Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm cao nguyên Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của cả nước. Đồng thời, với những lợi thế về thiên nhiên và nền văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đậm đà bản sắc, tỉnh rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Ngay sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu những thông tin tổng quan vùng tỉnh Đắk Lắk trước khi quyết định tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên là một trong những cực phát triển của tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1h theo đường hàng không.
Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai,
Phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà,
Phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông
Phía Tây giáp Campuchia với đường biên giới dài 70km.
Đắk Lắk có tất cả 15 đơn vị hành chính cấp Huyện, thị xã và thành phố trực thuộc. Đó là thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện,Buôn Đôn; Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc, Lắk, M’Đrắk. Cùng với đó là 189 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Tổng diện tích toàn tỉnh là 13,070.4km2.
Tổng quan tỉnh Đắk Lắk (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Với vị trí địa lý có địa hình đa dạng đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, lại thuộc nhóm tỉnh có thời gian bức xạ nhiệt trong ngày lớn thứ nhất trên cả nước với 5.4 – 5.6kwh/m2/ngày, hệ thống sông suối phong phú nhiều hồ tự nhiên, lượng mưa trung bình đạt 1,900mm. Do đó, Đắk Lắk có nhiều thuận lợi để canh tác các loại cây công nghiệp có giá trị cao như cà phê, cao su,… và phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện mặt trời và điện gió.
Ngoài thủy điện hiện đã được khai thác, tiềm năng năng lượng tái tạo có thể phát triển điện gió đạt công suất khoảng 10,000MW, điện mặt trời đạt khoảng 16,000MWp, điện sinh khối đạt khoảng 120MW. Với tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió, đang có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Đắk Lắk.
Tổng dân số và mật độ dân số của tỉnh Đắk Lắk lớn nhất khu vực Tây nguyên. Tính đến năm 2021 tỉnh Đắk Lắk có diện tích 13,070.4km2 với tổng dân số là 1.9 triệu người, mật độ dân số là 146 người/km2. Số người lao động trên 15 tuổi của Đắk Lắk là 1,121.5 nghìn người, xếp thứ 1 trong khu vực. Tỉ lệ người lao động trên 15 tuổi đã qua đào tạo của Đắk Lắk xếp thứ 2 trong khu vực với 18.3%.
Như vậy có thể thấy Đắk Lắk có dân số và mật độ dân số cao, số người lao động trên 15 tuổi cao tuy nhiên tỷ lệ người lao động qua 15 tuổi đã được đào tạo lại ở mức trung bình trong khu vực Tây Nguyên. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nguồn nhân lực tại đây, tuy nhiên về số lượng cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động để phát triển các ngành kinh tế đòi hỏi lao động lớn.
Bảng thống kê diện tích, dân số, mật độ dân số vùng Tây Nguyên (Nguồn: Niên giám thống kê 2021)
Hơn nữa, tỷ lệ dân cư thành thị của Đắk Lắk đạt mức 24.70%, xếp thứ 4/5 trong khu vực Tây Nguyên. Như vậy, tỷ lệ dân cư thành thị của tỉnh Đắk Lắk ở mức thấp trong khu vực.
Tỉnh Đắk Lắk có chỉ số năng lực cạnh PCI đạt ở mức trung bình với mức điểm số bình quân là 64.2 xếp hạng thứ 3 trong khu vực Tây Nguyên. Điểm số cao nhất là thiết chế pháp lý và thấp nhất là tính minh bạch. Tỉnh cần có các chính sách để cải thiện tính minh bạch tỉnh.
GRDP bình quân đầu người của Đắk Lắk có xu hướng tăng trong giai đoạn 2017-2020 và giảm nhẹ vào năm 2022. Tuy nhiên khi so với khu vực vùng Tây Nguyên thì GRDP bình quân đầu người của Đắk Lắk vẫn còn tương đối thấp. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đắk Lắk bình quân đầu người năm 2021 đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/người.
Bảng GRDP bình quân đầu người tỉnh Đắk Lắk (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Điểm sáng của nền kinh tế ở Đắk Lắk khi quy mô nền kinh tế tăng cao, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8.75%; quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt 62,000 tỷ đồng, gấp 1.52 lần so với năm 2015. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, bình quân 10%/năm; tổng thu cân đối 5 năm đạt 30,678 tỷ đồng, bằng 7.4% GRDP (cao hơn giai đoạn trước 0.5%).
Về cơ cấu kinh tế tỉnh trong năm 2021, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk với 42.2% tiếp đến kinh tế nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 36% và công nghiệp xây dựng chiếm 16.5%, còn lại là thuế.
Đến năm 2025, tỉnh định hướng cơ cấu kinh tế của Đắk Lắk tập trung chủ yếu vào phát triển công nghiệp xây dựng tăng tỷ trọng lên 23.82% và giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống còn 28.28%. Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời; công nghiệp chế biến sâu có lợi thế cạnh tranh như: Cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm…
Biểu đồ cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Lắk (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Nhìn chung, chất lượng khám chữa bệnh của tỉnh đang ngày một cải thiện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ở tuyến tỉnh Đắk Lắk có 2 bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, 4 bệnh viện chuyên khoa và 7 trung tâm khám chữa bệnh. Còn tại tuyến huyện gồm có 8 bệnh viện đa khoa, 185 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt, với mức vốn đầu tư gần 1,100 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã trở thành bệnh viện lớn và hiện đại nhất ở khu vực Tây Nguyên. Cơ sở hạ tầng rộng rãi khang trang, sạch đẹp (gồm 7 tòa nhà cao tầng), phòng bệnh rộng rãi, thoáng mát, hệ thống phòng mổ hiện đại, trang thiết bị tiên tiến… là cơ sở để đội ngũ y bác sĩ nơi đây triển khai các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngay tại địa phương, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Là 1 tỉnh miền núi nhiều khó khăn hạn chế nguồn kinh phí, cơ sở vật chất,.. song tỉnh Đắk Lắk vẫn quyết tâm đầu tư cho giáo dục làm nền tảng phát triển vững mạnh.
Đến đầu năm học 2019 – 2020, toàn ngành có 1,040 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông (tăng 53 trường so với năm học 2014 – 2015), trong đó có 82 trường ngoài công lập. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa. Tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học, bậc học đạt 64.73%; 100% thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo. Cuối năm 2019, toàn ngành có 46.5% trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu năm 2020 đạt 50%.
Một số trường học tại tỉnh có thể kể đến như: Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, Trường Đại học Luật Hà Nội cơ sở Đắk Lắk,…
Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Đắk Lắk nổi tiếng với các nghề truyền thống như làm bánh tráng dệt thổ cẩm và đan lát. Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cụm nghề dệt thổ cẩm thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Buôn Đôn, Lắk, Cư M’gar. Nghề đan lát có 2 điểm thuộc huyện Lắk và thị xã Buôn Hồ. Nghề làm gốm cổ có 1 cụm tại huyện Lắk. Sản xuất rượu men lá có 2 cụm thuộc huyện Krông Năng. Nổi bật nhất là làng nghề bánh tráng xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn được công nhận đạt tiêu chí làng nghề theo quy định.
Một số nghề truyền thống tại tỉnh Đắk Lắk (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Tỉnh Đắk Lắk là “cái nôi” của nền văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số, với 47/54 dân tộc anh em. Do vậy, nền văn hóa của các dân tộc nơi đây rất đa dạng, nhiều sắc màu. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Ê-đê, M’nông, Gia Rai còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa… đến từ các tỉnh vùng Tây Bắc, Trung bộ, Tây Nam bộ.
Ngoài ra Đắk Lắk nổi tiếng với các lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; các nhạc cụ lâu đời như cồng chiêng, đàn đá, đàn T’rưng… Đây là nơi sản sinh ra những bản trường ca của núi rừng như Đam San, Xinh Nhã…
Những nét văn hóa ấy được minh chứng rõ hơn thông qua các di tích nơi đây. Toàn tỉnh có 19 di tích lịch sử, kiến trúc, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 14 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Một số tiêu biểu như: Nhà đày Buôn Ma Thuột, đình Lạc Giao, tháp Yang Prong,…
Lễ hội đua voi mùa xuân (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Không chỉ có những ưu thế về không gian văn hóa dân gian, thiên nhiên tỉnh Đắk Lắk còn mang sự kết hợp hoàn hảo giữa những dòng sông xen lẫn núi đồi ao hồ, ghềnh thác và những khu vực rừng nguyên sinh tạo nên những thác nước đẹp nổi tiếng, quanh năm mịt mờ sương khói như thác Thủy Tiên, Bảy Nhánh,… nhiều hồ lớn với diện tích hàng trăm héc ta như hồ Lắk, Ea Đờn,… Đặc biệt là hồ Ea Súp thượng với diện tích 1440 ha.
Hơn nữa, du khách đến Đắk Lắk còn có cơ hội được khám phá những khu bảo tồn thiên nhiên đã được quy hoạch như Vườn Quốc gia Yok Đôn, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô,…với nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là voi. Đây chính là những thế mạnh cho tỉnh Đắk Lắk liên tục phát triển ngành công nghiệp không khói. Trải qua cách ly 2 năm đại dịch tuy nhiên doanh thu đến từ du lịch của tỉnh bình quân đạt 340 tỷ với tổng lượt du khách hơn 1.1triệu người.
Vườn Quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Trên đây là những thông tin tổng quan về tỉnh Đắk Lắk do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng rằng, những thông tin trong bài đã có thể giúp nhà đầu tư có được cái nhìn sơ bộ trước khi đưa ra phương án đầu tư sinh lời hợp lý vào thị trường bất động sản tại khu vực này. Ngoài ra, để đọc thêm thông tin các tỉnh thành trên cả nước, bạn đọc có thể truy cập trang web https://senvangdata.com.vn/
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Tất Thành
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về SEN VÀNG GROUP