Thông tin tổng quan tỉnh Bình Phước

  • 28 Tháng mười, 2022
  • Bình Phước là một tỉnh miền núi ở phía Tây của vùng Đông Nam Bộ và thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh Bình Phước có vị trí không xa thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước – lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia nên Bình Phước có tiềm năng lớn trong việc phát triển thương mại, du lịch và xuất khẩu. Ngay sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu những thông tin tổng quan về tỉnh Bình Phước trước khi quyết định tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này. 

    Tỉnh Bình Phước nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km, có tỉnh lỵ là thành phố Đồng Xoài với vị trí địa lý:

    • Phía Đông giáp các tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai.

    • Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia.

    • Phía Nam giáp tỉnh Bình Dương.

    • Phía Bắc giáp các tỉnh Đắk Nông và Campuchia.

    Với 258.9 km đường biên giới và có cửa khẩu thông thương với Campuchia, tỉnh có rất nhiều cơ hội để phát triển thương mại, du lịch và xuất khẩu. Đồng thời, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên.

    Một góc thành phố Đồng Xoài – Bình Phước (Nguồn: Sen Vàng Tổng hợp)

    Tỉnh có địa hình dạng đồi thấp, thoải lượn sóng nối liền với nhau tạo thành dạng địa hình yên ngựa, nhiều nơi dạng địa hình bát úp, ít bị đứt gãy sâu và thấp, thoải dần về phía Tây và Tây Nam. Với lợi thế địa hình tương đối ít dốc và bằng phẳng, rất thuận lợi cho sử dụng đất, thích hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như: cao su, điều, cà phê, tiêu…

    Bình Phước nằm trong vùng mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo gió mùa, hầu như không có lụt và bão, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Đặc điểm khí hậu phù hợp với trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu… tạo nên tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế của Bình Phước.

    Theo thống kê tỉnh Bình Phước năm 2020, cơ cấu dân số trong độ tuổi từ 15-49 chiếm đến 54.1% tổng dân số, bằng 96.4% tổng lực lượng lao động của Tỉnh. Tổng dân số có độ tuổi dưới 15 chiếm đến 27%. Trong đó, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chỉ có 5.3%. Như vậy, lực lượng dân số của Bình Phước còn trẻ, có thể nói Bình Phước đang ở thời kỳ dân số vàng. Đây là một nền tảng rất tốt cho thực hiện mục tiêu Bình Phước – Điểm đến hấp dẫn trong khung thời gian ba thập kỷ.

    Bảng thống kê số liệu dân số một số tỉnh Đông Nam Bộ năm 2020 (Nguồn: Sen Vàng Tổng hợp)

    Tỉnh Bình Phước có tỷ suất nhập cư năm 2020 là 4.3%, đứng thứ 6/6 trong vùng Đông Nam Bộ. Tỷ suất xuất cư của Bình Phước năm 2020 là 6.3%, đứng 2/6 trong vùng Đông Nam Bộ (cao nhất là Tây Ninh). Tỷ suất xuất cư cao hơn tỷ suất nhập cư cho thấy tỉnh đang yếu trong việc thu hút lao động và chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm của người dân. Tỷ lệ tăng dân số và mức độ gia tăng dân số tự nhiên thấp (1.33% năm 2020 đứng thứ 5/6 trong các tỉnh được so sánh).

    Tỷ lệ dân cư nông thôn của Bình Phước gấp hơn 3 lần tỷ lệ dân cư ở thành thị với tỷ lệ dân cư thành thị thấp nhất so với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Dân cư của tỉnh phân bố không đều, tập trung đông ở thị xã Bình Long với mật độ cao. Huyện Bù Đốp có dân số thấp nhất và Huyện Bù Gia Mập có mật độ dân số thấp nhất trong tỉnh. 

    Tỉnh Bình Phước đứng thứ 50 trên 63 tỉnh, thành phố cả nước về chỉ số PCI năm 2021 với 62.17 điểm, được đánh giá thuộc nhóm điều hành “trung bình”. Do đó, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận dễ dàng hơn một số loại thông tin và tài liệu. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo lao động, đặc biệt là lao động có chuyên môn.

    10 chỉ số thành phần của PCI (1-100) của tỉnh Bình Phước (Nguồn: Sen Vàng Tổng hợp)

    Năm 2021, tỉnh Bình Phước có mức tăng trưởng cao nhất vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 20 so với cả nước với mức tăng trưởng kinh tế ước đạt 6.32%. GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 75.99 triệu đồng/người, tăng 9.51% so với cùng kỳ năm 2020.

    Định hướng cơ cấu kinh tế đến năm 2025 có sự chuyển dịch theo hướng phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người tỉnh Bình Phước năm 2021 đứng thấp nhất trong vùng Đông Nam Bộ với 75.99 triệu/người. Trong cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong một thập niên qua và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

    Cơ cấu kinh tế tỉnh Bình Phước (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Ngân sách thu được của tỉnh Bình Phước năm 2021 đứng thứ 4/5 tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ với tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 13,191.51 tỷ đồng, tăng 13.64% so với cùng kỳ. Năm 2022, tổng thu ngân sách của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 7,054 tỷ đồng với khoản thu nội địa đạt hơn 6,504 tỷ đồng bằng 59% dự toán Bộ Tài chính, bằng 107% so với cùng kỳ năm trước. 

    Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bình Phước đứng thứ 5/6 về số dự án trong vùng Đông Nam Bộ với 392 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 3,834.13 triệu USD thấp nhất so với các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, những năm qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã có nhiều khởi sắc khi thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021 tăng gấp 3 lần so với năm 2020.   

    Biểu đồ lũy kế các dự án FDI còn hiệu lực vùng Đông Nam Bộ (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

    Toàn tỉnh có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4,686 ha, tiêu biểu là khu công nghiệp Becamex – Bình Phước đã thu hút được 49 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trực tiếp đóng góp vào ngân sách hơn 1,700 tỷ đồng, ước tính chiếm tới trên 1/3 tổng vốn FDI của toàn tỉnh từ trước đến nay.

    Ngoài ra, tỉnh Bình Phước còn chú trọng về khai thác và phát triển du lịch với 4 loại hình sản phẩm do tỉnh có hệ sinh thái rừng phong phú, sự đa dạng sinh học và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc. Toàn tỉnh có 10 công ty lữ hành hoạt động đưa đón khách du lịch và 500 cơ sở được xếp hạng lưu trú du lịch với lượng khách du lịch năm 2020 đạt 784.4 nghìn người.  

    4.1. Y tế

    Năm 2020, toàn tỉnh đã có 108/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; số bác sĩ/vạn dân đạt 8.5 bác sĩ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Một số bệnh viện lớn của tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, Bệnh Viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa huyện Chơn Thành, Trung Tâm Y Tế TP. Đồng Xoài, Trung tâm Y tế Huyện Bù Đăng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước…

    Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước (Nguồn: Sen Vàng Tổng hợp)

    4.2. Giáo dục

    Tính đến hết năm 2020, tỉnh Bình Phước có 144/388 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 37.1% so với tổng số các trường. Tuy nhiên, số lượng giáo viên vẫn thiếu và yếu về chất lượng so với yêu cầu thực tế và thấp nhất cả nước. Hệ thống cơ sở vật chất giáo dục của tỉnh không ngừng được tăng cường do sự đầu tư của nhà nước bằng nguồn vốn trung ương và địa phương.

    TỔNG QUAN TỈNH BÌNH PHƯỚC
    TỔNG QUAN TỈNH BÌNH PHƯỚC

    Trường THPT Nguyễn Du – Bình Phước (Nguồn: Sen Vàng Tổng hợp)

    Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt hiệu quả: 11/11 huyện/thị xã/thành phố và 100% xã, phường, thị trấn đạt đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; 15/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập THPT. 

    4.3. Làng nghề 

    Tỉnh Bình Phước có nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề phơi lá buông, làng nghề đan lát, làng nghề dệt thổ cẩm, làng nghề mộc mỹ nghệ,… Để làm ra những sản phẩm chất lượng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của người dân nơi đây. 

    TỔNG QUAN TỈNH BÌNH PHƯỚC
    TỔNG QUAN TỈNH BÌNH PHƯỚC

    Một số làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Phước (Nguồn: Sen Vàng Tổng hợp)

    Hiện nay, định hướng kinh tế của tỉnh Bình Phước là đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ nhưng tỉnh vẫn gìn giữ những làng nghề truyền thống. Cụ thể, tỉnh đã đầu tư và triển khai nhiều chương trình bảo tồn và phát triển các làng nghề nhằm bảo vệ và gìn giữ những nét đẹp truyền thống dân tộc. Hơn nữa, còn mang lại việc làm và cơ hội lao động cho người dân, quảng bá nét đẹp truyền thống cho khách du lịch trong và ngoài nước.

    4.4. Văn hóa 

    Bình Phước có nhiều di tích cách mạng gắn liền với những chiến công của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với các địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 11 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh. Một số di tích lịch sử tiêu biểu như: Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh-1973…

    TỔNG QUAN TỈNH BÌNH PHƯỚC
    TỔNG QUAN TỈNH BÌNH PHƯỚC

    Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Nguồn: Sen Vàng Tổng hợp)

    Là một tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống với 40 dân tộc thiểu số nên tỉnh có sự đa dạng về bản sắc văn hóa, nhất là các lễ hội dân gian. Nhiều lễ hội phù hợp với thuần phong mỹ tục của người dân địa phương đã phát huy được giá trị văn hóa truyền thống dân tộc như: Lễ hội cầu mưa, Lễ hội vía Bà Rá, Lễ hội Mừng lúa mới, Hội chọi trâu, Lễ tết Chôl Chnăm Thmây…

    4.5. Du lịch 

    Có được sự ưu ái của thiên nhiên với hệ sinh thái rừng phong phú và sự đa dạng sinh học. Tỉnh Bình Phước đang khai thác và phát triển mạnh mẽ du lịch với 4 loại hình sản phẩm là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch cuối tuần.

    Dựa trên thế mạnh này, tỉnh kết hợp mở các tuyến du lịch theo hướng du lịch sinh thái, leo núi, đi bộ xuyên rừng, du lịch khám phá với các điểm đến gồm: Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Vườn Quốc gia Tây Cát Tiên (Bù Đăng)…Bên cạnh đó, tỉnh là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, dân tộc đặc sắc nên có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng dân gian.

    TỔNG QUAN TỈNH BÌNH PHƯỚC
    TỔNG QUAN TỈNH BÌNH PHƯỚC

    Rừng Nam Cát Tiên (Nguồn: Sen Vàng Tổng hợp)

    Tuy nhiên, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ còn hạn chế và hầu hết chỉ mới đáp ứng dịch vụ nghỉ dưỡng. Đa số các cơ sở lưu trú phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các khu trung tâm huyện, thị xã. 

    Ngoài ra, Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc biên giới ở khu vực Đông Nam Bộ, có nhiều dân tộc tạo nên sự đa dạng văn hóa của tỉnh. Văn hóa đồng bằng và văn hóa miền sơn cước sẽ là tiền đề để phát triển mô hình du lịch homestay, thích hợp đối với các thôn sóc của người S’tiêng, Mạ, Kh’mer… và là điểm hấp dẫn đối với du khách nước ngoài.

    Trên đây là những thông tin tổng quan về thị trường tỉnh Bình Phước do Sen Vàng Group tổng hợp. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có được cái nhìn sơ bộ trước khi đưa ra phương án đầu tư sinh lời hợp lý vào thị trường bất động sản tại khu vực này. 

    Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Thanh Hoạt

    Thông tin liên hệ: 

    Website: https://senvangdata.com/ 

    Hotline: 0948.48.48.59 

    Để không bỏ lỡ những thông tin chi tiết về Kinh tế - Xã hội, Quy hoạch và Thị trường Bất động sản tỉnh Bình Phước, quý vị vui lòng tham khảo Báo cáo nghiên cứu thị trường tỉnh Bình Phước hoặc Đăng ký/ Đăng nhập vào Website Sen Vàng Data để truy cập được hơn 10,000 dữ liệu Bất động sản.

    Thẻ : văn hóa bình phước, dân số bình phước, làng nghề bình phước, bình phước, kinh tế xã hội bình phước,

      ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN VỚI SEN VÀNG GROUP

      Nội dung Qúy công ty cần tư vấn :

      "Cảm ơn Qúy công ty, sau khi điền thông tin, Sen Vàng sẽ liên hệ với Qúy công ty để xác nhận trong thời gian 48h!
      Chúc Qúy công ty ngày càng phát triển và thịnh vượng!

      Qúy công ty có thể liên hệ trực tiếp số Hotline Sen Vàng Group 0948484859 nếu cần gấp!

      Trân trọng! "

      TOP
      error: Content is protected !!