châu chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành công nghiệp – xây dựng với mức tăng trưởng ổn định. Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu đạt mục tiêu tiếp tục tăng tỉ trọng khu vực này và giảm tỉ trọng khu vực Nông – Lâm – Thủy sản, tỷ lệ đô thị hóa ít nhất đạt 40%.
Cơ cấu kinh tế tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2020 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Thu ngân sách Lai Châu Thực hiện là 2,065 tỷ đồng, tăng 8% so với dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 89% so với cùng kỳ năm 2020, xếp thứ 5 trong khu vực Tây Bắc. Tổng chi NSĐP thực hiện 7,774 tỷ đồng, tăng 2% so với HĐND tỉnh giao và bằng 92% so với cùng kỳ năm 2020. Tỉnh triển khai thực hiện dự toán chi NSNN năm 2021 đảm bảo tiết kiệm, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
Có thể thấy rằng, tổng vốn đầu tư của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020 có sự khởi sắc, tuy nhiên lại phát triển rất chậm so với các tỉnh khác trong khu vực. Năm 2011, tổng vốn đầu tư của tỉnh là 4,683.2 tỷ đồng tăng lên 7,631.2 tỷ đồng vào năm 2020, chỉ tăng 1.62%.
Lai Châu còn chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 4 năm 2022, Lai Châu đứng thấp nhất cả nước về thu hút FDI, toàn tỉnh chỉ có 1 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1.5 triệu USD.
Biểu đồ Lũy kế các dự án FDI còn hiệu lực vùng Tây Bắc Bộ đến 20/4/2022 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tính đến thời điểm năm 2020, toàn tỉnh có 179 cơ sở y tế. Trong đó có, 11 bệnh viện, 6 phòng khám đa khoa khu vực, 103 trạm y tế xã, phường và 59 cơ sở y tế khác.
Hệ thống cơ sở y tế tỉnh Lai Châu (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Trong những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã thực hiện hiệu quả việc hạ tầng, thiết bị cho tuyến y tế cơ sở, bổ sung hệ thống máy móc và trang thiết bị phù hợp phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của đồng bào các dân tộc, giảm thiểu số ca bệnh chuyển tuyến.
Chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện, người dân được chăm sóc tốt về sức khỏe, đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ qua về y tế. Qua đó, cần chú trọng hơn về phát triển y tế của tỉnh, vì đây là tiền đề, góp phần không lớn vào sự phát triển con người, nguồn nhân lực, phát triển kinh tế của tỉnh.
Theo niên giám thống kê năm 2020, toàn tỉnh có 341 cơ sở giáo dục. Trong đó có 113 tỉnh mầm non, 93 trường Tiểu học, 90 trường THCS, 23 trường THPT, 20 trường Phổ thông cơ sở, 1 trường Cao đẳng và 2 trường TTCN.
Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tỉnh Lai Châu Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp đều tăng so với năm học trước. Tổ chức thành công các kỳ thi, hội thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đảm bảo an toàn, khách quan, đúng quy chế, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 98.86%, tăng 1.16 điểm% so với năm 2020; công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2020-2021. Đây cũng là một trong những khởi sắc, dấu hiệu của sự phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, tạo tiền đề cho sự phát triển chung kinh tế của tỉnh.
Thế giới đang bị cuốn theo dòng chảy của sự phát triển thời đại 4.0, cả nước cũng đang hướng tới phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lai Châu cũng vậy, tuy nhiên nơi đây vẫn giữ được những làng nghề thủ công nghiệp truyền thống, gìn giữ văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Một số làng nghề ở Lai Châu (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có rất ít làng nghề truyền thông bao gồm: 5 làng nghề, trong đó có 3 làng nghề sản xuất miến dong, 1 làng nghề làm bánh dân tộc và 1 làng nghề nấu rượu cùng nhiều nghề truyền thống khác; các sản phẩm của làng nghề đều có bản sắc riêng. Tuy nhiên các làng nghề chưa thực sự phát triển hiệu quả và cần chú trọng phát triển hơn. Tuy nhiên một số nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm… là những yếu tố cần và đủ để Lai Châu có thể phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, thu hút các nhà đầu tư gắn bó với mảnh đất biên cương đầy tiềm năng này.
Về di tích lịch sử, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 21 di tích đã được xếp hạng: có 04 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh; Trong đó có 06 di tích lịch sử văn hóa, 11 di tích danh lam thắng cảnh, 02 di tích tôn giáo tín ngưỡng, 02 di tích khảo cổ học.
Một số di tích văn hóa, lịch sử và lễ hội, ẩm thực tỉnh Lai Châu (Nguồn: Laichau.gov.vn)
Với hơn 20 dân tộc, Lai Châu có nền văn hóa đa dạng cùng nhiều lễ hội đặc sắc, có thể kể đến như: Lễ hội Nàng Han, lễ hội Kin Pang Then, lễ Hạn Khuống (Hạn Khuống Giao Duyên), hội Hoa Ban của người Thái, lễ hội Cơm mới của người La Hủ, lễ hội Gầu Tào của người H’Mông, lễ hội Xên Mường, Căm Mường của người Lào, lễ hội Lập Tịch của người Dao, lễ hội Bun Vốc Nặm của người Lự, lễ hội Bắt Cá của người Kháng; lễ Cúng Bản của người Cống, lễ Cơm mới của người La Hủ, các hội Tủ Cải, đánh cù, bắn nỏ, ném còn…
Về ẩm thực, nơi đây cũng là vùng đất hội tụ những thức quà ngon, những đặc sản đậm chất Tây Bắc, là sự sáng tạo và giữ gìn nét đẹp của các dân tộc thiểu số. Phải kể đến những món ngon như: Lợn cắp nách, cá bống vùi tro, pa pỉnh tộp, xôi tím. rêu đá nướng, rượu sâu chít, canh tiết lá đắng, hạt dổi, mắc khén, thịt trâu gác bếp…
Tổng quan về tỉnh Lai Châu là tỉnh có vị trí địa lý, khí hậu, điều kiện tự nhiên và nhân văn rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Đến thời điểm này, tỉnh Lai Châu có 5 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghệ thuật múa Xòe, Trò chơi kéo co của dân tộc Thái, Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Môn… Bên cạnh đó, Di sản hát Then của dân tộc Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với lợi thế khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, tỉnh biên giới Lai Châu còn có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Điển hình như đèo Ô Quy Hồ vắt ngang dãy núi Hoàng Liên Sơn (cung đèo dài nhất Việt Nam); Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây… Hầu hết đều có độ cao trên dưới 3.000m so với mực nước biển. Ngoài ra, Lai Châu còn có hệ thống hang động với vẻ đẹp nguyên sơ như: động Tiên Sơn ở Tam Đường, động Pu Sam Cap ở thành phố Lai Châu…
Cánh đồng Mường Than (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Lai Châu nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ, có Quốc lộ 4D, Quốc lộ 32, 12 và đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Mạng lưới giao thông giúp Lai Châu liên kết với Hà Nội – Lào Cai – Điện Biên và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tạo ra một mạch kết nối giao thương hàng hóa và du lịch trên cả tuyến Tây Bắc.
Tất cả những yếu tố trên là điều kiện rất tốt để Lai Châu phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng độc đáo… Với những thế mạnh đó, du lịch Lai Châu đã có những bước bứt phá nổi bật, đang dần dần khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch Tây Bắc.
Phát huy thế mạnh từ sự phong phú, đa dạng, nét riêng trong văn hóa truyền thống các dân tộc, con người nơi đây luôn giữ gìn bản sắc văn hóa, duy trì để văn hóa dân tộc phát triển hơn, mang đầy ý nghĩa nhân văn, phát triển du lịch… Đây cũng là một trong những thuận lợi không chỉ để phát triển kinh tế, mà các dân tộc có thể giao lưu với các dân tộc khác.
Trên đây là những thông tin tổng quan về thị trường tỉnh Lai Châu do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có được cái nhìn sơ bộ trước khi đưa ra phương án đầu tư sinh lời hợp lý vào thị trường bất động sản tại khu vực này. Bạn đọc muốn tìm hiểu và đọc thêm về các thông tin tổng quan các tỉnh thành khác cả nước, bạn đọc có thể truy cập vào website: https://senvangdata.com.vn/
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Quang Linh
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP