Kiên Giang được coi là vùng đất “rừng vàng biển bạc” với nhiều lợi thế mà không phải tỉnh, thành nào cũng có được. Tỉnh có bờ biển dài hơn 200km, nhiều sông, núi và hải đảo, rất thích hợp cho việc phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản. Ngoài ra tỉnh còn nằm trong vịnh Thái Lan, gần với các nước Đông Nam Á nên có điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa hai nước. các tỉnh với các nước lân cận. Sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu thông tin tổng quan về tỉnh Kiên Giang trước khi quyết định tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có đường biên giới phía Bắc chung với Vương quốc Campuchia dài 56 km. Phía Đông và Đông Nam giáp Cần Thơ, An Giang; phía Nam giáp Cà Mau và Bạc Liêu; phía Tây giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 200km.
Toàn cảnh Kiên Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Kiên Giang có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài.
Tỉnh Kiên Giang có địa hình đa dạng, vừa có vùng đồng bằng lại vừa có vùng đồi núi và biển, nhiều sông núi, kênh rạch và hải đảo. Phần đất liền tương đối bằng phẳng, kết hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Nguồn tài nguyên của tỉnh cũng rất phong phú, đa dạng, có tiềm năng phát triển các ngành nông lâm ngư, công nghiệp và du lịch.
Vị trí địa lý của Kiên Giang có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế – xã hội tổng hợp, là cửa ngõ hướng ra biển Tây của tỉnh cũng như của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đảo và giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế với các ngành mũi nhọn như du lịch, thương mại, dịch vụ công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản…
Kiên Giang là một tỉnh có diện tích lớn nhất so với các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, có dân số đông nhưng nhìn chung mật độ còn khá thấp. Tính đến năm 2020, Kiên Giang rộng 6,382.8 km2, tổng dân số là 1,782,900 người, mật độ dân số đạt 272 người/ km2. So với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, dân số Kiên Giang đứng thứ 3 về dân số, đứng hàng thứ 10 về mật độ dân số.
Thống kê diện tích, dân số và mật độ dân số tại các tỉnh thuộc vùng Đồng Bằng sông Cửu Long (Nguồn: Niên giám thống kê 2020)
Nguồn lao động cơ bản dồi dào cho sự phát triển của tỉnh. Số người lao động trên 15 tuổi của Kiên Giang ở mức khá cao so với các tỉnh quy hoạch vùng, đứng thứ 4/13; tỷ lệ lao động trên 15 tuổi qua đào tạo ở mức trung bình so với các tỉnh, đứng thứ 6/13.
Dân cư của tỉnh Kiên Giang phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở TP. Rạch Giá và Huyện Giồng Riềng, trong đó TP. Rạch Giá có mật độ dân cư cao nhất. Huyện đảo Kiên Hải có dân số thấp nhất và Huyện Giang Thành là khu vực có mật độ dân số thấp nhất trong tỉnh. Tỷ lệ dân cư nông thôn của Kiên Giang chiếm tỷ lệ lớn gấp hơn 2.5 lần tỷ lệ dân cư thành thị.
Biểu đồ 1: Cơ cấu dân số thành thị, nông thôn tỉnh Kiên Giang (Nguồn: Niên giám thống kê 2020)
Năm 2021, với mức tăng trưởng 0.58%, Kiên Giang là một trong 6 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng dương, xếp thứ 6/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ hai vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau An Giang).
Năm 2021, trong tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và đời sống xã hội, nhưng tổng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Kiên Giang đạt hơn 58.14 triệu đồng/người/năm, tăng 3.68% so với năm 2020 và đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Biểu đồ 2: GRDP bình quân đầu người tại Kiên Giang giai đoạn 2018-2021 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp từ 40.39% năm 2015 xuống còn 32.74% năm 2020; tỷ trọng công nghiệp tăng từ 18.11% lên 20.65% và dịch vụ tăng từ 41.5% lên 46.61%.
Biểu đồ 4: Cơ cấu kinh tế tỉnh Kiên Giang năm 2021 (Nguồn: Cục thống kê Tiền Giang)
Thu ngân sách Kiên Giang năm 2021 đứng thứ 2 trong khu vực ĐBSCL cho thấy tỉnh hoạt động rất tốt trong lĩnh vực về thu chi ngân sách, đóng thuế và phát triển kinh tế nói chung.
Biểu đồ 5: Thu ngân sách khu vực ĐBCSL năm 2021 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến tháng 4/2022, Kiên Giang đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút đầu tư nước ngoài với với 62 dự án, vốn đầu tư 4.81 tỷ USD (chiếm 14.4% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Chỉ số PCI năm 2021 của Kiên Giang đạt 59.73 điểm, xếp hạng 60/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 2 hạng so năm 2020; đứng thứ 13 khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thuộc nhóm tương đối thấp.
Biểu đồ 6: Xếp hạng PCI theo thời gian của Kiên Giang (Nguồn: PCI Việt Nam)
Kiên Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh và nhiều địa danh du lịch đã trở nên nổi tiếng như “Đảo Ngọc” Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương… Có thể khẳng định, du lịch biển, đảo đã trở thành một đặc sản, một sản phẩm riêng khi nói về du lịch Kiên Giang.
Biểu đồ 7: Lượt khách du lịch đến Kiên Giang giai đoạn 2017 – 2021 (Nguồn: Sở du lịch Kiên Giang)
Kiên Giang còn là một trong những tỉnh dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long có dòng vốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch khá lớn. Lũy kế đến đầu năm 2022, toàn tỉnh thu hút 327 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư trên 358,000 tỷ đồng. Riêng Phú Quốc có 283 dự án đầu tư du lịch với tổng vốn đầu tư trên 352,000 tỷ đồng.
Tương lai, Kiên Giang đang hướng đến phát triển du lịch toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng dịch vụ và đảm bảo tính bền vững
Nhìn chung, hệ thống cơ sở y tế của Kiên Giang đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và du khách. Một số bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y Dược cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần, và một số bệnh viện tư nhân: Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Bình An, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Biểu đồ 8: Số lượng cơ sở y tế tỉnh Kiên Giang (Nguồn: Sở y tế Kiên Giang)
Giai đoạn 2021-2025, ngành y tế tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị với chi phí trên 8,000 tỷ đồng. Trọng điểm là xây dựng trung tâm y tế huyện U Minh Thượng, huyện Giang Thành và Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc với quy mô 500 giường, mức đầu tư khoảng 1,200 tỷ đồng.
Ngành GD&ĐT tỉnh Kiên Giang đã từng bước sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo hướng tăng quy mô, giảm điểm lẻ; trang bị tốt cơ sở vật chất, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý.
Biểu đồ 9: Số lượng cơ sở giáo dục tỉnh Kiên Giang năm 2020 (Nguồn: Niên giám thống kê 2020)
Toàn tỉnh hiện có 294 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 47.88%; có 144/144 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ học sinh từ 6 – 14 tuổi đi học so với độ tuổi đạt 97.01%. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đạt 99.61%.
Kiên Giang là nơi giao thoa văn hoá của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, được thể hiện thông qua các phong tục, tập quán, lễ hội và làng nghề truyền thống đặc sắc, các sản phẩm riêng biệt. Với những gì đang sở hữu, Kiên Giang đã và đang khai thác tiềm năng, thế mạnh nhằm định hướng phát triển du lịch làng nghề truyền thống, không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa trong lao động, sản xuất.
Một số làng nghề truyền thống ở Kiên Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Sở hữu vị trí địa lý ở tận cùng phía Tây Việt Nam, Kiên Giang mang nét đặc trưng của văn hóa miền Tây Nam Bộ, là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa, trong đó đặc trưng nhất là các nền văn hóa của ba dân tộc Kinh – Khmer – Chăm. Chính điều này đã tạo nên một bản sắc văn hóa Kiên Giang vô cùng đa dạng, phong phú qua nhiều lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật cho đến ẩm thực.
Một số di sản văn hóa – lễ hội tỉnh Tiền Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Theo thống kê, toàn tỉnh Kiên Giang có trên 160 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh: DTLS Đình Nguyễn Trung Trực, DTLS chùa Sắc Tứ Tam Bảo, DTLS Đình Vĩnh Hòa, DTLS Mộ Huỳnh Mẫn Đạt…
Các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bộ, múa lân của người Hoa; hát Dù kê, múa Ròm-vông, Àdây, Lâm-lêu của người Khmer; Đờn ca tài tử–Cải lương, dây đàn Rạch Giá của người Kinh, Hò thẻ mực…
Là mảnh đất nằm ở cực Nam Việt Nam, Kiên Giang nổi tiếng với chuỗi hòn đảo đẹp như tranh vẽ, hệ sinh thái biển đa dạng cùng nhiều lễ hội địa phương đa sắc màu và ẩm thực ngon nức tiếng. Với rất nhiều điểm cộng trên, đây được xem là một trong những “thiên đường” du lịch của miền Tây Nam Việt Nam và ngày càng khiến khách du lịch thích thú tham quan.
Tổng quan du lịch Kiên Giang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Kiên Giang có nhiều địa danh nổi tiếng đi vào lịch sử là rừng U Minh, Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc… Thiên nhiên đã ưu đãi cho Kiên Giang nhiều danh lam thắng cảnh như “Non nước Hà Tiên”, “Biển trời Phú Quốc”. Địa danh Hà Tiên được đánh giá là nơi có nhiều cảnh đẹp với nhiều núi non hang động, chùa chiền, lăng mộ và nhiều hòn đảo gần xa.
Nhờ có điều kiện tự nhiên và thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu ôn hòa, Phú Quốc đang dần trở thành thiên đường nghỉ dưỡng mới của thế giới, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch nghỉ dưỡng đã được khẳng định, Phú Quốc còn là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động khám phá thiên nhiên kỳ thú có thể làm lạc bước chân du khách khi đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này
Phú Quốc có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ phía bắc đến phía nam, có 99 ngọn núi đồi và dãy rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú. Phía Bắc của đảo có làng chài Rạch Vẹm, Bãi Thơm, Hòn Một,… nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ hay ở Nam Đảo có 12 hòn đảo nhỏ to khác nhau thuộc quần đảo An Thới có thể kể đến như Hòn Thơm, Hòn Móng Tay, Hòn Gầm Ghì, Hòn Mây Rút,… là những nơi lý tưởng cho các hoạt động khám phá thiên nhiên cùng các hoạt động trên biển như du thuyền, câu cá, lặn ngắm san hô và khám phá đảo hoang kỳ thú…
Bãi biển Cửa Cạn – Phú Quốc (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Trên đây là những thông tin tổng quan về thị trường tỉnh Kiên Giang do Sen Vàng Group tổng hợp. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có được cái nhìn sơ bộ trước khi đưa ra phương án đầu tư sinh lời hợp lý vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Thương Trần
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP