Cà Mau là vùng đất cực Nam Tổ quốc, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ có lợi thế về vị trí địa lý 3 mặt giáp biển cùng với tài nguyên thiên nhiên phong phú, Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế – văn hóa – du lịch. Ngay sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu những thông tin về tổng quan tỉnh Cà Mau trước khi quyết định tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Cà Mau là một tỉnh ven biển ở cực nam của Việt Nam, nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau nằm trên bán đảo, có vị trí địa lý khá đặc biệt, với ba mặt tiếp giáp biển, phía đông giáp Biển Đông với đường bờ biển 107 km, phía tây và phía nam giáp Vịnh Thái Lan với đường bờ biển 147km, phía bắc giáp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Kiên Giang.
Cà Mau nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng Vịnh Thái Lan, là những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn, có tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch biển đảo, đồng thời cũng rất thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực.
Một góc Cà Mau (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Cà Mau là vùng đồng bằng, địa hình thấp, có phần lớn đất đai ở Cà Mau là vùng đất trẻ do phù sa bồi lắng, rất màu mỡ và thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, trồng rừng ngập mặn, ngập lợ…
Ngoài ra, tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và đan xen nhau, chiếm 3.02% diện tích tự nhiên với tổng chiều dài sông ngòi khoảng 7,000km, rất thuận tiện cho vận tải, giao thông đường thủy.
Do có vị trí thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, những đặc thù về sinh thái rừng, biển, khí hậu rất ôn hòa… tạo cho Cà Mau có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, khai thác khí đốt, dầu khí và dịch vụ cảng biển.
Cà Mau là một tỉnh có diện tích khá lớn so với các tỉnh trong quy hoạch vùng, có dân số trung bình, nhìn chung mật độ còn khá thấp. Nguồn lao động cơ bản dồi dào cho sự phát triển của tỉnh, tuy nhiên tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo còn thấp so với các tỉnh trong quy hoạch vùng.
Tính đến năm 2020, dân số Cà Mau có 1,193.9 nghìn người, đứng thứ 8/13 so với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, phân bổ tương đối đồng đều, mật độ dân số 229 người/km2, xếp cuối cùng trong tổng số 13 tỉnh vùng. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 50%, đa số là lao động trẻ, cần cù, có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nhiều lĩnh vực.
Bảng 1: Thống kê diện tích, dân số và mật độ dân số các tỉnh, thành vùng ĐBSCL năm 2020 (Nguồn: Niên giám thống kê 2020)
Dân cư của tỉnh Cà Mau phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở thành phố Cà Mau với mật độ cao. Huyện Năm Căn có dân số thấp nhất và Huyện Ngọc Hiển có mật độ dân số thấp nhất trong tỉnh.
Bảng: Thống kê diện tích, dân số và mật độ dân số các đơn vị hành chính tỉnh Cà Mau năm 2020 (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Cà Mau)
Tỷ lệ dân cư nông thôn của Cà Mau chiếm tỷ lệ lớn gấp hơn 3 lần tỷ lệ dân cư thành thị. Từ 2018 đến 2020, tỷ trọng dân số thành thị và nông thôn ở tỉnh Cà Mau gần như không thay đổi. Như vậy, tốc độ đô thị hóa ở Cà Mau là khá chậm.
Chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Cà Mau năm 2021 đạt 64.74 điểm, tăng 1.92 điểm, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2020, xếp thứ 7/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (tăng 2 bậc). Theo báo cáo đánh giá của VCCI, năm 2021, Cà Mau nằm trong nhóm các tỉnh có điểm trung bình thuộc loại khá trong cả nước.
Bảng: Xếp hạng PCI của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL năm 2021 (Nguồn: PCI Việt Nam)
Giai đoạn 2015-2020 kinh tế Cà Mau đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng khá chậm.
Biểu đồ: Cơ cấu kinh tế tỉnh Cà Mau năm 2021 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Ước tính cả năm 2021, GRDP (theo giá so sánh) của tỉnh Cà Mau đạt khoảng 41,688 tỷ đồng, tăng 0.92% so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 54.3 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 18,873 tỷ đồng. Quy mô nền kinh tế Cà Mau đứng thứ 4/5 trong các tỉnh được so sánh, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đầu người có xu hướng tăng mạnh hơn các tỉnh được so sánh.
Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, có vị trí địa lý vùng biển độc đáo, có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang dã nguyên sinh rất thơ mộng, những khu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế với các mô hình phát triển lâm nghiệp nguyên sinh và tái sinh, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, phát triển du lịch sinh thái sẽ tạo động lực nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm ngập úng và các hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống đặc thù.
Tổng quan du lịch Cà Mau (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Cà Mau là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế và đạt 100% so với Đề án giai đoạn 2011-2020.
Tổng số giường bệnh toàn tỉnh là 3,947 giường, đạt bình quân 27.1 giường bệnh/vạn dân. Trong đó tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của các đơn vị y tế Nhà nước là 26.2 giường, y tế ngoài công lập là 0.9 giường. Công tác đào tạo đội ngũ y tế được chú trọng, bình quân 9.94 bác sĩ/vạn dân; bình quân số dược sĩ đại học/vạn dân đạt 1.56 người giúp cho chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế được nâng lên rõ rệt.
Tổng quan y tế tỉnh Cà Mau (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Giáo dục và đào tạo Cà Mau đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Toàn tỉnh hiện có 298/508 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ hơn 58%. 100% huyện, thành phố duy trì tốt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, xóa mù chữ mức độ 1.
Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Cà Mau (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với tỷ lệ thí sinh được công nhận tốt nghiệp đạt hơn 98% và hoàn thành 16/16 nhiệm vụ UBND tỉnh giao.
Sự kết hợp hài hoà của biển, rừng; sự đan xen giữa hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ, tạo cho vùng đất Cà Mau đa dạng, phong phú sản vật. Từ nguồn nguyên liệu dồi dào, người dân đã sáng tạo nhiều sản phẩm độc đáo, làng nghề ở vùng đất cực nam có nhiều nét tinh hoa, truyền thống. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà những bản sắc văn hoá này của từng địa phương chính là yếu tố hấp dẫn cho du lịch văn hóa của tỉnh. Tuy nhiên, các làng nghề thiên về thủ công và chưa được liên kết chặt chẽ nên hiệu quả kinh tế và du lịch chưa thực sự cao.
Tổng quan làng nghề Cà Mau (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Các làng nghề truyền thống như chiếu Tân Thành, tôm khô Rạch Gốc; hầm than đước ở huyện Ngọc Hiển; nghề làm mắm ba khía Rạch Gốc; nghề làm đũa đước ở Năm Căn; dưa bồn bồn ở Cái Nước… đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch của Cà Mau.
Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo thành các cửa sông lớn và hàng trăm hệ thống sông, kênh, rạch nhỏ khác… nhờ đó tạo nên nét văn hóa sông nước nơi đây. Văn hóa sông nước vẫn gắn liền với nếp ăn, nếp ở của người dân Cà Mau. Họ buôn bán trên những chiếc xuồng, ghe tàu to nhỏ và dùng xuồng ba lá để lưu thông theo các con kênh, rạch. Nhiều gia đình dựng nhà đối diện dòng sông để tiện sinh hoạt, mua bán, săn bắt cá tôm, trồng trọt,… Đây là nét đẹp văn hóa rất hấp dẫn đối với khách du lịch.
Văn hóa chợ nổi Cà Mau (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Ngoài ra mảnh đất Cà Mau ghi dấu lại nhiều lịch sử đấu tranh của nhân dân và để lại nhiều di tích lịch sử như di tích lịch sử Bến Vàm Lũng – điểm cuối của Đường Hồ Chí Minh trên biển; Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc; Di tích lịch sử và thắng cảnh đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phan Ngọc Hiển; Di tích lịch sử căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Đước; Di tích lịch sử Hồng Anh Thư Quán…
Tổng quan văn hóa tỉnh Cà Mau (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Ngoài ra, du khách còn có thể khám phá đời sống tâm linh của những con người Cà Mau thông qua những lễ hội đặc trưng như: Lễ hội Nghinh Ông; Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu; Lễ hội Chol Chnăm Thmây, Đolta, Okombok của người Khmer… Hay các lễ hội đặc sắc của Phật giáo như: Vu lan, Phật đản, Nguyên tiêu,…
Với hệ sinh thái rừng đa dạng, Cà Mau là một trong những tỉnh có hệ động thực vật phong phú và đa dạng, phù hợp để khai thác và phát triển các loại hình du lịch xanh và độc đáo khác.
Trong đó, Cà Mau có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau bao gồm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ hoang sơ và huyền bí.
Bản đồ du lịch tỉnh Cà Mau (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Dưới tán rừng là những đầm tôm, ruộng lúa cùng các vườn cây ăn trái, sân chim tự nhiên, với nhiều loại chim quý hiếm… tạo nên các tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn. Các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, Hòn Buông, bãi Khai Long… là những nơi còn giữ được vẻ đẹp nguyên thuỷ của tự nhiên.
Bên cạnh đó, nhờ lợi thế về đặc điểm tự nhiên, là tỉnh cuối cùng nơi cực Nam Tổ quốc, Mũi Cà Mau có cột mốc tọa độ quốc gia nên du lịch Cà Mau rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Mũi Cà Mau (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Trên đây là những thông tin tổng quan về thị trường tỉnh Cà Mau do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có được cái nhìn sơ bộ trước khi đưa ra phương án đầu tư sinh lời hợp lý vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Thương Trần
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP